Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Ủy ban nhân dân thành phố Phủ Lý

UBND các huyện, thành phố Thành phố Phủ Lý  
Ủy ban nhân dân thành phố Phủ Lý

 

 

Địa chỉ: Đường Biên Hòa, phường Lương Khánh Thiện, thành phố Phủ Lý.

Điện thoại: 0351.3851.098

I. THÔNG TIN VỀ CƠ QUAN

UBND thành phố có chức năng tổ chức và chỉ đạo thi hành hiến pháp, luật, các văn bản của cơ quan Nhà nước cấp trên và nghị quyết của HĐND cùng cấp. UBND cấp trên chỉ đạo hoạt động của UBND cấp dưới trực tiếp. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn do pháp luật quy định, UBND ra quyết định, chỉ thị và tổ chức thực hiện, kiểm tra việc thi hành các văn bản đó.

Nhiệm vụ và quyền hạn của UBND trong việc thực hiện quản lý nhà nước bao gồm:

1. Quản lý nhà nước ở địa phương trong các lĩnh vực nông, lâm, nghiệp, ngư, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mai - dịch vụ, văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học, công nghệ và môi trường; thể dục - thể thao, báo chí phát thanh, truyền hình và các lĩnh vực xã hội khác; quản lý nhà nước về đất đai và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác, quản lý việc thực hiện tiêu chuẩn đo lường chất lượng sản phẩm hàng hóa.

2. Tuyên truyền, giáo dục pháp luật, kiểm tra việc chấp hành hiến pháp, luật, các văn bản của cơ quan cấp trên và nghị quyết của HĐND cùng cấp trong cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế,tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và công dân ở địa phương.

3. Bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, thực hiện nhiệm vụ xây dựng lực lượng vũ trang và xây dựng quốc phòng toàn dân, thực hiện chế độ nghĩa vụ quân sự, nhiệm vụ hậu cần tại chỗ, nhiệm vụ động viên, chính sách hậu phương quân đội và chính sách đối với các lực lượng vũ trang nhân dân ở địa phương, quản lý hộ tịch, hộ khẩu ở địa phương, quản lý việc cư trú đi lại của người nước ngoài ở địa phương.

4. Phòng chống thiên tai, bảo vệ tài sản của nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, bảo vệ tính mạng, tự do, danh dự, nhân phẩm, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của công dân; chống tham nhũng, chống buôn lậu, làm hàng giả và các tệ nạn xã hội khác.

5. Quản lý công tác tổ chức, biên chế, lao động tiền lương, đào tạo đội ngũ công chức viên chức Nhà nước và cán bộ cấp xã, công tác bảo hiểm xã hội theo sự phân cấp của Chính phủ.

6. Tổ chức và chỉ đạo công tác thi hành án dân sự ở địa phương theo quy định của pháp luật.

7. Tổ chức thực hiện việc thu chi ngân sách của địa phương theo quy định của pháp luật.

II. THÔNG TIN VỀ LÃNH ĐẠO CƠ QUAN

1. Đỗ Văn Sáng, Chủ tịch UBND thành phố Phủ Lý

- Ngày, tháng, năm sinh: 16/9/1957

- Quê quán: xã Nhân Mỹ, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam

- Nơi thường trú: Tổ 11B, phường Lương Khánh Thiện, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam.

- Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ: Đại học Tài Chính, Kế toán

- Trình độ chính trị: Cử nhân
- Điện thoại: 0351.3851099
- Điện thoại nhà riêng: 0351.3851169
- Điện thoại di động: 0913.289380

- Ngày vào Đảng chính thức: 24/10/1980

III. THÔNG TIN VỀ THÀNH PHỐ PHỦ LÝ

1. Điều kiện tự nhiên

Thành phố Phủ Lý có diện tích tự nhiên 3.426,77 ha và 121.350 nhân khẩu, có 12 đơn vị hành chính, gồm các phường: Minh Khai, Hai Bà Trưng, Lương Khánh Thiện, Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Lê Hồng Phong và các xã: Thanh Châu, Liêm Chính, Lam Hạ, Phù Vân, Liêm Chung, Châu Sơn.

Địa giới hành chính thành phố Phủ Lý: Đông và Nam Giáp huyện Thanh Liêm; Tây giáp huyện Thanh Liêm và huyện Kim Bảng; Bắc giáp huyện Kim Bảng và huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.

