Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hoàn thiện các chế tài để công khai, minh bạch tài sản và thu nhập

Tuyên truyền phổ biến  
Hoàn thiện các chế tài để công khai, minh bạch tài sản và thu nhập

Hiện nay, việc công khai, minh bạch tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai (nhất là người có chức cao, quyền lớn) đang là một vấn đề đáng nói khi thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng do người có nghĩa vụ kê khai không muốn công khai, minh bạch tài sản, thu nhập và do cơ chế công khai, minh bạch tài sản, thu nhập chưa phát huy hiệu quả. Bài viết đề xuất chế tài đối với những người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập nhưng không kê khai, kê khai không trung thực, và kiến nghị “tất cả các bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai phải được công khai, minh bạch trước nhân dân; trước hết là tại nơi cư trú hợp pháp… tại chi bộ nơi đảng viên sinh hoạt hai chiều và tại địa bàn hoạt động thường xuyên của người có nghĩa vụ kê khai. Hoàn toàn có thể công khai giống như niêm yết danh sách cử tri trong các cuộc bầu cử", đồng thời, “tài sản bất minh (trong đó chủ yếu là tài sản tham nhũng) thì phương án tốt nhất, khả thi nhất là phải sung công".

Trong báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) số 330/BC-CP ngày 22/9/2016 của Chính phủ trình Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 4 có kết luận về việc công khai, minh bạch bản kê khai tài sản, thu nhập (TS,TN) như sau: “Tình trạng lạm dụng bảo mật thông tin, thiếu công khai, minh bạch với nhân dân và trong nội bộ vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Trong một số cơ quan, đơn vị, các quy định về dân chủ, giám sát chưa được quan tâm đúng mức, có nơi thậm chí cản trở, vô hiệu hóa, dẫn đến tình trạng vi phạm kéo dài, sai phạm nghiêm trọng nhưng không được kịp thời phát hiện, xử lý".

Kết luận đúng đắn như vậy có nghĩa là Chính phủ trực tiếp đặt ra vấn đề cho Ban soạn thảo Dự thảo Luật PCTN (sửa đổi) phải khắc phục về cơ bản các khuyết điểm đó, nhất là khuyết điểm thiếu công khai, minh bạch với nhân dân. Theo chúng tôi, để PCTN nói chung, kê khai và công khai TS,TN nói riêng có kết quả thực chất thì phải xử lý ít nhất bốn loại vấn đề cốt lõi sau đây:

1. Người đứng đầu chỉ đạo phòng, chống tham nhũng phải là người có đôi bàn tay sạch

Đây là vấn đề then chốt của mọi vấn đề. Chuyện tưởng chừng đơn giản nhưng thực sự rất khó, vô cùng khó. Nhân dân thì đồng lòng, nhất trí cao để PCTN, nhưng trong hàng ngũ lãnh đạo, quản lý ở các ngành, các cấp, các địa phương thì khác. Từ thực tế xã hội, có thể phân ra 3 xu hướng: xu hướng thứ nhất kiên quyết chống, triệt để PCTN, nhưng tiếc là xu hướng này chưa thu hút được số đông tuyệt đối; xu hướng thứ hai, chống tham nhũng “từ cổ họng trở ra cửa miệng", nói thì rất ghê nhưng thực lòng thì muốn “đục nước, béo cò"; loại thứ ba, “quan năm cũng ừ, quan tư cũng gật", “thuận theo chiều gió", phía nào “mạnh" thì dựa dẫm theo phía đó. Nhưng có một thực tế khác đau đớn hơn là, các vụ án tham nhũng đã và đang được xét xử cho thấy, hầu hết bị can, bị cáo lại là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu, và những người này trước khi bị xét xử là đảng viên (từ các vụ Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng, Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa đến các vụ trước đây như Vinashin, Vinalies, vụ chia chác đất công ở Đồ Sơn (Hải Phòng), hay xa hơn là vụ PMU 18,vụ Đề án 112, vụ Đường dây 500 KV... các bị cáo hầu hết là người đứng đầu có chức vụ cao, có quyền hành lớn).

