Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi

Văn hóa - Xã hội Thành tựu giáo dục nổi bật  
Nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi
Tháng 12/2013, Hà Nam chính thức trở thành tỉnh thứ 5 của toàn quốc hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi (PCGDTHĐĐT) mức độ 2. Đây là kết quả của quá trình phấn đấu bền bỉ nhiều năm liền của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành liên quan, đặc biệt là ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT). Đạt được mức độ cao của PCGDTHĐĐT là một kết quả phấn khởi nhưng để củng cố, nâng cao chất lượng phổ cập cần phải tiếp tục nỗ lực nhiều.

Công tác PCGD nói chung, PCGDTHĐĐT nói riêng trên địa bàn tỉnh từ lâu đã luôn nhận được sự quan tâm từ cấp ủy, chính quyền các cấp. Chương trình, kế hoạch, các mục tiêu công tác của PCGDTHĐĐT được đưa vào nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp. Ban chỉ đạo phổ cập các cấp được thành lập, có sự phân công nhiệm vụ cụ thể, tập trung quán triệt sâu sắc các văn bản chỉ đạo của Đảng, của Nhà nước và ngành GD&ĐT về vấn đề này; xây dựng kế hoạch thực hiện, kiểm tra, đánh giá, công nhận theo từng cấp và đề ra nhiệm vụ cho những năm tiếp theo. Ngành GD&ĐT phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền, tổ chức tốt “Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường”, huy động tối đa trẻ em 6 tuổi ra lớp. Cùng đó, chỉ đạo các trường học nâng cao chất lượng giáo dục, thực hiện các biện pháp chống lưu ban, bỏ học. Cùng với việc xây dựng đội ngũ giáo viên giỏi, bồi dưỡng học sinh giỏi, các nhà trường cũng thực hiện phụ đạo cho học sinh yếu kém, quan tâm đặc biệt đến đối tượng học sinh khuyết tật, học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Đội ngũ cán bộ làm công tác phổ cập được tập huấn nghiệp vụ. Ban chỉ đạo phổ cập các cấp cũng hết sức coi trọng công tác xã hội hóa giáo dục, trong đó xác định vai trò của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp có tính chất quyết định. Tổng kinh phí đầu tư chung toàn tỉnh phục vụ công tác PCGDTHĐĐT từ năm 2011 đến tháng 10/2013 là 372 tỷ đồng. 

Từ sự nỗ lực trong chỉ đạo, thực hiện, các mục tiêu PCGDTHĐĐT của tỉnh dần được hoàn thành. Hệ thống mạng lưới trường lớp ngày càng đáp ứng yêu cầu, được bố trí hợp lý để học sinh thuận lợi đến trường. Toàn tỉnh có 140 trường tiểu học với 58.600 học sinh, bảo đảm bình quân không quá 35 học sinh/lớp. Phòng học an toàn, có bảng, đủ bàn ghế đúng quy cách, đủ ánh sáng, thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông, có tủ đựng hồ sơ, thiết bị dạy học, có điều kiện tối thiểu dành cho học sinh khuyết tật học tập thuận lợi. Trường học có các phòng chức năng với các phương tiện, thiết bị cần thiết để phục vụ hoạt động dạy học và giáo dục trong nhà trường. Các trường cũng có sân chơi, đồ chơi, thiết bị vận động cho học sinh, bảo đảm điều kiện cho các em được luyện tập an toàn. Những đơn vị tổ chức bán trú cho học sinh có chỗ ăn, nơi nghỉ đảm bảo các yêu cầu vệ sinh, sức khỏe. Năm 1999, Hà Nam được Bộ GD&ĐT công nhận PCGDTHĐĐT. Năm 2011 được công nhận PCGDTHĐĐT mức độ 1 và năm 2013 được công nhận mức độ 2.  Năm học này toàn tỉnh đã huy động 12.709/12.710 trẻ 6 tuổi vào lớp 1, đạt tỷ lệ 99,9%. Có 98,2% trẻ 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học và số trẻ 11 tuổi còn lại đang học tiểu học. 85,7% học sinh tiểu học được học 9 - 10 buổi/tuần. Về đội ngũ, đảm bảo 1,53 giáo viên/lớp. 100% giáo viên đạt chuẩn trở lên trong đó trên chuẩn chiếm tới 92,6%. Cũng từ năm học 2012 - 2013 đến 2013 - 2014, mỗi trường tiểu học đều được đầu tư từ 01 - 02 phòng ngoại ngữ với tổng kinh phí 45 tỷ đồng. Tính đến thời điểm tháng 10/2013, 6/6 huyện, thành phố của tỉnh đều đạt chuẩn PCGDTHĐĐT mức độ 2, trong đó huyện Duy Tiên, Kim Bảng có 100% đơn vị đạt. Tỷ lệ đạt PCGDTHĐĐT mức độ 2 ở các đơn vị còn lại là: Bình Lục 94,7%, Thanh Liêm 94,1%, Lý Nhân 95,7%, thành phố Phủ Lý 90,5 %.

Trở thành một trong những đơn vị đầu tiên của toàn quốc đạt chuẩn PCGDTHĐĐT mức độ 2 là kết quả phấn khởi trong phát triển sự nghiệp GD & ĐT của tỉnh. Tuy nhiên, làm thế nào để duy trì, củng cố và ngày càng nâng cao chất lượng phổ cập là cả một vấn đề. Toàn tỉnh vẫn còn tới 05 xã chưa đạt chuẩn PCGDTHĐĐT mức độ 2. Về cơ sở vật chất, hiện tỉ lệ phòng học cấp 4 ở bậc tiểu học vẫn còn nhiều, vẫn còn một số trường tiểu học chưa đạt chuẩn mức 1. Việc phát huy hiệu quả của các phòng chức năng vẫn còn hạn chế. Về đội ngũ, tuy tỉ lệ đạt chuẩn cao nhưng để đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT còn phải tiếp tục phấn đấu.

Để tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng PCGDTHĐĐT mức độ 2, huy động 100% trẻ 6 tuổi ra lớp, bảo đảm 100% trẻ 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học, duy trì sĩ số học sinh, tất cả học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày, 100% giáo viên đạt trình độ trên chuẩn và có đủ giáo viên chuyên biệt cho tất cả các trường tiểu học, ban chỉ đạo phổ cập giáo dục tỉnh đã xây dựng kế hoạch thực hiện với các giải pháp cụ thể. Theo đó, tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với công tác PCGD nói chung, PCGDTHĐĐT nói riêng. Công tác phổ cập sẽ được cụ thể hóa trong kế hoạch công tác năm, chương trình công tác tháng. Các mục tiêu phổ cập và các vấn đề liên quan phải được đưa vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Cùng đó, tổ chức rà soát, đánh giá đúng thực trạng đội ngũ cán bộ, giáo viên, trên cơ sở đó có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, đào tạo lại, bảo đảm đủ số lượng, chất lượng. Xây dựng cơ chế quản lý theo hướng tăng cường kỷ cương, kỷ luật, nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp. Tăng cường thanh, kiểm tra, nhất là lĩnh vực chuyên môn và quản lý chất lượng giáo dục. Công tác tuyên truyền tiếp tục được đẩy mạnh nhằm huy động sức mạnh toàn dân trong thực hiện phổ cập, xã hội hóa trong kiên cố trường học, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia./.