Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ trẻ em

Tin theo lĩnh vực Lao động, thương binh xã hội  
Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ trẻ em
Sáng ngày 06/8/2018, Ủy Ban Quốc gia về trẻ em tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ trẻ em. Ông Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị - Thủ tướng Chính phủ dự và chỉ đạo hội nghị. Dự hội nghị còn có ông Vũ Đức Đam - Ủy viên Trung ương Đảng - Phó Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Ủy ban quốc gia về trẻ em; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành trung ương.

Dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nam có ông Bùi Quang Cẩm - Tỉnh ủy viên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Nguyễn Mạnh Tiến - Tỉnh ủy viên - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; lãnh đạo các sở, ban, ngành, huyện, thành phố…

IMG_9049.jpg

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nam

Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện toàn quốc có trên 26 triệu trẻ em. Mặc dù công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em được Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo; hệ thống pháp luật về bảo vệ trẻ em liên tục được bổ sung, sửa đổi, cơ bản đáp ứng yêu cầu giải quyết các vấn đề nảy sinh trong thực tế, tiệm cận với chuẩn mực quốc tế, nhưng năm 2017, cả nước vẫn có trên 1.800 trẻ em tử vong vì đuối nước. Mỗi năm trung bình có trên 2.000 trường hợp trẻ em bị bạo lực và xâm hại được phát hiện và giải quyết, trong đó trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm 60%. Những hành vi, vụ việc xâm hại trẻ em chạm ngưỡng hình sự mới bị phát hiện, bị xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự. Điều đáng nói, trẻ em bị bạo hành và xâm hại chiếm tỷ lệ cao ngay tại gia đình và trong nhà trường, đặc biệt việc bạo lực, xâm hại trên môi trường mạng có xu hướng tăng nhanh. Ba năm gần đây, số vụ trẻ em bị bạo hành và xâm hại có giảm nhẹ, nhưng tính chất các vụ việc bạo hành và xâm hại trẻ em diễn biến phức tạp, ngày càng nghiêm trọng, gây bức xúc dư luận xã hội. Hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em vi phạm nghiêm trọng về đạo đức, gây tổn thương nặng nề đến thể chất và tinh thần, thậm chí làm trẻ em tử vong hoặc khiến trẻ em tự tử.

Đối với tỉnh Hà Nam, công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em được các cấp, ngành, đoàn thể và chính quyền các địa phương quan tâm triển khai thực hiện tốt ngay từ cơ sở, các chính sách an sinh xã hội được đảm bảo. Nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, của gia đình và cộng đồng về công tác bảo vệ chăm sóc và giáo giục trẻ em đã được nâng cao. Do vậy, công tác xã hội hóa về bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em đạt nhiều kết quả, các hoạt động truyền thông, vận động được triển khai thực hiện rộng khắp các địa phương, thông qua nhiều kênh thông tin. Công tác bảo vệ, xây dựng môi trường sống an toàn và lành mạnh cho trẻ em được chú trọng, đời sống văn hóa, tinh thần được vui chơi, giải trí phúc lợi xã hội và các quyền dành cho trẻ em ngày càng được đảm bảo.

Tại hội nghị, đại biểu các lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương và các địa phương đã tập trung làm rõ những vướng mắc, hạn chế trong quá trình thực hiện công tác bảo vệ trẻ em và đưa ra các giải pháp thực hiện trong thời gian tới.

Thu-Tuong-phat-bieu-chi-dao.jpg

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và đánh giá cao công tác tổ chức hội nghị, các ý kiến tham luận góp phần nâng cao nhận thức, thống nhất các giải pháp tốt hơn, kịp thời hơn, hiệu quả hơn sau hội nghị về công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Thủ tướng yêu cầu: Cấp ủy, chính quyền và cơ quan chuyên môn, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội phải nhận thức đầy đủ hơn, sâu sắc hơn, quan tâm đúng mức hơn về công tác bảo vệ trẻ em; thực hiện nghiêm những quy định pháp luật, những chính sách bảo vệ trẻ em, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em; tăng cường giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình, nhà trường; nhà trường phải thay đổi phương pháp giáo dục trẻ em, hướng dẫn cho các thành viên trong gia đình kiến thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, bảo vệ trẻ em; thực hiện trách nhiệm phát hiện, thông báo, tố giác hành vi bạo lực xâm hại trẻ em; xây dựng những thiết chế văn hóa dành cho trẻ em; củng cố, bố trí hợp lý cả về nhân lực lẫn nguồn lực làm công tác trẻ em ở cấp xã; cần nghiên cứu triển khai mô hình tổ chức hoạt động của nhóm chuyên trách bảo vệ trẻ em cấp xã. Các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền rà soát những quy định phù hợp với Luật Trẻ em, tiếp tục hoàn thiện pháp luật, tăng cường thực thi pháp luật về xử lý vi phạm đối với những hành vi vi phạm quyền trẻ em. Các cơ quan có thẩm quyền kiên quyết xử lý các hành vi bao che, không tố giác, không phối hợp, không thực hiện, thực hiện không kịp thời trách nhiệm bảo vệ trẻ em của các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình và cá nhân đối với các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em; tăng cường công tác truyền thông, giáo dục về bảo vệ trẻ em. Ưu tiên tăng cường, nhận thức về vai trò, trách nhiệm và trang bị kiến thức, kỹ năng cho các thành viên gia đình, cho trẻ em trong việc bảo vệ trẻ em. Thúc đẩy phong trào “Toàn dân chăm sóc giáo dục, bảo vệ trẻ em", gắn phong trào này với phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cơ sở và phong trào xây dựng nông thôn mới. Quảng bá rộng rãi hệ thống bảo vệ trẻ em và tổng đài điện thoại quốc gia về bảo vệ trẻ em trên các kênh truyền thông đại chúng, mạng xã hội…; phải tạo cuộc sống an toàn, lành mạnh, hạnh phúc, tương lai cho trẻ bằng nhiều hình thức. Với quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước về công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, hãy dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em./.