Như đã biết, Luật PCTN hiện hành nói chung và các Điều 53a, 54 nói riêng đã giao cho người đứng đầu rất nhiều việc quan trọng. Tuy nhiên, một khi họ đã tham nhũng thì không đời nào họ “tự trảm mình" mà ngược lại, họ làm động tác giả, đánh lừa dư luận để bảo vệ chính mình. Và như thế, toàn bộ bộ máy, cán bộ dưới quyền của họ đều bị vô hiệu hóa. Đây cũng là nguyên nhân tối quan trọng lý giải vì sao việc hô hào chống tham nhũng thì rầm rộ mà kết quả của 10 năm thì lại... nhẹ tênh. Thực tế này đặt ra nhiệm vụ cực kỳ nặng nề và cấp thiết cho việc kiện toàn bộ máy, chuyển hóa căn bản đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII (về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến", “tự chuyển hóa" trong nội bộ) của Đảng trước khi Luật PCTN (sửa đổi) có hiệu lực thi hành. Người đứng đầu ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị về cơ bản phải là người thực sự có dũng khí, quyết tâm PCTN triệt để, “hai tay họ còn sạch sẽ". Đây cũng chính là một trong các lý do mà Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã có tới 11 lần nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Trong đó rất quan trọng là đi đầu, tiên phong trong công cuộc chống giặc nội xâm - tham nhũng.

2. Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) phải xác lập ngay chế tài để không thể kê khai gian dối

Kê khai TS,TN là công đoạn mang nhiều ý nghĩa rất quan trọng. Trước hết, đây là cuộc đấu tranh nội tâm ghê gớm, có nhiều trường hợp khá gay gắt, quyết liệt của những người có nghĩa vụ kê khai. Thường là đã khi tham nhũng đến mức không thể lý giải được nguồn gốc tài sản thì rất khó khai báo thật thà, đầy đủ, trung thực. Tiếp đó, một khi nhiều người kê khai gian dối, không trung thực thì đương nhiên sau đó sẽ phát sinh một khối lượng công việc đồ sộ, vô vàn khó khăn ở các công đoạn xác minh, giám sát, thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng, tức là dễ rơi vào tình trạng bị động truy tìm mệt mỏi, hao tổn nhiều thời gian và công sức mà không mấy kết quả. Sau nữa, nhiều nơi thấy “khó quá, đành buông xuôi"! Do đó, Luật PCTN (sửa đổi) phải thiết kế được “lối đi độc đạo" chắc chắn (không có lối rẽ) để người có nghĩa vụ kê khai phải khai đúng. TS,TN phải kê khai, theo quy định tại Điều 38 của Dự thảo Luật (Dự thảo 2 trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 ngày 31/5/2018) có 4 nhóm:

1. Quyền sử dụng đất, nhà ở, công trình xây dựng và các tài sản khác gắn liền với đất, nhà ở, công trình xây dựng.

2. Kim khí quý, đá quý, tiền, giấy tờ có giá và các loại động sản khác mà mỗi tài sản có giá trị từ 50.000.000 đồng trở lên.

3. Tài sản, tài khoản ở nước ngoài.

4. Tổng thu nhập tính từ lần kê khai trước đến thời điểm kê khai kế tiếp.

Mỗi nhóm cần có chế tài để người có nghĩa vụ kê khai phải khai đúng (nếu không khai thì mất, khai sai sẽ bị xử lý). Có thể lấy nhóm 1 (nhà, đất) làm ví dụ: Sau kê khai lần thứ nhất thì Nhà nước tổng kiểm kê bất động sản. Nếu trên địa bàn (làng, xóm, tổ dân phố, phường, xã, thị trấn) có nhà, đất, công trình xây dựng là “chủ nhân lạ" thì phải truy xét đến cùng cho tới khi xác định đúng chủ nhân đích thực; nếu vô thừa nhận thì nhà, đất đó được đưa vào tài sản chung của Nhà nước (hiện nay công dân ở các địa bàn làng, xóm, tổ dân phố, phường, xã, thị trấn, họ đều biết khá rõ, nhà, đất đó chủ nhân đích thực là ai)...

3. Đối tượng kê khai tài sản, thu nhập  

Theo quy định tại Điều 37 (của Dự thảo 2 Luật PCTN (sửa đổi) thì diện có nghĩa vụ kê khai rất rộng, bao gồm:

1. Cán bộ, công chức.

2. Sĩ quan chỉ huy từ cấp Phó Tiểu đoàn trưởng, người hưởng phụ cấp chức vụ tương đương Phó Tiểu đoàn trưởng trở lên trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan chỉ huy từ cấp Phó Tiểu đoàn trưởng, Phó Trưởng công an phường, thị trấn, Phó đội trưởng trở lên trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân.

