Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Bộ TT&TT sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019

Tin tức - Sự kiện  
Bộ TT&TT sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019
Sáng ngày 05/7/2019, tại Hà Nội, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019. Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng  Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì Hội nghị.

Tham dự có các Thứ trưởng Bộ TT&TT, đại diện một số Bộ, ngành Trung ương; đại diện các cơ quan Đảng và Chính phủ; đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ; đại diện các hội, hiệp hội, các doanh nghiệp thuộc ngành TT&TT, các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương; và đại diện của 11 Sở TT&TT các tỉnh đồng bằng sông Hồng và thành phố Hà Nội. Hội nghị được tổ chức trực tuyến tại 66 điểm cầu trên cả nước.

skb1.jpg

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

 Báo cáo về tình hình hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2019 của toàn ngành TT&TT, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cho biết, tổng doanh thu của toàn ngành đạt 1.347.087 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó chủ yếu là đóng góp của ngành công nghiệp ICT. Nộp ngân sách nhà nước đạt gần 50.000 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2018.

 Trong lĩnh vực Bưu chính, hiện toàn ngành có 440 doanh nghiệp với hơn 18.000 điểm phục vụ bưu chính, trong đó có gần 3.900 điểm tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính mạng Bưu chính công cộng. Doanh thu trong lĩnh vực Bưu chính trong 6 tháng đầu năm đạt 13.560 triệu đồng, bằng 128,32% so với cùng kỳ năm ngoái, nộp ngân sách 362 tỷ đồng.

 skb2.jpg

Lễ ký kết Chương trình phối hợp giữa Bộ TT&TT với  UBND tỉnh Bắc Ninh về hợp tác phát triển trong lĩnh vực TT&TT.

skb3.jpg

 Lễ ký kết Chương trinh phối hợp giữa Bộ TT&TT với UBND tỉnh Bắc Kạn về hợp tác phát triển trong lĩnh vực TT&TT.

Bộ TT&TT hiện đang xây dựng Đề án thí điểm cung ứng dịch vụ công qua mạng bưu chính công cộng tại địa phương; Sửa đổi Thông tư số 17/2013/TT-BTTTT quy định hoạt động của điểm BĐVHX giúp chủ động, linh hoạt trong việc đóng mở các điểm BĐVHX, đảm bảo hài hòa giữa nhiệm vụ công ích nhà nước giao và mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp.

 Trong lĩnh vực viễn thông, tính đến hết tháng 6/2019, tổng số thuê bao di động đạt 134,5 triệu thuê bao so với gần 120 triệu thuê bao cùng kỳ năm 2018; tổng số thuê bao di động băng rộng (3G, 4G) đạt hơn 51 triệu thuê bao. Tổng số thuê bao điện thoại cố định đạt hơn 4 triệu thuê bao.

Về kết quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp viễn thông trong toàn ngành, tổng doanh thu trong 6 tháng đầu năm 2019 đạt 198.000 tỷ đồng, bằng 104,38% so với cùng kỳ năm 2018; nộp ngân sách nhà nước 23.618 tỷ đồng.

 Về công tác chỉ đạo điều hành trong lĩnh vực viễn thông, Bộ TT&TT đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông di động tháo gỡ các rào cản, minh bạch hóa các công đoạn nhằm tăng tỷ lệ chuyển mạng thành công của dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số.

 Bộ đã triển khai cấp phép thử nghiệm 5G cho ba doanh nghiệp viễn thông (Viettel, VNPT, MobiFone) và hướng dẫn các doanh nghiệp triển khai thử nghiệm 5G; Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước báo cáo với Chính phủ cho các doanh nghiệp di động triển khai thí điểm ứng dụng thanh toán tiền điện tử trên thuê bao di động.

Trong công tác triển khai đấu giá băng tần 2,6 GHz nhằm thúc đẩy phát triển dịch vụ 4G cho các doanh nghiệp viễn thông, Bộ đã thực hiện xác định giá khởi điểm, yêu cầu tối thiểu, doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu tối thiểu, quy trình đấu giá, xây dựng quy chế đấu giá…

 Về cơ chế, chính sách cho lĩnh vực viễn thông, Bộ đã hoàn thiện trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 25/2011/NĐ-CP quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông. Đồng thời, Bộ cũng đang xây dựng ba Đề án trình Chính phủ, bao gồm: Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thay thế Quyết định số 38/2014/QĐ-TTg về đấu giá, chuyển nhượng quyền sử dụng kho số viễn thông, tên miền Internet; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thay thế Quyết định số 16/2012/QĐ-TTg quy định về đấu giá, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện; Nghiên cứu sửa đổi Luật Viễn thông, Luật Tần số Vô tuyến điện.

