Skip Ribbon Commands
Skip to main content

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN NGÀNH Y TẾ TỈNH HÀ NAM

Giới thiệu chung Quá trình hình thành và phát triển  
QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN NGÀNH Y TẾ TỈNH HÀ NAM

          Cuối tháng 2 năm 1955, dưới sự chủ tọa của Bộ trưởng Bộ Y tế Hoàng Tích Trí và các Thứ trưởng Phạm Ngọc Thạch, Tôn Thất Tùng, Hội nghị cán bộ y tế Toàn quốc lần đầu tiên được họp tại Hà Nội. Tại hội nghị Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho cán bộ nhân viên Ngành Y tế do chính tay Người đánh máy. Nội dung bức thư không chỉ được coi là một Chỉ thị về đường lối phục vụ và xây dựng ngành Y tế mà còn là lời nhắc nhở nhiệm vụ đối với những người làm công tác y tế trong quá khứ, hiện tại và tương lai sau này. Có thể nói lịch sử hình thành, phát triển và trưởng thành của mình, lớp lớp thế hệ cán bộ, nhân viên, lao động Ngành Y tế Hà Nam đã luôn theo lời chỉ dạy của Bác Hồ, nỗ lực phấn đấu không ngừng, góp phần quan trọng vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.

          Thời kỳ 1955 - 1964: Trong 10 năm Ngành Y tế Hà Nam đã tập trung xây dựng và phát triển y tế ở nông thôn làm cho bộ mặt ở nông thôn thay đổi rõ rệt. Nền y tế cách mạng đã làm biến đổi nhận thức và tác phong của những người cán bộ y tế chế độ cũ: sẵn sàng mang hết tâm trí, nghị lực để chăm lo sức khỏe cho người dân, thương yêu quý trọng người bệnh như chính người thân ruột thịt trong gia đình. Thời kỳ này Ngành Y tế đã thực hiện thắng lợi quan điểm của Đảng về công tác y tế: Phòng bệnh là chính, chữa bệnh là quan trọng. Bên cạnh đó một số Đội chuyên khoa, Đội chống sốt rét, Phân hội Đông Y, Bệnh viện tỉnh… được thành lập đã tạo tiền đề cho Y tế Hà Nam từng bước vững vàng đi lên. Công tác phòng bệnh được tăng cường đã kịp thời ngăn ngừa và dập tắt được các ổ dịch bệnh không cho phát triển và lây lan. Việc kết hợp giữa đông và tây y có nhiều tiến bộ về nhận thức và tư tưởng, tổ chức cũng như công tác phòng chữa bệnh trong việc sản xuất thuốc men và nghiên cứu y học. Chất lượng điều trị tại các bệnh viện, bệnh xá được nâng cao. Mạng lưới y tế nông thôn được củng cố và tăng cường…

          Thời kỳ 1965 - 1975: Tỉnh Hà Nam sáp nhập với tỉnh Nam Định thành tỉnh Nam Hà. Sở Y tế Nam Hà chính thức làm việc theo tỉnh mới, màng lưới tổ chức từ 6 huyện, thị lên 15 huyện, thị xã, thành phố. Thời gian này, đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh đánh phá miền Bắc nước ta, nhiệm vụ của Ngành Y tế chuyển từ thời bình sang thời chiến, vừa phục vụ sản xuất, vừa phục vụ chiến đấu và cấp cứu chấn thương. Bệnh viện tỉnh sơ tán về nông thôn, chuyển giường cho các huyện. Đã phát triển bệnh xá huyện thành bệnh viện huyện, các huyện chưa có bệnh viện thì thành lập mới. Mặc dù thời kỳ này Ngành Y tế còn gặp nhiều khó khăn do chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ gây ra, nhưng Ngành đã có nhiều cố gắng, đạt được những thành tích nhất định trên các mặt vệ sinh phòng bệnh, phòng dịch, chữa bệnh, công tác dược, góp phần tích cực vào việc bảo vệ sức khỏe cán bộ và nhân dân, phục vụ chiến đấu và sản xuất. Sau hòa bình lập lại đã nhanh chóng khôi phục các cơ sở y tế, kịp thời chuyển hướng mọi hoạt động đáp ứng yêu cầu mới. Nhờ đó Ngành Y tế đã có những đóng góp quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh.

