Đình đá Tiên Phong thuộc thôn An Mông, xã Tiên Phong, huyện Duy Tiên, Hà Nam.
Từ quốc lộ 1A, đến thị trấn Đồng Văn (thuộc huyện Duy Tiên) rẽ theo đường 60A đi 7km về thị trấn Hòa Mạc, rẽ theo đường 60B đi 6km về Điệp Sơn rồi theo đường liên xã 3km là tới đình.
Đình thờ Nguyệt Nga công chúa, nữ tướng của Hai Bà Trưng. Bà tên thật là Nguyễn Thị Nga, quê ở làng An Mông (còn có tên là làng Mống). Do bà không chịu làm tì thiếp cho Tô Định tham tàn bạo ngược nên bố mẹ bà đã bị giết hại. Nợ nước cộng với thù nhà khiến bà chiêu mộ binh sĩ, lấy mảnh đất quê hương làm căn cứ địa chiến đấu. Hiện nay ở An Mông còn có cánh đồng gọi là Đồng Binh nằm trong bãi sậy, tương truyền là nơi căn cứ địa khi xưa của bà. Năm 40, bà cùng vài nghìn nghĩa quân tình nguyện đi theo Hai Bà Trưng chống lại ách đô hộ của quan lại nhà Hán. Sau khi giành được chính quyền, Hai Bà Trưng phong cho bà là Nguyệt Nga công chúa, cử làm quan tại phủ Lý Nhân. Bà về quê, mở tiệc ăn mừng, lập sinh từ ở bên sông để sau này làm nơi hương khói thờ phụng. Mảnh đất lập sinh từ ấy đến nay vẫn còn ở khu bãi đồi ven sông Châu. Bà còn dạy dân trồng dâu chăm tằm, dệt vải nên người dân nơi đây tôn bà là bà tổ của nghề dâu tằm. Từ nhiều đời nay, trong lễ hội thờ bà cũng như khi tế tằm, dân thường khấn câu:
Cầu cho hòa cốc phong đăng
Cây dâu cũng tốt con tằm cũng tươi
Khi Hai Bà Trưng thất thủ phải gieo mình xuống sông Hát, bà rút chạy về quê và tự tận trên ngã ba sông Mông. Nhân dân lập đền thờ bà, các triều đại đều sắc phong là Nguyệt Nga phu nhân tôn thần. Trong đình Tiên Phong còn đôi câu đối:
Hùng khái thoa quân Tô bắc khứ
Anh thư kiếm mã Việt Nam an.
(Nghĩa là: Lớp nữ nhi có khí khái anh hùng đuổi giặc Tô Định về phương Bắc; Người con gái tài ba với thanh gươm yên ngựa giữ yên bờ cõi nước Nam).
Theo truyền thuyết, đình đá An Mông được xây dựng lâu đời ở bãi bồi cạnh bờ sông, chính khu sinh từ của bà Nguyệt Nga. Nhưng sau do sông lở nên phải dời vào vị trí như hiện nay. Đình đá Tiên Phong được sửa chữa lại nhiều lần, đến triều Nguyễn thì tòa tiền đường được xây lại bằng đá còn tòa đệ nhị và chính tấm đều được làm bằng gỗ, mái lợp ngói nam. Đình hiện nay có 3 tòa được kiến trúc theo kiểu chữ công: tiền đường 5 gian, tòa đệ nhị 2 gian, chính tấm 3 gian. Độc đáo nhất là tòa tiền đường bằng đá được làm theo lối chồng rường, mê cốn, có 12 chiếc đại trụ (cột cái). Mặc dù cột cái được làm bằng đá song vẫn được làm theo dáng búp đòng, ở giữa phình to, hai đầu thu nhỏ lại. Hệ thống cột cái, cột quân, cột hiên của đình đá có tới 30 chiếc lớn nhỏ đều được chạm khắc kỳ công thể hiện sự công phu cũng như nghệ thuật chạm khắc tinh vi của cha ông.
Đình đá Tiên Phong là một trong số không nhiều ngôi đình được làm bằng đá còn giữ được đến ngày nay. Đình phải sử dụng hàng trăm khối đá vừa to, vừa dày mới có thể tạo thành năm hàng cột, 6 vì và nhiều xà ngang, xà dọc, chân tảng, mê cốn. Điều đặc biệt là trên các bộ phận bằng đá dễ tạo cảm giác nặng nề đó là các mảng chạm khắc nghệ thuật công phu, tạo cho đình vẻ mềm mại, sự sống động, hấp dẫn. Toà tiền đường của ngôi đình nổi bật với hệ thống cột đá lớn nhưng được thiết kế theo kiểu búp đòng thật mềm mại. Câu đối trang trí ở riềm hai bên, tại phần trên đầu hoặc dưới chân đều chạm những họa tiết hoa cách điệu, như cảnh sen quy, hoa chanh chữ thọ, phượng múa long mã hoặc những cành đào, chùm lựu rất sinh động. Mỗi câu đối còn chạm nổi hình con dơi, dang rộng đôi cánh như cắn lấy vế câu đối có nội dung rất đẹp, cầu phúc cho quê hương.
