Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Bệnh lao kháng thuốc- những điều cần biết

Tin Y tế Tin cần biết  
Bệnh lao kháng thuốc- những điều cần biết
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2017, mặc dù đã đạt được một số thành tựu đáng kể trong công tác chống lao, tuy nhiên bệnh lao vẫn đang tiếp tục là một trong các vấn đề đáng quan tâm của toàn cầu với khoảng 10,4 triệu người mắc mới và 1,3 triệu người tử vong mỗi năm.

Việt Nam vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 16/30 nước có số bệnh nhân lao cao nhất thế giới, thứ 13/30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Mỗi năm có khoảng 126 ngàn bệnh nhân mắc lao mới, và 13 nghìn người chết do lao.

Có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng đó, nhưng sự kháng thuốc của vi khuẩn lao, nhất là lao kháng đa thuốc (MDR-TB) là nguyên nhân quan trọng hàng đầu. Theo báo cáo trên, 4,1% số bệnh nhân lao mới và 26% số bệnh nhân đã từng điều trị lao mắc lao đa kháng thuốc (MDR-TB).

Bệnh lao kháng thuốc là gì?

Lao kháng thuốc là tình trạng vi khuẩn lao kháng lại các thuốc chống lao, những trường hợp này điều trị rất khó khăn và là nguồn lây nguy hiểm cho cộng đồng. Mức độ nguy hiểm, chi phí điều trị, thời gian điều trị bệnh lao kháng thuốc tăng rất nhiều lần so với bệnh lao thông thường.

Nguyên nhân gây bệnh lao kháng thuốc

– Do bệnh nhân không thực hiện đầy đủ hướng dẫn của thầy thuốc chuyên khoa lao.

– Do thầy thuốc chỉ định điều trị không đúng (phối hợp thuốc không đúng, hướng dẫn bệnh nhân uống thuốc không đúng cách…). Tuy nhiên, trường hợp này thường chỉ gặp ở những bệnh nhân khám chữa bệnh ở phòng khám tư nhân, thầy thuốc không có kiến thức sâu về chuyên khoa lao .

– Ngoài ra, chúng ta cũng có thể mắc lao kháng thuốc từ trước khi điều trị lao, có nghĩa là chúng ta đã hít phải vi trùng lao vốn đã kháng thuốc từ những người khác đã bị lao kháng thuốc trong cộng đồng. Sau đó, loại vi trùng kháng thuốc này sẽ sinh sôi nảy nở trong cơ thể người bệnh. Cũng cần biết rằng, trong cộng đồng có rất nhiều người mắc lao kháng thuốc nhưng chưa được điều trị. Và những người này là nguồn lây lan lao kháng thuốc cho những người khỏe mạnh trọng cộng đồng.

 

 Biểu hiện của bệnh Lao kháng thuốc

Về lâm sàng:

Trong quá trình điều trị lao, các triệu chứng: sốt, ho, khạc đờm không thuyên giảm, hoặc thuyên giảm một thời gian rồi lại xuất hiện trở lại với các triệu chứng tăng lên, bệnh nhân tiếp tục sút cân.

Tuy nhiên, bệnh lao kháng thuốc có thể được chẩn đoán ở người chưa bao giờ mắc lao và triệu chứng lâm sàng của lao đa kháng có thể không khác biệt so với bệnh lao thông thường.

Vê cận lâm sàng:

Xét nghiệm AFB, nuôi cấy dương tính liên tục hoặc âm tính một thời gian rồi dương tính trở lại hoặc âm tính, dương tính xen kẽ ở người đang điều trị lao.

Xét nghiệm kháng sinh đồ cho kết quả kháng với các thuốc chống lao hàng 1, hàng 2.

Hình ảnh tổn thương trên phim Xquang phổi không thay đổi, hoặc xuất hiện thêm tổn thương mới trong quá trình điều trị đúng phác đồ có kiểm soát. Trường hợp lao kháng thuốc phát hiện ở người chưa bao giờ mắc lao, hình ảnh tổn thương trên phim Xquang có thể không khác biệt so với bệnh lao thông thường.

Chẩn đoán xác định lao kháng thuốc:

Bệnh lao nói chung và kháng thuốc nói riêng được chẩn đoán tại các bệnh viện chuyên khoa từ tuyến tỉnh đến Trung ương. Việc chẩn đoán lao kháng thuốc có thể có kết quả sau 2 giờ làm xét nghiệm.

Điều trị bệnh lao đa kháng thuốc:

Thời gian điều trị lao kháng thuốc có thể kéo dài tới 20 tháng. Điều trị lao kháng thuốc cần phối hợp nhiều loại thuốc chống lao hơn bình thường. Các thuốc chống lao dùng trong điều trị lao kháng thuốc có nhiều tác dụng phụ hơn, do đó quá trình điều trị lao kháng thuốc sẽ phức tạp và cần được theo dõi nhiều hơn. Người bệnh được dùng thuốc 6 ngày/tuần dưới sự giám sát chặt chẽ của nhân viên y tế trong suốt quá trình điều trị. Tỉ lệ khỏi bệnh rất cao nếu điều trị đúng cách. Ở nước ta, tỉ lệ điều trị khỏi lao kháng thuốc chiếm khoảng 70 – 75%. Việc tuân thủ điều trị là điều kiện quyết định kết quả điều trị lao kháng thuốc.

Biện pháp phòng bệnh:

Bệnh lao chỉ lây qua đường hô hấp. Như vậy chỉ những bệnh nhân lao phổi mới có khả năng phát tán vi trùng lao và lây lan bệnh cho những người khác.

Những bệnh nhân lao phổi kháng thuốc cần hiểu rằng, họ sẽ là nguồn lây lan bệnh lao kháng thuốc cho những người khác khi họ chưa được điều trị hay bỏ dở điều trị. Điều trị lao kháng thuốc cần tuân thủ đầy đủ theo hướng dẫn của bác sỹ để giúp cho quá trình điều trị có kết quả tốt. Những người có tiếp xúc với bệnh nhân lao kháng thuốc hay có tiếp xúc với những bệnh nhân lao phổi nói chung thì nên được khám kiểm tra và tầm soát bệnh lao./.