Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Nét độc đáo của hội vật Liễu Đôi

Lịch sử - Văn hóa  
Nét độc đáo của hội vật Liễu Đôi
Trong tất cả các tục lệ ở hội vật Liễu Đôi, tục vật trai rốt là một tục lệ vừa ý vị, vừa giàu tính nhân văn thể hiện một cách tài tình, dụng công trong việc duy trì hội vật. Với tục lệ này, vật võ Liễu Đôi sẽ trường tồn bởi có năm nào lại không có những đứa trẻ, những đô vật nhí của tương lai ra đời vào những ngày cuối cùng của năm, sau rốt của một năm.

Liễu Đôi là những thôn, làng thuộc xã Liêm Túc, huyện Thanh Liêm. Theo lịch sử Liễu Đôi là tên gọi một vùng quê có nhiều gò, đống. Từ "đôi" có nghĩa là "đống", những cái làng nhỏ xíu đầu tiên vùng đất này đã hình thành từ những gò, những đống. 

Vì vậy, 5 thôn Liễu Đôi đều có từ "đống" ở đầu: Đống Cầu, Đống Sấu, Đống Vọng, Đống Tháp, Đống Thượng để nhắc nhở con cháu về lịch sử lập làng muôn phần gian khó của miền quê này: "Vật trâu, vật bò, vật gò, vật đống".

Nhà văn Nguyễn Tế Nhị - một người con của quê hương Liễu Đôi cho biết: Người quê xắn đất đào đồng lập làng nước, đánh vật với đất đai và keo vật lớn nhất, keo vật đầu tiên là đánh vật với nước lụt, vốc lên những làng quê tươi đẹp sau này. 

Vật ở Liễu Đôi có từ đấy, ra đời từ đấy, nó gắn liền với lịch sử lập làng. Vì vậy, đây là hội vật có sức sống mãnh liệt nhất, bền bỉ nhất, oai hùng nhất của người dân đất này. Vật để vui chơi, hội hè, thử sức "Trai đua mạnh, gái đua mềm" nhưng vật ở đất này chẳng phải chỉ có vậy mà vật là để rèn luyện sức lực, rèn luyện ý chí, nghị lực, tinh thần tự lập, bất khuất, quả cảm, gan góc chống lại các thế lực bất thuận của thiên nhiên và xã hội.

Trong suốt hàng nghìn năm, tiếng trống vật Liễu Đôi đã vang vọng trong tâm thế đó. Trong trường kỳ lịch sử tồn tại trải qua quá trình hội tụ, lựa chọn, bồi đắp và tích lũy từ hội vật đã đẩy lên những thời kỳ cực thịnh của văn hóa truyền thống Liễu Đôi. Đó là truyền thuyết "Chàng trai họ Đoàn" ghi dấu và khắc họa một cách chân thực nhất, hào hùng nhất vẻ đẹp ngàn năm của ngày hội Vật võ Liễu Đôi. 

Hình bóng của người dân Liễu Đôi, hình bóng của một miền đất được in đậm trong hình tượng chàng trai họ Đoàn. Người dân Liễu Đôi đã gửi gắm những suy nghĩ khát vọng cao đẹp thông qua người anh hùng lừng lững giữa trời xanh, đất dày, người anh hùng vô địch khi được nắm đất linh thiêng của quê hương bao bọc, trở che, người anh hùng khi mất còn nằm nghiêng, quay nhìn phương Bắc, canh cánh một nỗi niềm giữ nước.

Đến Liễu Đôi người ta gặp ngôi đền nhỏ quay hướng Bắc. Ngôi đền nằm đầu làng Tháp nơi tương truyền chàng trai họ Đoàn trúng tên của giặc hy sinh khi lớp đất nơi ngực chàng đã bị nước mắt người yêu rửa trôi. Người dân tôn chàng là Thánh, tôn nàng là Tiên nên hội vật Liễu Đôi còn mang tên hội vật Thánh Tiên. Một hội vật vừa sôi động, vừa linh thiêng, vừa chặt chẽ, quy củ, vừa nền nếp, nhân văn.

Theo quy chế lễ hội, hội vật Liễu Đôi 3 năm tổ chức hai lần, năm nay đúng kỳ định lệ, người dân Liễu Đôi tưng bừng mở hội đầu Xuân. 5 làng Liễu Đôi đều thờ chung vị Thánh Tiên, 5 làng như 5 anh em ruột có phân rõ chức việc "Trống làng Cầu, trầu làng Tháp". 

Thôn Tháp là anh cả, ngày hội, các làng đều phải tuân thủ sự phân công và việc thực hành nghi lễ của anh cả. Sáng sớm ngày mùng 5 đầu Xuân, khi khí trời còn đẫm hơi sương ẩm, người dân 5 thôn đã tề tựu đông đủ, làm lễ rước kiệu từ các đình làng về ngôi đền thờ Thánh Tiên làm lễ xin rước bát hương về sới vật nằm giữa thôn Tháp - nơi xưa kia là cánh đồng Nương Cửi, chàng trai họ Đoàn đã được trời đất ban cho gươm thần - chứng giám lòng thành, vui mở hội vật. 

Đoàn rước đã về đến sới vật, các nghi lễ cổ truyền được bắt đầu. Rước Thánh vào gióng là nghi lễ đầu tiên diễn ra vừa sôi động, vừa thành kính trong tiếng reo hò của dân chúng. 5 chiếc kiệu xếp hàng ngay ngắn trước Quán hội (miếu vật) để cụ từ rước bát hương Thánh Tiên thành kính đặt trên hương án, mời vong linh Thánh Tiên về vui hội và ban phúc lành cho dân làng ngày đầu Xuân năm mới. 

