Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Một số dự án, đề tài ứng dụng khoa học - công nghệ

Các ngành kinh tế Nông - Lâm - Ngư nghiệp  
Một số dự án, đề tài ứng dụng khoa học - công nghệ

I. Dự án: Xây dựng mô hình chăn nuôi bò sữa năm 2002 - 2003

Mục tiêu: Xây dựng mô hình chăn nuôi bò vắt sữa để đúc rút kinh nghiệm xây dựng thành nghề sản xuất mới, góp phần chuyển dịch cơ cấu ngành chăn nuôi, đưa chăn nuôi thành ngành sản xuất chính. Từ kết quả mô hình, mở rộng sản xuất, tăng nhanh quy mô đàn bò sữa và cung ứng giống cho nông dân theo đề án đã duyệt.

Kinh phí: 7,412,362 triệu đồng. Vốn thực hiện dự án được huy động từ các nguồn: Ngân sách tỉnh hỗ trợ từ nguồn sự nghiệp kinh tế cho 30% giá trị giống bò, trả lãi xuất tiền vay 20% giá trị bò giống trong 5 năm, giống cỏ, điểm gom sữa, một phần công tác thú y, chuyển giao kỹ thuật, chi khác và dự phòng, tổng cộng là  2.500 triệu đồng; Vốn từ Chương trình phát triển chăn nuôi bò sữa Trung ương: 336,150 triệu đồng; Vốn tự có của nông dân: 4.576,178 triệu đồng.

Quy mô của dự án là xây dựng mô hình chăn nuôi bò sữa tại 3 cụm chăn nuôi thuộc các huyện Thanh Liêm, Kim Bảng và Duy Tiên. Năm 2002, dự án nhập 150 con bò sữa (giống bò Úc).

1. Kết quả thực hiện dự án bước 1 giai đoạn I

1.1. Chọn hộ: Đã chọn được 75 hộ với tiêu chuẩn tự nguyện, có khả năng về kinh tế, có kỹ thuật chăn nuôi có xác nhận của chính quyền địa phương.

1.2. Tổ chức tập huấn: Tổ chức tập huấn cho cán bộ kỹ thuật từ 1 tháng đến 2 tháng, tập huấn cho hộ nông dân 15-30 ngày. Nội dung tập huấn về kỹ thuật xây dựng chuồng trại, kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng bò sữa, kỹ thuật vắt sữa, kỹ thuật phòng và chống bệnh cho đàn bò, kỹ thuật trồng cỏ…

1.3. Cung ứng bò giống: Năm 2002 chỉ có 1 đơn vị nhập bò giống duy nhất là Công ty Novicô. Công ty này được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp giấy phép cho nhập bò sữa từ Úc về. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thuyết phục Công ty Novicô nhập bò sữa về nuôi tân đáo tại Hà Nam và cho phép nông dân cùng cán bộ kỹ thuật chọn bò giống nên chất lượng đàn bò tương đối tốt.

1.4. Nuôi dưỡng và phòng bệnh: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã huy động 12 cán bộ thú y cùng 5 kỹ sư chăn nuôi và 6 cán bộ kỹ thuật của các xã tham gia thực hiện dự án. Phân công 1 bác sỹ thú y đảm nhận 20 con bò, 1 kỹ sư chăn nuôi và 1 cán bộ thú y của xã hàng ngày kiểm tra theo dõi hướng dẫn nông dân chăm sóc, nuôi dưỡng và trị bệnh cho đàn bò sữa, mỗi hộ có 1 sổ theo dõi bò sữa. Mỗi cụm có 1 đồng chí lãnh đạo Chi cục thú y hoặc Trung tâm bò sữa phụ trách. Khi bò sữa có bệnh, cán bộ thú y trực tiếp khám và điều trị, nếu trường hợp khó khăn báo cáo với Chi cục Thú y và lãnh đạo Sở, tổ chức hội chẩn hoặc mời Cục Thú y, Viện Chăn nuôi hoặc giáo viên Khoa Thú y, Trường ĐHNN I Hà Nội về giúp. Hàng tháng có đánh giá và rút kinh nghiệm kịp thời.

Từ tháng 11/2002-9/2003 có 135 ca bò sữa ốm (có con ốm 2-3 lần). Chi cục thú y đã lấy 15 mẫu bệnh phẩm gửi đến Trung tâm Thú y Quốc gia để xét nghiệm. Tổ chức tiêm phòng bệnh tụ huyết trùng, ký sinh trùng đường máu và tẩy giun sán cho toàn đàn bò sữa.