3. Người giữ chức vụ tương đương Phó Trưởng phòng trở lên tại các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, người được cử làm đại diện phần vốn nhà nước, phần vốn của doanh nghiệp nhà nước và giữ chức danh quản lý từ Phó Trưởng phòng trở lên trong doanh nghiệp có vốn Nhà nước, doanh nghiệp có vốn của doanh nghiệp nhà nước.

4. Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp không phải là cán bộ, công chức.

5. Người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND.

Năm 2013, năm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCTN số 27/2012/QH13 có hiệu lực thi hành, cả nước đã có 620 nghìn người có nghĩa vụ kê khai TS,TN; đến năm 2016 mở rộng ra tới gần 1,2 triệu người có nghĩa vụ kê khai. Hầu như tất cả những người đã kê khai, bản kê khai đều được chấp nhận. Và qua 10 năm thi hành Luật, chỉ phát hiện và xử lý có 17 trường hợp kê khai không trung thực, trong khi đó, ở thời gian này hàng loạt vụ tham nhũng lớn được phát hiện (như đã nói ở trên). Nếu theo dự kiến mở rộng diện người có nghĩa vụ kê khai như Điều 37 của Dự thảo Luật thì ước tính có tới gần 2 triệu người thuộc diện phải kê khai. Với gần 1,2 triệu người, thậm chí mới có 620 nghìn người có nghĩa vụ kê khai mà còn chưa thể phát hiện được sai sót gì đáng kể, thì khi Điều 37 của Dự thảo Luật nói trên được thông qua thì liệu chừng việc kiểm soát gần 2 triệu người kê khai có khả thi không? Chắc chắn là không, thậm chí còn hết sức phức tạp!

Vì vậy, để tiến hành kê khai TS,TN có hiệu quả, thiết thực, có trọng tâm, trọng điểm như kinh điển đã dạy “thà ít mà tốt", trước hết, ở Trung ương cần tập trung vào số cán bộ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; ở địa phương là số cán bộ do tỉnh ủy, thành ủy và Ban Thường vụ tỉnh, thành ủy, huyện (quận, thị) ủy, quản lý. Thứ hai là những người làm ở những nơi có nguy cơ dễ xảy ra tham nhũng (thuế vụ, hải quan, xây dựng, ngân hàng, tài chính, bất động sản...). Thứ ba là những người có thu nhập cao bất thường, gồm những người có tài sản, tài khoản ở nước ngoài, những người là “khách hàng được chăm sóc đặc biệt" của các ngân hàng thương mại (họ gọi là khách VIP), có tiền gửi hàng trăm tỷ đồng trở lên (có thông tin nói, số người này lên tới hàng trăm ngàn). Nói cho cùng thì trong ba nhóm người đó, số người có tài sản và thu nhập cao bất thường có tỷ lệ cao hơn hẳn so các nhóm người khác. Thực hiện có hiệu quả việc kê khai TS,TN đối với các đối tượng này thì đây chính là thắng lợi đột phá trong cuộc chiến nóng bỏng PCTN. Cũng từ đó, việc kê khai TS,TN của các đối tượng khác nhất định sẽ được tiến hành thuận lợi hơn. Đây cũng là chiến thuật “đầu xuôi đuôi lọt". Sau quá trình thực thi có hiệu quả chắc chắn đối với các đối tượng trên thì từng bước mở rộng diện, “tiến tới tất cả đảng viên là cán bộ, công chức đều phải kê khai tài sản" như Nghị quyết Trung ương 3 khóa X đã định hướng.

