Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Nói không với thực phẩm không an toàn

Nói không với thực phẩm không an toàn
Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2019 có chủ đề “Nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng. Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” diễn ra từ 15/4 - 15/5.

attp-08_28_39_632.jpg

Thanh tra chuyên ngành của Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản, thủy sản tỉnh kiểm tra điểm bán thực phẩm tại xã Thi Sơn (Kim Bảng). Ảnh: Thành Nam

Mục tiêu của Tháng hành động là tăng cường công tác giáo dục, truyền thông, nâng cao ý thức của người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, đặc biệt đề cao vai trò của các doanh nghiệp, cá nhân trong việc thực thi pháp luật về ATTP.

Theo đó, cấp tỉnh sẽ thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành bao gồm lãnh đạo các sở: Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an tỉnh tổ chức thanh tra, kiểm tra tại 6 huyện, thành phố. Công tác thanh, kiểm tra chuyên ngành, đột xuất cũng sẽ được đẩy mạnh trong dịp này. UBND các huyện, xã thành lập các đoàn kiểm tra các cơ sở trên địa bàn theo phân cấp quản lý.

Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, Nguyễn Thị Kim Dung cho biết: Công tác bảo đảm ATTP được thực hiện thường xuyên, liên tục xuyên suốt cả năm, trong đó tập trung đẩy mạnh trong Tháng hành động vì ATTP, dịp Tết Nguyên đán, lễ hội, dịp Tết Trung thu. 

Tháng hành động là đợt cao điểm truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong thực hiện quy định của pháp luật về ATTP trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Qua đó, chủ động phòng ngừa ô nhiễm, hạn chế, giảm thiểu tối đa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể và các bệnh truyền qua thực phẩm do sử dụng sản phẩm thực phẩm không an toàn.

Trong Tháng hành động vì ATTP năm nay, ngoài tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm theo phân cấp quản lý, có một nội dung đặc biệt cần chú trọng đó là bảo đảm ATTP phục vụ Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc 2019 dự kiến tổ chức từ ngày 12-14/5/2019 tại chùa Tam Chúc (Kim Bảng). 

Theo đó, Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh giao Sở Y tế phối hợp với UBND thành phố Phủ Lý và huyện Kim Bảng xây dựng kế hoạch, chú trọng kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về ATTP, không để thực phẩm không bảo đảm ATTP, không rõ nguồn gốc xuất xứ… được bày bán trên thị trường nói chung, sử dụng phục vụ dịp Đại lễ nói riêng. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, các đoàn kết hợp tuyên truyền, giáo dục pháp luật, quy định về bảo đảm ATTP cho các cơ sở thực phẩm và người trực tiếp tham gia  sản  xuất, chế  biến  thực phẩm để nâng cao nhận thức, thực hiện đúng quy định về ATTP.

Nhờ công tác thanh tra, kiểm tra, phối hợp liên ngành được tăng cường, đặc biệt là trong thanh tra, kiểm tra đột xuất, đã xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm. Trong năm 2018, các ngành chức năng của tỉnh đã xử phạt 461 vụ vi phạm về ATTP, ra quyết định xử phạt hành chính trên 800 triệu đồng, tiêu hủy 24 sản phẩm trị giá 49 triệu đồng. Trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và lễ hội Xuân 2019, qua kiểm tra đã có 25 cơ sở vi phạm bị xử phạt và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân biết, tẩy chay các sản phẩm bẩn. Tuy nhiên, so với số lượng hàng giả, hàng kém chất lượng trên thị trường thì số hàng hóa vi phạm và bị xử lý vẫn còn khá khiêm tốn.

ATTP có tầm quan trọng đặc biệt vì đó không chỉ là vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người mà còn tác động tới sự phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh chính trị của địa phương. Do đó, các địa phương tiếp tục xây dựng quy hoạch phát triển vùng sản xuất nguyên liệu thực phẩm theo hướng sản xuất lớn, liên kết chuỗi giá trị gắn với ứng dụng công nghệ cao tạo dựng một hệ thống cung cấp thực phẩm an toàn. 

Xây dựng các mô hình tiên tiến quản lý ATTP bao gồm một mô hình kiểm soát ATTP tại bếp ăn tập thể trường mầm non; một mô hình chợ bảo đảm ATTP và 6 mô hình nuôi cá ứng dụng công nghệ “Sông trong ao”. Phổ biến, vận động người dân, doanh nghiệp áp dụng quy trình sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản bảo đảm ATTP; hỗ trợ áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP, VietGAHP, GlobalGAP…), thực hành sản xuất tốt trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản. Tổ chức các hoạt động kết nối sản xuất với tiêu thụ, xúc tiến thương mại, truyền thông, quảng bá nông sản thực phẩm an toàn của tỉnh với địa phương khác. 

Đẩy mạnh hoạt động giám sát chủ động đối với những sản phẩm thực phẩm có nguy cơ ô nhiễm cao để cảnh báo sớm cho cộng đồng. Thực hiện cấp giấy chứng nhận trong lĩnh vực ATTP theo quy định. Tổ chức ký cam kết, tăng cường giám sát việc thực hiện những quy định về ATTP theo cam kết của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm./.

Theo Báo Hà Nam điện tử