1.5. Kết quả sinh sản và tiêu thụ sữa:

1.5.1. Đàn bò nhập 150 con đã đẻ 75 bê cái, 75 bê đực, bê đẻ ra sinh trưởng, phát triển tốt (đảm bảo yêu cầu nhập 100% bò sữa có chửa).

- Năng suất sữa vụ xuân đạt 10-25kg/con/ngày, trung bình 15kg/con/ngày.

- Năng suất sữa vụ hè đạt 6-20kg/con/ngày, trung bình 11kg/con/ngày.

1.5.2. Bình quân sản lượng sữa đạt 1.400 – 1.500 kg sữa /ngày. Đến nay tổng lượng sữa đã xuất cho nhà máy 253 tấn, giá bình quân đạt 3,150 đồng/kg sữa tươi.

1.6. Thụ tinh nhân tạo cho bò lai sind:

Đến nay đã thụ tinh nhân tạo cho  đàn bò 135 con, có 75% con đã qua 1 chu kỳ sinh lý, dự kiến tỷ lệ thụ thai mới đạt 50%. Phấn đấu đến tháng 10 số bò sữa có thai đạt 80%, số còn lại thực hiện trong tháng 11-12.

Có 15 con bò chết và loại thải, trong đó 3 con chết do chủ quan của người nông dân, 7 con do hỏng móng, viêm khớp, bệnh phổi, do chướng bụng đầy hơi cấp tính và 5 con bị loại thải. Nguyên nhân có cả khách quan và chủ quan.

Về nguyên nhân chủ quan: Giống bò sữa nhập ngoại là một con vật nuôi khó nhất trong các giống vật nuôi. Trong khi đó đội ngũ cán bộ chăn nuôi, thú y từ tỉnh đến các cơ sở mặc dù đã được đào tạo và tập huấn qua nhiều lớp về chăn nuôi, về thú y đối với con bò sữa nhưng nói chung còn yếu về trình độ và tay nghề đối với một nghề mới. Đây là một trong những nguyên nhân chủ quan dẫn đến việc thực hiện dự án nuôi bò sữa gặp nhiều rủi ro.

Các cán bộ chăn nuôi bò sữa thiếu kinh nghiệm, họ nghĩ rằng chăn nuôi bò sữa cũng như bò thường dẫn đến đa số hộ nông dân chưa chấp hành nghiêm chỉnh quy trình kỹ thuật đã hướng dẫn; chuẩn bị chuồng trại nuôi đơn giản chưa đảm bảo tiêu chuẩn; chuồng nuôi chật hẹp, bao kín, nền chuồng bằng xi măng nhẵn, thường xuyên tắm cho bò khi trời nóng nên dễ gây cảm nhiệt (Stress), hà móng, viêm cơ đầu gối. Trong quá trình nuôi dưỡng, đa số các hộ thực hiện sai quy định, có hộ cho ăn quá nhiều, có hộ cho ăn quá ít, không đủ lượng cỏ xanh và thức ăn dẫn đến đàn bò suy dinh dưỡng.

Sự chỉ đạo điều hành từ Sở đến cơ sở chưa được quan tâm đúng mức: lãnh đạo, chỉ đạo thiếu cương quyết, chưa cụ thể, những vấn đề quan trọng như nuôi dưỡng, chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh, thụ tinh nhân tạo được quyết định chưa kịp thời. Hơn nữa, trong quá trình tổ chức thực hiện dự án, sự phối hợp của các cấp các ngành trong tỉnh với ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn còn hạn chế, chăn nuôi bò sữa là một nghề mới, không chỉ riêng của ngành nông nghiệp.

Về nguyên nhân khách quan: Bò sữa nhập từ Úc (vùng ôn đới) về Hà Nam (vùng nhiệt đới) chịu sự tác động của nhiều yếu tố thời tiết khi hậu ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển của đàn bò, thời gian thích nghi với điều kiện sống mới chưa đủ, lại trong điều kiện thời tiết năm 2003 có nhiều bất thuận: đàn bò trải qua một vụ đông rét, lạnh đột ngột, khô hạn, thiếu nước (xã Ba Sao), vụ hè đến sớm có 9 đợt nắng nóng kéo dài gây ra stress nhiệt bất lợi cho sức khoẻ đàn bò sữa và nhiều con bò sữa đã bị đổ bệnh.

Bò sữa từ điều kiện chăn nuôi tự nhiên sang điều kiện nuôi nhốt, không được vận động thường xuyên, chuồng trại chật, nóng, nền chuồng bằng xi măng, ẩm thấp làm lớp móng mềm nhũn gây thối móng, kế phát phù gối viêm cơ bắp.