Đôi với lĩnh vực ứng dụng CNTT, về xây dựng khuôn khổ pháp lý, cơ chế chính sách, Bộ TT&TT đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết 18/NQ-CP ngày 13/3/2019 về việc thông qua đề nghị xây dựng Nghị định về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số; Trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo 1 Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản cập nhật 2.0; Trình Chính phủ dự thảo Nghị định quản lý đầu tư ứng dụng CNTT (thay thế Nghị định 102/2009/NĐ-CP và Quyết định 80/2014/QĐ-TTg); Xây dựng Đề án Chuyển đổi số quốc gia; Ban hành Khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam (phiên bản 1.0); Xây dựng mã định danh điện tử của các cơ quan, tổ chức thống nhất theo tiêu chuẩn quốc tế phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu.

 Về việc triển khai các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, hiện có tổng số hơn 43.000 DVCTT tại các địa phương và hơn 1.700 DVCTT tại các Bộ ngành. Tuy nhiên tỷ lệ DVCTT có phát sinh hồ sơ điện tử mới đạt lần lượt là 15,16% và 28,78%.

 Trong lĩnh vực an toàn an ninh mạng, trong 6 tháng đầu năm 2019, ghi nhận 3.159 cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam, giảm 45,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong các cuộc tấn công có 968 cuộc tấn công thay đổi giao diện (Deface), 635 cuộc tấn công cài cắm mã độc (Malware), 1.556 cuộc tấn công lừa đảo (Phishing). Số liệu cho thấy tình hình bảo đảm an toàn, an ninh mạng tại Việt Nam đã chuyển biến, đặc biệt các chiến dịch xử lý mã độc ở Hà Nội, TPHCM thời gian qua đã có những hiệu quả nhất định. Ngoài ra, số lượng địa chỉ IP của Việt Nam nằm trong các mạng máy tính ma (botnet) là hơn 4,3 triệu địa chỉ, giảm 34,3% so với cùng kỳ năm 2018.

Thứ hạng của Việt Nam trong các bảng xếp hạng quốc tế về an toàn an ninh mạng cũng có những cải thiện đáng kể. Theo dự thảo Báo cáo Chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu của ITU ngày 27/3/2018, Việt Nam xếp thứ 50 trên tổng số 175 hạng của 194 quốc gia, đã tăng 50 hạng so với năm 2017.

Liên quan đến hệ sinh thái nội dung số, tính đến tháng 6/2019, có khoảng 60-65 triệu người Việt sử dụng Facebook, 30 triệu người dùng Youtube, 46,7 triệu người dùng Zalo, 4,8 triệu người dùng Mocha (Zalo và Mocha là các mạng xã hội trong nước). Công cụ tìm kiếm Google chiếm 93,6% thị phần, Cốc cốc chiếm 3,06% thị phần. Trình duyệt Chrome chiếm gần 64% thị phần, Cốc cốc 16,44%, Safari 8,77%, Firefox 3,39%. Đối với công cụ phòng chống mã độc, BKAV chiếm 85% thị phần đối với thị trường cá nhân. Còn đối với thị trường nhà nước, các doanh nghiệp Việt Nam có một số lượng khách hàng không đáng kể.

 Về xây dựng cơ chế, chính sách trong lĩnh vực an toàn an ninh mạng, Bộ TT&TT đã tham mưu Chính phủ ban hành NQ 44/NQ-CP ngày 24/4/2019; Tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 7/6/2019; Xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 90/2008/NĐ-CP và Nghị định số 77/2012/NĐ-CP; Đề án xây dựng Trung tâm an toàn, an ninh mạng ASEAN tại Việt Nam.

Trong lĩnh vực công nghiệp ICT, Bộ TT&TT đã tổ chức thành công Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp Công nghệ Việt Nam 2019 với chủ đề: “Khát vọng, tầm nhìn và định hướng phát triển vì một Việt Nam hùng cường” và với khẩu hiệu hành động “Make in Vietnam”.

