Turn on more accessible mode
Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Turn off Animations

Đền Trúc

Di tích lịch sử - văn hóa Cụm di tích Ngũ Động Sơn  
Đền Trúc

Đường vào đền qua rừng trúc
Đền Trúc nằm trong khu danh thắng Đền Trúc-Ngũ Ðộng Thi Sơn, thôn Quyển Sơn, xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng.

Từ Thị xã Phủ Lý, theo quốc lộ 21, đến cây số 8 (hoặc theo đường thủy thì cũng từ Phủ Lý, ngược thuyền sông Đáy 8km) là tới khu danh thắng và đền Trúc. Khu danh thắng này rộng khoảng 10 ha, có phong cảnh thiên nhiên hữu tình, có núi non trùng điệp, rừng trúc nên thơ. Ðến đây, bạn sẽ được chiêm ngưỡng muôn hình kỳ lạ của nhũ đá và nghe thấy những bản hòa tấu của gió, của đá trong một "sân khấu" thiên nhiên đầy huyền ảo.

Đền Trúc nằm lặng lẽ bên bờ sông Đáy, ngay dưới chân núi Thi Sơn, với phong cảnh Ngũ động kỳ thú. Sở dĩ có tên là đền Trúc bởi vì xưa kia xung quanh đền là một khu rừng trúc rậm rạp rộng tới hàng chục mẫu. Ngày nay, rừng trúc không còn nữa nhưng bao quanh đền vẫn còn một lớp trúc khá dày.

Đền nằm dưới rừng cây yên tĩnh
Nếu đi thuyền đến đền phải đi qua hơn chục bậc xây bằng gạch mới lên tới cổng đền. Cổng đền gồm 4 cột đồng trụ, hai cột chính ở giữa, hai cột nhỏ ở hai bên. Hai cột chính cao trên 6m được chia thành 3 phần: phần dưới là một khối chữ nhật, các mặt đều có gờ chỉ tạo thành những khung cân đối. Chữ được nhấn chìm vào trong vữa tường. Trên phần này là một khối vuông, bốn mặt nổi hình tứ linh và trên cùng là một đôi nghê đắp cân đối, dáng đẹp, quay mặt vào nhau. Qua một sân gạch rộng trên 10m là đến nhà tiền đường. Công trình này gồm 5 gian, xây cao trên mặt sàn được đặt thành 3 cấp, hai đầu hồi bít đốc. Mặt đằng trước hai đầu hồi xây sát tường phía ngoài từ tàu mái đến thềm chính giữa để một cửa sổ hình chữ thọ. Ba gian giữa là hệ thống cửa gỗ được làm vào sát hàng cột quân. Tường đầu hồi và cả hai phía đằng trước xây nhô ra, phía ngoài cùng là hai cột đồng trụ. Ngôi đền được làm bằng gỗ lim. Ba gian hậu cung cũng được xây dựng cùng phong cách với nhà tiền đường: xây bít đốc, khung gỗ lim, kéo giá chiêng và lợp ngói nam. Ngăn cách giữa nhà tiền đường với hậu cung là một khoảng sân hẹp có tường nối, nhà bán mái và bể non bộ.

Đôi trụ cổng đền

Đền Trúc được tu sửa nhiều lần, lần cuối cùng vào những năm đầu của thế kỷ XX. Hiện nay đền còn lại tòa tiền đường và hậu cung. Ở toà tiền đường, những mảng chạm khắc trong kiến trúc ở đền Trúc tại những phần chính chỉ là những nét điểm xuyết. Đó là những chiếc lá lật, những cụm mây tỏa ở trên các kẻ, các con rường là những chiếc đấu đỡ các trụ được chạm những hình cánh sen bao quanh. Riêng ở hai vì kèo giáp hối, tại phần chồng rường nằm giữa cột cái và cột quân được chạm khắc toàn bộ với đề tài tứ linh. Bao trùm lên toàn bộ bức chạm là con rồng thân uốn lượn bay trong mây và chiếm tới một nửa diện tích, nằm gần trọn vẹn ở phía trên. Chính giữa là một đầu rồng nhô ra từ trong một đám mây. Với lối diễn tả hai mặt vừa nhìn từ trên xuống đồng thời từ một phía bên trong vào, người xem không chỉ thấy rõ độ lớn của thân mà còn hình dung ra độ dài của con vật linh thiêng. Con rồng như đang bay trên mây và những cụm mây cũng như đang bay trên bầu trời. Không gian và sinh vật đều ở trạng thái động. Trong một mảng rất hạn hẹp, bằng những nét chạm phóng khoáng mềm mại cùng với bố cục hợp lý, nghệ nhân dân gian đã tạo nên một khoảng không gian vừa có chiều sâu lẫn cả chiều rộng.

