Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Kẽm Trống

Thắng cảnh - Du lịch Các địa chỉ du lịch hấp dẫn  
Kẽm Trống
Kẽm Trống - thắng cảnh nên thơ đã được xếp hạng từ năm 1962 nằm ngay bên quốc lộ 1A cách thủ đô Hà Nội gần 80 km về phía nam, trên địa bàn xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam và xã Gia Thanh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.

Kẽm Trống - thắng cảnh nên thơ đã được xếp hạng từ năm 1962 nằm ngay bên quốc lộ 1A cách thủ đô Hà Nội gần 80 km về phía nam, trên địa bàn xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam và xã Gia Thanh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.

Kẽm Trống hiểu đơn giản là một khoảng trống nằm chen giữa hai dãy núi đá vôi do một con sông chảy ở giữa tạo nên. Kẽm Trống là một nét chấm phá, một bức tranh thuỷ mạc mà đất trời đã tạo nên. Khung cảnh thiên nhiên ở nơi đây không mở rộng mênh mông, cũng không đồ sộ bề thế gây sự choáng ngợp như nhiều cảnh quan thiên nhiên khác, Kẽm Trống là một thắng cảnh bao gồm cả sông lẫn núi, đồng ruộng và cỏ cây, cảnh của trời và đất, của con người tạo dựng đã hoà nhập vào nhau thành một quần thể hoàn chỉnh. Con sông Đáy hiền hoà chảy từ phía Tây Bắc qua bao xóm làng, đến đây uốn mình giữa hai triền núi đá vôi. Trời xanh thẳm, núi xanh biếc và dòng nước trong xanh hoà nhập vào nhau quyện với sắc núi, bầu trời cao rộng in bóng xuống dòng sông trong xanh.

Những buổi sớm mai, những ngọn núi nơi đây như bồng bềnh trôi trên biển sương mù. Cảnh hư hư thực thực ấy làm ta liên tưởng đến câu chuyện cổ tích lung linh màu sắc đầy quyến rũ.Vào những buổi sáng đẹp trời ta còn nghe những âm thanh vui tai của vạn chài buông lưới, gõ xuống mạn thuyền. Từng đoàn thuyền cánh buồm căng gió, hàng ngày ngược xuôi qua lại trên Kẽm Trống làm cho cảnh vật nơi đây càng thêm sinh động.

Trước phong cảnh trời nước hữu tình, núi sông ngoạn mục như vậy, bà chúa thơ nôm Hồ Xuân Hương khi đi qua Kẽm Trống đã để lại một bài thơ vừa lãng mạng và cũng rất hiện thực, đã được nhiều thế hệ đọc và thuộc.

Hai bên là núi, giữa là sông

Có phải đây là Kẽm Trống không

Gió dập cành cây khua lắc cắc

Sóng dồn mặt nước vỗ long bong

Ở trong hang núi cong hơi hẹp

Ra khỏi đầu non đã rộng thùng

Qua cửa mình ơi nên ngoái lại

Nào ai có biết nỗi bưng bồng.

Ở quãng sông Đáy này, núi nằm rải hai bên, chân chạy ra tận mép nước, bờ bên hữu có dãy núi Bài Thơ, dãy núi Bạt Gia, gồm các núi Bồng, núi Vọng, núi Thòng Long và núi Rồng. Bờ bên tả có núi Rùa, núi Cổ Động, núi đất Động Xuyên và núi Trinh Tiết, Trên đỉnh núi Trinh Tiết ẩn hiện mái chùa cổ kính, nhân dân đã dựng lên để lấy khí thiêng của trời, tinh khí của đất. Núi ở đây có nhiều ngọn cao thấp, có núi đá, núi đất. Nhiều ngọn núi dựng đứng nhưng cũng có nhiều ngọn thoai thoải đã tạo nên các thế khác nhau. Sự đa dạng ấy của thiên nhiên đã làm cho cảnh quan ở Kẽm Trống thêm sức hấp dẫn.

Bên bờ tả, đằng sau những dãy núi nằm sát mép sông Đáy còn là một hệ thống dãy núi đá vôi trùng điệp. Đây chỉ là một ngọn núi nhô ra của một dải núi đá kéo dài theo hướng Đông Bắc - Tây Nam chạy từ đất Hoà Bình sang đất Thanh Hoá.

Núi ở đây cũng có nhiều hang động: hang Dơi, hang Luồn, hang Nứt…Nếu đứng ở ngoài nhìn vào, người ta không tin đây là hang vì bên ngoài là một lỗ nhỏ hoặc một khe nứt nằm ẩn mình sau những khoảng đá to phải lách mình vào mới được. Nhưng bên trong lại có một diện tích khá rộng và nhiều nhũ đá nhủ xuống tạo thành các hình dáng đẹp. Nhiều hang có lối đi xuyên qua núi.

Cũng về phía tả ngạn sông Đáy có một con sông Đào dài gần hai cây số, cả hai đầu đều nối với sông Đáy, chảy ôm núi rùa và núi cổ Động có liên quan trực tiếp đếm Kẽm Trống.

