Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Đổi mới trong giáo dục trung học ở Hà Nam

Tin theo lĩnh vực Giáo dục  
Đổi mới trong giáo dục trung học ở Hà Nam
Trong năm học qua, cùng với các cấp học, giáo dục trung học trên địa bàn Hà Nam tiếp tục triển khai mạnh mẽ việc đổi mới về cả công tác quản lý, điều hành cũng như phương pháp dạy và học, đáp ứng ngày càng cao đòi hỏi của phát triển giáo dục.

Theo đó, hệ thống giáo dục trung học đã được duy trì ổn định về mạng lưới, quy mô trường lớp và tăng dần tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi đến trường, lớp. 

Ở cấp trung học cơ sở (THCS), toàn tỉnh có 118 trường công lập với 1.659 lớp  và 45.043 học sinh, tỷ lệ đi học đúng độ tuổi THCS là 97,5%. Cấp trung học phổ thông (THPT) có 23 trường công lập với 544 lớp và trên 23.000 học sinh, tỷ lệ đi học đúng độ tuổi là 72,5%.

Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ở cả hai cấp THCS và THPT hiện là 4.533 người, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đạt chuẩn, cơ bản bảo đảm thực hiện tốt các yêu cầu, nhiệm vụ giáo dục của từng cấp học.

Xác định, đổi mới toàn diện chính là yếu tố quyết định cho việc nâng cao chất lượng, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các trường trung học tùy vào điều kiện thực tế để tổ chức dạy 2 buổi/ngày. Trong thời gian dạy học 2 buổi/ngày, các nhà trường đã bố trí các hoạt động phụ đạo học sinh yếu kém, bồi dưỡng học sinh giỏi và tổ chức nhiều hoạt động ngoài giờ lên lớp, giáo dục kỹ năng sống…tạo cho học sinh sự hứng thú, say mê học tập. 

Đến nay, 100% các trường trung học trên địa bàn tỉnh đã tổ chức học 2 buổi/tuần vào một số thời điểm thích hợp. Các nhà trường cũng tích cực đổi mới hình thức, phương pháp, kỹ thuật dạy học và kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Hầu hết các trường THPT và THCS trong tỉnh thực hiện đa dạng hóa các hình thức học tập, ngoài việc tổ chức cho học sinh thực hiện các nhiệm vụ học tập ở trên lớp, còn coi trọng nhiệm vụ và hướng dẫn học sinh học tập ở nhà và ngoài cộng đồng. 

Để hỗ trợ các nhà trường trong triển khai thực hiện đổi mới giáo dục, ngành đã tổ chức tập huấn chuyên môn cho 100% cán bộ quản lý, giáo viên THPT, giáo viên cốt cán THCS về nội dung xây dựng ma trận đề và phương pháp dạy học các môn học và phương pháp hướng dẫn học sinh tự học, thiết kế bài học theo các nhóm hoạt động, thực hành dạy học minh họa trong sinh hoạt chuyên môn tại các cụm trường và các nhà trường theo hướng nghiên cứu bài học, chỉ đạo áp dụng việc thiết kế bài học theo các nhóm hoạt động góp phần phát huy năng lực, phẩm chất học sinh đối với tất cả các môn học tại các nhà trường.

Bên cạnh đó, trong năm học vừa qua, ngành giáo dục tiếp tục triển khai mô hình trường học mới (MHTHM) đối với lớp 6, 7, 8 tại 32 trường THCS. Trong tổng số 6.828 học sinh được học MHTHM, qua kiểm tra, đánh giá, đã có trên 25% học sinh hoàn thành tốt chương trình học tập, 71% học sinh đạt năng lực tốt và 74,6% học sinh đạt phẩm chất tốt. 

Các cơ sở giáo dục không áp dụng MHTHM đều chủ động, linh hoạt lựa chọn những thành tố tích cực của mô hình này để bổ sung vào quá trình đổi mới phương thức giáo dục đang thực hiện, bảo đảm nguyên tắc lấy hoạt động học của học sinh làm trung tâm.

Trong quá trình thực hiện đổi mới, các nhà trường đẩy mạnh đổi mới cơ chế quản lý chuyên môn, sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học và tăng cường bồi dưỡng các nội dung chuyên môn, nâng cao tay nghề cho giáo viên. Mỗi huyện, thành phố có sự điều tiết thành lập các cụm trường cấp THCS, mỗi cụm trường có từ 3-6 trường THCS và biên chế 06 cụm trường THPT tương ứng với 06 đơn vị hành chính của tỉnh. 

Bên cạnh việc tích cực trao đổi, thảo luận,  mỗi tổ, nhóm chuyên môn trong trường trung học phải xây dựng được tối thiểu 02 chuyên đề dạy học/học kì. Việc sinh hoạt chuyên môn tại các tổ, nhóm được tổ chức theo hướng nghiên cứu bài học, xây dựng các giờ dạy minh họa, tiến hành dự giờ, rút kinh nghiệm, trao đổi thống nhất các vấn đề về chuyên môn và nộp kết quả qua diễn đàn trên mạng "trường học kết nối". 

Đã có nhiều chuyên đề thiết thực như: Tổ chức dạy học theo phương pháp "Bàn tay nặn bột", đổi mới phương pháp dạy học các môn học và phương pháp hướng dẫn học sinh tự học; nâng cao chất lượng kỳ thi THPT quốc gia... được xây dựng thành nội dung sinh hoạt chuyên môn. 

Tại đây, lãnh đạo các nhà trường đã tích cực tìm hiểu, nghiên cứu, chỉ đạo triển khai áp dụng trong các tổ, nhóm chuyên môn nghiên cứu bài học từ đó áp dụng các phương pháp dạy học tích cực đổi mới vào giảng dạy. Giáo viên hiểu được ý nghĩa của sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học góp phần quan trọng giúp giáo viên nâng cao năng lực chuyên môn, học sinh học tập hiệu quả và nâng cao chất lượng giáo dục. 

Không những thế, hầu hết giáo viên còn thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá một cách sáng tạo, thiết thực và hiệu quả, xây dựng kho bài giảng e-Learning trực tuyến đáp ứng nhu cầu tự học và học tập suốt đời của người học. Đã có hơn 7.600 giáo viên và 10.300 học sinh được cấp tài khoản, 8.177 tổ/nhóm chuyên môn đăng ký tham gia sinh hoạt trên trang mạng "trường học kết nối" với 7.695 chủ đề đã được đăng tải. 

Nhiều chủ đề có chất lượng đáp ứng tốt yêu cầu dạy và học trong giai đoạn hiện nay. Cùng với đó, các tính năng trên trang mạng "trường học kết nối" như: không gian tập huấn, nguồn học liệu các môn học được nhiều cán bộ, giáo viên tham gia để phục vụ công tác giảng dạy của mình, góp phần không nhỏ vào việc đổi mới giáo dục hiện nay./.

Theo baohanam.com.vn