Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Chia sẻ dữ liệu - nút thắt cần tháo gỡ trong quá trình phát triển Chính phủ điện tử

Tin tức - Sự kiện  
Chia sẻ dữ liệu - nút thắt cần tháo gỡ trong quá trình phát triển Chính phủ điện tử
Đây là nhận định của Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng tại Hội thảo “Chính phủ số - Giải pháp kết nối liên thông các hệ thống thông tin qua hệ thống nền tảng, tích hợp chia sẻ dữ liệu từ trung ương đến địa phương” diễn ra tại thành phố Thái Bình chiều ngày 16/5/2019. Hội thảo do Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) và Sở TT&TT tỉnh Thái Bình phối hợp tổ chức cùng Công ty cổ phần Công nghệ Savis và Tổng công ty Viễn thông MobiFone dưới sự bảo trợ của Bộ TT&TT và UBND tỉnh Thái Bình.

Tham dự Hội thảo có ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang; ông Nguyễn Hoàng Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình và 300 đại biểu của các cơ quan, bộ, ngành thuộc Chính phủ, các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương, đại diện các doanh nghiệp CNTT.

20190516-pg001.jpg

Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng khẳng định, xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, phát triển kinh tế số là xu thế và là mục tiêu Việt Nam đang nỗ lực thực hiện.

 Trong nền kinh tế số, một trong những nhân tố quan trọng nhất chính là dữ liệu số, và thường được so sánh như nhiên liệu, dầu mỏ. Các công nghệ cốt lõi của nền kinh tế số hiện nay phụ thuộc nhiều vào dữ liệu. Do đó, dữ liệu cần phải được tạo ra, lưu trữ, xử lý và được chia sẻ một cách phù hợp, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, “để thúc đẩy Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số, một trong những nút thắt rất lớn cần phải được tháo gỡ là vấn đề chia sẻ dữ liệu”. Dữ liệu cần phải được chia sẻ, hệ thống thông tin cần phải được kết nối, liên thông để từ đó nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp cho người dân và doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý và điều hành trong nội bộ của Chính phủ.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ TT&TT, Nghị quyết 17 của Chính phủ năm 2019 về “Một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 – 2020, đính hướng đến năm 2025”, Chính phủ đã giao Bộ TT&TT xây dựng hai Nghị định là: Nghị định về quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu và Nghị định về định danh, xác thực điện tử. Hai Nghị định này có quan hệ mật thiết và chặt chẽ với nhau. Bộ TT&TT đánh giá việc xây dựng Nghị định về quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu là một vấn đề phức tạp, cần có sự tham gia đóng góp ý kiến của các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp.

Thứ trưởng cũng bày tỏ mong muốn Hội thảo hôm nay là cơ hội để các bên tham gia cùng trao đổi ý tưởng, kinh nghiệm thực tiễn triển khai, các khó khăn vướng mắc, cơ hội hợp tác cũng như đưa ra các kiến nghị đề xuất. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để Bộ TT&TT tiếp nhận các ý kiến đóng góp, các phản hồi từ thực tế để hoàn thiện dự thảo Nghị định về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số và dự thảo Nghị định về định danh, xác thực điện tử, dự kiến sẽ trình Chính phủ xem xét ban hành trong năm 2019.

Là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực ICT, Bộ TT&TT sẵn sàng hướng dẫn, hỗ trợ và đồng hành cùng các Bộ, ngành, địa phương trong triển khai kết nối và đảm bảo an toàn thông tin trong việc kết nối các hệ thống thông tin ở Trung ương và địa phương, tuân thủ Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam.

20190516-pg002.jpg

Quang cảnh Hội thảo

Cũng tại Hội thảo, ông Vũ Tiến Khoái, Giám đốc Sở TT&TT Thái Bình đã chia sẻ kết quả triển khai các hệ thống thông tin (HTTT) của tỉnh kết nối liên thông qua LGSP và kết nối liên thông với các HTTT quốc gia qua NGSP.

Cụ thể, Hệ thống mạng văn phòng điện tử liên thông dùng chung, thống nhất trên phạm vi toàn tỉnh Thái Bình phục vụ công tác quản lý và gửi nhận văn bản đã được triển khai từ năm 2012 và kết nối đến tất cả các cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, kết nối liên thông trục văn bản quốc gia và tích hợp với Zalo để thông báo tin nhắn với trên 10 nghìn tài khoản người dùng, số hoá và xác thực bảo mật bằng chứng thư số chuyên dùng trên 95% văn bản (trừ văn bản mật).

Về hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh, cơ sở dữ liệu chuyên ngành từng bước được hình thành gồm có: CSDL đất đai của thành phố, CSDL quản lý 6 đồ án phân khu trên địa bàn tỉnh, CSDL Thông tin và Truyền thông, CSDL người có công, CSDL về cán bộ, công chức, viên chức, một số CSDL về y tế, giáo dục.

Tỉnh đã triển khai kết nối liên thông cổng dịch vụ công trực tuyến với Hệ thống tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích của Bưu điện tỉnh để hỗ trợ tăng cường triển khai DVCTT mức độ 3,4 trên toàn tỉnh.

Về an toàn thông tin, tỉnh đã ký thoả thuận hợp tác đảm bảo ATTT mạng với Ban cơ yếu Chính phủ, phối hợp với BKAV triển khai giải pháp phần mềm diệt virus quản lý tập trung trong 100% cơ quan nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện. Đồng thời thường xuyên phối hợp với VNCERT, Trung tâm giám sát an ninh mạng của Ban Cơ yếu Chính phủ tăng cường theo dõi, phát hiện, cảnh báo sớm các cuộc tấn công.

Cũng tại Hội thảo, đại diện đến từ Cục Tin học hóa và Trung tâm chứng thực điện tử quốc gia (thuộc Bộ TT&TT) đã giới thiệu định hướng xây dựng Nghị định về định danh và xác thực điện tử; Hướng dẫn triển khai Thông tư 23/2018/TT-BTTTT ngày 28/12/2018 của Bộ TT&TT về việc hướng dẫn thực hiện chương trình mục tiêu về CNTT giai đoạn 2016-2020.

Hội thảo là một hoạt động trong chương trình Hội thảo và Diễn tập giải pháp triển khai kết nối liên thông và đảm bảo an toàn thông tin cho các hệ thống phục vụ chính quyền điện tử, diễn ra trong 2 ngày 16 – 17/5/2019.

Theo Mic.gov.vn