Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Ủy ban nhân dân huyện Thanh Liêm

UBND các huyện, thành phố Huyện Thanh Liêm  
Ủy ban nhân dân huyện Thanh Liêm

I. THÔNG TIN VỀ CƠ QUAN

Tên cơ quan: Uỷ ban nhân dân huyện Thanh Liêm

Địa chỉ: Cầu Gừng, xã Thanh Tuyền, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam

Chức năng, nhiệm vụ của UBND huyện

UBND huyện giải quyết công việc theo nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Luật tổ chức HĐND và UBND năm 2003. UBND huyện thảo luận tập thể, quyết định theo đa số các vấn đề được quy định tại Điều 124, Luật tổ chức HĐND và UBND 2003 và những vấn đề quan trọng khác mà pháp luật quy định thuộc thẩm quyền của UBND huyện.

Trách nhiệm, phạm vi giải quyết công việc của Chủ tịch UBND huyện

1. Chủ tịch UBND huyện là người lãnh đạo và điều hành công việc của UBND huyện, có trách nhiệm giải quyết công việc theo quy định tại Điều 126, Điều 127 Luật tổ chức HĐND và UBND năm 2003 và những vấn đề khác mà pháp luật quy định thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND huyện quyết định.

2. Trực tiếp chỉ đạo giải quyết những vấn đề quan trọng, cấp bách, những vấn đề có tính chất liên ngành liên quan đến nhiều lĩnh vực, đơn vị, địa phương trong huyện.

Phụ trách công tác tổ chức, nội chính, ngân sách, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội.

3. Chủ tịch UBND huyện phân công một Phó Chủ tịch trong số các Phó Chủ tịch UBND huyện làm nhiệm vụ Phó Chủ tịch Thường trực, Chủ tịch quyết định điều chỉnh phân công công việc giữa các Phó Chủ tịch, Uỷ viên UBND huyện khi cần thiết.

4. Chủ tịch UBND huyện uỷ quyền cho Phó Chủ tịch Thường trực chỉ đạo công việc của UBND huyện khi Chủ tịch đi vắng, trực tiếp giải quyết công việc của Phó Chủ tịch đi vắng hoặc phân công Phó Chủ tịch khác giải quyết thay phó Chủ tịch đi vắng.

5. Chịu trách nhiệm cá nhân về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cùng với tập thể UBND, chịu trách nhiệm về hoạt động của UBND trước HĐND huyện và cơ quan nhà nước cấp trên.

Trách nhiệm, phạm vi giải quyết công việc của Phó Chủ tịch UBND huyện

1. Phó Chủ tịch UBND huyện được Chủ tịch UBND huyện phân công phụ trách một số lĩnh vực công tác, chỉ đạo một số cơ quan chuyên môn, cơ quan thuộc UBND huyện và UBND xã, thị trấn.

2. Phó Chủ tịch UBND huyện chịu trách nhiệm cá nhân về công việc được giao trước UBND và Chủ tịch UBND huyện, đồng thời cùng các thành viên khác của UBND huyện chịu trách nhiệm tập thể về hoạt động của UBND huyện trước HĐND cùng cấp và UBND tỉnh.

3. Phó Chủ tịch phụ trách kinh tế và Phó chủ tịch phụ trách văn hoá - xã hội được Chủ tịch uỷ quyền thay mặt Chủ tịch chỉ đạo, điều hành, trực tiếp giải quyết công việc theo lĩnh vực công tác được phân công và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện về toàn bộ lĩnh vực được phân công phụ trách.

- Phó Chủ tịch phụ trách kinh tế chịu trách nhiệm phụ trách các lĩnh vực: Thương mại, du lịch; Xây dựng; Giao thông - vận tải; Bưu chính - viễn thông; Tài nguyên - Môi trường; Công - Nông nghiệp; Điện lực; Khoa học công nghệ; Giải phóng mặt bằng. Thường trực thay Chủ tịch giải quyết công việc khi Chủ tịch đi vắng.

- Phó Chủ tịch phụ trách văn hoá - xã hội chịu trách nhiệm phụ trách công tác văn hoá - xã hội và các lĩnh vực xã hội khác, thay mặt UBND giữ mối quan hệ với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân và các tổ chức xã hội.