4. Công khai, minh bạch bản kê khai tài sản, thu nhập  

Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật PCTN của Chính phủ đã chỉ rõ, tình trạng lạm dụng bảo mật thông tin, thiếu công khai, minh bạch với nhân dân và trong nội bộ vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Bản chất của kết luận này là, không ít cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có nghĩa vụ kê khai (nhất là người có chức vụ cao, quyền hành lớn) không muốn công khai, minh bạch tài sản. Như vậy rõ ràng là họ có vấn đề, không “đàng hoàng" thì mới không dám công khai. Trong khuyết điểm này có nguyên nhân từ quy định của Luật PCTN hiện hành. Điều 6. Quyền và nghĩa vụ của công dân trong PCTN quy định: Công dân có quyền phát hiện, tố cáo hành vi tham nhũng... Điều 8. Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên quy định: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên có trách nhiệm động viên nhân dân tham gia tích cực vào việc PCTN; phát hiện, kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý người có hành vi tham nhũng... Nhưng tới Điều 46a. Công khai bản kê khai tài sản lại chỉ quy định: Bản kê khai tài sản của người có nghĩa vụ kê  khai phải được công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị người đó thường xuyên làm việc. Nghĩa là Bản kê khai tài sản của người có nghĩa vụ kê khai chỉ nội bộ nơi làm việc biết với nhau. Nhưng ngay cả trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị cũng khó có thể công khai, vì Điều 46a quy định chỉ có hai hình thức công khai, hoặc là công bố tại cuộc họp, hoặc là niêm yết tại trụ sở. Trên thực tế, hầu như không mấy nơi mà cơ quan, tổ chức, đơn vị đem cả tệp bản kê khai ra đọc lần lượt từng bản của từng người tại cuộc họp, mà nếu có đọc thì thông tin cũng trượt đi như “nước đổ lá môn". Còn niêm yết tại trụ sở thì có nơi này, nơi kia thực hiện nhưng không mấy ai biết. Nhiều cơ quan, nhiều tổng công ty... có nhiều nơi làm việc, trải khắp cả nước thì niêm yết ở đâu, ai đi được đến đó để xem? Đó là chưa nói đến có những phòng niêm yết phải luôn có người “hướng dẫn" trông coi, mà thực chất là canh gác, theo dõi xem ai đến xem và đến xem để làm gì!

Tại quy định của Điều 6 và Điều 8 nói trên, Luật cho phép công dân có quyền, (thậm chí là nghĩa vụ) phòng, chống, phát hiện, kiến nghị xử lý tham nhũng, nhưng lại không cho nhân dân biết bản kê khai tài sản và thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai thì có khác nào đánh đố người dân. Giao cho Mặt trận Tổ quốc nhiệm vụ nặng nề như thế, nhưng mỗi tổ chức Mặt trận cùng lắm cũng chỉ biết mọi việc trong nội bộ tổ chức của mình. Như vậy, Luật hiện hành đã thiếu tính khả thi ngay từ khi ban hành, do mâu thuẫn: muốn chống tham nhũng nhưng lại không muốn công khai, minh bạch TS,TN của người có nghĩa vụ kê khai trước nhân dân.

Dự thảo Luật PCTN (sửa đổi) lần này phải khắc phục cho được khiếm khuyết mâu thuẫn này. Nghĩa là, tất cả các bản kê khai TS,TN của người có nghĩa vụ kê khai phải được công khai, minh bạch trước nhân dân; trước hết là tại nơi cư trú hợp pháp (thôn, bản, tổ dân phố thuộc xã, phường, thị trấn; chi bộ nơi đảng viên sinh hoạt hai chiều phải được biết) và tại địa bàn hoạt động thường xuyên của người có nghĩa vụ kê khai. Hoàn toàn có thể công khai giống như niêm yết danh sách cử tri trong các cuộc bầu cử (như ý kiến của một đại biểu Quốc hội đã phát biểu tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV: “treo ở nơi dân có thể xem được")

Ngoài ra cũng có một phương án khác tuy có tốn kém hơn chút ít, đó là, lập một website, đưa tất cả các bản kê khai tài sản và thu nhập lên đó, ai cần nghiên cứu, tìm hiểu thì truy cập.

Rất tiếc là, Dự thảo Luật PCTN (sửa đổi) lần này tuy đã thấy rõ nhược điểm căn bản nhưng lại không sửa chữa, tức là vẫn không quy định về công khai, minh bạch bản kê khai tài sản và thu nhập trước nhân dân. Cụ thể là:

1. Bản kê khai TS,TN của người có nghĩa vụ kê khai phải được công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó thường xuyên làm việc.

2. Bản kê khai TS,TN của người được dự kiến bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại cơ quan, tổ chức, đơn vị phải được công khai tại cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm khi tiến hành quy trình bổ nhiệm.