2. Dân số

Quy mô dân số thành phố Phủ Lý tính đến tháng 6 năm 2008 gồm: 121.350 nhân khẩu. Mức tăng dân số hàng năm của thành phố là; 4,41% trong đó tăng cơ học là: 3,51%; tăng tự nhiên là: 0,9%.

3. Kết cấu hạ tầng

Thành phố đã chủ động và tập trung trong việc xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng. Đầu tư xây dựng cơ bản tăng bình quân 30%/năm; đặc biệt chủ trương huy động vốn và nguồn lực trong nhân dân để xây dựng đường giao thông, thoát nước, trường học, trạm xá, điểm sinh hoạt văn hoá công cộng... đã có hiệu quả rõ rệt. Ước huy động đóng góp của nhân dân trong 5 năm gần đây đạt 35 - 40 tỷ đồng.

Toàn bộ hệ thống đường nội thị của thành phố đều đã được đổ bê tông hoặc thảm nhựa. Đất giao thông chiếm 21% so với đất xây dựng đô thị; đạt 23m2/người. Mật độ đường chính đạt 4,5 km/km2. Các hệ thống thoát nước chính đã được đầu tư cơ bản. Trường học, trạm xá, điểm sinh hoạt công cộng được đầu tư kiên cố. Nhìn chung cơ sở hạ tầng đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt và phát triển đô thị.

Một số dự án lớn góp phần xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng đô thị như: Dự án sân vận động trung tâm, Hành lang Quốc lộ 1A và Đông, Tây sông Đáy, dự án hệ thống thoát nước và xử lý nước thải, dự án nâng cấp hè đường, điện chiếu sáng và cây xanh trong khu đô thị cũ, dự án kè hồ Chùa Bầu, dự án cải tạo hệ thống cáp quang, cải tạo hệ thống lưới điện....đã và đang được thực hiện theo quy hoạch đầu tư, làm chuyển biến bộ mặt đô thị, khang trang hiện đại hơn, trật tự đô thị có những bước chuyển biến tích cực

4. Thành phố Phủ Lý là thành phố tỉnh lỵ, trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hoá, giáo dục của tỉnh Hà Nam

+ Thành phố Phủ Lý là trung tâm chính trị của tỉnh. Trên địa bàn thành phố có hơn 300 cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội, các đơn vị lực lượng vũ trang, các doanh nghiệp của Trung ương và địa phương.

+ Thành phố Phủ Lý là trung tâm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (CN - TTCN): Các cơ quan, xí nghiệp, doanh nghiệp của Trung ương, của tỉnh chủ yếu đóng trên địa bàn thành phố. Trên địa bàn có 03 khu CN - TTCN với diện tích trên 400 ha; trên 400 doanh nghiệp và hàng ngàn hộ, cơ sở sản xuất CN - TTCN.

+ Thành phố là trung tâm thương mại dịch vụ: Thành phố có 01 Trung tâm thương mại lớn; 03 phường được quy hoạch phường thương mại dịch vụ, có 08 chợ phường nội thị, nhiều nhà hàng, khách sạn đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, nghỉ ngơi, du lịch của nhân dân trong tỉnh và khách du lịch. Là đầu mối cung cấp hàng hoá dịch vụ cho các địa phương trong tỉnh .

+ Là trung tâm văn hoá: Có trung tâm văn hoá thông tin tỉnh, Nhà thi đấu TDTT, sân vận động, công viên... đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, vui chơi tập luyện của nhân dân. Các phường, xã đều có các điểm sinh hoạt công cộng, khu VHTT tập trung.

+ Là trung tâm giáo dục đào tạo: Trên địa bàn có các trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, trường kỹ thuật... nhận đào tạo học sinh, sinh viên của tỉnh và các tỉnh lân cận. Hệ thống giáo dục của thành phố đầy đủ từ mầm non đến phổ thông trung học, có trường chuyên THPT của tỉnh. Trong tương lai với nhu cầu đào tạo, cung cấp nguồn lực cho sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá của tỉnh và khu vực, hệ thống các trường chuyên nghiệp sẽ được nâng cấp, đầu tư, hệ thống trung tâm, trường dạy nghề phát triển để đủ sức đào tạo trình độ Đại học, công nhân có tay nghề cao.

