Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Đình và chùa Châu

Di tích lịch sử - văn hóa Di tích văn hóa  
Đình và chùa Châu
Đình và chùa Châu nằm ở thị trấn Kiện Khê, huyện Thanh Liêm, Hà Nam. Từ thị xã Phủ Lý đi về phía Ninh Bình, theo quốc lộ 1A độ 2km, rẽ phải theo đường qua cầu Đọ về Châu Sơn 4km là đến di tích.
Đình thôn Châu thờ Điện súy Tướng quân Phạm Ngũ Lão, một danh tướng đời Trần, một dũng tướng gần 30 năm phò các triều Nhân Tông, Anh Tông, Minh Tông đều hết lòng và lập nhiều kỳ công để giữ gìn độc lập cho dân tộc.

Cổng đình và chùa Châu

Thần tích đình Châu kể lại như sau: Phạm Ngũ Lão là người làng Phù Ủng huyện Đường Hào, tỉnh Hải Dương. Ông là người có chí lớn luôn suy nghĩ về đất nước. Trong một lần Trần Hưng Đạo, từ Vạn An về kinh, quân lính đi trước dẹp đường, ông mải suy nghĩ đến nỗi giáo đâm vào đùi mà không hay biết. Thấy chuyện lạ, Trần Hưng Đạo đến gần hỏi chuyện. Biết ông có chí khí lại tinh thông văn võ, Trần Hưng Đạo sung ông vào quân đội, tiến cử ông và còn gả con gái nuôi cho ông.
Phạm Ngũ Lão là một tướng tài của nhà Trần, ông có công lớn trong hai cuộc kháng chiến chống Nguyên–Mông, có sáng kiến dùng gậy đâm vào chân voi, phá tan đại binh của quân Ai Lao, rất có công trong các trận đánh Chiêm Thành. Một lần trên đường đi đánh Chiêm Thành, khi hành quân qua sông Hát trên đất Kiện Khê, ông gặp gỡ và đem lòng yêu một cô gái trẻ con nhà thuyền chài và cưới cô làm vợ. Người vợ trẻ quen sông nước này đã giúp ông rất nhiều trong việc quân và được ông hết lòng yêu quý.
Khi Phạm Ngũ Lão mất, ông được hưởng ân điển quốc tang, bãi chầu 5 ngày, những nơi thờ ông được xây dựng rất uy nghiêm, to lớn. Đến thời vua Minh Mệnh năm thứ 6 (1823), ông còn được phụng thờ vào các đền thờ của vua Trần như Hưng Đạo Đại Vương. Tại thôn Châu, thị trấn Kiện Khê, có một ngôi đình thờ ông rất lớn, bên cạnh đó, lại có đền nhỏ sát chân núi thờ ông cùng với Thủy Tinh phu nhân, người vợ đất Kiện Khê của ông.
Địa bàn Kiện Khê có các ngọn núi ven sông cùng các vùng đất cao cũng như thung lũng thấp trũng rất thuận lợi trong việc lập quân doanh phòng ngự, làm nơi trú quân hoặc lập kho tàng. Đặc biệt ở khu miếu sau núi Chùa còn thấy một số mạnh gốm cổ thời Trần và những mảnh gạch, ngói ở sâu dưới mặt đất hàng mét, cùng với truyền thuyết về đồn binh thời Trần đã minh chứng bề dày lịch sử của vùng đất Thiên Kiện ở thế kỷ XIII.
 
