Skip Ribbon Commands
Skip to main content

32 cụ già và thanh thiếu niên thôn Đức Bản, xã Nhân Nghĩa hy sinh trong trận càn Ăm phi bi

Lịch sử - Văn hóa  
32 cụ già và thanh thiếu niên thôn Đức Bản,  xã Nhân Nghĩa hy sinh trong trận càn Ăm phi bi
Xã Nhân Nghĩa nằm ở phía Nam huyện Lý Nhân giữa hai con sông Châu Giang và sông Long Xuyên. Thôn Đức Bản nằm ở phía Đông Bắc xã Nhân Nghĩa, giáp con sông Long Xuyên. Năm 1951, diện tích tự nhiên của thôn khoảng 40 ha, dân số 135 hộ với 454 nhân khẩu. Khi xã Nhân Nghĩa trở thành vùng bị thực dân Pháp kiểm soát thì thôn Đức Bản có 01 tổ chức đảng gồm 09 đảng viên, 01 chi đoàn thanh niên, 01 chi hội phụ nữ, 01 tổ hội, 01 tổ phụ lão, 01 đội thiếu niên tiền phong, 01 đội du kích, 01 tổ lão binh có 26 người. Nhân dân thôn Đức Bản sống chủ yếu bằng nghề làm ruộng, ngoài ra còn có nghề làm hương đen.
Từ năm 1950-1954 ngôi đình Đức Bản được bí mật cho Nhà nước mượn làm kho chứa vũ khí từ vùng tự do Liên khu III chuyển về để đưa sang Tả Ngạn sông Hồng và ngược lại chuyển lương thực, thực phẩm, thuốc men ra vùng tự do. Du kích và dân quân trong thôn vừa tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu và đào hầm bí mật nuôi giấu cán bộ, bội đội của ta rất cẩn thận và an toàn. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, ở Đức Bản đã có 20 gia đình nuôi và bảo vệ các cơ quan, đơn vị, tiểu đoàn 60, 37 của tỉnh, đơn vị 61 của huyện và nhiều cán bộ huyện đội, tỉnh đội, quân báo tỉnh, ty giáo dục Hà Nam và một số đồng chí cán bộ Tả Ngạn qua đường dây giao thông như:đồng chí Đỗ Mười lúc đó là Chủ tịch tỉnh Hải Phòng;đồng chí Văn Tiến Dũng,Tư lệnh quân khu, Trung tướng Trần Nhẫn… bảo vệ được gần 200 thương binh, gần 200 cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 738 của Sư đoàn 320.
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, cùng với nhân dân huyện Lý Nhân nói riêng và nhân dân cả nước nói chung, nhân dân thôn Đức Bản đã anh dũng chiến đấu hy sinh nhiều xương máu, đóng góp sức người, sức của đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược. Trong những hy sinh to lớn đó phải kể tới tấm gương dũng cảm hy sinh của 30 cụ già và 02 thanh thiếu niên thôn Đức Bản trong trận càn Ăm phi bi.
Thực dân Pháp chiếm đóng hết các xã tự do ở Lý Nhân, Nhân Nghĩa trở thành vùng địch tạm chiếm
Sau thất bại Chiến dịch Biên giới (1950), thực dân Pháp tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện âm mưu “Dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh” liên tục tập trung quân mở những cuộc càn quét lớn, phạm vi rộng hòng phá khu căn cứ du kích của ta, xoá hết vùng tự do, chiếm đóng toàn huyện Lý Nhân. Tháng 4/1951 thực dân Pháp mở tiếp cuộc hành quân quy mô lớn gọi là “Chiến dịch quốc gia” phối hợp với lính các bốt ở địa phương càn quét, bao vây, bình định vùng tự do huyện Lý Nhân. Chúng càn đi, quét lại ở Nhân Nghĩa từ 07/4 đến 20/4/1951, đóng chiếm cống Nha. Đến đâu chúng cũng tàn phá, cướp bóc, hãm hiếp, bắn giết, truy lùng, bắt bớ cán bộ, du kích, phá cơ sở, ép dân lập tề… rồi chúng đóng bốt cống Nha và Nhân Nghĩa trở thành vùng chiếm đóng của giặc. Tháng 5/1951 Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Quang Trung trên địa bàn 03 tỉnh: Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình trong đó có xã Nhân Nghĩa. Ngày 28/5/1951 mở màn chiến dịch thì đến ngày 20/6/1951 chiến dịch kết thúc thắng lợi trong đó có sự góp sức của dân quân du kích Nhân Nghĩa dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng.