           Thời kỳ 1976 - 1991: Hợp nhất tỉnh Nam Hà và tỉnh Ninh Bình thành tỉnh mới lấy tên là tỉnh Hà Nam Ninh. Hai tỉnh hợp nhất đã tập trung được nhiều cán bộ thầy thuốc giỏi, có nhiều kinh nghiệm trong công tác quản lý và thực hiện chuyên môn kỹ thuật. Các công tác: phòng chống dịch, phòng chống các bệnh xã hội, tiêm chủng mở rộng cũng như sản xuất lưu thông thuốc, trồng dược liệu, phát triển nền y học cổ truyền dân tộc cũng đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ. Y tế tuyến xã được củng cố về tổ chức cán bộ, nội dung và phương thức công tác. Bên cạnh đó, để công tác y tế trong giai đoạn mới đạt được những kết quả toàn diện và đồng đều, Ngành Y tế cũng đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm: Phát triển phong trào vệ sinh phòng bệnh sâu rộng trong cán bộ, nhân dân toàn tỉnh; Tập trung sức xây dựng tuyến y tế cơ sở bao gồm xã, đường phố, xí nghiệp, cơ quan, trường học… thành một tuyến mạnh; Nâng cao chất lượng khám và chữa bệnh; Thực hiện tốt công tác sinh đẻ có kế hoạch; Đẩy mạnh kết hợp đông y, tây y và giải quyết tốt việc sản xuất, phân phối thuốc; Tăng cường và cải tiến công tác quản lý của ngành, phát huy tốt lực lượng cán bộ, cơ sở vật chất, kỹ thuật hiện có; Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học về y tế; Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng. Các nhiệm vụ này từng bước được Ngành Y tế thực hiện, mang lại hiệu quả thiết thực trong việc chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.

        Thời kỳ 1992 - 1996: Đây là thời kỳ Ngành Y tế kiện toàn được hệ thống tổ chức, thực hiện quản lý tập trung thống nhất theo Ngành và thực hiện mô hình Trung tâm Y tế tuyến huyện, thị xã, đặc biệt là kiện toàn mạng lưới y tế cơ sở, đưa y tế cơ sở đi vào hoạt động đều, thực hiện có hiệu quả 12 chương trình chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Bước đầu đã thực hiện xã hội hóa công tác bảo vệ sức khỏe nhân dân, thực hiện công bằng trong khám chữa bệnh, nâng cao y đức, chú trọng xây dựng ngành trên cả 3 lĩnh vực: đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, thường xuyên đào tạo bồi dưỡng nâng cao phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn kỹ thuật và chăm lo đời sống tinh thần, vật chất cho cán bộ viên chức, thực hiện các chế độ chính sách đối với cán bộ y tế, nhất là đối với cán bộ y tế cơ sở. Có được kết quả trên là do có nhận thức đúng nên sau khi tái lập tỉnh, ngành đã sớm đề ra đề án xây dựng định hướng phát triển sự nghiệp y tế tỉnh nhà. Đề án được bổ sung hoàn chỉnh trong quá trình vận dụng Nghị quyết TW IV (khóa VII) và Nghị quyết Đại hội Đảng tỉnh, làm cho nó vừa sâu sắc, đúng đắn, khoa học, vừa phong phú, phù hợp với tình hình đặc điểm của tỉnh nhà.

