Skip Ribbon Commands
Skip to main content

“Kiến trúc xanh” trong sự phát triển của kiến trúc đô thị

Tin tức - Sự kiện  
“Kiến trúc xanh” trong sự phát triển của kiến trúc đô thị

Có thể nói những biểu hiện của thiên nhiên theo chiều hướng xấu: Bão lụt, nước biển dâng, khí hậu nóng lên toàn cầu… cùng với việc diện tích rừng tự nhiên giảm, không khí ô nhiễm, đi cùng với tốc độ đô thị hóa, phát triển kiến trúc xây dựng đã tạo ra một thách thức lớn đối với nhân loại. Trong bối cảnh ấy, xu hướng “kiến trúc xanh”, “công trình xanh” đã xuất hiện và phát triển thành một trào lưu và được xác định, là một thước đo của sự phát triển bền vững, công trình xanh được khởi đầu từ Anh Quốc (1990), Hoa Kỳ (1993), Canada (1998)… và đến năm 2000, Hội đồng công trình xanh thế giới được thành lập. Đến nay, hệ thống Hội đồng công trình xanh của các quốc gia đã lan tỏa tới trên 100 nước và là một xu thế phát triển tất yếu của thế giới trong thế kỷ XXI.

 

Khái niệm “công trình xanh” là công trình xây dựng được đánh giá, xác nhận, cấp chứng chỉ của Hội đồng công trình xanh mỗi một quốc gia. Mỗi một Hội đồng công trình xanh đều có những tiêu chí riêng của mình phù hợp với các loại hình: Tiêu chí cho các nước phát triển, tiêu chí cho các nước đang phát triển, tiêu chí cho các nước chậm phát triển. Các bộ tiêu chí đều xoay quanh vấn đề sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, ứng phó với biến đổi khí hậu, sử dụng tiết kiệm từ tài nguyên nước và vật liệu, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường và đảm bảo điều kiện sống tốt nhất cho con người. Các hệ thống chứng nhận công trình xanh do Hội đồng công trình xanh quốc gia xác lập và làm cơ sở để đánh giá, chứng nhận công trình đăng ký và đạt các tiêu chí theo hệ thống tương ứng. Hoa Kỳ có hệ thống chứng nhận LEED, phù hợp điều kiện đánh giá công trình xanh cho các nước phát triển; hệ thống GreenMark của Singapore cũng tương tự; EDGE: Là hệ thống chứng nhận công trình xanh của Ngân hàng Thế giới, tập trung đánh giá về việc sử dụng năng lượng, sử dụng nước và vật liệu đối với công trình… Việt Nam có hệ thống chứng nhận do Hội đồng công trình xanh Việt Nam lập ra với tên gọi là Lotus, là hệ thống chứng nhận toàn diện phù hợp với thực tiễn ngành Xây dựng, quy định của Nhà nước và điều kiện khí hậu Việt Nam. Bao trùm lên tất cả là Hội đồng công trình xanh thế giới, nó là mạng lưới tập hợp các Hội đồng công trình xanh quốc gia, là tổ chức quốc tế với sức mạnh thúc đẩy hoạt động của Hội đồng thành viên thông qua mạng kết nối kiến thức và hỗ trợ thực hiện. Sau một thời gian triển khai Việt Nam hiện có trên 100 công trình được chứng nhận “Công trình xanh” của Hội đồng công trình xanh Việt Nam, của Hội đồng công trình xanh Singapore, Mỹ… Các chứng nhận này đã góp phần tăng sức hấp dẫn của công trình xây dựng đối với khách hàng và các chủ đầu tư. Tuy nhiên, so với tốc độ xây dựng ở Việt Nam, số lượng này chưa nhiều so với ví dụ hơn 2.000 công trình đã được cấp chứng chỉ ở Singapore và hơn 800 công trình được cấp chứng chỉ tại Úc.

“Kiến trúc xanh” là một khái niệm có thể là bao gồm khái niệm “công trình xanh” và có thêm tiêu chí đánh giá giá trị về mặt sáng tác kiến trúc. Ngoài các tiêu chí của “công trình xanh” mà các công trình đó cần đạt được, các yếu tố về kiến trúc như: Tạo dựng môi trường cảnh quan, sự phát triển môi trường xã hội nhân văn, hình thức kiến trúc tiên tiến, bản sắc hướng tới tương lai… là các yếu tố được quan tâm xem xét khi đánh giá, nhằm khuyến khích các KTS trong quá trình sáng tác, nhằm tạo nên những tác phẩm kiến trúc vừa đạt được các tiêu chí của công trình xanh, vừa đạt tiêu chí đánh giá là công trình kiến trúc xanh. Năm 2010, Hội KTS Việt Nam đưa ra các tiêu chí cụ thể: Địa điểm bền vững, sử dụng năng lượng và tài nguyên hiệu quả; chất lượng môi trường trong nhà, kiến trúc tiên tiến, bản sắc; tính xã hội, nhân văn bền vững làm cơ sở để đánh giá công trình đạt được chứng nhận này. Qua các kỳ hàng năm, với hàng trăm công trình đăng ký, đến nay đã có gần 100 công trình khắp mọi miền đất nước do các KTS Việt Nam, các KTS nước ngoài hành nghề tại Việt Nam đã được chứng nhận đạt công trình “Kiến trúc xanh Việt Nam”.