+ Là trung tâm y tế của tỉnh: Có Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Y học cổ truyền, Bệnh viện Lao và phổi, Trung tâm Phòng chống mù loà, các trung tâm y tế chuyên ngành... được trang bị các thiết bị hiện đại với đội ngũ y, bác sỹ giỏi, nhiệt tình, trách nhiệm. Bệnh viện Đa khoa thành phố cùng tuyến y tế cơ sở được đầu tư khá hoàn chỉnh...Với tổng số trên 1.100 giường bệnh cơ bản đáp ứng phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân các huyện, thành phố trong tỉnh và khu vực.

5. Thành phố được xác định là trung tâm công nghiệp vật liệu xây dựng, tiểu thủ công nghiệp của vùng phía Nam thủ đô Hà Nội; là đô thị cửa ngõ phía Nam thủ đô Hà Nội; là đầu mối giao thông đường sắt, đường thuỷ, đường bộ có ý nghĩa liên vùng đồng bằng sông Hồng; có vị trí quan trọng về quốc phòng đối với vùng thủ đô Hà Nội về phía Nam.

IV. TÌNH HÌNH KINH TẾ, XÃ HỘI

1. Thực trạng phát triển các ngành kinh tế

a) Về công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp

Đẩy mạnh tốc độ phát triển CN - TTCN theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá để tạo bước chuyển biến mới về chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn. Tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện các dự án đầu tư sản xuất công nghiệp - TTCN ở các cụm, khu công nghiệp, làng nghề trên địa bàn thành phố.

Đầu tư phát triển các ngành mới, đặc biệt là những ngành có khai thác nguyên liệu tại chỗ. Giải quyết việc làm cho người lao động, chú trọng hàng xuất khẩu. Khai thác triệt để cơ sở vật chất kỹ thuật, lực lượng lao động hiện có, đi đôi với việc tăng cường đầu tư đổi mới công nghệ, duy trì và mở rộng một số sản phẩm chất lượng cao, có sức cạnh tranh; tăng cường thông tin kinh tế, mở rộng giao lưu tìm kiếm thị trường; khai thác tối đa các nguồn vốn cho phát triển sản xuất kinh doanh; thực hành tiết kiệm để dành vốn đầu tư mở rộng sản xuất, có cơ chế ưu đãi, phát hiện bồi dưỡng chuyên gia bậc cao, thợ lành nghề. Thực hiện cổ phần hoá các doanh nghiệp, các HTX.

Tăng cường hoạt động hướng nghiệp, dạy nghề. Phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý, đầu tư cho hệ thống dạy nghề, giới thiệu việc làm.

b) Về thương mại - dịch vụ - du lịch

Huy động mọi nguồn lực đầu tư khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có điều kiện tham gia mở rộng các hoạt động thương mại, dịch vụ. Xây dựng các điểm, tuyến du lịch hấp dẫn thông qua liên doanh, liên kết; quy hoạch và xây dựng mạng lưới khách sạn, nhà nghỉ đủ điều kiện thoả mãn nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch. Phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường sinh thái; khai thác có hiệu quả những tiềm năng, thế mạnh, điều kiện của thành phố, của tỉnh và của vùng.

c) Về nông nghiệp

Đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo ra sản phẩm hàng hoá có chất lượng cao. Hình thành các vùng chuyên canh sản xuất rau sạch, trồng hoa và vùng phát triển cây ăn quả; vùng nuôi trồng thuỷ sản; phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại, gia trại. Từng bước công nghiệp hoá nông nghiệp nông thôn theo hướng sản xuất hàng hoá đáp ứng với nhu cầu của thị trường đô thị trung tâm vùng.

2. Về văn hoá xã hội

Thành phố Phủ Lý tuy chưa có trường đại học, nhưng có các trường cao đẳng, THCN, trường dạy nghề đóng trên địa bàn, có nhiều cán bộ khoa học có trình độ Đại học, trên đại học đang công tác trong các lĩnh vực, các cơ quan đóng trên địa bàn, tạo nguồn lực lao động dồi dào trên các lĩnh vực sản xuất, nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ.