4. Trong lĩnh vực công tác được phân công, Phó Chủ tịch UBND huyện có nhiệm vụ, quyền hạn:

- Chủ động kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, chỉ đạo cơ quan chuyên môn, cơ quan thuộc UBND huyện, UBND xã, thị trấn trong việc tổ chức thực hiện Nghị quyết của HĐND huyện, Quyết định, Chỉ thị của UBND huyện, Chủ tịch UBND huyện, chủ trương, chính sách, pháp luật nhà nước về lĩnh vực được phân công;

- Chỉ đạo việc xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch, đề án thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách phù hợp với Nghị quyết của HĐND huyện, Quyết định, Chỉ thị của UBND huyện, quy hoạch ngành, quy hoạch tổng thể của cơ quan nhà nước cấp trên và đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước;

- Được sử dụng quyền hạn của Chủ tịch UBND huyện trong việc quyết định giải quyết các công việc thuộc lĩnh vực được phân công và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch về quyết định đó;

- Báo cáo và đề xuất với Chủ tịch UBND huyện xem xét, quyết định, xử lý kịp thời công việc có liên quan đến lĩnh vực được phân công phụ trách để phối hợp xử lý những ý kiến chưa thống nhất.

5. Phó Chủ tịch Thường trực ngoài việc thực hiện trách nhiệm và phạm vi giải quyết công việc đã nêu tại Khoản 1, 2 và 3 điều này, được Chủ tịch uỷ quyền lãnh đạo công việc của UBND huyện khi Chủ tịch đi vắng.

Trách nhiệm, phạm vi giải quyết công việc của Uỷ viên UBND huyện

1. Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND, UBND huyện về công việc được phân công phụ trách, đồng thời tham gia giải quyết công việc chung của UBND huyện, cùng các thành viên khác của UBND huyện chịu trách nhiệm tập thể về hoạt động của UBND huyện trước HĐND huyện và UBND tỉnh.

2. Trực tiếp chỉ đạo, điều hành một hoặc một số lĩnh vực được phân công; giải quyết theo thẩm quyền và trình UBND, Chủ tịch UBND huyện giải quyết các đề nghị của cơ quan, đơn vị thuộc lĩnh vực công tác được phân công phụ trách. Báo cáo tình hình kết quả thực hiện các công việc được giao với Chủ tịch UBND, chịu trách nhiệm trước Chủ tịch về thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn do Chủ tịch phân công; đối với những công việc vượt quá thẩm quyền thì báo cáo với UBND và Chủ tịch UBND để giải quyết theo thẩm quyền.

3. Tham dự đầy đủ các phiên họp UBND, trường hợp vắng mặt phải báo cáo và được sự đồng ý của Chủ tịch UBND huyện; tham gia ý kiến và biểu quyết về các vấn đề thảo luận tại phiên họp UBND huyện; tham gia ý kiến với các thành viên khác của UBND huyện, thủ trưởng cơ quan chuyên môn, cơ quan thuộc UBND huyện để xử lý những vấn đề có liên quan đến lĩnh vực được phân công phụ trách hoặc các vấn đề thuộc chức năng quản lý của mình.

4. Thực hiện nhiệm vụ khác theo sự phân công của Chủ tịch UBND huyện.

Trách nhiệm, phạm vi giải quyết công việc của Thủ trưởng cơ quan chuyên môn, cơ quan thuộc UBND huyện 

1. Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện, UBND huyện và trước pháp luật về thực hiện chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền quản lý nhà nước được giao trên địa bàn huyện và chịu sự kiểm tra, hướng dẫn, chỉ đạo về công tác chuyên môn, nghiệp vụ của cơ quan chuyên môn, cơ quan thuộc UBND tỉnh (sau đây gọi chung là cơ quan chuyên môn cấp tỉnh).

2. Chịu trách nhiệm chấp hành các quyết định, chỉ đạo của Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND huyện; trường hợp thực hiện chậm hoặc chưa thực hiện được phải kịp thời báo cáo và nêu rõ lý do.

3. Thủ trưởng cơ quan chuyên môn, cơ quan thuộc UBND huyện giải quyết công việc sau:

a) Giải quyết các công việc thuộc thẩm quyền, những kiến nghị của tổ chức, cá nhân liên quan đến chức năng, thẩm quyền quản lý của cơ quan, đơn vị mình; trình Chủ tịch UBND huyện những việc vượt thẩm quyền hoặc những việc đã phối hợp giải quyết nhưng ý kiến chưa thống nhất;

b) Chủ động đề xuất, tham gia ý kiến về những công việc chung của UBND huyện và thực hiện các nhiệm vụ công tác theo phân công của Chủ tịch UBND huyện và sự phân cấp của Thủ trưởng cơ quan chuyên môn cấp tỉnh;

 c) Tham gia ý kiến với cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản, đề án khi có những vấn đề liên quan đến chức năng, thẩm quyền, lĩnh vực quản lý của cơ quan, đơn vị mình.