Sau chiến dịch Quang Trung kết thúc, Văn phòng chi uỷ và Uỷ ban kháng chiến hành chính xã Nhân Nghĩa chuyển từ Vạn Thọ về Đức Bản. Ở đây đã có cơ sở đảng, chính quyền xã Chung Lý và một bộ phận đơn vị bộ đội địa phương huyện đóng, đồng thời có các tổ quân báo của tỉnh về đóng ở Đông Quan, Lại Khê.
Tháng 11/1951 thực dân Pháp tấn công sang Hoà Bình hòng giành lại thế chủ động trên chiến trường Bắc Bộ thì một lực lượng lớn quân chủ lực của ta luồn vào đồng bằng phối hợp với bộ đội địa phương và dân quân du kích đánh vào hậu phương địch để tiêu hao sinh lực, mở rộng khu du kích phối hợp với chiến dịch Hoà Bình do Trung ương phát động. Ba thứ quân phối hợp chiến đấu, phát triển mạnh mẽ thế trận chiến tranh nhân dân góp phần tiêu hao một phần sinh lực địch. Kẻ thù ngày càng bị cô lập, bị động, rệu rã, khu du kích được mở rộng, đó là những yếu tố quan trọng tạo ra thế và lực mới tiến đến giải phóng quê hương.
Nhân dân Đức Bản cùng nhân dân Nhân Nghĩa và huyện Lý Nhân chống trận càn Ăm phi bi, mở rộng khu du kích, bảo vệ cơ sở kháng chiến góp phần giải phóng quê hương
Thất bại thảm hại trong chiến dịch Hoà Bình, quân Pháp rút chạy về càn quét đồng bằng nhằm đẩy bộ đội chủ lực của ta ra khỏi địa bàn đang đứng chân; phá khu du kích hòng tiêu diệt lực lượng vũ trang để gỡ thế bị bao vây, củng cố thế chiếm đóng, tiếp tục vơ vét của cải, càn bắt thanh niên để bổ sung số quân đang bị thiếu hụt. Chúng đã mở 20 trận càn lớn nhỏ, trong đó có 04 trận càn lớn với lực lượng ngang cuộc tiến công ra Hoà Bình, một trong 04 trận càn lớn đó là trận càn Ăm phi bi do tên tướng Bécsu chỉ huy vào Lý Nhân và Bình Lục, Hà Nam từ ngày 10/3 đến ngày 15/3/1952 trong đó có xã Nhân Nghĩa.
Trận càn này chúng huy động 15 tiểu đoàn trong đó có 10 tiểu đoàn bộ binh, 02 tiểu đoàn dù, 02 tiểu đoàn pháo (30 đại bác), 01 tiểu đoàn cơ giới (150 xe), 18 xe lội nước có máy bay yểm trợ.Ngày 09/3/1952, chúng triển khai vòng vây khép kín huyện rồi tiến sâu vào những khu đã bao vây chia cắt thành những khu nhỏ để càn quét. Nắm được âm mưu của địch, quán triệt chủ trương của Tỉnh uỷ, Huyện uỷ, đồng chí Dương Văn Duy, chi uỷ viên về họp với tổ đảng thôn Đức Bản chuẩn bị các điều kiện bảo vệ và phát triển khu du kích, sau đó nhanh chóng triển khai nghị quyết tới các đoàn thể thanh niên, phụ nữ, phụ lão, nông hội và lực lượng vũ trang đào hầm bí mật để tránh đại bác và chuẩn bị lương thực, thực phẩm, các đội tiếp tế, tải cứu thương…
Chiều ngày 11/3/1952 địch càn tới cống Vùa và cống Nha, khi đó Tiểu đoàn 738 về bố trí trận địa ở Vạn Thọ, Đức Bản. Ngày 12/3/1952 sau hàng giờ dội bom, bắn đại bác tàn phá nhà cửa, cây cối làng Vạn Thọ, binh đoàn cơ động số 4 do tướng Bécsu chỉ huy kéo quân từ Đồng Chữ, cống Vùa đánh vào làng Vạn Thọ. Hai lần địch tổ chức tấn côngđều bị quân ta đẩy lùi, diệt nhiều tên, đến 4 giờ chiều, địch tăng viện, có máy bay, xe lội nước yểm trợ từ cống Nha ồ ạt tiến quân đợt 3 và lọt vào trận địa mai phục của ta ở làng Vạn Thọ. Ròng rã một ngày đánh trả các mũi tiến quân của địch, một số chiến sĩ ta đã hy sinh. Cuộc chiến đấu giáp lá cà giữa ta và địch diễn ra vô cùng ác liệt, chiến sĩ ta đã dùng báng súng, lưỡi lê tiêu diệt nhiều tên địch. Trước tinh thần chiến đấu ngoan cường của quân ta, bọn địch phải tháo chạy. Được lệnh pháo ta từ Đức Bản bắn chặn đường rút lui của giặc, bộ đội và du kích từ Đức Bản hành quân xuống tiếp viện truy kích địch.
