Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Ngành Tài nguyên và Môi trường Hà Nam từ khi thành lập đến nay

Các ngành kinh tế Tài nguyên - Môi trường  
Ngành Tài nguyên và Môi trường Hà Nam từ khi thành lập đến nay
Ngành Tài nguyên và Môi trường được hình thành từ năm 2003, bao gồm các lĩnh vực: đất đai, khoáng sản, môi trường, tài nguyên nước. Đó là các lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm, liên quan trực tiếp đến quyền lợi của các tổ chức, cá nhân. Xác định rõ những khó khăn, thách thức, đặc biệt là đối với một ngành mới được thành lập, song được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường; sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, của UBND các huyện, thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ động, tích cực, đoàn kết thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ được giao. Kết quả đã đạt được nhiều thành tích đáng tự hào, có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh.

Đến nay, hầu hết các lĩnh vực về tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh đã có quy hoạch, là cơ sở quan trọng cho công tác quản lý, hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh: Quy hoạch bảo vệ môi trường giai đoạn 2010 - 2020 và định hướng đến 2030; Đề án bảo vệ môi trường giai đoạn 2010 - 2015; Đề án xử lý các điểm ô nhiễm môi trường bức xúc, kế hoạch và chương trình hành động bảo vệ môi trường của tỉnh, phương án phòng tránh và khắc phục ô nhiễm môi trường do lũ bão gây ra; Quy hoạch mạng lưới quan trắc; Quy hoạch nước mặt; Quy hoạch nước dưới đất; Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; quy hoạch sử dụng đất 3 cấp giai đoạn 2001 - 2010, giai đoạn 2010 - 2020… Khoảng gần 70 văn bản quy phạm pháp luật về các lĩnh vực quản lý tài nguyên và môi trường được UBND tỉnh ban hành. Các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành đúng trình tự, thẩm quyền, hợp hiến, hợp pháp và phù hợp với tình hình thực tế, cơ bản giải quyết được những vướng mắc của địa phương, đặc biệt là việc ban hành các cơ chế chính sách, các quy định về bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh. Hầu hết các đơn vị cấp xã đã có bản đồ địa chính bằng công nghệ số để phục vụ công tác quản lý.

Để góp phần đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án, phát triển kinh tế - xã hội, ngành Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam đã tích cực, chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi, giao đất, cho thuê đất. Tính từ ngày 01/01/2011 đến ngày 30/6/2014, ngành đã trình UBND tỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất tổng số 189 dự án; UBND huyện quyết định giao đất, cho thuê đất tổng số 137 dự án. Việc giao đất, cho thuê đất được căn cứ vào quy hoạch đã được phê duyệt, đảm bảo đúng đối tượng, đúng vị trí, diện tích và phù hợp với các quy định của Nhà nước. Các thủ tục hành chính được thực hiện nhanh gọn, góp phần quan trọng vào việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. Trình tự, thủ tục thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất; trình tự, thủ tục xây dựng phương án bồi thường giải phóng mặt bằng theo đúng quy định của pháp luật.

Công tác xây dựng bảng giá đất hàng năm được triển khai đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, hàng năm đã tiến hành điều tra, khảo sát xây dựng bảng giá đất để UBND tỉnh trình HĐND phê chuẩn ban hành bảng giá đất trên địa bàn tỉnh theo quy định, phù hợp điều kiện thực tế địa phương.

Cấp Giấy chứng  nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) đã triển khai tất cả các đơn vị cấp xã trong tỉnh. Toàn tỉnh đã cấp được 242.894 GCNQSDĐ đối với hộ gia đình, cá nhân; 77 GCNQSDĐ đối với đất an ninh quốc phòng; 832 GCNQSDĐ đối với đất tổ chức sự nghiệp hành chính công; 698 GCNQSDĐ đối với đất tôn giáo; 1.599 GCNQSDĐ đối với đất tín ngưỡng; 755 GCNQSDĐ đối với đất tổ chức cơ quan hành chính sự nghiệp; 1.314 GCNQSDĐ đối với đất tổ chức kinh tế

Hà Nam là tỉnh có nguồn tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường là chủ yếu. Sở Tài nguyên và Môi trường đã thường xuyên phối hợp với các cấp, các sở ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, rà soát, kiểm tra, xử lý các sai phạm trong hoạt động khoáng sản và công tác an toàn lao động tại mỏ đá làm vật liệu xây dựng. Thực hiện nghiêm túc việc thẩm định, xét duyệt thiết kế cơ sở mỏ, các vấn đề về an toàn lao động, bảo vệ môi trường đối với các dự án khai thác, cấp phép hoạt động khoáng sản. Đo đạc, tính khối lượng khai thác làm cơ sở cho việc báo cáo, đánh giá kết quả hoạt động khoáng sản trên địa bàn đối với 179 mỏ đang hoạt động, kiểm tra việc thực hiện các nội dung của phương án khai thác. Ký hợp đồng thuê đất mỏ và đất chế biến khoáng sản với 111 mỏ, diện tích 431,50 ha; quyết định cho thuê đất và ký hợp đồng thuê đất làm mặt bằng khu chế biến khoáng sản với 79 dự án với diện tích 330,390 ha.

Các mỏ được thăm dò để đánh giá trữ lượng, khoáng sản được thăm dò chủ yếu là đá vôi xi măng, sét xi măng, sét làm gạch ngói và đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường. Công nghệ thăm dò chủ yếu là khoan thăm dò kết hợp với lộ trình địa chất. Công nghệ khai thác lớp xiên gạt chuyển và công nghệ khai thác lớp bằng vận tải trực tiếp. Việc thu hồi các giấy phép khai thác khoáng sản, đóng cửa các mỏ thuộc vùng tạm dừng hoạt động khoáng sản, trong các khu vực quy hoạch xi măng đã được UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND các cấp, các sở ngành liên quan thực hiện tương đối tốt.