Trên một con rường dài nhất nằm dưới cùng là hình ảnh ba con vật còn lại của bộ tứ linh được bố cục từ trái sang phải. Con rùa ở dưới nước, con lân sống trên mặt đất và con phượng đang tung bay. Ba con vật tiêu biểu sống trong ba không gian tiêu biểu: Đất, nước, bầu trời, đó là biểu tượng thiêng của thiên nhiên trong quan niệm của dân gian. Hậu cung có khung và hệ thống cửa được làm bằng gỗ lim, phía trên cửa được chạm khắc đề tài tứ quý với những đường nét mềm mại và hài hoà.

Ban thờ trong đền
Đền Trúc thờ vị anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt, phía trước nhìn ra bờ sông, phía sau thờ Mẫu hậu và Công chúa, rất linh. Tương truyền, khi Lý Thường Kiệt đem quân đi chinh phạt giặc phương nam vào năm 1069, đoàn chiến truyền đi theo sông Đáy, qua trại Canh Dịch (nay là thôn Quyển Sơn, xã Thi Sơn) thì gặp một trận gió lớn cho nên ông phải cho thuyền ép vào chân núi để tránh gió. Trận cuồng phong này đã bẻ gãy cột buồm và cuốn luôn lá cờ đại lên đỉnh núi. Thấy điều lạ, Lý Thường Kiệt cho quân sĩ dừng lại dưới chân núi rồi cùng tướng lĩnh lên bờ sửa lễ tế trười đất cầu mong chiến thắng. Ngài đặt đàn tế trong rừng trúc, gần ngôi đền thờ hai mẹ con bà hàng nước. Nửa đêm, hai mẹ con bà hiện lên báo mộng, xin cùng đi theo phù ngài đánh giặc. Từ đó ông đặt tên núi là núi Quyển Sơn (núi cuốn) và trại Canh Dịch cũng được đổi thành làng Quyển Sơn. Lần ra quân ấy, Lý Thường Kiệt đã chỉ huy đại quân thắng lớn.

Sau chiến thắng, trên đường về kinh đô, khi qua vùng núi cũ, nhớ lời cầu nguyện năm xưa, ông cho dừng quân, hạ trại bên rừng trúc lễ tạ âm thần, giết trâu mổ bò làm lễ tạ trời đất và khao thưởng ba quân, mở hội mừng chiến thắng và xin vua phong bà hàng nước là Mẫu Hậu, cô con gái là công chúa và sửa sang lại đền thờ. Lý Thường Kiệt mời dân làng xuống cùng tham dự cuộc vui với quân sĩ. Ông cho tuyển chọn những cô gái làng có thanh sắc để múa hát, chọn cái trai tráng khoẻ mạnh để tổ chức đua thuyền. Trò múa hát này có tên là hát dậm, là lối hát thờ, tuyển chọn các cô gái thanh tân ca ngợi chiến công đánh giặc giữ nước, ca ngợi cuộc sống thanh bình của cuộc sống lứa đôi hạnh phúc và sự an cư lạc nghiệp. Lý Thường Kiệt còn dạy dân trồng dâu chăn tằm và dệt vải. Để tưởng nhớ công ơn của Lý Thường Kiệt, nhân dân đã lập đền thờ ông nơi mà ông mở hội mừng chiến thắng. Đấy chính là Đền Trúc ở dưới chân núi Cấm. Hàng năm cứ vào dịp đầu xuân, nhân dân địa phương lại tổ chức lễ hội, tổ chức hát dậm để tưởng nhớ người anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt.

Đền Trúc nằm ở cửa ngõ đồng bằng Bắc Bộ, theo đường núi hoặc đường sông đều có thể đi vào vùng núi non trùng điệp Hoà Bình Tây Bắc... Gần đền còn có chùa Bà Đanh, được tiếng linh thiêng và Ngũ Động Thi Sơn gồm 5 động liên hoàn (có động lớn chứa được hàng ngàn người) nằm trong dãy núi Cấm, đã đi vào thơ ca Việt Nam từ xa xưa. Trên núi này có một loài cỏ tên là cỏ thi, ai tìm được vào giờ chính ngọ tức là tìm được huyệt quý, không thành đế vương thì ít ra cũng đỗ đạt hiển vinh. Ngành du lịch Hà Nam đang đầu tư lớn vào khu vực này với hy vọng sẽ thu hút được khách du lịch.

Xem cỡ chữAA