Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Bức tranh toàn cảnh trong thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp Hà Nam

Tin theo lĩnh vực Công thương  
Bức tranh toàn cảnh trong thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp Hà Nam
Hà Nam là tỉnh cửa ngõ phía Nam của thủ đô Hà Nội, rất gần với sân bay Nội Bài, cách cảng Hải Phòng 80 km, có hệ thống giao thông quốc gia dày đặc chạy qua gồm: Quốc lộ 1A, đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, quốc lộ 21, quốc lộ 38 và đường sắt Bắc - Nam. Hà Nam còn có sông Hồng và sông Đáy rất thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy. Giao thông của Hà Nam được kết nối liên hoàn, thuận lợi để các doanh nghiệp (DN) vận chuyển hàng hóa đi các tỉnh, thành trong cả nước cũng như đến các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Hà Nam có 08 khu công nghiệp (KCN) và 17 cụm công nghiệp (CN) được đầu tư hạ tầng đồng bộ; có nguồn nhân lực dồi dào với dân số gần 01 triệu người, trong đó 2/3 đang trong độ tuổi lao động. Người Hà Nam cần cù, chăm chỉ, hăng say trong lao động, sản xuất. Những năm trở lại đây, tỉnh Hà Nam đã có những cải cách mạnh mẽ nhằm cải thiện môi trường đầu tư. Với phương châm tạo điều kiện thuận lợi nhất, tỉnh sẵn sàng giao đất sạch, cấp giấy chứng nhận đầu tư nhanh nhất. DN đến đầu tư được coi là tài sản của tỉnh, vì vậy tỉnh luôn đồng hành cùng DN trong mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh. Sự kết hợp hài hòa giữa lợi thế tĩnh và lợi thế động, Hà Nam thực sự trở thành nơi đầu tư lý tưởng của các DN, nhất là DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Nam - Nơi đầu tư lý tưởng của nhà đầu tư nước ngoài

Năm 2017, dù không phải là năm đạt được những kết quả nổi bật nhưng tỉnh Hà Nam vẫn thu hút được 105 dự án, trong đó 21 dự án FDI, 84 dự án trong nước. Đến nay tổng số dự án đầu tư còn hiệu lực trên địa bàn tỉnh là 738 dự án, (trong đó có 207 dự án FDI và 531 dự án trong nước), với vốn đăng ký đạt gần 02 tỷ 400 triệu USD và trên 100 nghìn 800 tỷ đồng. Trong 207 dự án FDI đến từ 09 quốc gia và vùng lãnh thổ, DN Hàn Quốc và Nhật Bản chiếm đa số (gồm: 108 dự án đầu tư từ Hàn Quốc, chiếm 52% tổng số dự án FDI; 65 dự án đầu tư từ Nhật Bản chiếm 31,4% dự án FDI). Nhiều DN có vốn đầu tư lớn, sản xuất các mặt hàng có giá trị kinh tế bởi hàm lượng công nghệ cao như: Xe máy, hệ thống dây dẫn ô tô, điện, điện tử, chế tạo máy, thiết bị điện thoại di động… Phải kể đến như: Công ty Honda Việt Nam, Công ty TNHH hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam; Công ty TNHH Seoul Semicondoctor Việt Nam… Các doanh nghiệp đang giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động của địa phương.

Hòa nhập vào bức tranh công nghiệp của tỉnh Hà Nam từ tháng 3 năm 2017, Công ty TNHH NMS - DN 100% vốn đầu tư đến từ Nhật Bản, chuyên sản xuất, lắp ráp, gia công các thiết bị viễn thông, thiết bị đấu nối cung cấp cho ngành công nghiệp ô tô đầu tư tại KCN Đồng Văn II đã thu hút gần 01 nghìn lao động làm việc. Sau 9 tháng hoạt động, công ty đã xuất nhiều đơn hàng về Nhật Bản và đến các quốc gia khác. Ông Norihiko Watanabe - Tổng Giám đốc Công ty TNHH NMS Việt Nam cho biết: Năm 2017 là năm đầu tiên đưa nhà máy ở Hà Nam vào sản xuất, với rất nhiều thuận lợi, công ty nhanh chóng đạt được kết quả kinh doanh theo kế hoạch đã đề ra và đang tiếp tục tăng trưởng đều. Hiện công ty đã xây dựng xong kế hoạch sản xuất của năm 2018 và đang xây dựng kế hoạch phát triển trung kỳ. Quyết định đầu tư vào Hà Nam của chúng tôi quả là đúng đắn.

