Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Người Hà Nam tham gia lãnh đạo giành chính quyền ở Hà Nội

Lịch sử - Văn hóa  
Người Hà Nam tham gia lãnh đạo giành chính quyền ở Hà Nội
Người mà chúng tôi muốn nói đến ở đây là Thiếu tướng Trần Tử Bình, quê xã Tiêu Động, huyện Bình Lục.

Thiếu tướng Trần Tử Bình (ảnh) (quê ở Tiêu Thượng, xã Tiêu Động, huyện Bình Lục) là một trong mười vị tướng đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà non trẻ. Ông thuộc thế hệ chiến sĩ cách mạng tiền bối đã từng hoạt động tại nhiều tỉnh Nam Bộ, Hòa Bình, Thái Bình, Thanh Hóa, Hà Nội và trên quê hương Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định. Ông còn được biết đến là người trực tiếp tham gia lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền tại Thủ đô Hà Nội tháng 8/1945.

ATuong1.jpg

Thiếu tướng Trần Tử Bình tên thật là Phạm Văn Phu, sinh ra trong một gia đình cố nông. Hoàn cảnh gia đình nghèo khó nhưng vốn có tố chất thông minh, ham học nên Trần Tử Bình được cha xứ vùng Tiêu Động cho đi học tại trường dòng Hoàng Nguyên (tỉnh Hà Đông, sau thuộc Hà Tây, nay là Hà Nội). Vốn có lòng yêu nước, tư tưởng tiến bộ, nhiệt tình cách mạng từ rất sớm nên ngay trong thời gian cắp sách đến trường, học sinh Trần Tử Bình và nhiều đồng môn cùng chí hướng đã tham gia phong trào để tang chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh. Bị nhà trường đuổi học, chàng thanh niên trẻ tuổi Trần Tử Bình quay trở về quê hương và hăng hái tham gia các cuộc đấu tranh chống áp bức của chính quyền thực dân, phong kiến. 

Để có thêm hiểu biết sâu sắc về thực tế phong trào đấu tranh cách mạng, năm 1927 người thanh niên yêu nước Trần Tử Bình quyết định vào Nam Bộ, làm công nhân Đồn điền cao su Phú Riềng (nay thuộc tỉnh Bình Phước), bí mật tham gia tổ chức "Thanh niên cách mạng đồng chí hội", gây dựng cơ sở Đảng trong công nhân. Đầu năm 1928, Trần Tử Bình cùng Nguyễn Xuân Cừ thành lập Nghiệp đoàn Cao su Phú Riềng, tập hợp công nhân đấu tranh, đòi giới chủ cải thiện sinh hoạt, phản đối đánh đập, chống cúp lương vô lý. Ngày 3/2/1930, trong vai trò Bí thư Chi bộ Phú Riềng, đồng chí Trần Tử Bình tập hợp 5 nghìn công nhân cao su và người lao động trong vùng biểu tình, buộc giới chủ phải đáp ứng những quyền lợi chính đáng, thiết yếu. 

Năm 1930, bị địch bắt, đầy ra Côn Đảo (cùng các đồng chí Tôn Đức Thắng, Lê Đức Thọ), năm 1936 được trả tự do (nhờ sức ép của cao trào dân chủ 1936 - 1939 tại Pháp). Ra tù trở về quê hương, mặc dù bị quản thúc nhưng đồng chí Trần Tử Bình vẫn bí mật liên lạc với tổ chức cộng sản, bí mật tham gia hoạt động cách mạng và được bầu là Bí thư Huyện uỷ Bình Lục. Năm 1939, đồng chí được bầu là Bí thư Tỉnh uỷ Hà Nam. Năm 1940, được bầu vào Xứ uỷ Bắc Kỳ, phụ trách liên tỉnh C (Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình). Năm 1943, chính quyền thực dân bắt đồng chí lần thứ hai nhưng vì không có bằng chứng kết tội nên sau đó buộc phải thả.

Năm 1945, bị bắt lần thứ ba, bị giam ở Hoả Lò, trong tù đồng chí tiếp tục móc nối tổ chức, vận động tù chính trị đấu tranh và bí mật tổ chức vượt ngục thành công. Ra khỏi nhà tù, đồng chí Trần Tử Bình được giao trọng trách xây dựng Chiến khu Quang Trung (còn gọi là chiến khu Hòa - Ninh - Thanh), củng cố lực lượng cách mạng ở Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hoá. Tháng 8/1945, được điều về Hà Nội cùng với các đồng chí Xuân Thuỷ, Nguyễn Khang trực tiếp lãnh đạo cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Thủ đô. 

Theo Lịch sử Đảng bộ thành phố Hà Nội, chiều 15/8/1945, khi có tin Nhật đầu hàng Đồng minh, trong vai trò đại diện Xứ ủy Bắc Kỳ phụ trách địa bàn Hà Nội, các đồng chí Trần Tử Bình, Nguyễn Khang đã thảo luận, quyết định thành lập Ủy ban Quân sự Cách mạng Hà Nội (Ủy ban Khởi nghĩa), chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa giành chính quyền. Theo kế hoạch, Ủy ban Khởi nghĩa trực tiếp tổ chức các cuộc mít tinh, tuần hành biểu dương lực lượng gây hoang mang và gia tăng sức ép, buộc chính phủ bù nhìn bàn giao chính quyền, tránh gây đổ máu cho lực lượng cách mạng. 