Điều làm nên vẻ đẹp cao quý của Di sản văn hóa Liễu Đôi là tính nhân văn đặc sắc được thấm đẫm khá tinh tế trong toàn bộ các yếu tố cấu thành văn hóa Liễu Đôi. 

Ở hội vật đó là vật phẩm cúng lễ Thánh Tiên thường rất đơn sơ và tinh khiết, một chút trà, một cơi trầu và đèn nhang là đủ. Ngày hội dù to lớn đến đâu cũng không bổ bán, quyên góp. Tất cả là sự trang nghiêm, thành tâm và giản dị. Ngọn lửa - một hiện hữu thần bí, linh thiêng được con người tôn thờ khi tiếp xúc với thế giới tự nhiên được nghi thức hóa trong hội vật Liễu Đôi. Ngọn lửa bùng cháy trong lễ phát hỏa thể hiện niềm tin, ý chí và khát vọng hướng đến những điều tốt đẹp của người dân đất vật võ. 

Thanh động, một lễ tiết đặc biệt của Liễu Đôi. Trong một khoảnh khắc muôn ngàn âm thanh của người, của đất, của chiêng trống, của tất cả những gì phát ra âm thanh đều được tấu lên hối hả, hùng tráng. Lễ thanh động là sự mô phỏng tiếng của ngàn quân ra trận, tiếng thét xông pha, tiếng ngựa hí, gươm khua, tiếng hét của sự thách thức, dũng cảm đối đầu quân địch. 

Trong sự bừng bừng khí thế hòa vào trời đất, lòng người rộn rã, hoan ca những nghi lễ trang nghiêm tiếp tục được tái diễn. Lễ múa cờ tụ nghĩa ở hội vật Liễu Đôi là điệu múa cổ được truyền lại theo 3 bài cơ bản: Long vân gặp hội, giao hỏa nhân thần, biến năng kỳ ngộ. Tiếng cờ múa reo lên phần phật vừa sôi nổi, rạo rực, vừa dũng mãnh, quật khởi. 

Đất này, gươm thiêng được giữ gìn như một báu vật. Thanh gươm Liễu Đôi được đặt trên ngai thờ khói hương thành kính cả năm là một biểu hiện của một tín ngưỡng lạ kỳ trong lòng dân gian. Hội mở, cùng với bát hương, thanh gươm được rước từ đền thờ Thánh về sới vật. Thanh gươm được một cụ cao niên hay một vị chức sắc trong làng nâng cao ngang mày đi giật lùi trước kiệu Thánh. 

Sau khi rước Thánh vào gióng, thanh gươm được cụ tiên chỉ Liễu Đôi trịnh trọng lễ trình thánh rồi trao cho một đô vật đạt giải cọc hội vật trước, biểu thị thần linh trao gươm cho người tài đức. Cùng với lễ trao gươm là lễ thắt khăn đào, ca dao Liễu Đôi có câu: "Oai phong là lễ trao gươm/ Chiêng khua dậy đất, trống rền trời cao/ Nghiêng trời lễ thắt khăn đào/ Người reo như thác ào ào bốn phương". 

Có thể thấy, hội vật Liễu Đôi tràn ngập những âm thanh sôi động, thể hiện lòng ngưỡng mộ vô bờ bến của người dân đất này với thần tượng Thánh Tiên thượng võ cứu nước.

Trong tất cả các tục lệ, tục vật trai rốt là một tục lệ vừa ý vị, vừa giàu tính nhân văn thể hiện một cách tài tình, dụng công trong việc duy trì hội vật. Với tục lệ này, hội vật Liễu Đôi sẽ trường tồn bởi có năm nào lại không có những đứa trẻ, những đô vật nhí của tương lai ra đời vào những ngày cuối cùng của năm, sau rốt của một năm. 

Đã là người Liễu Đôi thì phải biết vật võ, sinh ra là đã biết vật võ, sinh ra là đã phải nhận nhiệm vụ vật võ. Thế nên, ông nội hay bố của em bé sau rốt đó phải thay con mình vào vật đủ 5 keo trình Thánh. 

Vật trai rốt chỉ là vật biểu diễn các miếng võ cho đẹp, xem vật trai rốt mọi người thấy không chán mắt vì tập trung ở đây là nghệ thuật múa xe đài, múa vật vờn, múa ra miếng, múa các miếng. Nói riêng về các miếng vật của Liễu Đôi, người ta đã đúc kết được tới 300 miếng vật và hàng ngàn câu tục ngữ truyền dạy, hướng dẫn thực hiện các miếng võ vật. Đó chính là nét độc đáo, riêng có của hội Vật võ Liễu Đôi.

Hội vật Liễu Đôi là một trong những mảnh ghép làm nên văn hóa Liễu Đôi, một nền văn hóa mang đầy tính bản địa, không bị lẫn lộn, pha tạp với các địa phương khác. 

Với những giá trị văn hóa sâu sắc và bền vững của hội vật Liễu Đôi, ngày 23/1/2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chính thức xếp hạng hội vật Liễu Đôi là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Một niềm tự hào của người dân Liễu Đôi nói riêng và của người dân Hà Nam nói chung./.


Theo Báo Hà Nam điện tử