Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam lấy ý kiến đóng góp vào các dự án luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8

Tin theo lĩnh vực Tổng hợp  
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam lấy ý kiến đóng góp vào các dự án luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8
Chiều ngày 16/10/2019, UBND tỉnh tổ chức hội nghị cung cấp thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh với Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và tham gia ý kiến vào các dự án luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8.

Dự hội nghị có bà Lê Thị Thủy - Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy; ông Trương Minh Hiến - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; bà Hà Thị Minh Tâm - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; các thành viên Đoàn ĐBQH tỉnh…

17cac-dai-bieu-du-hoi-nghi-su.jpg
Các đại biểu dự hội nghị

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trương Minh Hiến  đã báo cáo  nhanh tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm. Về cơ bản 9 tháng đầu năm, kinh tế - xã hội của tỉnh tăng trưởng ổn định và có bước phát triển. Tổng sản phẩm trong tỉnh tăng trưởng 11,4% so với cùng kỳ. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh phát triển theo hướng công nghiệp hóa, sản xuất sản phẩm sạch ứng dụng công nghệ cao. Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục được triển khai mạnh mẽ và đạt kết quả tốt. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 17,1%. Hà Nam đã thu hút được 79 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư là hơn 313 triệu USD và trên 5.790 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 2.600 triệu USD, tăng 26% so với cùng kỳ. Thu cân đối ngân sách nhà nước ước đạt hơn 6.869 tỷ đồng, đạt 88% dự toán địa phương và 89% dự toán trung ương giao. Văn hóa, xã hội có nhiều khởi sắc. An sinh xã hội được đảm bảo. Chất lượng giáo dục toàn diện được duy trì tốt. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, tạo môi trường thuận lợi cho thu hút đầu tư, phát triển kinh tế… 

17bac-hien-sua.jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trương Minh Hiến báo cáo tình hình phát triển kinh tế  - xã hội trên địa bàn tỉnh

Trên cơ sở đó, tỉnh có một số kiến nghị, đề xuất với Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan trung ương như: Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án bệnh viện trung ương trên địa bàn tỉnh; đẩy nhanh tiến độ phân bổ vốn đầu tư công năm 2019; ban hành thông tư hướng dẫn cụ thể Nghị định 37 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch và sớm triển khai xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng làm cơ sở cho các địa phương xây dựng quy hoạch của tỉnh; quan tâm giúp tỉnh thực hiện các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường nước sông Đáy, sông Nhuệ; cho phép tỉnh thực hiện đề án thí điểm mô hình tích tụ ruộng đất để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…

Tham gia ý kiến vào các dự án Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, các sở, ngành đã có nhiều ý kiến đóng góp một số nội dung về việc sửa đổi, bổ sung các luật: Kiểm toán Nhà nước; Cán bộ, công chức, Viên chức; Tổ chức chính quyền địa phương; Phòng chống thiên tai; Đê điều; dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi); dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; dự thảo Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi); Luật Lực lượng dự bị động viên; dự thảo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Luật Trẻ em…

Theo đó, đối với Luật Kiểm toán Nhà nước, Sở Tài chính Hà Nam đề nghị không giao quyền truy cập dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và cơ sở dữ liệu quốc gia cho Kiểm toán nhà nước. Đơn vị được kiểm toán và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán sẽ thực hiện truy cập, khai thác dữ liệu điện tử của đơn vị mình để cung cấp thông tin, tài liệu, số liệu phục vụ cho việc kiểm toán theo yêu cầu của đoàn kiểm toán và chịu trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ của dữ liệu do mình cung cấp.

Sở Nội vụ Hà Nam cơ bản nhất trí với các nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Tổ chức chính phủ; nhất trí cao với nội dung dự thảo sửa đổi khoản 2 Điều 4 và sửa đổi, bổ sung Điều 6 Luật Cán bộ, công chức. Tuy nhiên, để việc lựa chọn, thu hút “người có tài năng" được khách quan, công bằng, minh bạch, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu thiết kế bổ sung quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quyết định việc lựa chọn, thu hút người có tài năng trong hoạt động công vụ để nâng cao trách nhiệm của những người được giao nhiệm vụ này.

Về dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi), Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nam đề nghị thời gian làm việc bình thường không quá 8 giờ trong một ngày và không quá 44 giờ trong tuần; tăng thời giờ làm thêm của người lao động không quá 400/năm. Đối với Luật Trẻ em, đề nghị cơ quan trung ương có văn bản hướng dẫn đối với cán bộ làm công tác trẻ em ở cấp xã để các địa phương thống nhất triển khai, thực hiện.

Đóng góp  ý kiến đối với dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Tòa án nhân dân tỉnh tỉnh Hà Nam nhất trí quan điểm cần mở rộng phạm vi áp dụng không chỉ đối với những trường hợp đã có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính mà áp dụng cả đối với những trường hợp tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhưng các bên không lựa chọn khởi kiện mà lựa chọn cơ chế hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Về kinh phí bảo đảm thực hiện hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án, nên quy định người tham gia hòa giải, thời gian, đối thoại phải nộp lệ phí hòa giải, đối thoại để chi trả cho lợi ích mà họ được hưởng từ dịch vụ hòa giải, đối thoại tại Tòa án và Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí. Đối với luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác dự thảo chỉ cần quy định là có kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác của mình mà không cần giới hạn phải đủ 10 năm; quy định thêm về quyền của hòa giải viên được tiến hành xem xét thực tế tài sản đang tranh chấp.

17ba-thuy-pb-sua-y.jpg
Bí thư Tỉnh ủy Lê Thị Thủy phát biểu tại hội nghị

Công an tỉnh Hà Nam đề nghị Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam quy định rõ hơn về điều kiện nhập cảnh của công dân Việt Nam như: có giấy tờ xuất, nhập cảnh còn nguyên vẹn, còn thời hạn sử dụng và không thuộc các trường hợp quy định tại Khoản 1, 2, 3, 4, 5 ,6, 7 Điều 4 Luật này.

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy  Lê Thị Thủy đề nghị UBND tỉnh, các sở, ngành rà soát, xem xét lại các kiến nghị đề xuất liên quan đến các vấn đề về phát triển kinh tế - xã hội theo hướng sát thực, làm rõ vướng mắc cần giải quyết, tháo gỡ để có đề xuất với Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan trung ương.

17ba-tam-tiep-thu-sua.jpg
Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Thị Minh Tâm tiếp thu ý kiến của các đại biểu​

Kết luận hội nghị, bà Hà Thị Minh Tâm, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam đã ghi nhận ý kiến của các đại biểu và chuyển đến Ban soạn thảo cũng như Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét./.