Skip Ribbon Commands
Skip to main content

UBND tỉnh làm việc với đoàn nghiên cứu Viện Lãnh đạo học và Chính sách công

Tin theo lĩnh vực Tổng hợp  
UBND tỉnh làm việc với đoàn nghiên cứu Viện Lãnh đạo học và Chính sách công
Sáng ngày 28/10/2019, UBND tỉnh Hà Nam đã có buổi làm việc với Đoàn nghiên cứu thuộc Viện Lãnh đạo học và Chính sách công (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) do Tiến sỹ Lê Thúy Hằng làm trưởng đoàn về tìm hiểu thực tiễn quá trình vận dụng chính sách và thúc đẩy tích tụ ruộng đất (TTRĐ) trong nông nghiệp.

Tiếp và làm việc với đoàn, tỉnh Hà Nam có ông Trương Minh Hiến - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan…

IMG_9913.jpg
Toàn cảnh buổi làm việc

Tại buổi làm việc, đoàn nghiên cứu bày tỏ mong muốn Hà Nam chia sẻ quan điểm, chủ trương về công tác TTRĐ, như: Điều kiện kinh tế xã hội và sự phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; quan điểm của địa phương về TTRĐ trong nông nghiệp; thúc đẩy TTRĐ trong nông nghiệp; lịch sử và cách thức tổ chức thực hiện, tiến trình TTRĐ trong nông nghiệp: Mô hình, quy mô, tác động? Yếu tố thúc đẩy, rào cản đối với TTRĐ trong nông nghiệp; phân cấp, vai trò của lãnh đạo, chính quyền địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện việc thúc đẩy TTRĐ; những chính sách trong quá trình vận động nông dân cho thuê đất; những cơ chế, chính sách riêng (nếu có) mà Hà Nam đang áp dụng; bài học kinh nghiệm trong thực hiện TTRĐ của tỉnh.

IMG_9902.jpg

Tiến sỹ Lê Thúy Hằng - Trưởng đoàn nghiên cứu thuộc Viện Lãnh đạo học và Chính sách công (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) trao đổi ý kiến tại buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trương Minh Hiến đã giới thiệu khái quát với đoàn nghiên cứu về vị trí địa lý, kết quả phát triển kinh tế, xã hội của Hà Nam, trong đó nhấn mạnh đến quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế trong những năm gần đây. Đặc biệt, hiện nay Hà Nam đang tập trung TTRĐ để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đi sâu vào những nội dung tích tụ, tập trung ruộng đất của tỉnh mà đoàn nghiên cứu quan tâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Chủ trương TTRĐ để phát triển nông nghiệp công nghệ cao được tỉnh Hà Nam triển khai từ năm 2013, xuất phát từ thực tế sản xuất manh mún nhỏ lẻ, được mùa mất giá, chưa có sự liên kết chuỗi, hiệu quả, giá trị sản xuất trên cùng đơn vị diện tích thấp… Đi đầu trong thực hiện tập trung TTRĐ, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Hà Nam đã chọn hướng đi riêng đó là: Chính quyền cấp huyện, xã trực tiếp đứng lên ký kết hợp đồng thuê đất với người dân và cho doanh nghiệp thuê lại. Thời gian thuê đất từ 10 - 20 năm, đồng thời người dân có đất cho thuê sẽ được doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng vào làm việc trong doanh nghiệp. Đối với những hộ dân vẫn cần đất sản xuất, địa phương đã quy hoạch một vùng riêng, đảm bảo các điều kiện về mặt sản xuất. Tỉnh đã quy hoạch chi tiết 04 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích gần 500 ha tại các huyện Lý Nhân, Bình Lục và thành phố Phủ Lý. Tại đây, tỉnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như: Đường giao thông, thủy lợi, điện… Doanh nghiệp sau khi nhận đất do chính quyền bàn giao, ký hợp đồng thuê đất đã lập phương án đầu tư sản xuất tạo sản phẩm có giá trị gia tăng cao, bền vững. Quá trình triển khai thực hiện TTRĐ Hà Nam có những thuận lợi như: Có thị trường tiêu thụ nông sản lớn; đã xây dựng được mô hình do người dân, tổ hợp tác, doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông sản sạch phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Tỉnh đã có chủ trương, chính sách mới khuyến khích phát triển nông sản hàng hóa theo chuỗi, tạo giá trị gia tăng cao. Tuy nhiên, tỉnh còn tồn tại nhiều khó khăn, đó là những vùng đất có quy mô đủ lớn để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao không nhiều, không tập trung. Tư tưởng sản xuất tự cấp, tự túc theo truyền thống của người dân vẫn tồn tại. Ngoài ra, doanh nghiệp lớn, đủ tiềm lực để đầu tư sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản đầu tư vào nông nghiệp trong tỉnh còn thiếu…

IMG_9906.jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trương Minh Hiến phát biểu tại buổi làm việc

Tại buổi làm việc, ý kiến của các thành viên trong đoàn: Quan điểm cá nhân về TTRĐ, chính sách TTRĐ trong nông nghiệp; chức năng nhiệm vụ của bản thân mỗi cá nhân trong thúc đẩy TTRĐ; thuận lợi, khó khăn trong công tác tổ chức bộ máy, nguồn lực, cơ chế phối hợp, đối tượng… đã được đại diện các sở, ban, ngành liên quan giải đáp, làm rõ.

Theo kế hoạch, đoàn nghiên cứu sẽ tiếp tục làm việc, trao đổi với huyện Lý Nhân, các phòng, ban chuyên môn và các đơn vị cấp xã, hộ gia đình trên địa bàn huyện Lý Nhân./.