 Trách nhiệm, phạm vi giải quyết công việc của Chánh văn phòng HĐND và UBND

Ngoài việc thực hiện các quy định tại Điều 7 quy chế này, Chánh văn phòng HĐND và UBND huyện còn có trách nhiệm sau:

1. Xây dựng chương trình, kế hoạch công tác, báo cáo sơ kết, tổng kết hoạt động, báo cáo kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của UBND huyện và các báo cáo khác của UBND huyện theo sự chỉ đạo của Chủ tịch UBND huyện.

2. Kiểm tra, đôn đốc các cơ quan chuyên môn, cơ quan thuộc UBND huyện, UBND xã, thị trấn thực hiện các chương trình, kế hoạch công tác của UBND huyện.

3. Xây dựng, trình UBND huyện thông qua và giúp UBND huyện kiểm tra, đôn đốc, tổng kết việc thực hiện Quy chế làm việc của UBND huyện. Giúp UBND, Chủ tịch UBND huyện tổ chức thực hiện quy chế phối hợp công tác giữa UBND huyện với Thường trực Huyện uỷ, Thường trực HĐND, Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân cùng cấp.

4. Theo dõi, nắm tình hình hoạt động chung của UBND, tổ chức việc thu thập, tổng hợp và cung cấp thông tin phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của UBND, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND huyện.

5. Tham mưu cho Chủ tịch UBND huyện tổ chức, thực hiện Quyết định số 181/2003/QĐ-TTg ngày 24/ 9/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế thực hiện cơ chế “Một cửa” tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương; tổ chức Bộ phận tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả theo quy chế  “Một cửa” của UBND huyện.

6. Đảm bảo các điều kiện làm việc và tổ chức phục vụ các hoạt động của HĐND, Thường trực HĐND huyện; UBND, Chủ tịch UBND và Phó Chủ tịch UBND huyện.

7. Quản lý thống nhất việc ban hành, công bố văn bản của HĐND, UBND và Chủ tịch UBND huyện.

8. Giải quyết một số công việc cụ thể khác do Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND huyện giao.

II. LÃNH ĐẠO HĐND VÀ UBND HUYỆN THANH LIÊM

1. Nguyễn Đức Hiển - Chủ tịch UBND huyện

Sinh năm: 1957

Trình độ chuyên môn: Đại học Xây dựng

Trình độ chính trị: Cử nhân

Điện thoại cơ quan:

Điện thoại nhà riêng:

Điện thoại di động: 0913.067351

Địa chỉ nhà riêng: SN 69, tổ 21, phường Hai Bà Trưng, thành phố Phủ Lý

2. Nguyễn Thị Huệ - Phó Chủ tịch HĐND huyện

Sinh năm: 1963

Trình độ chuyên môn: Đại học Luật

Trình độ chính trị: Trung cấp

Điện thoại cơ quan:

Điện thoại nhà riêng:

Điện thoại di động: 0915.183725

Địa chỉ nhà riêng: SN 49, ngõ 13, đường Lê Công Thanh, thành Phố Phủ Lý

3. Lê Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện

Sinh năm: 1960

Trình độ chuyên môn: Đại học Luật

Trình độ chính trị: Cao cấp

Điện thoại cơ quan:         

Điện thoại nhà riêng:

Điện thoại di động: 0915.278115

Địa chỉ nhà riêng: xã Liêm Thuận, huyện Thanh Liêm

4. Trần Văn Đảm - Phó Chủ tịch UBND huyện

Sinh năm: 1958

Trình độ chuyên môn: Đại học Cơ điện

Trình độ chính trị: Cao cấp

Điện thoại cơ quan:

Điện thoại nhà riêng:

Điện thoại di động: 0912.814.500

Địa chỉ nhà riêng: Tổ 16, phường Hai Bà Trưng, thành phố Phủ Lý

5. Trần Quyết Thắng - Chánh Văn phòng HĐND & UBND

Sinh năm: 1969

Trình độ chuyên môn: Đại học luật

Trình độ chính trị: Trung cấp

Điện thoại cơ quan:

Điện thoại nhà riêng:

Điện thoại di động: 0912.829770

Địa chỉ nhà riêng: Tiểu khu I, thị trấn Kiện Khê, huyện Thanh Liêm

III. THÔNG TIN VỀ HUYỆN THANH LIÊM

1. Điều kiện tự nhiên

Huyện Thanh Liêm nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Hà Nam; phía Bắc giáp huyện Kim Bảng, thành phố Phủ Lý; phía Đông giáp huyện Bình Lục; phía Nam giáp huyện Gia Viễn, Ninh Bình, huyện Ý Yên, Nam Định; phía Tây giáp Lạc Thuỷ, Hoà Bình.

