Skip Ribbon Commands
Skip to main content

UBND tỉnh tiếp tục phiên họp thảo luận cho ý kiến vào các tờ trình, dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp cuối năm HĐND...

Tin theo lĩnh vực Tổng hợp  
UBND tỉnh tiếp tục phiên họp thảo luận cho ý kiến vào các tờ trình, dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp cuối năm HĐND tỉnh năm 2018
Sáng ngày 14/11/2018, UBND tỉnh tiếp tục phiên họp thảo luận cho ý kiến vào các tờ trình, dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp thứ cuối năm, HĐND tỉnh năm 2018. Ông Nguyễn Xuân Đông - Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp.

Dự phiên họp có ông Trương Minh Hiến - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Phạm Văn Đồng - Tỉnh ủy viên - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Bùi Quang Cẩm - Tỉnh ủy viên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan; lãnh đạo các huyện, thành phố…

Tại phiên họp, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2019; tờ trình và dự thảo Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2019; báo cáo dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2019; tờ trình và dự thảo nghị quyết về điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 tỉnh Hà Nam.

Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 nêu rõ: Trong năm 2018, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh cơ bản ổn định và phát triển. Tổng sản phẩm trong tỉnh tăng trưởng cao, đạt 11,5%, vượt kế hoạch. Sản xuất nông nghiệp từng bước phát triển theo hướng công nghiệp hóa, sản xuất sản phẩm sạch, ứng dụng công nghệ cao. Sản xuất công nghiệp, thu hút đầu tư, thu ngân sách tăng cao. Thương mại, dịch vụ có bước phát triển mới, tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế và đô thị. Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tốt. Văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được đảm bảo. Anh ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, đời sống nhân dân ổn định.

Năm 2019, phấn đấu GRDP bình quân đầu người đạt 61,9 triệu đồng, tăng 12,1% so với ước thực hiện năm 2018. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng khoảng 11,4%, nông nghiệp tăng 3,1 so với ước thực hiện năm 2018. Thu cân đối ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 7.816 tỷ đồng, tăng 6% so với ước thực hiện 2018.

bac-cam-sua-.jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Quang Cẩm phát biểu thảo luận tại phiên họp

Thảo luận về vấn đề này, các đại biểu cho rằng cần tập trung phát triển công nghiệp để đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội, trong đó cần tạo môi trường thông thoáng để thu hút đầu tư. Về nông nghiệp cần chủ động chuyển đổi cây trồng trên đất hai lúa, tìm ra điểm nhấn, bước đột phát trong phát triển nông nghiệp. Một số đại biểu cũng cho rằng việc giải ngân các dự án đầu tư còn thấp; việc thực hiện nghĩa vụ của các doanh nghiệp đối với Nhà nước chưa cao. Để đảm bảo chỉ tiêu thu cần rà soát lại các khoản thu, trước mắt cần tiến hành rà soát lại tất cả các dự án khu đô thị và dự án đầu tư nước ngoài để tránh tình trạng thất thoát thuế …

Về vấn đề đầu tư công trung hạn, các đại biểu đề nghị cần quan tâm đến các công trình phúc lợi, đảm bảo an sinh xã hội như hạ tầng giao thông, ô nhiễm môi trường; phần vốn đối ứng cần đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn…

bac-dong-ket-luan-sua.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đông phát biểu kết luận tại phiên họp​

Phát biểu kết luận về nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đông đã chỉ rõ kết quả đạt được trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế cần khắc phục như: giải phóng mặt bằng còn gặp nhiều khó khăn; cải cách hành chính nhà nước đã có chuyển biến song chưa đáp ứng được yêu cầu; công tác giải quyết đơn thư, khiếu nại tố cáo còn chậm. Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các huyện cần tập trung làm tốt công tác giải phóng mặt bằng. Các đơn vị liên quan rà soát lại số liệu hộ nghèo. Phấn đấu hết năm 2019, 100% các xã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới.

Về đầu tư công trung hạn, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị cần tập trung phân bổ kinh phí cho phát triển công nghiệp để  thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đồng thời tập trung kinh phí cho xây dựng nông thôn mới, tổ chức đại lễ phật đản năm 2019. Cùng với đó quan tâm đến công tác giải phóng mặt bằng; công tác xây dựng nhà ở cho người có công, người nghèo.

