Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đảm bảo an toàn trường học và phòng, chống bạo lực học đường

Tin theo lĩnh vực Giáo dục  
Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đảm bảo an toàn trường học và phòng, chống bạo lực học đường
Sáng ngày 17/4/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về đảm bảo an toàn trường học và phòng, chống bạo lực học đường. Ông Phùng Xuân Nhạ - Ủy viên Trung ương Đảng - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Hà Nam có lãnh đạo Sở GD&ĐT; lãnh đạo các sở, ngành liên quan; phòng GD&ĐT các huyện, thành phố...

IMG_0616.jpg

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nam

Trước thực trạng bạo lực học đường diễn biến phức tạp, thời gian qua, công tác xây dựng và bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo ban hành khá đầy đủ: Luật Giáo dục 2005, Luật Trẻ em 2016 quy định các quyền của trẻ em, trong đó có quyền được bảo vệ khỏi bạo lực học đường… Riêng Bộ GD&ĐT đã có nhiều Thông tư liên quan cũng như những văn bản cá biệt, chỉ thị về nội dung này, mới đây nhất là Chỉ thị số 993/CT-BGDĐT ngày 12/4/2019 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực học đường trong cơ sở giáo dục. Qua đó, đã tạo hành lang pháp lý để các cơ sở giáo dục trong toàn quốc bảo đảm tốt an ninh, an toàn trường học; bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường… Tuy nhiên, bạo lực học đường có xu hướng lan rộng, cá biệt có một số vụ việc bạo lực học đường nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần học sinh, môi trường giáo dục và gây lo lắng, bức xúc trong dư luận xã hội.

Nguyên nhân chủ yếu được xác định là do tác động mặt trái của nền kinh tế thị trường và quá trình hội nhập; sự bùng bổ công nghệ thông tin, mạng xã hội; giáo dục trong một số gia đình chưa thực sự lành mạnh, nhiều bậc cha mẹ còn khoán trắng việc quản lý, giáo dục con em cho nhà trường; sự thay đổi nhanh chóng về tâm sinh lý của học sinh. Ngoài ra, để xảy ra bạo lực học đường còn bởi một số địa phương chưa thường xuyên chỉ đạo thực hiện các quy định về bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường. Cùng với đó, công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức pháp luật cho học sinh; hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa, trải nghiệm sáng tạo, hoạt động của đoàn, hội, đội chưa hiệu quả để tạo ra môi trường an toàn, phòng, chống bạo lực học đường. Công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giá trị sống chưa thực sự được quan tâm và hiệu quả chưa cao. Đặc biệt, công tác phối hợp giáo dục nhà trường, gia đình, xã hội chưa thường xuyên, chặt chẽ, đồng bộ trong việc quản lý, giáo dục học sinh, nhất là đối với các học sinh có hoàn cảnh éo le, khó khăn, có vướng mắc mâu thuẫn chưa được hỗ trợ, xử lý kịp thời.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận các nội dung: Nâng cao nhận thức, trách nhiệm, trước hết trong thực thi các văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, thân thiện, an toàn, phòng chống bạo lực học đường; thống nhất các giải pháp, phương thức thực hiện chương trình để đem lại hiệu quả cao nhất và hóa giải các nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường...

IMG_0611.jpg

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội nghị

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: Phòng, chống bạo lực học đường là trách nhiệm của không chỉ các bộ ngành, địa phương, ban giám hiệu nhà trường mà là trách nhiệm của từng thầy cô giáo, từng cán bộ, viên chức, người lao động và học sinh, sinh viên trong nhà trường; trách nhiệm của phụ huynh và toàn xã hội. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đề nghị các đơn vị liên quan, đặc biệt các cơ sở giáo dục tăng cường phổ biến các quy định pháp luật liên quan đến nhiệm vụ phòng, chống bạo lực học đường; cụ thể hóa các hoạt động bằng các kế hoạch của nhà trường, trong đó, phân công rõ trách nhiệm người đứng đầu và các vị trí giáo viên chủ nhiệm; gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường với gia đình, chính quyền địa phương, nhất là với cơ quan công an. Tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời, xử lý nghiêm các cá nhân vi phạm đạo đức nhà giáo. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác phát hiện và nhân rộng những gương điển hình tiên tiến trong thực hiện phòng, chống bạo lực học đường./.