Huyện Thanh Liêm nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa. Lượng mưa trung bình hàng năm từ 1.600 đến 1.900mm, song phân bổ không đều, tập trung chủ yếu vào từ tháng 6 đến tháng 9 dễ gây úng, lụt, rất khó khăn cho công tác phòng chống lụt bão.

2. Tài nguyên thiên nhiên

Với địa hình tương đối đa dạng, huyện Thanh Liêm có dãy núi đá vôi với trữ lượng lớn hàng tỷ m3, tập trung tại 05 xã ven sông đáy (Kiện Khê, Thanh Thuỷ, Thanh Tân, Thanh Nghị, Thanh Hải) đã hình thành nên khu khai thác chế biến đá và sản xuất xi măng với trữ lượng lớn trên địa bàn huyện. Ngoài ra còn có nguồn đất sét sản xuất xi măng, gốm mỹ nghệ tập trung ở 02 xã Liêm Sơn, Thanh Tâm, thuận lợi cho việc phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; sông Đáy và sông Châu Giang phục vụ nước tưới tiêu và tạo nên một vùng đất phì nhiêu, màu mỡ. Tổng diện tích đất nông, lâm nghiệp 12.660,05 ha chiếm 72,34% diện tích đất tự nhiên, trong đó đất nông nghiệp 9.122,27 ha, đất lâm nghiệp 3.537,78 ha.

3. Dân số

Huyện Thanh Liêm là một huyện có dân số trẻ, tổng dân số trên 140.000 người, trong đó số người trong độ tuổi lao động là 71.123 người, chiếm 51, 74 %. Đây là nguồn nhân lực dồi dào, là động lực phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.

4. Kết cấu hạ tầng

Địa bàn huyện Thanh Liêm có 02 tuyến Quốc lộ chạy qua: đường Quốc lộ 1A và 21A, có dòng sông Đáy chạy dọc theo trục đường quốc lộ 1A rất thuận lợi cho việc lưu thông hàng hoá bằng đường bộ và đường thuỷ. Chương trình điện khí hoá nông thôn đã được thực hiện tốt với 100% số xã, thị trấn được sử dụng điện lưới quốc gia đáp ứng nhu cầu điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

IV. TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI

1. Thực trạng phát triển các ngành kinh tế

Với sự nỗ lực phấn đấu của cán bộ Đảng viên và nhân dân trong huyện, được sự quan tâm, giúp đỡ của Tỉnh uỷ- UBND tỉnh và các sở, ngành trong tỉnh, những năm qua huyện Thanh Liêm liên tiếp giành được thắng lợi khá toàn diện trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội. Tốc độ tăng trưởng kinh tế qua các năm không ngừng tăng, năm 2004 tăng trưởng kinh tế đạt 8,0 %, năm 2005 tăng 10%, năm 2007 tăng 12,5%.

a) Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp

Hiện nay trên địa bàn huyện Thanh Liêm có 18 làng nghề, trong đó 07 làng nghề thêu ren xuất khẩu, 04 làng nghề khâu nón, 03 làng nghề sản xuất vật liệu xây dựng, 04 làng nghề chế biến lương thực thực phẩm và được quy hoạch thành 3 cụm tiểu thủ công nghiệp. Cụm tiểu thủ công nghiệp (TTCN) Thanh Lưu rộng 6 ha, đã có 6 nhà đầu tư vào thực hiện dự án và đi vào sản xuất với tổng vốn đã đăng ký là 22,85 tỷ đồng; cụm TTCN thị trấn Kiện Khê có diện tích 20ha, với số vốn dự kiến đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật là 24 tỷ đồng, đang trong giai đoạn GPMB; dự án cụm TTCN Thanh Hải đang thu hút đầu tư. Huyện đang chú trọng phát triển ngành công nghiệp nặng có nhiềm tiềm năng, thu hút các nhà đầu tư xây dựng các nhà máy xi măng như nhà máy xi măng Hoà Phát, Vinashin, Tràng An, Thanh Liêm, Hoàng Long. Tính đến hết năm 2007, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp hàng năm ước đạt khoảng 370 tỷ đồng, tăng 32,14% so với cùng kỳ. Các sản phẩm chủ yếu: Đá các loại ước 3.605.250m3, tăng 0,1% so với cùng kỳ; xi măng 123.400 tấn, tăng 54,25% so với cùng kỳ; hàng thêu 430.000 bộ, tăng 45,76% so với cùng kỳ; phôi thép 6.620 tấn.

