Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hội nghị toàn quốc về logistics, giảm chi phí, kết nối hạ tầng giao thông

Tin theo lĩnh vực Giao thông  
Hội nghị toàn quốc về logistics, giảm chi phí, kết nối hạ tầng giao thông
Sáng ngày 16/4/2018, Văn phòng Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về logistics, các giải pháp giảm chi phí, kết nối hạ tầng giao thông. Ông Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị - Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nam có ông Trương Quốc Huy - Tỉnh ủy viên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, huyện thành phố…

tc.jpg

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Hà Nam

Dịch vụ logistics bắt đầu phát triển trên cơ sở dịch vụ giao nhận vận tải từ những năm 1986. Tốc độ phát triển bình quân hàng năm của ngành logistics khoảng 14 - 16%. Tuy nhiên chi phí logistics còn cao, trong đó chi phí vận tải chiếm khoảng 59%. Nguyên nhân là do hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, thiếu cảng cạn, trung tâm logistics có quy mô và vị trí thuận tiện; thị phần vận tải, tổ chức vận tải chưa hợp lý, chưa phát huy hết lợi thế của các phương thức vận tải, chưa phát triển được vận tải đa phương thức trên các hành lang; phương tiện vận tải lạc hậu về công nghệ, thiếu phương tiện chuyên dụng, chi phí đầu tư cao; khả năng xếp dỡ và liên kết giữa các doanh nghiệp còn hạn chế; thủ tục hành chính và các loại phí, lệ phí còn cao so với một số quốc gia trong khu vực; thị trường vận tải thiếu minh bạch, giá cước cao. Do vậy, việc giảm chi phí logistic nói chung, chi phí vận tải nói riêng là một giải pháp cấp bách, có ý nghĩa lớn trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc tế. Các giải pháp giảm chi phí logistics, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng trong lĩnh vực giao thông vận tải được đưa ra là: hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách; nâng cao chất lượng công tác lập và tổ chức thực hiện quy hoạch; tăng cường kết nối, phát triển hợp lý các phương thức vận tải, vận tải đa phương thức và dịch vụ logistic; phát triển vận tải thủy nội địa và vận tải ven biển; tăng cường hợp tác với các đối tác nước ngoài để mở rộng kết nối hạ tầng logistics; nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng vốn đầu tư trong xây dựng kết cấu hạ tầng; khuyến khích, thu hút đầu tư ngoài ngân sách để xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, khai thác vận tải; nâng cao chất lượng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực và đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động vận tải.

Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đưa ra nhiều giải pháp liên quan đến điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp, đánh giá chi phí trong thực hiện các thủ tục hành chính; nội dung liên quan logistics thuộc chuyên ngành đường bộ; giải pháp tăng cường kết nối hàng hóa và giảm chi phí logistics của các bến cảng trong nhóm cảng biển Đông Nam Bộ; kết nối tuyến đường thủy nội địa, thu hút đầu tư cảng, bến thủy nội địa về kết nối vận tải đa phương thức; tháo gỡ khó khăn, bất cập góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ logistics; giảm chi phí đối với hàng hóa xuất nhập khẩu của doanh nghiệp thủy sản; kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông; tăng cường kết nối phương tiện vận tải; đổi mới mô hình đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành logistics; nâng cao hiệu quả khai thác cảng biển.

thu-tuong-kl (1).jpg

Ông Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị - Thủ tướng Chính phủ kết luận hội nghị

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công Thương và các bộ, ngành, địa phương tiếp thu ý kiến, khẩn trương giải quyết kiến nghị của các hiệp hội, các doanh nghiệp vận tải, logistics, cắt giảm ngay các thủ tục không cần thiết, triển khai các nhiệm vụ trong đó cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm. Các địa phương cần có quy hoạch và sử dụng quỹ đất thích hợp để xây dựng trung tâm phân phối hàng hóa, dịch vụ hậu cảng, kết nối thuận tiện với mạng lưới giao thông quốc gia, các cảng cạn từng bước tạo thành mạng lưới kết cấu hạ tầng logistics hiện đại. Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam, các hiệp hội ngành hàng liên quan căn cứ quy định của pháp luật, chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền và chức năng, nhiệm vụ để định hướng thay đổi hành vi trong thương mại quốc tế, gắn kết giữa doanh nghiệp chủ hàng và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics, nâng cao ý thức của doanh nghiệp chủ hàng, tạo cơ sở cho doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam tham gia vào nhiều công đoạn trong chuỗi cung ứng với hàm lượng giá trị gia tăng ngày càng cao. Các doanh nghiệp logistics cần chủ động ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại theo xu hướng hình thành ngành logistics trong cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 để nâng cao sức cạnh tranh, nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm giá phí các dịch vụ./.