3. Bản kê khai TS,TN của người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND phải được công khai theo quy định của pháp luật về bầu cử.

4. Bản kê khai TS,TN của người dự kiến được bầu, phê chuẩn tại Quốc hội, HĐND phải được công khai với đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND trước khi bầu, phê chuẩn. Thời điểm, hình thức công khai được thực hiện theo quy định của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

5. Bản kê khai TS,TN của người dự kiến bầu giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại doanh nghiệp nhà nước được công khai tại cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm khi tiến hành bổ nhiệm hoặc tại cuộc họp của Hội đồng Thành viên khi tiến hành bầu các chức vụ lãnh đạo, quản lý.

6. Chính phủ quy định chi tiết về thời điểm, hình thức công khai bản kê khai TS,TN tại các khoản 1, 2 và 5 Điều này.

Vấn đề đáng quan tâm nữa là, Dự thảo Luật lần này đã bỏ hẳn Điều 8 của Luật hiện hành, “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên có trách nhiệm động viên nhân dân tham gia tích cực vào việc PCTN; phát hiện, kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý người có hành vi tham nhũng; giám sát việc thực hiện pháp luật về PCTN". Một hệ thống cơ quan “đại đoàn kết toàn dân" từ trung ương đến địa phương, có chức năng giám sát, phản biện, vì sao lại đưa họ ra khỏi công cuộc phòng, chống giặc nội xâm - tham nhũng? Vấn đề là, Luật PCTN (sửa đổi) phải có điều, khoản quy định điều kiện để họ làm tròn sứ mệnh PCTN chứ không phải “gạt" họ ra. Điều kiện đó không có gì khác là công khai, minh bạch hóa bản kê khai tài sản và thu nhập của người có nghĩa vụ phải kê khai trước nhân dân.

Có ý kiến nói rằng, công khai bản kê khai TS,TN trước nhân dân là vấn đề phức tạp nên phải thận trọng (ngụ ý là chưa nên công khai trước nhân dân). Có lẽ nên đặt ngược lại vấn đề là, càng để lâu không công khai bản kê khai TS,TN trước nhân dân thì càng tích tụ thêm nhiều dư luận phức tạp, càng khó khăn cho công tác PCTN, do đó nên cân nhắc phải sớm công khai, quy định ngay vào Luật PCTN (sửa đổi) lần này thì hơn. Lại có ý kiến biện hộ rằng, đó là vấn đề “bí mật đời tư", cần tế nhị. Nhưng, “cho đến nay, pháp luật nước ta vẫn chưa có quy định rõ ràng về “bí mật đời tư" là gì, phạm vi của “bí mật đời tư" như thế nào, mà chỉ có một số quy định về vấn đề này trong Hiến pháp năm 2013; Bộ luật Dân sự năm 2005; Luật Giao dịch điện tử năm 2005; Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009)"[1]. Chúng tôi cũng đã xem lại Điều 21 Hiến pháp năm 2013, Bộ luật Dân sự; Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân; Bộ luật Hình sự năm 2015 (Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều năm 2017), trong đó có Chương XV. Các tội xâm phạm quyền tự do của con người, quyền tự do, dân chủ của công dân. Tất cả các điều, khoản trong các đạo luật trên cũng chỉ nói đến bí mật cá nhân, danh dự, uy tín, thư tín, điện thoại, trao đổi thông tin... mà không có điều, khoản nào nói về quyền bảo vệ “bí mật tài sản cá nhân".

5. Về hai phương án xử lý tài sản, thu nhập không giải trình được nguồn gốc

 Điều 59 của Dự thảo Luật PCTN (sửa đổi) nêu hai phương án xử lý TS,TN không giải trình được nguồn gốc một cách hợp lý, chúng tôi cho rằng:

- Phương án 1 khoản 1 quy định: Trường hợp có kết luận TS,TN thực tế của người có nghĩa vụ kê khai lớn hơn TS,TN đã kê khai hoặc có TS,TN tăng thêm mà người kê khai không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc của TS,TN chênh lệch hoặc tăng thêm đó và chưa có căn cứ xác định do phạm tội mà có, thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ban hành Kết luận xác minh TS,TN, cơ quan, đơn vị kiểm soát TS,TN gửi Kết luận xác minh TS,TN đến cơ quan quản lý thuế có thẩm quyền yêu cầu thực hiện việc thu thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật về thuế.