Chuyên gia về chăn nuôi bò sữa ít, tài liệu nghiên cứu về bò sữa, đặc biệt kỹ thuật thực tiễn chăn nuôi bò sữa từ các cơ quan Trung ương đến các địa phương lại rất hạn chế, do đó khi phát sinh vấn đề về dinh dưỡng, về bệnh tật, về thụ tinh nhân tạo đều còn xử lý lúng túng.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cùng các huyện, xã tham gia dự án) thì dự án chăn nuôi bò sữa tại 3 cụm xã chăn nuôi bò sữa năm 2003 đã được tổ chức thực hiện một cách bài bản và thận trọng, tuy gặp một số rủi ro nhưng dự án đã cơ bản thực hiện được các mục tiêu đề ra, dự án đã tạo tiền đề cho một nghề mới có hiệu quả tại Hà Nam.

2. Dự án bò sữa bước 2 giai đoạn I

Thực hiện dự án bò sữa bước 2 giai đoạn I, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã mở hội nghị triển khai các nội dung tập huấn và tham quan mô hình trong và ngoài tỉnh, phổ biến chế độ chính sách tới tận các xã có điều kiện chăn nuôi bò sữa, tổ chức cho đăng ký đến từng hộ.

Đào tạo đội ngũ cán bộ thú y tỉnh, huyện, xã tại Trung tâm Bò và đồng cỏ Ba Vì, tham quan thực tế chăn nuôi bò sữa tại tỉnh.

Mua bò đực giống lai sind để đẩy mạnh chương trình sind hóa đàn bò, từ bò cái lai sind thụ tinh bò cao sản để tạo đàn bò sữa.

Từ tháng 7/2003, Sở đã có ý kiến đề xuất với tỉnh Hà Nam là không nhập bò sữa từ nước ngoài về làm bò sản xuất.

Dự án chăn nuôi bò sữa đến nay đã thực hiện được 1 năm, triển khai trong điều kiện thời tiết bất thuận hiếm có trong 50 năm qua, thêm vào đó đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến cơ sở đặc biệt là nông dân tham gia còn thiếu kinh nghiệm, hạn chế về chuyên môn nghiệp vụ. Dự án đã được xây dựng một cách chi tiết, cụ thể, tổ chức triển khai đạt kết quả  bước đầu và được đa số hộ nông dân tham gia dự án đồng tình, tạo được một đàn bò có năng suất sữa và chất lượng cao, nhiều hộ nông dân đạt thu nhập cao từ nuôi bò sữa, tạo cho nông dân một nghề mới.

Để dự án tiếp tục phát triển, đủ sức vượt qua những rủi ro và khó khăn như hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh cho phép triển khai dự án phát triển bò sữa buớc 2 giai đoạn I sau khi đã chuẩn bị đầy đủ về các điều kiện chăn nuôi bò sữa (cán bộ, kiến thức, đồng cỏ, lao động và cơ sở vật chất); tiếp tục quan tâm trong lãnh đạo cũng như tăng cường về đầu tư cho chương trình phát triển chăn nuôi bò sữa của tỉnh.

Đề nghị UBND tỉnh, Sở Tài chính - Vật giá cho phép sử dụng kinh phí dự phòng hỗ trợ một phần kinh phí cho hộ chăn nuôi bò sữa bị rủi ro do dịch bệnh.

Ngoài ra yêu cầu Công ty Novico cùng có trách nhiệm vật chất đối với các hộ chăn nuôi bò sữa gặp rủi ro (trách nhiệm hậu mãi sau khi bán bò cho dân).

II. Dự án: Xây dựng mô hình điểm trang trại nuôi lợn nái ngoại cung cấp giống và tạo vùng nguyên liệu xuất khẩu

Mục tiêu: Xây dựng mô hình chăn nuôi lợn nái ngoại theo quy trình công nghiệp. Đồng thời hoàn thiện quy trình kỹ thuật nuôi công nghiệp để nâng cao chất lượng, tạo vùng nguyên liệu để tiêu dùng và xuất khẩu.

Thời gian: Từ tháng 5/2002 đến tháng 12/2003.

Kết quả thực hiện dự án

1. Chọn điểm và trang bị kỹ thuật chăn nuôi: Dự án được triển khai với quy mô 44 hộ, mỗi hộ xây dựng mô hình chăn nuôi từ 10-20 con. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông kết hợp với Chi cục Thú y liên tục mở các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến, phương pháp phòng và trị bệnh đối với con lợn nái ngoại, tổ chức thăm quan các trang trại quy mô lớn đạt hiệu quả cao, có bề dầy về chăn nuôi ở trong và ngoài tỉnh.