Chuyện kể rằng vào năm 1821 khi mới lên ngôi, ông vua trẻ Minh Mệnh của triều Nguyễn mở cuộc tuần du từ kinh đô Huế ra Bắc Hà. Trên đường về, Minh Mệnh xuôi dòng sông Đáy để ghé thăm Kẽm Trống và Địch Lộng, những cảnh từ lâu đã nổi danh. Nhưng rồi được nghe và hiểu ra ý hóm hỉnh của bài thơ nôm mà Hồ Xuân Hương tả cảnh Kẽm Trống, Minh Mệnh hạ lệnh cho thuyền dừng lại, nhất định không chịu qua đoạn sông này. Chả nhẽ lên bộ, nhà vua lệnh gấp cho viên quan địa phương đốc thúc nhân dân phải đào xong một con sông mới để thuyền ngự vượt qua. Còn một truyền thuyết: Dưới triều Lê có một vị tướng làng Đoan Vĩ đánh đâu thắng đấy, được triều đình phong đến chức quận công. Ở đây lại có nhiều địa danh như bến Vua, ngòi Rồng…theo thuyết phong thuỷ là mảnh đất tốt. Thượng Chế là quan to của triều đình, một lần qua đây thấy vậy, sợ mảnh đất này phát, ngai vàng sẽ về tay quận công nên đã tâu với nhà vua bắt dân đào một con sông trong một ngày một đêm để triệt tiêu long mạch. Lệnh ban ra, trong khi đào sông, nhân dân bị thương, bị chết rất nhiều, máu hoà đỏ nước.

Hai câu chuyện trên tuy thời điểm lịch sử có khác nhau nhưng đều xuất phát từ quyền lợi, ích kỷ của giai cấp thống trị.

Đã bao đời nay du khách gần xa lui tới tham quan, vãng cảnh Kẽm Trống không quên một cổ tích của quần thể danh lam thắng cảnh này, đó là một ngôi chùa tọa lạc ở lưng trừng núi trinh tiết thuộc thôn Đông Xuyên xã Thanh Hải (huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam). Chùa có tên chữ là “Phật tích tự”, tên nôm “Trinh Tiết sơn tự” nhân dân quanh vùng quen gọi là chùa Trinh Tiết.

Núi Trinh Tiết ở bờ bên trái sông Đáy cùng các ngọn núi khác quần tụ, hợp với dòng nước uốn lượn trong xanh thành bức tranh sơn thuỷ ngoạn mục. Chùa Phật tích trông ra dòng sông đáy, được xây dựng lại dưới  triều Lê Trung Hưng. Chùa kiến trúc theo kiểu chữ  “Nhị” gồm hai toà, mỗi toà ba gian, đã trải qua nhiều lần trùng tu. Lần gần đây nhất vào năm 1930. Chữ viết ở thượng lương tiền đường ghi rõ “Bảo Đại canh ngọ thập nhị nguyệt sơ lục nhật trùng tu”. Bên phải chùa có ngôi miếu thờ “Thập bát Long thần Chân tể” một vị thiên thần, dân gian tôn xưng là Đức Ông. Ở cửa miếu, câu đối theo kiểu chữ nhấn vữa, phác hoạ phong cảnh nơi đây:

Thụ thập kỳ viên, cổ vãng kim lai quang bất tận

Sơn danh Trinh Tiết, phong thanh nguyệt bạch hội trường tân

Tạm dịch:

Vào đám mây trốn kỳ viên, xưa tới nay phong quang vô tận

Tên ngọn núi gọi là Trinh Tiết, trăng thanh gió mát vận hội canh tân

Tuy xa làng xóm, nhưng chùa lại gần Quốc lộ 1A, nên thuận tiện khách thăm quan.Theo tuần tiết, chùa Trinh Tiết quanh năm vẫn đều đặn khói hương. Đâu chỉ lễ Phật, nhân dân trong vùng còn đến thắp hương tưởng niệm vị công chúa thời Trần được thờ ở Hậu cung chùa.

Chuyện kể rằng: Tháng 3 năm Mậu Dần (1389), Hồ Quý Ly bắt ép vua Trần Thuận Tông phải đi tu ở cung Bảo Thanh và nhường ngôi cho Thái tử Trần An mới 3 tuổi.Trần Thị Bạch Hoa, chị gái cuả Thái Tử, lúc đó mới 17 tuổi được Hồ Nguyên Trừng thương tình, cho người đem thuyền chở đi lánh nạn. Nguyễn Bằng Cử bí mật hộ tống. Tới Kẽm Trống, thấy phong cảnh hữu tình, bà cho thuyền đậu lại, chọn đất dựng chùa, dốc lòng thờ phật làm việc công đức cho dân. Rồi về sau bà thác tịnh tại đây.

Câu đố chùa cho biết nguồn gốc của chùa Trinh Tiết:

Trần triều thuỷ tạo lưu thiên tích

Chúa Nguyễn trùng tu sáng phật đài

Nghĩa là: Chùa dựng từ Triều Trần để lại dấu vết người đầu tiên. Các chúa Nguyễn qua đây cho phép sửa lại chùa tạo thêm đài thờ Phật.