Nhìn chung công tác quản lý khoáng sản đã có những chuyển biến mạnh mẽ, tỷ lệ chế biến biến sâu, nâng cao giá trị khoáng sản tăng mạnh qua từng năm, góp phần tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, góp phần tăng thu ngân sách địa phương.

Công tác quản lý tài nguyên nước đã được tăng cường và có nhiều chuyển biến. Từ năm 2003, lĩnh vực tài nguyên nước không có quy hoạch để quản lý, không ai quản lý việc khai thác, các doanh nghiệp xả thải tự do ảnh hưởng đến chất lượng và môi trường nước, đến nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo lập quy hoạch quản lý nước dưới đất và ban hành chỉ thị về việc tăng cường quản lý tài nguyên nước, quy định về quản lý việc cấp phép hoạt động tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh. Để tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm quản lý tài nguyên nước, nâng cao năng lực quản lý tài nguyên nước trên địa bàn, năm 2009, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham gia dự án nâng cao năng lực quản lý tài nguyên nước do Vương quốc Bỉ tài trợ, năm 2010 xây dựng quy hoạch quản lý nước mặt, đầu năm 2013 tiến hành khảo sát giếng khoan để có biện pháp xử lý trước mắt và lâu dài. Việc cấp phép hoạt động tài nguyên nước bắt đầu đi vào nề nếp. Đến nay, sở đã tham mưu UBND tỉnh cấp 89 giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước cho các đơn vị hoạt động liên quan đến tài nguyên nước.

Nhằm thực hiện tốt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND cụ thể hoá các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực quản lý môi trường như Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/BCT của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; lập Quy hoạch bảo vệ môi trường giai đoạn 2010 - 2020 và định hướng đến 2030; Đề án bảo vệ môi trường giai đoạn 2010-2015; Đề án xử lý các điểm ô nhiễm môi trường bức xúc; Kế hoạch và chương trình hành động bảo vệ môi trường của tỉnh, phương án phòng tránh và khắc phục ô nhiễm môi trường do lũ bão gây ra.

Công tác tuyên truyền pháp luật được ngành thực hiện thường xuyên qua việc tổ chức ký kết chương trình phối hợp hành động bảo vệ môi trường với các ngành liên quan và các tổ chức chính trị xã hội; tổ chức hội thảo, tập huấn về bảo vệ môi trường, tuyên truyền pháp luật về môi trường trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đối với các dự án đầu tư được quan tâm thực hiện nghiêm túc. Từ năm 2005 đến nay, các dự án đầu tư mới đều được yêu cầu lập báo cáo ĐTM, hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường. Tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức thẩm định nghiêm túc, đảm bảo chất lượng trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt. Từ năm 2005 đến hết năm 2013, UBND tỉnh đã phê duyệt 242 ĐTM, 06 ĐTM bổ sung. Từ năm 2007 đến hết năm 2013, cấp huyện đã tổ chức kiểm tra, xác nhận được 353 bản cam kết bảo vệ môi trường cho các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền của cấp huyện. Tính đến hết năm 2013, cấp sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại cho 328 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh và cấp lại lần 1 cho 32 cơ sở, cấp lại lần 2 cho 05 cơ sở và cấp lại lần 3 cho 01 cơ sở; cấp giấy phép tự xử lý tiêu hủy chất thải nguy hại cho 01 đơn vị. Đôn đốc và thu tiền ký quỹ phục hồi môi trường, tính đến hết tháng 7/2014, tổng số tiền thu được là 30.794.100.259 đồng.

Công tác kiểm tra, giám sát về môi trường tại các khu đô thị, khu công nghiệp, các các cơ sở sản xuất, trong đó có điểm “nóng” về môi trường được tăng cường. Kiểm tra các công trình xử lý về môi trường tại các cơ sở sản xuất; công tác đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường. Thường xuyên theo dõi, kiểm soát ô nhiễm nước nước sông Nhuệ - Đáy, quan trắc ô nhiễm tại các cơ sở sản xuất theo quy định báo cáo những diễn biến bất thường để có biện pháp xử lý.

Để nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường, công tác thanh tra, kiểm tra đã được quan tâm, duy trì từ thanh tra liên ngành đến thanh tra, kiểm tra định kỳ. Qua các đợt thanh tra, kiểm tra đã xử phạt vi phạm hành chính, truy thu các khoản thuế, phí, nộp bổ sung tiền ký quỹ phục hồi môi trường, thực hiện các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, khắc phục tình trạng mất an toàn lao động và khai thác vượt mốc giới. Từ năm 2009 - 2013, tổng số tiền phạt là 521.450.000 đồng.

Phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tiến hành kiểm tra đối với trên 200 lượt tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác khoáng sản, chấn chỉnh kịp thời các sai phạm. Thực hiện nghiêm túc việc thường trực tiếp dân; tiếp nhận, thẩm tra và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của các tổ chức và công dân liên quan đến các lĩnh vực như trình tự, thủ tục, giao đất cấp GCNQSD đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư, quản lý khai thác khoáng sản, ô nhiễm môi trường. Thông qua công tác thanh tra, kiểm tra những bức xúc về khai thác và sử dụng tài nguyên và quản lý môi trường dã từng bước được tháo gỡ, chất lượng môi trường ngày càng được cải thiện, tình trạng khiếu kiện trong đó có khiếu kiện kéo dài giảm dần./.

Lã Huyền