Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Bùi Văn Dị

Lịch sử - Văn hóa Danh nhân Hà Nam  
Bùi Văn Dị

Bùi Văn Dị (1833-1895) là nhà thơ và làm quan dưới triều Nguyễn. Bùi Văn Dị tự Ân Niên, có các tên hiệu: Tốn Am, Do Hiên, Hải Nông, Châu Giang. Ông quê làng Châu Cầu, huyện Kim Bảng, phủ Lý Nhân, tỉnh Hà Nội (sau là phố Châu Cầu, thị xã Phủ Lý tỉnh Hà Nam). Họ Bùi ở Châu Cầu này vốn quê gốc ở xã Triều Đông, huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín (nay thuộc huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây) từ thời Lê Mạt mới chuyển xuống sinh cơ lập nghiệp ở Châu Cầu, đến đời thứ sáu thì phát khoa: Bùi Văn Dị và người em con ông chú ruột là Bùi Văn Quế đều đỗ Phó bảng khoa Ất Sửu năm Tự Đức thứ 18 (1865).

Bùi Văn Dị lần lượt được bổ nhiệm làm Tri huyện Lang Tài, Việt Yên, Yên Dung (tỉnh Bắc Ninh), rồi Án sát Ninh Bình, sau được bổ sung vào nội các. 1876 được cử làm Chánh sứ sang nhà Thanh. Cuối 1878 lại được sung vào nội các, được cử vào duyệt quyển thi Hội, thi Đình. 1981 làm đại thần quản lý Nha Thương bạc. Khi quân Pháp mở rộng đánh Bắc Kỳ, ông dâng sớ quyết đánh và được cử làm khâm sai phó kinh lược sứ Bắc Kỳ. Ông đã trực tiếp chỉ huy trận đánh ngày 13-3-1883 chặn quân Pháp lấn ra ngoại vi Hà Nội. Tiếp đó, ông được cử làm Tham tán quân thứ Bắc Ninh. Việc nhà Nguyễn ký hàng ước ngày 25-8-1883 khiến ông suy sụp tinh thần đến phát bệnh; ông từ chối chức Tổng đốc Ninh Thái (gần như cùng lúc Nguyễn Khuyến từ chức Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên) và đi ở ẩn tại Thanh Hóa. Đầu năm 1884 ông lại được triệu về triều làm giảng quan chuyên giảng sách cho vua Kiến Phúc rồi vua Hàm Nghi. 1885 ông bị ốm phải đi dưỡng bệnh tại Thanh Hóa.

Đến cuối năm 1887 lại được gọi về triều làm Phụ chính đại thần; trong dịp này được xét đặc cách nhận học vị Tiến sĩ khoa Ất Sửu 1865. Năm 1890 ông thôi các chức thượng thư bộ Lại và Phụ chính đại thần, chỉ giữ chức Phụ đạo đại thần kiêm Phó tổng tài Quốc sứ quán. Ông đảm nhận việc tổng duyệt bộ sách gồm 300 bài thơ vịnh sử của vua Tự Đức, công việc biên tập hoàn thành thì Bùi Văn Dị cũng mất ngay khi còn tại chức ở Quốc sứ quán. 29 năm làm quan (1866-1895) của Bùi Văn Dị trải 7 đời vua Tự Đức, Dục Đức, Hiệp Hoà, Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh, Thành Thái.

Thơ văn của ông được tập hợp trong các cuốn: Vạn lý hành ngâm, Du Hiên thi thảo, Tốn Am thi sao, Du Hiên tùng bát, Trĩ chu thù xướng tập, đều là các tập thơ văn chữ Hán.

Chỉ đến những năm cuối thế kỉ thứ XX, thơ văn Bùi Văn Dị mới bước đầu được dịch thuật, đăng tải. Người ta nhận thấy ông có một phần thơ mang nội dung yêu nước chống xâm lược. Những bài thơ làm sau các trận thắng quân Pháp ở Gia Lâm và Cầu Giấy trong năm 1883 bừng nên khí thế quyết thắng. Tuy vậy phần nhiều hơn là tâm trạng lo lắng, đau xót vì thế yếu của ta trước dã tâm và sức mạnh của quân xâm lược .

                                    Sách hay mọt gặm, lưỡi gươm han,
                                    Những giận ngày nào ngỏ cửa quan
                                    Sống chỉ nhuốm thêm màu tóc bạc 
                                    Mười năm hai lượt khóc giang san.

(Trả lời tham quân Ngư Đường Phạm Hy Lượng lúc ngồi nói chuyện ở Thành Sơn - bản dịch của Nguyễn văn Huyền)    

Tất nhiên thơ Bùi Dị không chỉ tập trung vào đề tài vận nước như trên. Thơ ông như cây đàn có nhiều cung bậc “Có dáng mây bay, có tiếng suối chảy, có giọng bình văn dịu êm, có tiếng gươm khua hùng tráng. Có tiếng phẫn nộ với kẻ thù, có lời âm thầm tự trách có vần thơ tâm sự với non sông, có vần thơ thủ thỉ xót thương với người bạn đời đã khuất..."  (Nhận xét của nhà thơ Trần Lê Văn, 2003).