b) Nông nghiệp

Với diện tích đất nông nghiệp 12.660,05 ha, huyện Thanh Liêm phát triển kinh tế nông nghiệp tương đối đa dạng. Nhằm đáp ứng quá trình thực hiện công nghiệp hoá - hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn, huyện Thanh Liêm đã xây dựng đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế trang trại, kinh tế đồi rừng đến năm 2010 với mục tiêu phát triển cây trồng hàng hoá với quy mô tập trung và tạo ra khối lượng nông sản hàng hoá lớn đạt 40% tổng giá trị sản xuất ngành trồng trọt, tạo cơ sở phát triển nông nghiệp ổn định bền vững. Kết quả năm 2007, kinh tế nông nghiệp huyện đã đạt được những thành đáng khích lệ. Giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 226,5 tỷ đồng, trong đó: trồng trọt 167 tỷ đồng, đạt 73,7%, chăn nuôi 56 tỷ đồng đạt 24,7%, dịch vụ 3,5 tỷ đồng đạt 1,6%. Giá trị sản xuất lâm nghiệp 7,25 tỷ đồng; thuỷ sản 12,5 tỷ đồng. Giá trị tăng thêm của ngành nông, lâm, thuỷ sản 1,69%.

c) Thương mại, dịch vụ, du lịch

Huyện Thanh Liêm nằm trên đường quốc lộ 1A, với mạng lưới giao thông  khá thuận lợi cho việc giao lưu, mua bán, phát triển thương mại, dịch vụ. Đặc biệt huyện phát triển hệ thống chợ nông thôn đa dạng, lâu đời. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 22 chợ, trong đó 12 chợ hình thành trước năm 1945, 10 chợ được quy hoạch và xây dựng mới và được UBND huyện quan tâm đầu tư. Ngoài ra, huyện còn chú trọng đến phát triển các thị trấn, thị tứ đẩy mạnh phát triển thương mại - dịch vụ như thị trấn Non (Thanh Lưu), thị trấn Kiện Khê…. Cơ cấu kinh tế huyện đang chuyển dịch theo chiều hướng tích cực, tỷ lệ thương mại - dịch vụ năm 2007 chiếm 30,18%, tăng 10% so với năm 2004.

d) Hệ thống giao thông

Mạng lưới giao thông trên địa bàn huyện Thanh Liêm khá đa dạng, thuận lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội với tổng chiều dài 82,2 km, nằm trên tuyến đường Quốc lộ 1A, tuyến đường huyết mạch quốc gia. Ngoài ra, hệ thống giao thông còn có các tuyến đường huyện như ĐH 01 nối từ Thanh Tuyền (Quốc lộ 1A Thanh Tuyền) đến thị trấn Kiên Khê chiều dài 3,5 km; đường ĐH 02 nối từ Quốc lộ 21A (Liêm Cần) đến Quốc lộ 1A Thanh Phong dài 8 km; đường ĐH 03 nối từ Quốc lộ 21A (Liêm Cần) đến đường ĐT 971 (Liêm Tuyền); đường ĐH 04 từ Quốc lộ 21 (Văn Lâm) đến Quốc lộ 21 (Liêm Phong) dài 6,5 km; đường ĐH 05 từ quốc lộ 1A (Thanh Nguyên) đến Ninh Bình 1 km; đường ĐH 06 từ Thanh Lưu đến Thanh Tâm dài 6 km; đường ĐH 07 từ Liêm Cần đến Thanh Thuỷ dài 10,5 km; đường ĐH 08 từ Lại Xá (Thanh Tuyền) đến Trạm Bơm Kinh Thanh dài 23,3 km, đường ĐH 09 từ thôn Lời, Thanh Hương đến Thanh Tân dài 4 Km; đường ĐH 10 từ Cấp 3a (Thanh Tân) đến Đức Hoà (Thanh Tân) dài 8 km; đường ĐH 11 từ Quốc lộ 1A đến đường 9715 dài 1,2 km; đường ĐH 12 từ Uỷ ban xã Liêm Sơn đến thôn Lác Nội  dài 6 km.