2. Xây dựng chuồng trại: Hướng dẫn các hộ thiết kế xây dựng chuồng trại theo đúng quy trình chuồng trại nuôi công nghiệp; chuồng nuôi nái hậu bị chờ phối riêng, chuồng đẻ, chuồng nuôi lợn con sau cai sữa riêng. Đối với nguồn nước thải kết hợp với xây dựng hầm Bioga để tiến hành xây dựng các chuồng trại theo đúng quy trình, đúng tiến độ và theo hướng dẫn.

3. Sử dụng thức ăn công nghiệp: Hướng dẫn các hộ tham gia dự án sử dụng thức ăn công nghiệp của hãng có tiếng để đảm bảo yêu cầu dinh dưỡng đối với từng giai đoạn phát triển của lợn.

4. Nhập con giống: Theo yêu cầu kỹ thuật, giống lợn nái hậu bị được mua ở các Trung tâm giống lợn ông bà theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật của nhà nước theo quy định, con giống nhập về phải được chọn kỹ lưỡng qua nhiều đợt. Do yêu cầu số lượng giống ở các mô hình nhiều và theo quy trình kỹ thuật nên phải cung cấp lợn hậu bị qua nhiều đợt: Đợt 1: nhập 47 con, đợt 2: 204 con, đợt 3: 229 con.

5. Sinh trưởng phát triển của đàn lợn

Số lợn nhập đợt 1 tháng 11, 12/2002 đã sinh sản 29 con  đạt 61%, mỗi con đẻ 8-10 con, có con đẻ 14 con như hộ ông Nguyễn Hữu Chung (Yên Bắc-Duy Tiên).

Số lợn nhập đợt II trong tháng 4, 5/2003 đến nay hầu hết đã được phối giống và có con chuẩn bị đẻ.

Số lợn nhập đợt III trong tháng 6, 7/2003 sinh trưởng phát triển tốt. Đến nay khối lượng bình quân đạt 70-80 kg/con.

Số lợn con đẻ ra sau 2 tháng tuổi đạt khối lượng 25-30 kg, bán cho các trại chăn nuôi lợn thịt trong tỉnh với giá 22.000-24.000đ/kg.

Mặc dù đã được nuôi dưỡng theo đúng quy trình kỹ thuật nhưng một số vẫn phải bị loại thải, không thể gây nái được, số lợn loại thải là 57 con, chiếm 11,8% do các nguyên nhân: Kinh nghiệm của người nông dân còn hạn chế, sự thích nghi của các giống lợn ngoại với điều kiện thời tiết khí hậu còn kém.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị UBND tỉnh tiếp tục cho duy trì các mô hình chăn nuôi lợn nái ngoại làm tiền đề cho các năm sau để nâng cao chất lượng cũng như số lượng thịt lợn trong toàn tỉnh, nâng cao tỷ lệ lợn nạc đối với đàn lợn địa phương; đồng thời đề nghị các cấp chính quyền hàng năm cấp kinh phí tập huấn cho các hộ, thường xuyên cho cán bộ kỹ thuật hướng dẫn bà con nông dân.

III. Dự án xây dựng mô hình cá rô phi xuẩt khẩu

Mục tiêu: Xây dựng mô hình nuôi cá rô phi đơn tính theo hình thức thâm canh tại 6 huyện, thị xã với quy mô 120 ha (năm 2003: 40 ha, năm 2004: 80 ha), bao gồm xây dựng quy trình kỹ thuật và hoàn thiện cơ chế quản lý, tổ chức sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm.

Kết quả: Có 55 hộ được chọn và tham gia tập huấn với tổng diện tích 32,7 ha đạt 79,25% so với kế hoạch. Sau hơn 3 tháng nuôi, nhìn chung tốc độ sinh trưởng của cá chậm so với quy trình đề ra. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã mời các hộ tham gia dự án tập huấn kỹ thuật về quy trình nuôi cá rô phi thương phẩm đợt 2. Do các hộ đã tích cực đầu tư thức ăn nuôi nên tốc độ sinh trưởng của cá tốt, đa số cá đạt khối lượng bình quân 3-10 con/kg. Ước tính số lượng cá còn lại khoảng 1.353.590 con= 61%; so với khối lượng bình quân 164,6g/con (thời điểm 15/9).