 Về các cơ chế, chính sách cho lĩnh vực công nghiệp ICT, Bộ TT&TT đã trình Chính phủ về việc ký Biên bản ghi nhớ giữa Chính phủ Việt Nam với Diễn đàn Kinh tế thế giới hợp tác về CMCN 4.0; Xây dựng Đề án thúc đẩy phát triển hệ sinh thái nội dung số Việt Nam; Xây dựng Đề án Trung tâm CMCN 4.0 Việt Nam…

 Trong lĩnh vực Thông tin tuyên truyền, hiện cả nước có 844 báo, tạp chí in; 24 báo, tạp chí điện tử độc lập. Bộ đã cấp 23.402 thẻ nhà báo tính đến hết tháng 6/2019.

 Bộ đã ban hành Kế hoạch số 1738/KH-BTTTT triển khai sắp xếp các cơ quan báo chí theo Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, rà soát, cấp lại giấy phép hoạt động của các cơ quan báo chí, đảm bảo phù hợp với định hướng quy hoạch báo chí, các quy định của pháp luật và tránh tình trạng “báo hóa” tạp chí.

Bộ đã chỉ đạo các cơ quan báo chí tăng cường thông tin, tuyên truyền tạo khát vọng về một Việt Nam hùng cường, hạn chế đăng các bài viết làm xói mòn sức mạnh, niềm tin của đất nước.

 Cũng tại Hội nghị, đại diện một số đơn vị chức năng của Bộ như Cục Tin học hóa, Cục An toàn thông tin, Vụ CNTT, Cục Báo chí đã có những bài tham luận quan trọng về một số vấn đề lớn của Bộ trong năm 2019, cụ thể: Đề án chuyển đổi số quốc gia: Thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam; Triển khai Quy hoạch báo chí toàn quốc đến năm 2025; Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 7/6/2019 về việc tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh mạng nhằm cải thiện chỉ số xếp hạng của Việt Nam.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng đã điều hành phần tham luận, trao đổi của các đại biểu tham dự Hội nghị và lắng nghe các kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp liên quan đến cơ chế, chính sách quản lý nhà nước của Bộ nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển.

 Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Sự tham gia đầy đủ của các Ban, Bộ, ngành, địa phương, các Sở TT&TT, các doanh nghiệp, hiệp hội, các cơ quan báo chí, nhà xuất bản đã thể hiện sự quan tâm tới Ngành TT&TT, một ngành về công nghệ số và thông tin tuyên truyền. Ngành TT&TT là ngành tạo sự ổn định xã hội thông qua báo chí, truyền thông và tạo ra sự phát triển thông qua công nghệ số.

 Về định hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019, Bộ trưởng chỉ đạo toàn Ngành TT&TT tiếp tục bám sát những định hướng lớn chung cho cả năm 2019 để tổ chức thực hiện, triển khai. Đồng thời, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu thực hiện tốt một số nội dung sau:

 Đối với lĩnh vực ICT: Đây là nền tảng, là hạt nhân của chuyển đổi số, phát triển công nghệ và công nghiệp ICT góp phần đưa Việt Nam thành nước công nghiệp phát triển. Bộ trưởng nêu rõ, ngành TT&TT Việt Nam không đi theo sau, mà sẽ đi đầu trong một số lĩnh vực. Quản lý nhà nước là thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững của lĩnh vực quản lý. Lấy sự phát triển bền vững, tăng trưởng nhanh của ngành là mục tiêu quản lý. Mặt khác, chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số sẽ là trọng tâm của Việt Nam trong nhiều thập kỷ tới. Do vậy, công nghệ mới, đổi mới sáng tạo là động lực cho sự phát triển bền vững bao trùm cho Việt Nam. Nâng cao thứ hạng Việt Nam, bám vào các CPI quốc tế để cải thiện thứ hạng. ICT là nền tảng nên cần phải đi trước, Bộ trưởng lưu ý.

Về phương châm hành động, Bộ trưởng nêu rõ: Người đứng đầu làm gương, nhân viên thì kỷ cương, có kỷ luật; tìm đúng việc trọng tâm để giải quyết, làm một việc để được nhiều việc. Cách tiếp cận phải đổi mới, đột phá, biến cái không thể thành cái có thể. Toàn ngành đặt mục tiêu cao, sứ mạng mới, bám sát khát vọng Việt Nam hùng cường đến năm 2045 thành nước công nghiệp phát triển.