2. Hệ thống các trường lớp, các ngành học, bậc học, các cơ sở y tế, bệnh viện, thư viện, nhà văn hoá

a) Hệ thống các trường lớp, các ngành học, bậc học

Trên địa bàn huyện Thanh Liêm hiện có 66 trường, trong đó có 29/66 trường đạt chuẩn quốc gia bằng 43,9%; cấp mầm non có 20 trường, cấp tiểu học có 24 trường, cấp trung học cơ sở có 22 trường. Thường trực Huyện uỷ, Thường trực HĐND huyện và lãnh đạo UBND huyện Thanh Liêm đặc biệt chú trọng đến sự nghiệp giáo dục, coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển vì vậy đã đẩy nhanh tiển độ xây dựng trường chuẩn quốc gia và không ngừng xây dựng mới, tu bổ, thực hiện kiên cố hoá trường học, lớp học, đảm bảo cơ sở vật chất cho công tác dạy và học có hiệu quả. Năm học 2006-2007, có 11/11 chỉ tiêu được xếp loại A, trong đó có 02 chỉ tiêu đứng đầu tỉnh. Cơ sở vật chất của các trường học được tăng cường, đã xây thêm 50 phòng học kiên cố, nâng tổng số phòng học kiên cố lên 621 phòng, đạt tỷ lệ 65,7%.

b) Hệ thống các cơ sở y tế, bệnh viện

 Trên địa bàn huyện Thanh Liêm có 01 bệnh viện đa khoa, 03 phòng khám đa khoa, 23 trạm và phân trạm y tế xã. Đội ngũ y, bác sỹ và cán bộ trạm y tế không ngừng được chuẩn hoá đã thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ, công tác giám sát, phòng chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêm chủng mở rộng và chương trình mục tiêu quốc gia về y tế. Khống chế được dịch cúm tuýp A (H5N1) xẩy ra ở một số nơi trên địa bàn, không để phát sinh dịch bệnh lớn. Chất lượng khám chữa bệnh được nâng lên. Công tác xây dựng chuẩn quốc gia về y tế xã tiếp tục được duy trì, có 18/20 đơn vị đạt chuẩn quốc gia về y tế, đạt 90%.

c) Hệ thống các nhà văn hoá

Trong những năm qua, huyện Thanh Liêm đã chú trọng đến phong trào xây dựng làng văn hoá, gia đình văn hoá, cơ quan đơn vị văn hoá và đã đạt được nhiều thanh tựu đáng khích lệ. Số nhà văn hoá thôn, làng là 65 nhà, 03 nhà văn hoá xã, số gia đình được công nhận đạt danh hiệu gia đình văn hoá 26.076, đạt 75%; 71 đơn vị, 87 làng được xét duyệt là đơn vị văn hoá, làng văn hoá.

V. CÔNG TÁC CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Thực hiện Quyết định 181/2003/QĐ-TTG ngày 4/9/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế thực hiện cơ chế “Một cửa” tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương;

Thực hiện Quyết định số 778/QĐ-UB ngày 15/12/2003 của UBND huyện Thanh Liêm về việc ban hành bản “Quy định các thủ tục hành chính và trình tự giải quyết các thủ tục hành chính theo cơ chế “Một cửa” tại UBND huyện Thanh Liêm”;

Thực hiện Chỉ thị số 10/2006/CT-TTg ngày 23 tháng 3 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc giảm văn bản, giấy tờ hành chính trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước;

Ngày 09 tháng 4 năm 2007, UBND huyện nhận được Công văn số 1875/VPCP-CCHC của Văn phòng Chính phủ về việc thực hiện Đề án đơn giản hoá thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước 2007- 2010;

Ngày 13 tháng 2 năm 2007, UBND tỉnh có Kế hoạch số 195/KH-UBND, kế hoạch rà soát, hoàn thiện, công khai các thủ tục hành chính và xây dựng đề án rà soát, hoàn thiện, công khai các thủ tục hành chính trên lĩnh vực quản lý nhà nước;

Ngày 26 tháng 01, UBND tỉnh có Công văn số 124/UBND về việc rà soát, hoàn thiện, công khai các thủ tục hành chính,

Ngày 01 tháng 2 năm 2007, UBND huyện Thanh Liêm đã có Công văn số 14/UBND về việc hoàn thiện công khai các thủ tục hành chính.

Ngày 30 tháng 5 năm 2007, UBND huyện ban hành bản Quy chế hoạt động của Bộ phận “Một cửa”./.