         Thời kỳ 1997 - 2003: Thời kỳ này Ngành Y tế trong thế ổn định và phát triển khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực hoạt động chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, toàn ngành đã hoàn thành và vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch. Công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân được nâng cao rõ rệt. Bệnh viện tuyến tỉnh, huyện được đầu tư nâng cấp về cơ sở vật chất cũng như trang thiết bị, những quy chế về chuyên môn, về quản lý bệnh viện được thực hiện khá tốt. Tinh thần thái độ phục vụ người bệnh ngày một tốt hơn. Thuốc phục vụ cho phòng bệnh và chữa bệnh được đáp ứng đầy đủ với chất lượng đảm bảo, giá cả phù hợp và không có thuốc giả, thuốc kém chất lượng lưu hành trên thị trường. Công tác phòng chống dịch bệnh được chú trọng và tập trung chỉ đạo nên đã không để dịch bệnh lớn xảy ra trên địa bàn tỉnh. Các chương trình mục tiêu y tế quốc gia tiếp tục được triển khai và đạt hiệu quả ở cộng đồng. Đây cũng là thời kỳ mà Ngành Y tế tiếp tục kiện toàn tổ chức từ tuyến tỉnh đến tuyến y tế cơ sở. Thực hiện quản lý theo ngành, từ đó tập trung được các nguồn lực về con người, cơ sở vật chất, trang thiết bị, kinh phí tạo nên sức mạnh to lớn để phát huy nội lực trong quá trình chỉ đạo, thực hiện các nhiệm vụ. Chất lượng hoạt động của y tế cơ sở được nâng lên rõ rệt về quản lý điều hành và thực hiện chuyên môn. Phong trào học tập đã phát triển mạnh mẽ nhất là y sỹ đi học bác sỹ để về công tác tại Trạm Y tế xã.

        Thời kỳ 2003 - 2005: Công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân trong thời kỳ này đã có những bước tiến vượt bậc với sự đổi mới toàn diện, tạo ra một diện mạo mới cho ngành Y tế tỉnh Hà Nam, hiệu quả và chất lượng. Được thể hiện ở việc tiến hành một số cơ chế mở, nhằm phát huy nội lực, khuyến khích, thu hút đầu tư để phát triển ngành Y tế. Trong đó tập trung cải cách hành chính trong toàn ngành, phát huy vai trò độc lập tự chủ của các đơn vị, thực hiện việc giao khoán kinh phí từng phần và hoàn toàn cho các đơn vị có thu. Đồng thời đẩy nhanh quá trình xã hội hóa công tác y tế trên địa bàn, nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và cộng đồng đối với mọi hoạt động của y tế. Tăng cường liên doanh, liên kết với các đơn vị trong và ngoài nước nhằm tranh thủ các chương trình viện trợ, đầu tư để từng bước tạo ra thế và lực cho Ngành Y tế tỉnh Hà Nam sẵn sàng hội nhập và phát triển. Đặc biệt thời kỳ này Ngành Y tế đã có chủ trương cho phát triển hệ thống y tế tư nhân có chất lượng, đảm bảo khả năng khám và chữa bệnh cho nhân dân, góp phần giảm bớt sự quá tải ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh và các bệnh viện tuyến Trung ương. Bên cạnh đó, Trạm Y tế các xã, thị trấn được củng cố và phát triển về nhân lực. Công tác xây dựng Chuẩn quốc gia về y tế xã được tiến hành toàn diện, có kế hoạch. Các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe được tăng cường với nhiều hình thức đa dạng, nội dung phong phú… qua đó nhận thức của người dân đã được nâng lên, người dân đã biết cách tự phòng bệnh cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

       Thời kỳ 2006 đến nay: Hệ thống y tế của tỉnh được quản lý theo ngành, từ tỉnh đến cơ sở được củng cố và từng bước được sắp xếp lại một cách đồng bộ, các đầu mối được thu gọn.