Bốn đại trụ ở hai vì chính giữa được chạm nổi hình rồng cuốn thủy, với những khúc uốn lượn mềm mại, những lườn cây theo nhiều kiểu tự nhiên, cùng với râu tóc, dòng nước bị cuốn trong miệng, hình ảnh con cá chép cong mình như đang bơi theo dòng nước trông tự nhiên. Nghệ nhân quả đã khéo léo dung hoà giữa tả chân và cách điệu, lại đục chạm, tỉa từng chi tiết rất công phu. Hai đường cột quân có đường kính 35cm, được tạo dáng bố cục trang trí những băng lá lật cách điệu rất nghệ thuật.
Hàng cột hiên cũng được làm bằng đá, đường kính 25cm nhỏ hơn cột quân nhưng gia công theo nhiều đề tài hấp dẫn như cảnh cây trúc, chim trĩ độc đáo, cảnh mai điểu (cây mai con chim), cảnh tùng lộc (cây tùng và con hươu) và cảnh cúc hóa long. Như vậy là hệ thống cột cái, cột quân, cột hiên của đình Đá có tới 30 chiếc lớn nhỏ, mỗi loại cột, mỗi vị trí cột có cách trang trí khác nhau để phù hợp với cách bố cục phục vụ theo yêu cầu thưởng thức, nói lên ước vọng của nhân dân.
Câu đầu rất to nằm trên hai đầu cột, cũng được tạo gờ, chỉ ở mép được trang trí lá lật cách điệu ở hai bên nên tuy chất liệu đá mà không có cảm giác khô cứng. Dưới hàng câu đầu có hệ thống đầu dư cũng bằng đá. Đầu là hình tượng đầu một con rồng vươn ra để gánh lấy câu đầu. Cấu kiện này tuy không đục chạm kênh bong, song việc thể hiện râu, tóc rồng cũng như các chi tiết khác cũng rất kỳ công.
Hệ thống mê nách được nhấn tỉa bởi các mảng triện tầu lá rất hài hòa. Riêng mảng bốn mê ở hai vì gian giữa được trang trí theo kiểu đề tài tứ linh. Nó mô tả hoạt động của những con rồng uốn khúc theo nhiều kiểu, những con long mã có dáng oai phong, dữ tợn nhưng vẫn đượm vẻ hài hước ngộ nghĩnh, cảnh con rùa ẩn hiện trong hồ và nét dí dỏm của bẩy ly bé hoà nhập trong cảnh tứ linh.
Ngoài hệ thống cấu kiện đã nêu, đình đá Tiên Phong còn có hàng kẻ hiên cũng bằng đá, tạo dáng mềm mại uyển chuyển của con rồng. Hai thành kẻ cũng như các mảng mê ở hiên được đục chạm các mảng lá lật, cảnh mai hóa long, cúc, trúc hóa long rất công phu.
Ngoài các mảng chạm khắc trên đá, đình đá Tiên Phong còn có một số đồ thờ có giá trị nghệ thuật đáng được lưu ý. Ngai thờ ở hậu cung có kích thước 1,2x0,6x0,6m, được tạo dáng, chạm khắc công phu. Tay ngai với đôi rồng chầu uốn lượn có 6 trụ tròn cắm xuống sập, phía sau là phần lưng được bố trí khá hài hòa. Mỗi trụ tay ngai là một chiếc cột nhỏ, có rồng quấn quanh rất có giá trị thẩm mỹ. Sập ngai được phân chia theo tỷ lệ hợp lý, lại tạo các băng cánh sen, triệu tàu, các mảng chạm nhỏ trong khuôn trang trí như cảnh long chầu, hoa, chanh rất công phu. Phần thân, đế sập cũng được trang trí các họa tiết hoa, lá, hổ, phù, mây tán có sức thuyết phục cao.
Đình Tiên Phong còn giữ được nhiều đồ thờ tự có giá trị như sập thờ, ngai thờ, kiệu bát cống, một số bức đại tự và nhiều kiếm thờ phục vụ các đội nữ binh trong những ngày lễ hội.