Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Lễ hội đình Vĩnh Trụ và tục giao hảo với làng Ô Mễ

Lịch sử - Văn hóa  
Lễ hội đình Vĩnh Trụ và tục giao hảo với làng Ô Mễ
Đến hẹn lại lên, cứ vào ngày rằm tháng Giêng hằng năm, nhân dân thị trấn Vĩnh Trụ (Lý Nhân) lại nô nức tổ chức lễ hội truyền thống. Điều đặc sắc ở lễ hội đình làng Vĩnh Trụ là vẫn còn lưu giữ được mối kết nghĩa, giao hảo truyền thống với làng Ô Mễ, xã Tràng An (Bình Lục), trở thành nét văn hóa đẹp trong đời sống hiện đại hôm nay.

Theo truyền thuyết, di tích đình làng Vĩnh Trụ phụng thờ hai vị đại thần Đức Đông Bảng Đại vương và Đức Minh Cát Đại vương. Hai ông có công dạy vua học hành, phò vua giúp nước nên được vua Lý Thần Tông (1128-1132) phong tước Đông Bảng Đại vương và Minh Cát Đại vương và cho xây sinh từ để hai ông sau về nghỉ dưỡng già. 

Để ghi nhớ công lao của hai vị đại thần, hằng năm cứ vào ngày rằm tháng Giêng nhân dân làng Vĩnh Trụ lại nô nức tổ chức lễ hội truyền thống đình làng nhằm ôn lại truyền thống, công lao của Đức Đông Bảng Đại vương và Đức Minh Cát Đại vương.

hoi_dinh_vinh_tri-09_31_26_692.jpg

Các nghi lễ truyền thống của lễ hội hiện vẫn được người dân thị trấn Vĩnh Trụ gìn giữ và phát huy.

Do là lễ hội lớn và quan trọng nhất trong năm nên công tác chuẩn bị rất công phu, diễn ra nhiều ngày trước ngày hội chính. Và đúng 6 giờ sáng ngày rằm tháng Giêng, hòa cùng tiếng chiêng trống và nhạc ngũ âm trầm bổng, người dân Vĩnh Trụ tập trung về khu đình làng để dự lễ. Tại sân đình, các bậc cao niên, đại diện chính quyền cơ sở và Ban quản lý (BQL) di tích lịch sử đình làng lo sửa soạn vật phẩm, chuẩn bị kiệu, rước kiệu xung quanh thị trấn rồi ra bờ sông Châu đón đoàn bên Ô Mễ trở về đình làng. Trong bài văn tế, người dân làng Vĩnh Trụ và làng Ô Mễ ngưỡng vọng công đức của hai bậc đại thần đã có công với nước.

Không rõ mối giao hảo này có từ bao giờ, chỉ biết người dân hai làng đã có giao ước, kết nghĩa từ lâu. Được biết, đình làng Vĩnh Trụ và đình làng Ô Mễ cùng thờ chung Thành hoàng làng. Mối giao hảo giữa hai làng còn được duy trì thông qua những việc làm cụ thể như thường xuyên quan tâm, động viên, giúp đỡ nhau khi gặp hoạn nạn, thiên tai. Trong cuộc sống đời thường nhân dân hai làng luôn hướng về nhau, cùng nhau thực hiện những điều đã ghi trong văn tế.

Theo lệ xưa, hằng năm vào ngày 10 tháng Giêng, nhân dân làng Ô Mễ tổ chức lễ hội, rước kiệu thần sang đình làng Vĩnh Trụ để tế lễ. 2 năm sau, vào ngày rằm tháng Giêng, dân làng Vĩnh Trụ lại tổ chức lễ hội rước kiệu sang đình làng Ô Mễ để tế thần. Và cứ tiếp tục như thế, 2 năm sau lại đến lượt Ô Mễ rước kiệu sang Vĩnh Trụ. 

Theo quy ước từ trước, làng nào tổ chức hội, là chủ nhà thì là "bác", đoàn khách là "em". Khi đoàn Ô Mễ rước kiệu sang Vĩnh Trụ, đoàn Vĩnh Trụ đợi sẵn để đón đoàn Ô Mễ ở đầu làng, và ngược lại, khi đoàn Vĩnh Trụ sang Ô Mễ, đoàn Ô Mễ cũng chờ sẵn để đón. Khi gặp nhau người dân hai làng "tay bắt mặt mừng". Người làm khách thì gọi chủ là "bác" xưng "em" và ngược lại, không kể già, trẻ, gái trai, thể hiện tình cảm thân thiết và tôn trọng lẫn nhau, trên tinh thần "đồng quy vô hảo", "vô sở bất hòa", có nghĩa là: Hai làng cùng thờ Đức Thành hoàng, khi gặp là hàn huyên và nói lời tốt đẹp, trò chuyện vui vẻ, không khiếm nhã, bất hòa với nhau.

Sau nhiều năm gián đoạn, đến năm 1991 mối giao hảo hai quê được nối lại nhờ sự nhiệt huyết của các bậc cao niên và BQL di tích lịch sử hai làng. Đến nay, BQL Di tích lịch sử đình làng Vĩnh Trụ và làng Ô Mễ đã xây dựng được quy ước về họp mặt, tổ chức lễ hội giao hảo giữa hai làng. Theo đó, cứ 2 năm một lần (vào năm chẵn), lễ hội giao hảo sẽ được tổ chức vào Tết Nguyên tiêu, năm nay tổ chức bên này thì 2 năm sau tổ chức bên kia. 

Cùng với phần lễ, phần hội tại lễ hội đình làng Vĩnh Trụ cũng được tổ chức sôi nổi với các hoạt động văn hóa, thi đấu thể thao; các trò chơi dân gian như thi bắt vịt dưới ao, đi cầu khỉ, đánh đáo, kéo co, thu hút đông đảo nhân dân đến tham gia. 

Ông Nguyễn Duy Hiển, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Vĩnh Trụ cho biết: Mối giao hảo, kết nghĩa giữa hai làng Ô Mễ - Vĩnh Trụ là nét đẹp truyền thống văn hóa đã được lưu truyền nhiều đời nay. Để mối thâm giao ngày càng bền chặt, keo sơn, hai đơn vị duy trì việc tổ chức lễ hội theo đúng quy ước giữa hai làng, từ đó góp phần đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh, tình cảm của người dân hai địa phương. Đây còn là dịp để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, với mong muốn nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của cha ông tiếp tục được lưu giữ cho những thế hệ mai sau.

Theo Báo Hà Nam điện tử