Với phương châm “Luôn có mặt bằng sạch, hạ tầng đồng bộ để chào đón doanh nghiệp", tỉnh Hà Nam đặc biệt chú trọng đến công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng các KCN với đầy đủ điện, nước và các dịch vụ tiện ích đến chân hàng rào của doanh nghiệp. DN đến đầu tư, ngoài những ưu đãi chung còn được UBND tỉnh đảm bảo bằng 10 cam kết. Với 08 KCN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó 06 khu đi vào hoạt động. Hiện tại, tỉnh đang lựa chọn nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN Thanh Liêm, tiến tới là KCN Thái Hà. Đặc biệt, trong số 06 KCN đã đi vào hoạt động có KCN hỗ trợ Đồng Văn III, là một trong hai KCN ở miền Bắc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là KCN hỗ trợ. Tại đây, tỉnh ưu tiên thu hút các DN Nhật Bản với các ngành công nghiệp hỗ trợ vào đầu tư.

Là DN đầu tiên đăng ký đầu tư vào KCN hỗ trợ Đồng Văn III, Công ty TNHH Ohtsuka Sangyo Material không chỉ nhận được sự quan tâm đặc biệt từ lãnh đạo tỉnh Hà Nam mà còn nhận được sự hỗ trợ tích cực từ phía Công ty Cổ phần đầu tư phát triển hạ tầng KCN Đồng Văn III. Thời gian triển khai xây dựng nhà máy đến khi đi vào sản xuất được rút ngắn, đã giúp DN nhanh chóng ra nhập thị trường và khẳng định hiệu quả nguồn vốn đầu tư. Ông Yusuke Otsuka -Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ohtsuka Sangyo Material Việt Nam cho biết: Trước khi triển khai dự án tại Hà Nam tôi đã đi gần 40 tỉnh, thành phố của Việt Nam để tìm hiểu môi trường đầu tư. Đến bây giờ thì tôi hoàn toàn thấy hài lòng vì mình đã đúng khi lựa chọn Hà Nam. Tỉnh không những tạo điều kiện hỗ trợ các DN nước ngoài như chúng tôi, mà còn dành riêng KCN Đồng Văn III này cho các DN Nhật Bản. Điều đó giúp chúng tôi rất thuận tiện trong việc liên kết, hỗ trợ nhau trong quá trình đầu tư.

Những năm trở lại đây, tỉnh Hà Nam đã chuyển dịch hành chính từ quản trị sang phục vụ. Công tác cải cách thủ tục hành chính được vận hành và đi vào hoạt động nền nếp, tạo điều kiện thuận lợi nhất, đơn giản nhất và nhanh chóng nhất cho doanh nghiệp. Điển hình như việc cấp giấy chứng nhận đầu tư, trước đây nhà đầu tư đến Hà Nam phải mất từ 05 đến 15 ngày mới nhận được giấy chứng nhận đầu tư thì nay chỉ mất 03 ngày, thậm chí là được cấp ngay trong ngày và cấp theo giờ. Đầu tư tại Hà Nam DN còn nhận được rất nhiều ưu đãi về: Thuê đất, thuế thu nhập DN, được tiếp cận với các tổ chức tín dụng để vay vốn, được đảm bảo thủ tục và đáp ứng cho việc chuyển đổi phương án sản xuất và nhà đầu tư phụ trợ đi cùng, được tỉnh đáp ứng đủ lao động có chất lượng phù hợp yêu cầu của nhà đầu tư… Nhiều nhà đầu tư bày tỏ: “Hàng hóa từ DN của họ đi cảng biển, sân bay và ngược lại giờ đây đã trở nên rất gần". Đó là nhờ vào “Hải quan điện tử". Chỉ cần chiếc máy tính hoặc điện thoại thông minh có kết nối Internet, DN có thể thông quan hàng hóa dễ dàng mà không mất công sức cũng như chi phí đi lại.

