Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hoạt động khuyến công: “Tiếp sức” cho công nghiệp nông thôn phát triển

Tin theo lĩnh vực Nông, lâm nghiệp và thủy lợi  
Hoạt động khuyến công: “Tiếp sức” cho công nghiệp nông thôn phát triển
Nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp phát triển, bên cạnh các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp về thị trường, những năm qua, Sở Công thương còn triển khai hiệu quả hoạt động khuyến công. Qua đó, giúp nhiều cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) có thêm cơ hội phát triển sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu.

Giai đoạn 2014-2018, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, Sở Công thương đã triển khai thực hiện 55 đề án, mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc cho các cơ sở CNNT trong tỉnh phát triển với tổng kinh phí trên 25,6 tỷ đồng.

Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, hầu hết các cơ sở CNNT tham gia thực hiện đề án, mô hình trình diễn kỹ thuật từ nguồn kinh phí khuyến công đều đang hoạt động tốt, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động với mức thu nhập từ 5,5 triệu đồng/người/tháng trở lên.

Năm 2017, được hỗ trợ 200 triệu đồng từ nguồn khuyến công quốc gia, Công ty cổ phần Đức Mạnh (xã Liêm Tiết, thành phố Phủ Lý) đã đầu tư mua máy lập trình tự động, điều khiển lập trình bằng bảng điện tử.
Nhận thấy hiệu quả từ loại máy hiện đại này, đến nay, công ty đã đầu tư thêm 15 máy lập trình để phục vụ sản xuất. Theo đó, năng suất, chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao, tạo được uy tín trên thị trường, giúp công ty thường xuyên ký được hợp đồng lớn, xuất sang các nước châu Âu và châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc, Đức, Mỹ…, tạo việc làm ổn định cho hơn 1.000 công nhân với mức lương từ 5-15 triệu đồng/người/tháng.

Ông Nguyễn Đức Tề, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đức Mạnh cho biết: Trước đây, khi chưa có máy lập trình, công nhân của công ty phải sử dụng máy cơ thông thường để chạy đường may. Khi đó, công nhân phải đứng và dùng tay di chuyển sản phẩm nên mất nhiều thời gian và sức lao động. So với máy cơ, máy lập trình thao tác tự động với lập trình sẵn có về tốc độ may, số mũi may… nên cho mũi may đều, thẳng và đẹp hơn. Năng suất cũng cao hơn gấp 5-7 lần so với máy cơ.

Đánh giá về hiệu quả các mô hình, đề án khuyến công đã triển khai thực hiện, ông Nguyễn Liên Hồng, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại khẳng định: Các đề án khuyến công không chỉ mang lại hiệu quả về mặt kinh tế mà còn có ý nghĩa rất lớn về chính trị - xã hội. Các dự án được thực hiện đã tạo công ăn việc làm cho người lao động, đặc biệt là những địa phương có diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi.

Được biết, bên cạnh việc triển khai các đề án khuyến công, trong 4 năm qua (2014-2018), Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại còn thực hiện nhiều hoạt động khác nhằm hỗ trợ các cơ sở CNNT phát triển như: tổ chức các lớp đào tạo nghề, truyền nghề cho lao động nông thôn; tập huấn về nghiệp vụ, kỹ năng quản lý, kinh doanh cho các cơ sở CNNT; hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh; tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách về phát triển cụm công nghiệp, phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp dễ dàng tiếp cận với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước…

Để khuyến khích các ngành nghề thủ công mỹ nghệ phát triển, từ năm 2014 đến nay, Sở Công thương còn hỗ trợ tổ chức 4 hội chợ triển lãm sản phẩm CNNT tiêu biểu. Mỗi hội chợ thu hút khoảng 200 cơ sở tham gia với kinh phí hỗ trợ xấp xỉ 2,5 tỷ đồng. Tại mỗi hội chợ, doanh thu bán hàng của các cơ sở CNNT đạt trên 30 tỷ đồng.

Với việc triển khai hiệu quả công tác khuyến công, cùng với nhiều chính sách ưu đãi khác, Hà Nam đã và đang tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các cơ sở CNNT mở rộng sản xuất, góp phần thúc đẩy sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của tỉnh phát triển./.

Theo Báo Hà Nam Online