Đình Triều Hội thuộc xã Bồ Đề, huyện Bình Lục là nơi thờ cúng hai vị thành hoàng làng. Một vị là Cao Mang tôn thần, tướng tài nhà Trần và một vị là Trần Xuân Vinh đỗ đệ nhị giáp tiến sĩ được bố làm quan dưới triều vua Lê Thánh Tông, niên hiệu Hồng Đức. Thần phả của hai vị thần nay đã thất lạc, song dân làng vẫn truyền tụng câu chuyện kỳ là về vị tiến sĩ đời Lê Trần Xuân Vinh.
Truyền thuyết kể lại rằng, sau khi đỗ tiến sĩ, trên đường về thăm quê bằng đường sông Châu, thuyền của ông và cha mẹ ông đều bị lật, cả nhà bị chết đuối, xác ông trôi vào Bãi Nhót. Dân lập một ngôi miếu nhỏ để thờ ông. Ngôi miếu rất linh thiêng nên dân làng đã xin chân nhang về lập đình thờ ông làm thành hoàng. Như vậy, theo truyền thuyết và theo suy luận logic thì vị thần Cao Mang đời Trần chắc đã được thờ từ trước, sau khi có miếu thờ vị tiến sĩ triều Lê thì lập đình cùng phối tự hai vị thần này.
Đình Triều Hội được kiến trúc theo kiểu chữ tam: tiền đường năm gian, cung đệ nhị năm gian và chính tẩm ba gian. Ngôi đình đã được tu bổ nhiều lần và trên thượng lương có ghi một lần tu sửa vào niên hiệu Thiệu Trị thứ sáu. Tiền đường năm gian, được lớp bằng ngói nam, bờ nóc được đắp lưỡng long chầu nguyệt. Bộ khung cửa đình được dựng bằng gỗ lim. Nền nhà được lát bằng gạch chỉ soi ống tơ đúng với phong cách cổ kinh của đình làng Việt Nam. Bộ cửa được làm theo kiểu bức bàn, trên song dưới lùa. Cung đệ nhị được sửa chữa nhiều lần, chạm khắc chỉ còn lại trên các câu đầu, xà nách 4 kẻ với các mô típ hoa văn cách điệu đơn giản. Chính tẩm 3 gian được thiết kế bằng gỗ lim như tòa tiền đường tuy chạm khắc ở đây không cầu kỳ bằng.
Đình Triều Hội được xếp hạng di tích lịch sử vì nơi đây đã diễn ra cuộc biểu tình tuần hành thị uy của nông dân trong vùng vào ngày 20/10/1930. Cuộc tuần hành này nhằm phát động quần chúng đấu tranh đòi bãi bỏ hội đồng cải lương, đòi giảm sưu thuế, ủng hộ Xô Viết Nghệ Tĩnh và cuộc đấu tranh của nông dân Tiền Hải, Thái Bình. Xã Bồ Đề được chọn làm địa điểm cuộc biểu tình đó vì Tỉnh ủy Hà Nam nhận định, nơi đây chẳng những phong trào vững mà còn là nơi tiếp giáp 3 huyện Bình Lục, Lý Nhân, Mỹ Lộc nên có thể tập trung phát huy thanh thế.
Thời gian của cuộc biểu tình được ấn định vào ngày 20/10 vì đó là phiên chính của 3 chợ Bồ Đề, Thành Thị và An Ninh. Đúng 7 giờ sáng, tiếng trống ở đình Triều Hội vang lên, cờ đỏ búa liềm tung bay, những người tham gia biểu tình đóng giả người đi chợ bắt đầu đứng vào hàng ngũ. Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Hà Nam và Huyện ủy Bình Lục, đoàn biểu tình đi đến những điểm quy định như Điếm Tống, chợ Đồn (An Ninh), Ba Hàng (Thành Thị), vừa đi vừa diễn thuyết, phát truyền đơn kêu gọi mọi người vùng dậy đấu tranh chống đề quốc phong kiến, chống khủng bố đánh đập, ủng hộ Xô Viêt Nghệ Tĩnh. Đoàn biểu tình ngày một đông, xuất phát từ chợ Bồ Đề 300 người đến chợ Vạc (An Ninh) đã lên tới hàng nghìn người.
Trước khi thế cách mạng ngùn ngụt của cuộc biểu tình, bọn địa chủ, cường hào, tay sai của thực dân Pháp rất hoảng sợ. Đến 12 giờ trưa, các đồng chí lãnh đạo quyết định làm mít tinh tại chợ Vọc rồi giải tán. Cuộc biểu tính thắng lợi hoàn toàn. Thắng lợi của cuộc biểu tình là thắng lợi chính trị quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến phong trào đấu tranh chính trị trong tỉnh và trong cả nước. Sự kiện này đã được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lấy là một chứng minh về tinh thần và khả năng cách mạng của nông dân Việt Nam trong thư báo cáo với Quốc tế nông dân ngày 5 tháng 11 năm 1931.