Chiều 17/8, tại An toàn khu bí mật của Xứ ủy Bắc Kỳ (ở làng Vạn Phúc), các đồng chí Trần Tử Bình, Nguyễn Khang đã thảo luận, quyết định: Dựa trên Chỉ thị "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta", tiến hành khởi nghĩa trên địa bàn Hà Nội. Đây là quyết định rất đúng đắn về việc chớp thời cơ nhưng cũng là quyết định hết sức táo bạo vì lúc đó, Ủy ban Khởi nghĩa chỉ có thể dựa vào sức mạnh quần chúng cách mạng ở Hà Nội, với các tổ tự vệ chiến đấu nhỏ lẻ tại chỗ để khởi nghĩa giành chính quyền. 

Sáng 18/8, Ủy ban Khởi nghĩa chuyển trụ sở về Nhà 101 Gambetta (nay là phố Trần Hưng Đạo) và tích cực chuẩn bị mọi công việc cho ngày hôm sau. Sáng 19/8, dưới sự chỉ đạo, vận động, tuyên truyền của Ủy ban Khởi nghĩa, hàng vạn quần chúng cách mạng Hà Nội rầm rập kéo về quảng trường Nhà hát lớn. 10 giờ 30 phút, sau cuộc mít tinh và tuyên bố Tổng khởi nghĩa của đại diện Việt Minh, quần chúng cách mạng tiến thẳng đến Phủ Khâm sai, nhanh chóng làm chủ hoàn toàn cơ quan đầu não của chính phủ bù nhìn. 

Cùng trong thời gian đó, dưới sự chỉ huy của Ủy ban Khởi nghĩa, quần chúng cách mạng chiếm Trại Bảo an binh nhưng quân đội Nhật dùng xe tăng, binh lính đến can thiệp đòi tước vũ khí lực lượng vũ trang khởi nghĩa. Trước tình thế đó, các đồng chí Trần Tử Bình, Nguyễn Khang đã tiến hành đàm phán với quân đội Nhật. Theo đúng dự đoán, sau khi dùng lý lẽ thuyết phục, quân đội Nhật đồng ý chấp nhận đề nghị của Ủy ban Khởi nghĩa, không can thiệp vào công việc của Việt Minh; đổi lại binh lính Nhật được bảo đảm an toàn, không bị Việt Minh tấn công. Kết quả đàm phán với quân đội Nhật có ý nghĩa quan trọng, quyết định thành công của cuộc khởi nghĩa tại Hà Nội, bởi Việt Minh đã tránh được cuộc đối đầu trực tiếp với lực lượng vũ trang Nhật. 

Cũng trong ngày 19/8, Xứ ủy Bắc Kỳ quyết định thành lập Ủy ban Nhân dân Cách mạng Bắc Bộ và Ủy ban Nhân dân Cách mạng Hà Nội, chính thức hóa vai trò của chính quyền cách mạng. Sáng 20/8, Ủy ban Nhân dân Cách mạng Bắc Bộ đại diện chính quyền cách mạng lâm thời chính thức ra mắt quốc dân đồng bào tại Vườn hoa Con Cóc, phía trước Bắc Bộ Phủ. Thắng lợi bất ngờ và nhanh chóng của cuộc khởi nghĩa tại Hà Nội ngay sau đó đã tạo nên một cuộc rúng động mạnh mẽ làm lung lay ý chí và sự gắn kết của bộ máy chính quyền bù nhìn thân Nhật ở các tỉnh lân cận, góp phần tạo nên thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945.

nha tuong.jpg

Nhà tưởng niệm Thiếu tướng Trần Tử Bình tại quê hương.

Cuối tháng 8/1945, trong bộn bề công việc của chính quyền cách mạng non trẻ, đồng chí Trần Tử Bình được Bác Hồ và Chính phủ tin tưởng giao nhiệm vụ chuẩn bị thành lập Trường đào tạo sĩ quan quân đội (nay là Trường Sĩ quan Lục quân I, đóng tại Sơn Tây, Hà Nội). Năm 1948, đồng chí được Nhà nước phong hàm Thiếu tướng và là một trong mười vị tướng đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Năm 1954, hoà bình lập lại, đồng chí Trần Tử Bình được cử giữ chức Tổng Thanh tra Quân đội, kiêm Phó Tổng Thanh tra Chính phủ. 

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (tháng 9/1960), đồng chí được bầu là Ủy viên Trung ương Đảng; đại biểu Quốc hội khoá II, khóa III. Đồng chí là tác giả của một số tác phẩm nổi tiếng có giá trị quý về tư liệu lịch sử như: "Phú Riềng đỏ" nói về phong trào đấu tranh của công nhân cao su Phú Riềng, "Sống lại những giờ phút lịch sử" (Hồi ký về cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội). Tên tuổi của đồng chí Trần Tử Bình được in trong tập: "Danh nhân Việt Nam thế kỷ XX" - Nhà xuất bản Giáo dục, năm 1972, "Nhân vật lịch sử văn hóa Hà Nam" - Nhà Xuất bản Hội Nhà văn, năm 2000. Năm 2001, đồng chí Trần Tử Bình được truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh, năm 2008, đồng chí được truy tặng Huân chương Sao Vàng.

Thế Vĩnh (Tổng hợp)