Bị đòn đau, địch gọi đại bác từ Phủ Lý, Vĩnh Trụ bắn tới tấp về Đức Bản làm một người chết và một người bị thương. Trên đường hành quân xuống tiếp viện truy kích địch ở Vạn Thọ, một số chiến sỹ bị pháo địch bắn bị thương, chị Cao Thị Vân bật khỏi hầm băng qua bão đạn cõng thương binh về hầm nhà băng bó, nuôi dưỡng. Anh em du kích phục vụ chiến đấu cùng bộ đội chuyển thương binh về Đức Bản băng bó, cứu chữa, các liệt sĩ được chôn cất chu đáo.
Cuộc chiến diễn ra ác liệt, du kích và bộ đội kết hợp chặt chẽ giành giật từng quãng đường, ngõ xóm, địch tháo chạy, ta truy kích suốt trên cánh đồng Vạn Thọ, Hạ Nông, cống Nha. Xác địch nằm ngổn ngang, quân ta thừa thắng truy đuổi địch đến sát vị trí cống Nha. Trong trận này ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 160 tên địch, bắt sống một số tên, thu nhiều vũ khí của địch, đây là thiệt hại nặng nề nhất của địch trong trận càn mang tên “xe lội nước”.
Sự hy sinh anh dũng của 32 cụ già và thanh thiếu niên thôn Đức Bản
Nằm kề bên sông Châu, bao quanh bởi các đường 62, 63, nằm giữa vòng vây của 5 bốt địch, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Huyện uỷ, Chi bộ đảng Nhân Nghĩa, nhân dân Đức Bản đã xây dựng mảnh đất quê hương thành trạm trung chuyển trên đường giao thông từ vùng tự do ra Liên khu III tới tả ngạn sông Hồng, đồng thời cũng là một trong những căn cứ du kích quan trọng của ta.
Lúc này, để tránh mũi nhọn tiến công của địch, bộ đội ta đã rời Đức Bản chuyển đi nơi khác, chỉ còn lại một số thương binh và đơn vị bảo vệ. Có hơn 100 thương binh, hằng trăm dân công từ Duy Tiên, Bắc Lý Nhân, Tả Ngạn về nhân dân Đức Bản nuôi dưỡng, bảo vệ. Khi chuyển thương binh ra vùng tự do vào đêm ngày 13/3/1952, xã đã huy động dân công ở Đức Bản bổ sung thêm người để chuyển thương binh ra ngoài. Tổ đảng ở Đức Bản và Ban chỉ huy thôn đội Đức Bản đã cử một đảng viên, 01 nữ cứu thương, 01 cấp dưỡng, 08 dân quân du kích khiêng cáng thương binh đi theo đường Thượng Nông vượt qua vòng vây sang Bình Lục ra ngoài. Sau khi thương binh đi rồi một số liệt sĩ được các cụ lão binh chôn cất.