          Hiện nay, Ngành Y tế có 23 đơn vị trực thuộc Sở Y tế:

          * Tuyến tỉnh có 17 đơn vị:

          - 03 đơn vị quản lý nhà nước: Cơ quan Sở Y tế, Chi cục Dân số - KHHGĐ và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm;

          - Hệ khám chữa bệnh: Có Bệnh viện đa khoa tỉnh và 06 bệnh viện chuyên khoa (Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Phong , Bệnh viện Lao & bệnh phổi, Bệnh viện Y học cổ truyền, Bệnh viện Sản Nhi và Bệnh viện Tâm Thần tỉnh).

          - Hệ dự phòng: 06 đơn vị, gồm có: Trung tâm Y tế dự phòng; Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS; Trung tâm Kiểm nghiệm Thuốc, Mỹ phẩm, Thực phẩm; Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe; Trung tâm Giám định Y khoa; Trung tâm Pháp y.

          - Hệ đào tạo: Trường Cao đẳng Y tế tỉnh.

          * Tuyến huyện:

          - Có 07 đơn vị trực thuộc Sở Y tế, gồm: 01 Bệnh viện đa khoa khu vực và 06 Trung tâm Y tế huyện/thành phố; 

          - Có 06 Phòng Y tế và 06 Trung tâm Dân số - KHHGĐ trực thuộc UBND huyện, thành phố.

          * Tuyến xã: 116 trạm y tế xã, phường, thị trấn trực thuộc Trung tâm Y tế các huyện, thành phố.

          Mặc dù với bao bộn bề, khó khăn, nhưng với tinh thần tự lực, biết dựa vào dân, tranh thủ sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo và đầu tư của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, của Bộ, Ngành Trung ương; sự phối kết hợp có hiệu quả của các Sở, Ban Ngành, các đoàn thể của tỉnh và các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương; các tổ chức xã hội trong và ngoài nước, cán bộ nhân viên Ngành Y tế Hà Nam đã đoàn kết nỗ lực thực hiện có những bước đi khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực: khoa học quản lý, phát triển chuyên môn, kỹ thuật để tạo ra một sự tiến bộ mới về chất trong các hoạt động: Phòng bệnh, khám chữa bệnh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao chất lượng dân số, cung ứng thuốc và vật tư y tế, hợp tác quốc tế, chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ thầy thuốc có chuyên môn giỏi, duy trì nghiêm các chế độ, quy định trong chuyên môn, coi trọng rèn luyện y đức, tích cực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, noi gương Anh hùng, Liệt sỹ - Bác sỹ Đặng Thùy Trâm, thực hiện tốt Chỉ thị 09 của Bộ Y tế và quy tắc ứng xử của Ngành Y tế tỉnh Hà Nam... nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm và thái độ phục vụ, phát huy tính chủ động sáng tạo, khắc phục mọi khó khăn, làm tốt công tác khám chữa bệnh, đặc biệt là chỉ đạo các tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên quan tâm đến các đối tượng chính sách, người có công và người nghèo, tạo những bước tiến vững chắc trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân và công tác dân số - KHHGĐ.

          Với những phấn đấu không biết mệt mỏi, nhiều năm liên tục hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân và công tác daan số - KHHGĐ nên nhiều cá nhân, tập thể của Ngành Y tế tỉnh Hà Nam đã được tặng nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước và các cấp quản lý...

 

          Những kết quả đạt được trong những năm qua đã thực sự khích lệ, là mục tiêu để Ngành Y tế tỉnh Hà Nam tiếp tục vươn lên, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người dân. Có thể nói hơn nửa thế kỷ xây dựng và trưởng thành của Ngành Y tế Hà Nam gắn liền với từng giai đoạn phát triển của đất nước, song sợi chỉ đỏ vẫn xuyên suốt hành trình đi tìm niềm vui cho người bệnh vẫn là niềm tin, ý chí thực hiện theo lời Bác dạy "Lương y như từ mẫu".

 

Tin liên quan