Khối lượng cá bình quân chưa đạt so với quy định do nguyên nhân chủ yếu là điều kiện thời tiết bất thuận, tháng 5-7 ít mưa, nắng nóng, có nhiều điểm thiếu nước thay nên ảnh hưởng đến sinh trưởng của cá. Mức độ đầu tư thức ăn của các hộ chưa đảm bảo theo quy định, thiếu số lượng, phần lớn cho ăn thức ăn tự chế.

Hiện nay trên thị trường nội địa giá 1 kg cá rô phi loại 300g/con là 12.000 đ/kg. Vừa qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tích cực thông qua Bộ Thủy sản và các công ty để ký kết hợp đồng tiêu thụ cá rô phi thương phẩm, giao cho Trung tâm Khuyến nông làm việc với Công ty Xuất khẩu thuỷ sản II Quảng Ninh và Công ty Thủy sản Hạ Long. Hai công ty này đã triển khai kỹ thuật các điểm sản xuất và tiến hành ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cá rô phi thương phẩm với giá 12.000 – 14.000 đ/kg và với số lượng không hạn chế.

Do các hộ nông dân tham gia dự án phần lớn là thiếu vốn, không cho cá ăn như khuyến cáo, bên cạnh đó, điều kiện thời tiết năm 2003 bất thuận nên cá sinh trưởng và phát triển chậm. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị UBND tỉnh, UBND các huyện, thị xã có ý kiến với ngân hàng tạo điều kiện cho các hộ tham gia dự án được vay với lãi suất ưu đãi để đầu tư cho việc nuôi các rô phi thâm canh.

IV. Dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con nuôi vùng ruộng trũng sang sản xuất đa canh

Mục tiêu: Xây dựng mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi vùng ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang sản xuất đa canh để nâng cao giá trị thu nhập trên 1 đơn vị diện tích; Phấn đấu đến 2005 chuyển đổi được 3.000- 4.000 ha. Thông qua xây dựng mô hình để đào tạo đội ngũ cán bộ, người lao động là các hộ nông dân có đủ trình độ để ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất đa canh. Nhân rộng mô hình ra diện rộng.

Quy mô và kinh phí thực hiện dự án: Năm 2001: chuyển đổi 293 ha của 18 xã trên 6 huyện thị, với kinh phí là 15.799, 7 triệu. Năm 2002: chuyển 668 ha của 32 xã với tổng số kinh phí là 29.653,8 triệu đồng. Năm 2003: chuyển đổi 729,7 ha của 50 xã với tổng kinh phí thực hiện 28.553,8 triệu đồng.

Kết quả thực hiện dự án

Tính đến nay UBND các huyện đã phê duyệt 18 dự án cấp xã với diện tích cho phép chuyển đổi là 293 ha cho năm 2001; Phê duyệt 32 dự án với tổng diện tích cho phép chuyển đổi là 668 ha cho năm 2002 và năm 2003 là 50 dự án với tổng diện tích chuyển đổi 724 ha.

Hoàn thành chuyển đổi 961 ha của năm 2001 và năm 2002, năm 2003 đã thẩm định xong các dự án của các xã làm cơ sở để các huyện ra quyết định phê duyệt theo quy định của UBND tỉnh. Kết quả cho thấy nhiều hộ nông dân có thu nhập ở mức gấp 1,5  đến 2 lần so với trước khi chưa chuyển đổi, có hộ đạt 60 – 70 triệu đồng/ha/năm.

Bên cạnh những kết quả đạt được, dự án gặp một số trở ngại về thời hạn sử dụng đất (10 năm đối với đất cơ bản, 5 năm đối với đất dự trữ 5% của xã) và vốn cho vay của Nhà nước quá ít. Ngoài ra, hệ thống tưới tiêu cho các vùng chuyển đổi đã có nhưng không phát huy được tác dụng, nước lấy vào vùng chuyển đổi còn phụ thuộc vào lịch tưới tiêu thâm canh lúa.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có kiến nghị với tỉnh uỷ, UBND tỉnh tiếp tục mở rộng dự án vào các năm tiếp theo trên cơ sở dự án chuyển dịch cơ cấu cây trồng, con nuôi vùng ruộng trũng bước đầu đem lại kết quả trong sản xuất, nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện. Đồng thời đề nghị cần có cơ chế quy định thời gian sử dụng đất dài và ổn định hơn để nông dân yên tâm đầu tư; có chính sách ưu tiên để nông dân được vay vốn nhiều hơn, thời gian vay dài hơn và với lãi suất thấp (0,6%/tháng).