- Phương án 2 khoản 1 quy định: Trường hợp kết luận TS,TN thực tế của người có nghĩa vụ kê khai lớn hơn TS,TN đã kê khai hoặc có TS,TN tăng thêm mà người kê khai không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc của TS,TN chênh lệch hoặc tăng thêm đó và chưa có căn cứ xác định do phạm tội mà có, thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ban hành Kết luận xác minh TS,TN, cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền bằng 45% giá trị của phần TS,TN chênh lệch hoặc tăng thêm.

          Trước hết, có thể nói rằng, TS,TN không được kê khai (của người có nghĩa vụ kê khai) về cơ bản là bất minh. Và trong số tài sản bất minh thì tài sản tham nhũng là chủ yếu. Sẽ có ý kiến biện minh rằng, nguồn gốc số TS,TN lớn hơn hay tăng thêm là do bạn bè tặng cho; bố mẹ có của nhưng không có di chúc, cũng không trăng trối lại... nên không thể kê khai. Chúng tôi cho rằng, bạn bè, người thân tặng cho; của cải bố mẹ để lại (nếu không có di chúc thì sẽ được Tòa án xử lý theo pháp luật) đều là tài sản có nguồn gốc (nguồn gốc là được tặng cho, nguồn gốc là được chia thừa kế). Chỉ có TS,TN “mờ ám" hoặc là tham nhũng, hoặc là được trả công để làm việc phi pháp... thì mới không dám kê khai.

Do vậy, hai phương án Dự thảo Luật đưa ra nói trên đều không khả thi, nếu không muốn nói là kỳ lạ. Kỳ lạ vì, cả hai phương án đều nghiễm nhiên thừa nhận “sự ăn chia" giữa Nhà nước và kẻ tham nhũng. Sao lại có sự thỏa thuận trớ trêu như vậy? Do quản lý yếu kém mà Nhà nước mất tài sản, rồi Nhà nước lại đặt ra một thứ thuế ở cả hai phương án để lấy lại một phần tài sản đã mất (45% ở phương án 2). Trong công tác thuế, Nhà nước vẫn có chủ trương “nuôi dưỡng nguồn thu", không lẽ lại “nuôi dưỡng tham nhũng" để tăng thu?

Chúng ta có thể tham khảo cách làm (kinh nghiệm) của một số nước đã và đang xử lý việc này[2]:

- Ở Liên bang Nga, khi những công chức và những người có liên quan không đưa ra được những thông tin chứng minh những tài sản có được là hợp pháp, thì cơ quan công tố sẽ khởi kiện vụ án dân sự để chuyển giao tài sản đã có được cho Nhà nước (Luật này bắt đầu thi hành từ ngày 3/12/2012).

- Ở Singapore, Điều 165 Bộ luật Hình sự năm 2007 quy định: với loại tài sản lớn hơn TS,TN đã kê khai hoặc có TS,TN tăng thêm mà người kê khai không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc thì người kê khai “sẽ bị phạt tù đến 2 năm, phạt tiền hoặc cả hai hình phạt".

- Ở Trung Quốc, Điều 395 Luật Hình sự năm 2011 quy định: Bất kỳ công chức nào có tài sản hoặc chi tiêu rõ ràng vượt quá thu nhập hợp pháp, nếu có sự khác biệt thì có thể bị yêu cầu giải thích về nguồn gốc tài sản của người đó. Nếu công chức không thể giải thích được về nguồn gốc hợp pháp của tài sản, thì phần tài sản vượt quá thu nhập hợp pháp của họ sẽ bị coi là tài sản bất hợp pháp, và bị phạt tù đến 05 năm hoặc cải tạo không giam giữ và tài sản vượt quá thu nhập hợp pháp sẽ bị tịch thu.

Trở lại dự thảo Luật PCTN (sửa đổi) của chúng ta, theo chúng tôi, tài sản bất minh (trong đó chủ yếu là tài sản tham nhũng) thì phương án tốt nhất, khả thi nhất là phải sung công (cho dù có thể phải sửa đổi, bổ sung một vài điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự... song việc này hoàn toàn trong tầm tay của cơ quan lập pháp)./.