a) Các chính sách xã hội

Các chế độ đối với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, bảo hiểm xã hội được quan tâm đầy đủ, chu đáo. Chương trình mục tiêu xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm thực sự được các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể quan tâm đầu tư, chỉ đạo, tạo ra hiệu quả lớn trong ổn định tình hình. Hàng năm, thành phố đã giải quyết việc làm cho 3.500 - 4.000 lao động, trong đó có 60% lao động được đào tạo nghề. Đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện cả vật chất lẫn tinh thần. Thành phố Phủ Lý hiện nay không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 6,34 (năm 2005 - theo chuẩn mới), không còn nhà tranh tre dột nát.

b) Sự nghiệp giáo dục đào tạo

Được duy trì cả về số lượng và chất lượng. Với phương châm 3 hoá (chuẩn hoá - xã hội hoá - hiện đại hoá), thành phố đã tập trung đầu tư cho xây dựng cơ sở vật chất trường lớp, nâng cao chất lượng của các ngành học, cấp học. Ngành giáo dục đào tạo của thành phố luôn là lá cờ đầu của ngành giáo dục tỉnh Hà Nam. Hiện tại thành phố đã được công nhận phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục THCS. Thành phố đã có 16/32 trường chuẩn Quốc gia, cuối năm 2006 sẽ công nhận tiếp 02 trường chuẩn giai đoạn 1 và 01 trường chuẩn giai đoạn 2.

c) Sự nghiệp y tế

Mạng lưới y tế cơ sở được đầu tư thích đáng. Cùng với hệ thống các bệnh viện lớn của tỉnh, thành phố đã tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ y tế cơ sở. Đến nay đã có 02 trạm y tế xã, phường được công nhận chuẩn quốc gia; 7/12 trạm y tế xã phường có bác sỹ để chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân. Công tác KHHGĐ được quan tâm, nhiều chiến dịch truyền thông dân số được tổ chức. Tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên của thành phố chỉ còn là 0,87% (mỗi năm giảm 4%o)

d) Công tác VHTT-TDTT - đài truyền thanh

Thành phố đã xây dựng trạm thu phát sóng FM, phủ sóng 100% các phường, xã. Phong trào xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư đã đi sâu vào đời sống của nhân dân; 87% gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá, 51 % phố thôn, xóm văn hoá, 90% cơ quan đơn vị trên địa bàn đạt cơ quan văn hoá. Công tác phòng chống tệ nạn xã hội, quản lý nhà nước về văn hoá được tăng cường.

3. Đánh giá tổng quát việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội

Thành phố Phủ Lý là đô thị trung tâm chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh Hà Nam. Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên thuận lợi, nằm trên trục kinh tế Bắc - Nam; Đông - Đông bắc, thành phố Phủ Lý có nhiều yếu tố, điều kiện để phát triển đô thị.

Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành của tỉnh và các ngành của Trung ương, Đảng bộ và nhân dân thành phố Phủ Lý đã nỗ lực vượt qua thử thách, phấn đấu giành nhiều thắng lợi trên các lĩnh vực: cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch mang tính chất đô thị, tập trung cho thương mại, dịch vụ, CN - TTCN; cơ sở hạ tầng được đầu tư theo quy hoạch, đáp ứng các tiêu chuẩn đô thị và phù hợp với điều kiện phát triển của địa phương. Công tác quản lý hành chính, quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được cải tiến theo hướng pháp quyền, tinh gọn, nâng cao hiệu lực quản lý và điều hành. Năm 2005, thành phố Phủ Lý được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng ba.

Trên cơ sở quy hoạch định hướng phát triển của thành phố đến năm 2020, Nghị quyết Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và thành phố đều xác định mục tiêu nâng cấp đô thị và xây dựng thành phố Phủ Lý trở thành thành phố vào năm 2010. Trên cơ sở đó, thành phố được ưu tiên đầu tư phát triển, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, nâng cao năng lực quản lý đô thị. Hệ thống giao thông, cấp, thoát nước, vệ sinh môi trường và cảnh quan đô thị có bước phát triển đáng kể. Nhiều công trình với những dáng kiến trúc hiện đại như Sân vận động, trụ sở các cơ quan, các công viên, các khu đô thị mới... đã tạo cho bộ mặt đô thị của thành phố ngày càng khang trang, sạch đẹp. Sự nghiệp văn hoá - xã hội được duy trì và phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ nét. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội  được đảm bảo vững chắc, góp phần tích cực vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các đô thị khu vực phía Nam đồng bằng sông Hồng.