Việc thờ Bạch Hoa công chúa có liên quan đến tên núi, tên chùa. Có hai thuyết:

Thuyết thứ nhất cho rằng, tên núi Trinh Tiết có trước, rồi chùa mới đặt tên núi, chùa được dựng lên để mong tích tụ khí thiêng của Trời và tinh tuý của Đất. Thuyết thứ hai cho rằng, tên núi gọi theo tên chùa, vì chùa thờ một vị công chúa thời Trần chưa có chồng, còn nguyên vẹn trinh tiết

Trong số các du khách đã vãng cảnh chùa, có các vị Vua chúa, những cao nhân mặc khách, kể cả người nổi tiếng trên văn đàn thuở trước. Tại chùa và trong dân gian còn lưu trữ một số bài thơ đề vịnh chùa Trinh Tiết, giàu giá trị văn hoá, giá trị văn học

Tháng 11 năm Canh Tuất (1430) vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) cầm quân đi đánh Bế Khắc Triệu, Nông Đắc Thái ở chân Thạch Lâm (Cao Bằng ngày nay). Thuyền Ngự dừng nơi Kẽm Trống, vua lên núi vãng cảnh và để lại bài thơ “Đề chùa Phật Tích”

Sân chùa lá đỏ đang rơi

Chiều hôm lên núi nghỉ ngơi sao buồn

Rêu phong gạch ngói xanh rờn

Ở bên tượng hỏng may còn bát nhang

Thời bình nay đã bước sang

Lòng người thì vẫn nước làng năm xưa

Thương thay cảnh vật hoang sơ

Nhà Trần công chúa phụng thờ có thiêng

Phò một trong xứ hương thôn

Chấn hưng cơ nghiệp tiền nhân dựng nền

Thời vua Lê - Chúa Trịnh, Thái sư Trịnh Kiểm đi đánh Mạc Phúc Nguyên thường qua vùng này, cũng đã sáng tác bài thơ vịnh chùa Phật tích:

Lên bờ chiều tới nơi chân núi

Đường đá vin cây bước bước lên

Mưa móc ướt thân người bái Phật

Đường hoàng pho tượng vị trinh tiên

Nghe rằng gửi xác hàm rồng nọ

Lánh nạn tu đây dựng cảnh thiền

Mười năm thập kỷ người tôn kính

Vì dạ cao kiên tao dựng nên

Danh sỹ Bùi Huy Bích, khi vãng cảnh chùa đề vịnh một bài thơ thấm thía nỗi buồn man mác:

Núi tên Trinh tiết năm nào

Mà ngôi chùa ấy ai vào dựng nên

Non ai cây mọ xanh đen

Hát giang lớn nhỏ thuyền chen mái chèo

Trong thôn nói lại vài điều

Tượng đá công chúa tiên chiều tại đây

Cầu cho nạn khỏi tai bay

Nén hương trầm kín tỏ bày nỗi riêng

Việc đời dời đổi cảnh thiền

Mái tường dột nát bóng xiên trời chiều…

Vua Minh Mệnh nhà Nguyễn nhân một chuyến tuần du lên vùng biên ải (1833) qua vùng sông Đáy, cảm hứng về một vùng đất còn lưu lại dấu vết thời Hồ chống giặc Minh xâm lược sáng tác bài thơ nhan đề: “ Đi thuyền trên sông Hát (sông Đáy ) viếng chùa Phật tích”

Thuở trước nơi đây cảnh chiến trường

Mấy chiều mấy độ trải tang thương

Các thù sông núi còn rơi vãi

Dấu phật chùa am vẫn khói sương

Thành luỹ chỉ vòng nơi xóm bãi

Hơn thua chuyện phiếm các hầu vương

Nghỉ chân cũng muốn lên thăm chút

Há bận biên cương việc khó lường.

Thi hào Nguyễn Du qua chùa sáng tác bài thơ đầy lòng thương cảm về công chúa Bạch Hoa:

Chán đời bụi bặm vào trong núi

Gửi tấm thân tàn một thảo am

Quốc tặc đã đành không giải cứu

Nhân tình đâu chuyện nghĩ đa mang

Gió trăng mát mẻ nguôi trần hận

Hoa cỏ thơm tho cúng phật đàn

Công chúa triều Trần năm trước đấy

Vài vần nhắn nhủ khách du quan

Theo mạch ấy, nhưng mang ý nghĩa tôn vinh, là bài thơ đề năm sáng tác 1820 của tri phủ Nghĩa Hưng Ngô Văn Thành:

Một non, một nước, một người xinh

Vì mến tiết cao nên có thế

Từ trần hương khói vẫn nguyên lành

Danh lam như còn vang vọng âm hưởng những bài thơ xưa ngợi ca non nước hữu tình và huyền tích một nàng công chúa … Chùa Trinh Tiết đã và đang mời gọi du khách gần xa.