Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hội nghị Ban Thường vụ lần thứ 111

Tin theo lĩnh vực Tổng hợp  
Hội nghị Ban Thường vụ lần thứ 111
Sáng ngày 08/6/2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức hội nghị nghe Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh báo cáo đánh giá kết quả 02 năm thực hiện Nghị quyết số 05/NQ-TU ngày 08/4/2016 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp, tạo đột phá phát triển nhanh, bền vững nông nghiệp, nông thôn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2035. Ông Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị còn có ông Phạm Sỹ Lợi - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Nguyễn Xuân Đông - Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh; ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan; lãnh đạo các huyện, thành phố...

cac-dai-bieu-du-hn-sua.jpg

Các đại biểu dự hội nghị

Sau 02 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TU về đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp, tạo đột phá phát triển nhanh, bền vững nông nghiệp nông thôn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến 2035 đã làm chuyển biến rõ rệt về nhận thức cũng như trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với sự phát triển nông nghiệp nông dân và nông thôn. Tỉnh đã chỉ đạo đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tăng nhanh ứng dụng khoa học, kỹ thuật, xây dựng mô hình theo chuỗi (sản xuất - bảo quản, chế biến - tiêu thụ) để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Năm 2017, toàn tỉnh có 57 cánh đồng mẫu với diện tích trên 1.496 ha; diện tích lúa gieo thẳng tăng dần qua các năm, năm 2017 tỷ lệ gieo thẳng đạt 44,5%. Bên cạnh đó, tỉnh đã phê duyệt 06 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích trên 656 ha. Giá trị sản xuất trong các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khu sản xuất ngoài trời đạt 1.200 triệu đồng/ha/năm, trong khu nhà kính đạt 4.500 triệu đồng/ha/năm. Việc nhân rộng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao góp phần nâng cao giá trị sản xuất, cải thiện đời sống nhân dân.

Chăn nuôi hộ gia đình gắn với giảm thiểu ô nhiễm môi trường được duy trì và phát triển, từng bước có cơ chế thúc đẩy chăn nuôi hộ gia đình chuyển sang chăn nuôi bán công nghiệp, công nghiệp. Đến hết tháng 5/2018, toàn tỉnh có gần 3.100 con bò sữa  đạt 51,6% kế hoạch năm 2018. Sản lượng sữa bình quân bán cho các nhà máy đạt 21 tấn/ngày. Tổng đàn lợn đến hết quý I năm 2018 ước đạt 400.000 con. Cùng với đó, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất để thu hút các doanh nghiệp đầu tư ứng dụng công nghệ cao đã từng bước củng cố, nâng cấp hoàn thiện. Tỷ lệ cơ giới hóa trong các khâu sản xuất nông nghiệp gắn với đẩy mạnh chuyển dịch lao động nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp - dịch vụ tăng nhanh. Công tác xúc tiến đâu tư, xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp sạch Hà Nam được chú trọng. Tỉnh Hà Nam hiện đã có 03 thương hiệu sản phẩm nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGap là chuối ngự Đại Hoàng, cá kho Nhân Hậu và Bánh đa nem làng Chều.

Thời gian tới, Hà Nam tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và hiệu quả sản xuất kinh doanh nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng, để giá trị sản xuất năm 2020 đạt 8.835 tỷ đồng. Thúc đẩy mạnh mẽ chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ đặc biệt là công nghệ cao, công nghệ sạch vào sản xuất; giai đoạn 2016 - 2020 nhân rộng và phát triển vùng chuyên canh rau, củ, quả sạch, hoa cao cấp với 1.000 ha. Ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ cho các hộ dân tham gia tích tụ ruộng đất liên kết sản xuất nông nghiệp sạch làm vệ tinh, liên kết với các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao theo hướng hỗ trợ sau đầu tư để người dân tiếp cận nguồn kinh phí; thí điểm mô hình thôn, xóm nông thôn mới kiểu mẫu. Làm tốt công tác xúc tiến đầu tư, khuyến khích doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc đầu tư vào khâu chế biến nông sản.

bac-loi-sua.jpg

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Sỹ Lợi phát biểu tại hội nghị

Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đã thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại hạn chế cần khắc phục như: Đầu ra của sản phẩm chưa ổn định, giá nông sản nhiều thời điểm bấp bênh; cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp chưa được đầu tư tương xứng. Kết quả phát triển tổng đàn lợn, bò sinh sản, bò thịt chất lượng cao tại các địa phương còn chậm. Tiến độ thực hiện đề án phát triển chăn nuôi bò sữa không đạt so với mục tiêu và chỉ tiêu hàng năm cả về tổng đàn và sản lượng sữa. Việc triển khai các mô hình tích tụ ruộng đất sản xuất nông sản sạch làm vệ tinh liên kết sản xuất tiêu thụ chậm so với yêu cầu...

bac-khang-ket-luan-sua.jpg

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Khang phát biểu kết luận hội nghị

Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh: Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy là nghị quyết quan trọng, tác động trực tiếp đến phát triển nông nghiệp, nông thôn, đời sống của nhân dân, nhất là người nông dân trên địa bàn tỉnh, do vậy thời gian tới các cấp, ngành cần huy động các nguồn lực tập trung thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu nghị quyết đề ra đạt kết quả cao nhất. Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Khang cũng đề nghị, thời gian tới các địa phương tiếp tục quán triệt Nghị quyết 05, trong đó cần thực hiện các hình thức tích tụ ruộng đất theo quy định của Luật; xác định mục tiêu cụ thể để triển khai thực hiện đạt hiệu quả. Về phát triển đàn bò sữa, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị cần có sự so sánh giữa thực tế với chỉ tiêu thời gian tới để đưa giải pháp cụ thể để có kết quả cao nhất. Cùng với đó đẩy mạnh việc triển khai quy hoạch chi tiết phát triển nông nghiệp ở các huyện; tổng kết, rút kinh nghiệm các mô hình; rà soát cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp; tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, tập trung xây dựng thương hiệu cho nông sản Hà Nam. Các ngành, địa phương phối hợp tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. Bố trí nguồn kinh phí hợp lý cho phát triển nông nghiệp, nhất là huyện trọng điểm.

Sau hội nghị, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh tiếp thu đầy đủ ý kiến thảo luận tại hội nghị hoàn chỉnh báo cáo, kiểm điểm rõ kết quả từng đề án gắn với trách nhiệm từng cơ quan, địa phương, đồng thời đưa ra định hướng cụ thể để thực hiện trong thời gian tới./.