Ở Việt Nam, thiết kế các đô thị, các công trình kiến trúc những năm gần đây xuất hiện từ “kiến trúc xanh” thường xuyên được dùng đến, đôi khi trở thành mốt và bị lạm dụng. Đặc biệt là phương án các thiết kế khu đô thị, phương án thiết kế các công trình kiến trúc. Chủ đầu tư và người thiết kế cũng luôn dùng từ “xanh” để gắn cho tên đô thị, khu đô thị và công trình của mình, hàm ý “kiến trúc xanh” theo khái niệm này là nhằm vào cây xanh. Thực tế là đô thị ấy, công trình ấy có “xanh” về bản chất không hay chỉ là “xanh” của màu đồ án và “xanh” của cây trong bản vẽ phối cảnh. KTS khi thể hiện đã “dán” cây mọc trên mặt đất, dán lên cả mặt đứng và nhiều khi đưa hết lên cả mái. Những bản phối cảnh ấy thật bắt mắt, trong nhiều trường hợp đã thêm điểm để tác giả của phương án thắng trong các cuộc thi tuyển, trong các cuộc báo cáo đồ án để được lựa chọn đầu tư xây dựng. Tâm lý chủ đầu tư khi đặt hàng thiết kế, khách hàng khi mua đất, mua căn hộ được thỏa mãn khi xem đồ án, Nhưng khi đô thị được tạo dựng, tòa nhà xây dựng xong, nó không được xanh như bản vẽ. Thực tế cho thấy đô thị chúng ta hiện giữ được mảng xanh hơi khó, vấn đề từ nhận thức đến hiệu quả dự án của nhà đầu tư, vấn đề kinh phí đầu tư cho mảng xanh đi liền với đó là kinh phí bảo trì, nuôi dưỡng mảng xanh đã tác động đến yếu tố này. Tương tự, đối với công trình cũng vậy, việc đưa cây xanh lên tường, lên mái và nuôi dưỡng nó tồn tại phát triển là cả một vấn đề, làm được điều đó cần đòi hỏi rất nhiều yếu tố từ yêu cầu về kỹ thuật, công nghệ đến sự quan tâm của người sử dụng.

Cái xanh vừa nói đến đôi khi làm ta hiểu nhầm về “Kiến trúc xanh” trong kiến trúc. Nó chưa phải là kiến trúc xanh mà chỉ “xanh cây”. Xanh cây là cây xanh trong đô thị hoặc là cây xanh trong công trình kiến trúc, nó chỉ là chỉ tiêu đất cây xanh trong đồ án quy hoạch, nó có thể là chỉ tiêu đánh giá chất lượng đô thị. Đối với công trình xanh cây là chỉ tiêu đánh giá ý tưởng đồ án về tiếp cận thiên nhiên của KTS, và nó là một yếu tố tạo nên “kiến trúc xanh”.

“Kiến trúc xanh” xuất hiện, đã tồn tại và là sự hướng đến. Đó là mong muốn của con người khi tạo ra sản phẩm kiến trúc là sự đối chọi với sự mất cân bằng của tự nhiên, đối chọi với những biểu hiện không tốt ngày càng nhiều của thiên nhiên. “Kiến trúc xanh” có thể nói là một trong những phương thức để con người hướng về thiên nhiên, là phương thức con người tạo ra không gian sống tiện nghi cho mình đi cùng với mong muốn hướng đến sự phát triển phù hợp quy luật cân bằng và tuần hoàn của tự nhiên.“Kiến trúc xanh” dần trở thành một khái niệm để đánh giá chất lượng một đồ án quy hoạch lập ra, cũng như một công trình khi xây dựng.

Các giải pháp cụ thể được đề cập khi nghiên cứu lập đô thị xanh hoặc thiết kế công trình kiến trúc xanh là sự tận dụng tối đa yếu tố tự nhiên đáp ứng điều kiện vận hành của đô thị và công trình kiến trúc. Tận dụng hướng gió tạo sự thông thoáng cho công trình, sử dụng ánh sáng tự nhiên phù hợp, tận thu nước mưa để phục vụ sự vận hành của công trình (tưới cây, rửa đường…). Vấn đề “Kiến trúc xanh” với bất cứ tiêu chuẩn nào, tiêu chí nào cũng đều bắt đầu từ nhận thức khi đầu tư, bắt đầu từ khâu thiết kế và quá trình vận hành công trình. Đối với phương án thiết kế xanh việc trước tiên là nghiên cứu hiện trạng, lập được quy hoạch tổng thể bền vững cho khu đất, cho dự án. Ngoài yếu tố đạt được về chức năng sử dụng, phương án quy hoạch đầu tư xây dựng cần tạo ra cho công trình đã có được tầm nhìn tốt nhất, mức độ thông gió ở mức độ cao nhất, giải quyết tốt nhất mối tương tác giữa công trình kiến trúc sau khi xây dựng với không gian hiện hữu và không gian quy hoạch phát triển. Tiếp đó là các tiêu chí xanh thụ động được lựa chọn trong giải pháp thiết kế bằng việc tính toán lắp đặt thiết bị tiết kiệm năng lượng trong quá trình sử dụng như Pin mặt trời, thiết bị vệ sinh, thiết bị chiếu sáng; sưởi ấm, đèn chiếu sáng, điều hòa… dùng loại thiết bị tiết kiệm năng lượng.

Đối thoại với thiên nhiên, chung sống hài hòa với thiên nhiên, tạo lập cuộc sống phát triển bền vững là mục tiêu cao nhất của “công trình xanh” và “kiến trúc xanh”. Từ nhận thức tới hành động trong quá trình vận hành, phát triển, tin rằng chúng ta có cuộc sống tốt đẹp trong một “hành trình xanh”.