Đình thôn Châu
Đình thôn Châu nằm quay mặt ra sông Đáy. Ngoài cùng là hệ thống ngũ môn. Công trình này làm theo kiểu chồng diêm ba tầng, mái cong. Cách một khoảng sân rộng là công trình chính được kiến trúc theo kiểu chữ tam, tiền đường 5 gian, tòa đệ nhị 5 gian và cung chính tẩm 3 gian. Tổng số có 13 gian, lợp ngói nam có bờ bảng kìm nóc, đồng trụ hài hòa, trang trí công phu. Đình thôn Châu là một ngôi đình lớn, dài 18m, rộng 10,70m, sử dụng một khối lượng gỗ lim rất lớn.
Cũng như các ngôi đình chùa khác, đình thôn Châu có tòa tiền đường to lớn, được gia công nghệ thuật nhiều hơn cả.
Tòa tiền đường của ngôi đình này đã được tu sửa nhiều lần, lần gần đây nhất là vào niên hiệu thứ 11 (1899). Tuy đã qua nhiều lần tu sửa, nhưng người thợ ở đây đã có ý thức bảo tồn vốn cổ dân tộc, nên còn giữ được một số mảng chạm khắc và dồn vào vì giáp phía bắc cũng như phía nam của ngôi đình. Ở vì phía bắc trên các con rường đều đục chạm lá lật cách điệu, vân ám, lá hỏa cùng một số hình ảnh ly mẹ, ly con đỡ những hàng mành mới. Hình ảnh rồng mẹ quyến luyến rồng con (mẫu long giáo tử), rồng, ly âu yếm nhau, ly cắn chân rồng được cài xen các đám mây trông rất sinh động. Những mảng chạm khắc trên đây cùng với một số mảng rải rác ở vì treo phía nam đình là sản phẩm thế kỷ 17, 18 rất có giá trị nghệ thuật.
Ngoài ra trên các vì khác, đặc biệt là hai vì gian giữa với các đề tài tứ linh, long chầu, theo các kiểu dáng khác nhau như quy ẩn dưới ao sen thật khéo léo. Nghệ nhân dân gian đã diễn tả một cách tính thẩm mỹ những đôi phượng múa, những tốp ly nghịch ngợm, vô tư chạy nhảy, luồn sau ngó trước hồn nhiên. Các mảng chạm khóm trúc hóa long, cảnh cúc hóa long rất tài nghệ, cảnh tùng hạc (cây tùng con hạc), cúc điệp (bướm vờn trên hoa cúc) cũng được thể hiện kỳ công.
Trên bẩy tiền ở gian giữa cung, nhiều đề tài được chạm khắc: cảnh rồng bay trong mây, quy ẩn hiện dưới ao sen, cảnh cá hóa rồng, vân ám. Bốn đầu dư đỡ câu đầu hai chân ôm bám vào bông hoa sen như đẩy thân mình ra xa, gánh đỡ cho câu đầu thêm phần vững chắc. Đầu dư được người thợ chạm đục cân bong rất cân đối, hài hòa.
Đình thôn Châu là công trình to lớn tốn hàng trăm khối gỗ lim. Với nhiều bàn tay, khối óc tài giỏi, khéo léo họ đã tạo được bộ khung to, lớn đục chạm được nhiều mảng điêu khắc gỗ rất thành công.
Đình thôn Châu cũng có nhiều đồ thờ có giá trị nghệ thuật cao, biểu hiện của nghệ thuật sơn then độc đáo truyền thống của dân tộc. Hai cỗ ngai bầy từ thời Hậu Lê bầy tại chính tẩm là loại đồ thờ cỡ lớn, cao 1,4m được tạo dáng độc đáo. Tay ngai chạm long chầu khỏe khoắn, sinh động. Sáu trụ đỡ tay ngai với họa tiết rồng leo và đường chỉ, đường viền sắp xếp hợp lý đã tạo nên sự hài hòa, chắc khoẻ mà vẫn nhẹ nhàng thanh thoát. Bộ ngai được bố trí nhiều lớp trang trí như băng cảnh hoa sen dẹo, băng lá sòi kép… Những băng trang trí trên được tạo thành những khuôn đục thông suốt hai bên theo các đề tài rồng chầu, rồng bay trong vân ám, cài thêm những đao lá hoa, những bông cúc. Dưới hệ có bốn chân tạo kiểu chân quỳ dạ cá làm cho ngai vừa đẹp vừa chắc, dù đặt ngai tại chỗ hay đặt trên kiệu rước trong ngày hội cũng vàng vững khó nghiêng đổ.
Chiếc hương án mang phong cách nghệ thuật đời Nguyễn, cao 1,8x1,8x0,9m là nghệ thuật tạo dáng và điêu khắc thời Nguyễn. Tứ riềm thành mặt án thư với cảnh rồng mặt nguyệt, hai bên là những cánh hoa sen rất tự nhiên, đến hương án được thu nhỏ lại và trang trí bằng hoa chanh đục rất tài nghệ. Hàng trăm bông hoa với từng cánh hoa, nhị hoa đều đặn, sinh động với một trình độ nghệ thuật cách điệu cao. Thân án thư cũng được phân thành nhiều khuôn, nhiều mảng đục chạm cảnh rồng chầu, phượng đang cánh, hổ phù, hoa lá hóa rồng, rồng cuốn thủy rất kỳ công.
Bộ bát biểu đình thôn Châu được thể hiện rất kỳ công với trình độ đục chạm cao. Trên biểu, rùi đồng, phủ việt được bố cục lớp lớp hoa lá, cùng với đề tài tứ linh và các hình ảnh bầu rượu, thanh kiếm, cung đàn, sáo trúc, hòm sách, phong thư, lẵng quả đan xen có dải lụa, hoa lá khiến đồ tế tự tưởng chừng đơn điệu, cứng nhắc mà lại trữ tình thơ mộng.
Kiệu bát cống đình thôn Châu dài 4m, đòn dọc, đòn ngang và các đòn thờ nhỏ để khiêng được tạo dáng như những con rồng oai nghiêm. Trên các tay đòn còn điểm các phù điêu phượng múa, ly chầu, hổ phù rất sinh động. Sập và bành kiệu bố cục trang trí nhiều đề tài tứ linh và hoa lá mang tính nghệ thuật cao. Những đồ thờ có giá trị nghệ thuật kể trên, đều được sơn son thiếp vàng. Đây cũng là một nghề sơn then độc đáo truyền thống của dân tộc.
Chùa Châu