 Theo Bộ trưởng, việc vĩ đại sẽ tạo ra người vĩ đại, doanh nghiệp vĩ đại. Các cơ chế, chính sách của Bộ đều có tham vấn, đối thoại, lắng nghe của người dân và doanh nghiệp và các đối tượng có liên quan để kịp thời tháo gỡ các khó khăn để phát triển bền vững. Đồng thời, huy động mọi nguồn lực trong ngành, khích lệ các doanh nghiệp dịch vụ thương mại đã thành công chuyển sang làm công nghệ, công nghiệp. Bộ TT&TT là nơi mà các doanh nghiệp ICT tìm đến để giải quyết các vấn đề chính sách, là nơi tập hợp lực lượng của toàn ngành. Sử dụng công nghệ nhiều hơn, nhất là công nghệ mới, công nghệ số để giải quyết các bài toán của ngành, của xã hội và đưa hệ thống đo lường KPI vào các lĩnh vực hoạt động với nhận thức cái gì đo được thì mới quản lý được.

Về lĩnh vực Bưu chính: Ban hành Chỉ thị của Bộ trưởng về định hướng phát triển Bưu chính trong nền kinh tế số theo hướng thương mại điện tử, áp dụng mạnh mẽ công nghệ số, hình thành một số công ty lớn làm nòng cốt; dịch và phát hành tham khảo sách về kinh tế số và hoạt động bưu chính số toàn cảnh thế giới. Xây dựng hệ thống mã bưu chính tới từng địa chỉ, đề án dịch vụ công qua hệ thống Bưu chính, nghiên cứu thành lập Hiệp hội Bưu chính Việt Nam. Đề cao vai trò của các hiệp hội trong việc xây dựng chính sách, để đưa chính sách vào cuộc sống, đại diện tiếng nói của người dân, doanh nghiệp.

Đối với lĩnh vực Viễn thông: Chuyển dịch hạ tầng viễn thông thành hạ tầng ICT để thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển dịch ngành viễn thông từ thoại sang data thông qua giảm cước kết nối thoại; Phổ cập smartphone, đấu thầu băng tần 2.600 MHz và 700MHz, Quy hoạch tần số 5G, tuyên bố lộ trình tắt sóng 2G, 3G, thử nghiệm Mobile money, đầu tư VNIX thành trung tâm kết nối các ISP và CP; xử lý các vấn nạn về rác viễn thông như: SIM rác, tin nhắn rác, cuộc gọi rác, thư rác… Nâng cao việc chuyển mạng thành công đạt ít nhất 90% vào cuối năm 2019 về chuyển mạng giữ số.

 Về lĩnh vực ứng dụng CNTT: Tuyên bố chiến lược chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam, ban hành các Khung về Chính phủ điện tử, thành phố thông minh, đầu tư và thuê CNTT, xây dựng các Nghị định quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số, định danh và xác thực điện tử, thúc đẩy Chính phủ điện tử mà trọng tâm là cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 với mục tiêu là 30% đến hết năm 2019.

Đối với lĩnh vực An toàn an ninh mạng: Tiếp tục xây dựng Việt Nam thành Hub về an toàn an ninh mạng của ASEAN, hỗ trợ Lào, Campuchia xây dựng Trung tâm về giám sát an toàn không gian mạng. Xây dựng các trung tâm SOC tại từng tỉnh; giám sát an toàn không gian mạng Việt Nam cả về thông tin và các cuộc tấn công mạng, tích cực làm sạch không gian mạng theo chỉ đạo của Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo tỉ lệ tin tiêu cực trên mạng không quá 10%. Bộ trưởng yêu cầu, tất cả các nhà mạng viễn thông đều phải đầu tư DPI, đảm bảo chặn lọc mạng ở mức sâu. Cần có chương trình đảm bảo an toàn an ninh mạng trong các cơ quan Đảng, cơ quan Nhà nước, phát triển các mạng xã hội Việt Nam nhất là các mạng xã hội với cách tiếp cận mới, khác biệt căn bản với Facebook. Các thuật toán, luật chơi do công ty nền tảng nắm trong tay, mô hình mạng xã hội mới là giá trị tạo ra bởi người dùng phải được chia sẻ. Mô hình mới là luật chơi, là khách hàng phải được tham gia. Thử nghiệm mạng Internet Việt Nam hoạt động độc lập, phát triển các doanh nghiệp an ninh mạng mạnh, không chỉ bảo vệ không gian mạng Việt Nam mà còn đi ra nước ngoài.