Trong phiên làm việc buổi chiều, lãnh đạo Sở Nội vụ báo cáo về việc thực hiện sáp nhập thôn, tổ dân phố chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định trên địa bàn tỉnh Hà Nam; tờ trình và dự thảo Nghị quyết về giao biên chế công chức, hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP trong các cơ quan hành chính nhà nước và số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập năm 2019; tờ trình và dự thảo Nghị quyết về việc sáp nhập, đặt tên thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Hà Nam.

Báo có trình bày tại hội nghị nêu rõ: Trước khi sáp nhập toàn tỉnh có 1.239 thôn, tổ dân phố, trong đó thôn, tổ dân phố loại 1 là 40, loại 2 là 153 và loại 3 là 1.046. Tại kỳ họp thứ 6, ngày 13/7/2018 HĐND tỉnh đã ban hành các nghị quyết về sáp nhập, đổi tên thôn, tổ dân phố thuộc 6 huyện, thành phố. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã ban hành các quyết định về sáp nhận thôn, tổ dân phố tại 76 xã, phường, thị trấn. Theo đó, số thôn, tổ dân phố thực hiện sáp nhập là 612/1.239 để thành lập 228 thôn, tổ dân phố mới, giảm 384 thôn, tổ dân phố; đổi tên 21 thôn, tổ dân phố.

Về tờ trình và dự thảo Nghị quyết về giao biên chế công chức, hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP trong các cơ quan hành chính nhà nước và số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập năm 2019. Trong năm 2018, Bộ Nội vụ giao biên chế công chức cho tỉnh Hà Nam là 1.389 chỉ tiêu, trong đó UBND tỉnh đã bàn giao 67 chỉ tiêu biên chế công chức của Chi cục Quản lý thị trường trực thuộc Sở Công Thương về Bộ Công Thương quản lý, do vậy tổng chỉ tiêu công chức giao cho các cơ quan, đơn vị hiện nay là 1.319 chỉ tiêu. Số lượng biên chế trong các đơn vị sự nghiệp là 15.666 chỉ tiêu. Năm 2019, dự kiến biên chế công chức tỉnh Hà Nam được giao là 1.294 chỉ tiêu. Trên cơ sở chỉ tiêu biên chế năm 2018, Sở Nội vụ trình UBND tỉnh dự kiến thu hồi 33 chỉ tiêu biên chế công chức để đảm bảo thực hiện các chỉ tiêu tinh giản biên chế của tỉnh theo Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị định số 113/NĐ-CP ngày 31/8/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 108/2014/NĐ-CP.

Thảo luận về nội dung này, các đại biểu đồng tình với dự kiến, kế hoạch giao biên chế công chức năm 2019, tức là số lượng biên chế sẽ giảm 33 chỉ tiêu. Tuy nhiên việc cắt giảm phải hết sức linh hoạt, không thể tính theo số cơ học 2,5%/năm theo quy định mà có thể tinh giản theo cả giai đoạn.

Phát biểu kết luận về nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị huyện Bình Lục, Duy Tiên và Kim Bảng khẩn trương hoàn thiện tờ trình trước kỳ họp cuối năm  HĐND tỉnh. Về biên chế đồng tình với việc cắt giảm theo giai đoạn, không theo từng năm. Sau hội nghị, Sở Nội vụ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến đóng góp tại hội nghị, chỉnh sửa, hoàn thiện báo cáo UBND tỉnh.

Cũng trong phiên làm việc buổi chiều, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình bày Tờ trình và dự thảo Nghị quyết về quy hoạch vùng chống lũ chi tiết trên các tuyến sông có đê trên địa bàn tỉnh Hà Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.

Cho ý kiến vào nội dung này, các đại biểu đề nghị rà soát, xác định rõ hành lang thoát lũ; làm rõ giải pháp đối với khu vực dân cư hiện hữu ngoài bãi sông hoặc các dự án đã và đang đầu tư xây dựng phải di dời để đảm bảo thoát lũ; quản lý chặt chẽ việc khai thác cát, sỏi lòng sông, để vật liệu trên bãi sông, nạo vét, chỉnh trị luồng vận tải thủy đảm bảo an toàn hệ thống đề điều, không gây cản trở thoát lũ…

Sau khi nghe các ý kiến thảo luận tại phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp thu đầy đủ các ý kiến của các sở, ngành, hoàn thiện tờ trình gửi UBND tỉnh trong thời gian sớm nhất./.