Chùa thôn Châu có tên là Châu Sơn Tự (ngôi chùa trên núi Châu) hoặc Long Sơn Tự (chùa núi rồng). Chùa nằm sâu vào vách đá, ngay bên cạnh cửa hang của động Phúc Long trên núi Chùa. Chùa được xây dựng từ lâu đời, nằm sâu trong vách đá, mái bằng đá nên người ta cho rằng chùa nằm trong miệng con rồng. Theo văn bia Chính Hòa thứ 11 (1690) đục ngay vào vách đá thì đây là bia công đức ghi việc Pháp Bản thiền sư cùng dân thôn bốn giáp tu sửa tượng pháp và hoạch định lại ruộng đất tam bảo. Điều này chứng tỏ chùa được xây dựng từ khá sớm nhưng chủ yếu dựa vào hình dáng thiên tạo. Hiện nay chùa có 3 tòa, làm theo kiểu tiền chữ nhất, hậu chữ đinh, tổng số có 10 gian xây cuốn. Ngoài cùng là gác chuông 3 gian, làm kiểu chồng diêm mái cong, ngói ống, cột đồng trụ và bờ bảng theo phong cách cổ truyền.

Tháp ngoài vườn chùa
Chùa quay hướng nam, phía tây giáp 3 gian đền thờ Phạm Ngũ Lão, phía đông có 5 gian nhà tổ, tiếp đến là nhà phủ, nhà khách, nhà bếp. Đằng trước có 2 tòa phủ đứng biệt lập thờ Thuỷ Tinh phu nhân và Bạch Hoa công chúa, gồm 5 gian. Như vậy, cả khu vực chùa gồm 30 gian lớn nhỏ. Phía trước chùa có hồ và sân rộng, tiếp đó là đường chính đạo ra cổng. Trong sân chùa có nhiều cây trái lưu niên, kết hợp với cỏ cây, núi hang tạo thành cảnh quan u tịnh. Chùa Châu có nhiều tượng không thật lớn nhưng đẹp như tượng Tam Thế, tượng A Di Đà, tượng Di Lặc, tượng Tuyết Sơn, tượng Kim Cương. Ngoài ra, ở đây còn có một số đồ thờ bằng đá như bát hương mâm bồng, bình hương được làm công phu, dáng dấp và hoa văn thể hiện trình độ tay nghề cao và óc sáng tạo đa dạng.