Với ngành công nghiệp ICT: Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng về phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, về Make in VietNam thúc đẩy doanh nghiệp dịch vụ thương mại chuyển sang làm công nghệ; các doanh nghiệp ICT cần hoạt động theo sứ mạng mới phát triển công nghệ Việt Nam chuyển đổi số cho đất nước theo hướng doanh nghiệp tư vấn, chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp khác; doanh nghiệp start-up và các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và mô hình kinh doanh mới; Quy định về thử nghiệm mô hình mới sandbox, đặc khu về thử nghiệm công nghệ, mô hình kinh doanh mới; Triển khai chính sách cho trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 hợp tác với Diễn đàn kinh tế thế giới; thúc đẩy nghiên cứu sản xuất thiết bị 5G để năm 2020 Việt Nam có thiết bị 5G. Chương trình về khởi nghiệp doanh nghiệp công nghệ đưa công nghệ ứng dụng vào mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội. Đây là các doanh nghiệp tư vấn công nghệ, chuyển giao công nghệ, tích hợp ứng dụng công nghệ, nhất là công nghệ ICT cho các doanh nghiệp khác. Các doanh nghiệp này phải nhiều và rộng khắp trên toàn quốc.

 Mặt khác, thực hiện các chuyển dịch quan trọng, từ chuyển phát thành thương mại điện tử, từ hạ tầng viễn thông thành hạ tầng ICT. Từ thế giới thực vào thế giới ảo thông qua chuyển đổi số; từ đi theo thành đi đầu; từ gia công, lắp ráp thành nghiên cứu, sản xuất sản phẩm Việt Nam.

 Đối với lĩnh vực báo chí, xuất bản: Báo chí cách mạng phải được hỗ trợ một phần từ ngân sách. Báo chí phải phản ảnh dòng chảy chính của xã hội, góp phần tạo ra niềm tin và đồng thuận xã hội, tạo nên khát vọng về một Việt Nam hùng cường. Báo chí từ đi theo dòng phụ thành đi theo dòng chính, từ báo giấy trở thành báo công nghệ.

Thực hiện Quy hoạch báo chí, Bộ sẽ làm việc với từng tờ báo của các Hội, làm việc với TP.HCM, Hà Nội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh để sắp xếp các cơ quan báo chí. Tinh thần Quy hoạch báo chí không chỉ sắp xếp, mà còn là cơ chế chính sách phát triển báo chí nhằm nâng cao năng lực của 6 cơ quan báo chí, truyền thông chủ lực đa phương tiện; là đào tạo nhân lực báo chí, giải quyết tốt các phát sinh về thực hiện quy hoạch báo chí. Giải quyết các tồn tại báo hóa tạp chí, báo hóa trang tin tổng hợp, xa dời tôn chỉ, tư nhân hóa, khoán bài, khoán view, làm tiền doanh nghiệp, sự tuân thủ pháp luật Việt Nam của các mạng xã hội nước ngoài.

Cũng theo Bộ trưởng cần có quy định về xử lý tin giả, tin xấu độc trên mạng. Xây dựng cơ chế, giao nhiệm vụ cho báo chí kèm theo điều kiện đảm bảo thực hiện cơ chế đặt hàng cho báo chí. Báo chí cách mạng phải được hỗ trợ một phần từ ngân sách nhà nước. Đề ra chính sách để kết nối nhà mạng và báo điện tử, xây dựng platform cung cấp nội dung trên không gian mạng cho các báo nhằm hỗ trợ báo chí dùng công nghệ để phát triển. Nguồn tài chính dành cho đào tạo báo chí theo hướng chất lượng cao, giải Báo chí quốc gia, giải Sách quốc gia tăng 6 lần trong năm nay; Hỗ trợ các Bộ xây dựng truyền thông theo hướng chuyên nghiệp, chủ động cung cấp thông tin cho báo chí tránh khủng hoảng truyền thông.

skb4.jpg

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tặng hoa cho đại diện UBND tỉnh Bắc Ninh và Bắc Kạn

skb5.jpg

*Trong khuôn khổ Hội nghị, đã diễn ra Lễ ký kết Chương trình phối hợp giữa Bộ TT&TT với UBND tỉnh Bắc Kạn, UBND tỉnh Bắc Ninh về hợp tác phát triển trong lĩnh vực TT&TT.


Theo mic.gov.vn