Sáng ngày 14/3/1952 giặc Pháp từ bốt cống Nha chia thành 2 mũi kéo lên Đức Bản, một mũi theo đường 63 lên hầu hết là lính da trắng và nguỵ quân, một mũi toàn lính da đen lội đồng từ cống Nha vào xóm 5 Vạn Thọ, ngược lên. Chúng giết 17 người, qua Thượng Nông chúng bắn giết gần một chục người rồi lội đồng về chùa Đức Bản hợp quân.Chúng bắt được cụ Thốn tra khảo hỏi về Việt Minh nhưng cụ lắc đầu không biết, chúng đem cụ vào hầm tránh đại bác nhà cụ Pháo chặt đầu. Đến chùa, giặc chia làm 2 toán, một toán đóng lại ở chùa, một toán phần đông là nguỵ quân và một số lính da trắng và da đen đóng ở nhà ông Hoạch, chúng bắt dân giết lợn gà làm cơm. Tối đến giặc tập hợp các cụ già, em nhỏ ở sân nhà cụ Học để mua chuộc, doạ dẫm khai Việt Minh vì chúng phát hiện thấy bông băng vương vãi ở đây. Gần nửa đêm một số chiến sĩ ta lật hầm vượt vòng vây ra ngoài gần chỗ địch đóng, giặc hốt hoảng bắn loạn xạ nhưng không trúng đồng chí nào.
Sáng 15/3/1952 bọn địch đóng ở Đức Bản dồn các cụ già cho thuốc lá, trẻ em cho kẹo, dụ dỗ chỉ hầm bộ đội, thương binh nhưng không ai khai, chúng rút quân về cống Nha bắt đi 4 cụ: cụ Thức, cụ Tục, cụ Nghĩa, cụ Hoạch. Khoảng 4h chiều, quân Pháp từ cống Nha kéo về chùa Đức Bản, mấy chục tên lính da đen hung hãn kéo ra Đức Bản hỏi dân “Việt Minh” mọi người đều “không biết”. Chúng đánh đập, bắn giết các cụ già, hãm hiếp phụ nữ. Đến nhà bà Chác, chúng dồn dân lại, lôi các cụ ông và em nhỏ vào nhà ông Dụ bắt ngồi thành hàng rồi điên cuồng dùng súng liên thanh bắn hết loạt đạn này đến loạt đạn khác.Sau khi giết xong chúng còn đi giày đinh lên xem còn ai sống sót không rồi phủ rơm lên đốt. Bọn giặc điên cuồng đã giết hại 30 cụ già và 2 thanh thiếu niên Đức Bản. Các cụ đã hy sinh anh dũng để bảo vệ cách mạng. Mất mát đau thương nhưng không một chiếc hầm bị lộ, một cán bộ, bộ đội bị bắt, một khẩu súng, một viên đạn lọt vào tay giặc…
Ngày 16/3/1952, giặc Pháp rút khỏi Nhân Nghĩa đem theo cả bọn lính cống Nha, quê hương hoàn toàn giải phóng.Trận càn Ăm phi bi đầy tham vọng “cất mẻ vó” cuối cùng ở làng Đức Bản chồng chất tội ác của thực dân Pháp đã thất bại thảm hại. Tội ác của chúng không những không làm nhân dân Đức Bản nhụt chí kháng chiến, ngược lại còn hun đúc thêm lòng căm thù, ý chí chiến đấu để tiếp tục chặng đường đấu tranh giải phóng quê hương.
Tháng 7/1954 Bác Hồ đã viết bài báo “Không biết” ca ngợi các cụ già và thanh thiếu niên thôn Đức Bản đã hy sinh anh dũng trong trận càn Ăm phi bi được đăng trên Báo Cứu quốc số 8631 ngày 8/7/1954, (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7, trang 301-302). Chính phủ đã truy tặng “Huân chương kháng chiến hạng Ba” và suy tôn liệt sỹ cho 32 cụ già và thanh thiếu niên thôn Đức Bản, Nhân Nghĩa.Năm 1982, Trung tướng Nguyễn Quyết, Tư lệnh Quân khu III về tổ chức mít tinh tại đây đã khẳng định: Đức Bản là quê hương anh hùng, địa phương anh hùng của đất nước anh hùng./.