Không chờ DN đến với mình, mà phải tìm đến DN, vì vậy công tác quảng bá hình ảnh, xúc tiến đầu tư đã được tỉnh Hà Nam đặc biệt chú trọng. Những năm trở lại đây, lãnh đạo tỉnh đã tổ chức nhiều đoàn xúc tiến đầu tư tại: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Israel. Năm 2017, tỉnh đã tổ chức nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản và tại các hội nghị, đã thu hút đông đảo DN Nhật Bản tham dự. Mới đây nhất, Tuần lễ cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2017 diễn ra tại thành phố Đà Nẵng, ông Nguyễn Xuân Đông - Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam đã có bài phát biểu quan trọng giới thiệu về tiềm năng, lợi thế, những lĩnh vực mà tỉnh đang quan tâm thu hút đầu tư tới các đại biểu và các doanh nghiệp hàng đầu trong khối APEC, góp phần nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư vào địa bàn tỉnh.

Khẳng định với các nhà đầu tư về tính nhất quán trong thu hút đầu tư, nói đi đôi với làm tỉnh Hà Nam đã và đang đẩy mạnh kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư, xây dựng nhà ở cho chuyên gia làm việc trong các DN Nhật Bản và Hàn Quốc. Kết quả bước đầu là dự án chung cư cho thuê của Công ty TNHH Fuji Enginnering Việt Nam đã hoàn thành, đưa vào sử dụng đầu tháng 12/2017. Tỉnh cũng tích cực triển khai các bước để tiến tới xây dựng các khu nhà ở cho công nhân lao động tại các KCN; chỉ đạo chủ đầu tư hạ tầng KCN Đồng Văn IV đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân lao động tại KCN này. Hàng năm, đều tổ chức các hội nghị gặp mặt, đối thoại với DN để nắm bắt, tìm hiểu và chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc mà các DN gặp phải trong quá trình đầu tư tại tỉnh. Những ý kiến, phản ánh của DN đã được các lãnh đạo tỉnh ghi nhận và chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung giải quyết nhanh chóng, kịp thời. Bên cạnh đó, tỉnh còn tổ chức hội nghị đối thoại với công nhân lao động với mục đích: Hiểu rõ hơn về tâm tư, nguyện vọng trong quá trình lao động cũng như đời sống của người lao động trong các KCN hiện nay.

Với nhiều giải pháp đồng bộ trong thu hút đầu tư cũng như các giải pháp thúc đẩy DN phát triển, trong năm đã có thêm nhiều dự án mới chính thức đi vào sản xuất. Do vậy, nhiều sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh đã vượt chỉ tiêu kế hoạch như: Điện tử, dây dẫn điện; sản phẩm từ cao su và Plastic; quần áo may sẵn; sản xuất chế biến thực phẩm, xe gắn máy… Năm 2017, giá trị sản xuất CN trên địa bàn tỉnh đạt 78.614 tỷ đồng, tăng 14,28% so với năm 2016, trong đó các DN FDI đạt khoảng 49 nghìn tỷ đồng, chiếm trên 62%.

Kết quả đạt được trong thu hút đầu tư và trong phát triển CN năm 2017, nhất là kết quả mà các DN FDI đạt được không chỉ giúp tỉnh Hà Nam sớm hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX mà còn khẳng định tầm nhìn dài hạn, định hướng đúng đắn, triển khai chính sách quyết liệt, kịp thời và hiệu quả của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Đây còn là động lực quan trọng để tỉnh tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác thu hút đầu tư, tạo những bước đột phá mới trong phát triển CN, sớm đưa tỉnh Hà Nam trở thành tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trong khu vực cũng như cả nước./.