Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hội nghị tổng kết công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019

Tin theo lĩnh vực Nông, lâm nghiệp và thủy lợi  
Hội nghị tổng kết công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019
Sáng ngày 24/12/2018, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh động vật tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019.

Dự hội nghị có ông Trương Minh Hiến - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh động vật tỉnh; thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật tỉnh…

cac-dai-bieu-du-hoi-nghi-su.jpg

Các đại biểu dự hội nghị

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay tổng đàn lợn của tỉnh đạt trên 472 nghìn con, đàn gia cầm đạt trên 6,5 triệu con, đàn trâu, bò đạt trên 32.300 con, đàn dê đạt gần 9.900 con. Trong năm 2018, trên địa bàn tỉnh không xuất hiện các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như lở mồm long móng gia súc, gia cầm. Các loại bệnh thông thường như E.coli, tiêu chảy, viêm phổi do thời tiết trên đàn gia súc, gia cầm xảy ra lẻ tẻ đã được phát hiện sớm, xử lý điều trị kịp thời nên tỷ lệ khỏi bệnh cao. Với thủy sản, không xảy ra các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Nhưng do ảnh hưởng của thời tiết bất lợi nên một số bệnh như: Bệnh xuất huyết, viêm ruột trên cá trắm cỏ, trôi… xảy ra rải rác ở một số ao nuôi đã được hộ dân xử lý, điều trị kịp thời nên không gây thiệt hại lớn.

Năm 2019, với mục đích khống chế, thanh toán được các loại dịch bệnh nguy hiểm đối với đàn gia súc, gia cầm, động vật thủy sản, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh động vật tỉnh xác định công tác giám sát dịch phải được chủ động thực hiện thường xuyên, liên tục ngay từ cơ sở nhằm phát hiện dịch sớm, tổ chức chống dịch kịp thời khi còn ở diện hẹp, số lượng ít; thường xuyên tổ chức lấy mẫu giám sát chủ động để đánh giá tỷ lệ lưu hành của mầm bệnh; tổ chức triển khai tiêm phòng bệnh bắt buộc đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho đàn vật nuôi theo quy định vào 02 vụ chính trong năm là vụ Xuân, vụ Thu.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật xuất ra và nhập vào địa bàn tỉnh; tuyên truyền, vận động người chăn nuôi, buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm thường xuyên làm tốt công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, môi trường trong chăn nuôi, cơ sở giết mổ, khu vực buôn bán gia súc, gia cầm sống. Với thủy sản phải thường xuyên thực hiện vệ sinh ao nuôi, hàng ngày loại bỏ thức ăn dư thừa ra khỏi ao nuôi, định kỳ xử lý môi trường ao nuôi bằng vôi bột hoặc thuốc khử trùng. Khi có dịch xảy ra, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức công tác tiêu hủy động vật, thành lập chốt kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; tổ chức vệ sinh, tiêu độc…

dai-bieu-thao-luan-sua.jpg

Đại biểu thảo luận tại hội nghị

Tại hội nghị, đại diện các địa phương, đơn vị đã thảo luận, đề xuất những giải pháp để tiếp tục làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc gia cầm và động vật thủy sản. Các đại biểu cũng nêu những khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện phòng chống dịch bệnh như: Công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm ở một số địa phương còn hạn chế, chưa được thực hiện sâu sát nên kết quả tiêm phòng chưa cao; công tác kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y gặp nhiều khó khăn...

bac-hien-sua.jpg

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trương Minh Hiến phát biểu kết luận hội nghị

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trương Minh Hiến khẳng định: Ngành chăn nuôi đã trở thành ngành sản xuất chính trong nông nghiệp, vừa đáp ứng yêu cầu về sản phẩm cho xã hội, vừa tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều nông dân. Do vậy, ngành nông nghiệp cần xác định tiếp tục phát triển chăn nuôi, tăng tổng đàn hợp lý, trong đó chú trọng xây dựng các chuỗi liên kết trong chăn nuôi. Về vấn đề phòng, chống dịch bệnh cần thường xuyên giám sát, kiểm tra dịch bệnh ngay từ cơ sở; tiếp tục kiểm soát, khống chế không để các loại dịch bệnh nguy hiểm xảy ra và lây lan rộng; chủ động giám sát để phát hiện sớm, cảnh báo và có giải pháp khống chế kịp thời, hiệu quả./.