Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Các nhà khoa bảng Hà Nam (phần II)

Lịch sử - Văn hóa Danh nhân Hà Nam  
Các nhà khoa bảng Hà Nam (phần II)

Hà Nam là mảnh đất hiếu học, tất nhiên ở đây kết tinh ở những nhân vật đỗ đạt, mà phải đỗ đại khoa, tức Tiến sĩ. Chưa có điều kiện để kiểm kê số liệu chính xác về số người đỗ Tiến sĩ đương đại, dưới đây chỉ viết về 53 vị đỗ Tiến sĩ và 3 vị đỗ Tiến sĩ (Tiến sĩ võ), tính từ người đỗ đầu tiên năm 1429 - Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hiếu đến người đỗ cuối cùng vào năm 1910 là cụ Phó bảng Bùi Kỷ. Thực ra, khoa cử thời quân chủ cũng chấm dứt  vào 8 năm sau đó- năm 1918)

1. Nguyễn Khắc Hiếu (1400-1472)

Nguyễn Khắc Hiếu tự là Thuận Thần, sinh năm Canh Thìn (1400), mất năm Nhâm Thìn (1472), thọ 72 tuổi. Ông quê ở thôn Thanh Khê, xã Hoà Khê, huyện Bình Lục.

Nguyễn Khắc Hiếu đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cùng khoa với Trình Thuấn Du (Duy Tiên), ở khoa Minh Kinh, năm Kỷ Dậu, niên hiệu Thuận Thiên 2 (1429) đời Lê Thái Tổ. Làm quan đến chức Hàn lâm viện trực học sĩ, Nhập thị kinh diên. Từng đi sứ sang nhà Minh.

2. Trình Thuấn Du (1402-1481)

Trình Thuấn Du tên thật là Trần Thuấn Du (vì kiêng tên huý mẹ vua Lê Thánh Tông, sau mới đổi là Trình Thuấn Du), tên hiệu là Mật Liệu. Ông là nho sĩ và là quan chức thời Lê. Quê ông ở Tân Đội, Duy Tân, nay là xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên.

Ông đỗ khoa Minh Kinh, năm Kỷ Dậu, niên hiệu Thuận Thiên 2 (1429) Đời Lê Thái Tổ.

Năm Quý Sửu (1433) ông được cử làm Chánh sứ sang nhà Minh. Ông làm quan đến Tuy lực đại phu nhập nội hành khiển, Hàn lâm viện thừa chỉ, Tri tam quán sự, kiêm khu mật viện sự, Nhập thị kinh diên, cùng Nguyễn Trãi tham gia hầu việc giảng dạy cho vua trẻ.

3. Nguyễn Bảng (1419-1471)

Nguyễn Bảng sinh ngày 12 tháng 6 năm Kỷ Hợi (1419) tại xã Khang Thái, huyện Phù Vân, phủ Thường Tín, đạo Sơn Nam. Bố là Nguyễn Chiêu, mẹ là Mai Thị Tấn. Năm ông 19 tuổi, vua Lê Thánh Tông (1434-1442) mở khoa thi, Nguyễn Bảng đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ (?). Ông được phong làm Thị tòng tham mưu, rồi Hàn Lâm viện kiêm thị giám. Sau loạn Nghi Dân, ông cùng các vị đại thần nhà Lê có công đưa Lê Thánh Tông lên ngôi. Vua ban cho ông làm Tham tán, lo việc vận chuyển binh lương cùng nhà vua chinh phục Chiêm Thành. Sau bình Chiêm, ông được vua cho về cai quản đạo Sơn Nam, hưởng thực ấp ở huyện Lị Nhân.

Ông bị bệnh chết năm 52 tuổi, được sắc phong là "Đông Bảng đại vương", lại gia tặng là "Thông minh hùng lược tế trung đẳng thần". Dân xã Đinh Xá nghiêng rước sắc phong, hành lễ, tôn lập thần hiệu cùng thờ với Đông Hải, Đông Xứng (Hai vị tướng thời Lý) thành 3 vị đại vương tại ngôi đình thôn Đinh, xã Đinh Xá, huyện Bình Lục.

4. Hoàng Mông (1422-1506)

Hoàng Mông quê xã Bằng Khê, huyện Thanh Liêm nay là thôn Bằng Khê, xã Liêm Trung, thị xã Phủ Lý. Ông sinh năm Nhâm Ngọ (1422) mất năm Bính Dần (1506) thọ 84 tuổi.

Đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ, xuất thân khoa Mậu Thìn niên hiệu Thái Hòa (1448) đời Lê Nhân Tông.

5. Hoàng Thuấn (?-?)

Ông quê xã Lạc Tràng, huyện Kim Bảng nay là thôn Lạc Tràng, xã Lam Hạ, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.

Hoàng Thuấn đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Quý Dậu niên hiệu Thái Hòa 11 (1453) đời Lê Nhân Tông. Làm quan đến chức Tham chính.

6. Bùi Đạt (1433-1509)

Bùi Đạt sinh năm 1433 người làng Duy Tiên, xã Tân Cốc, huyện Duy Tiên, phủ Lị Nhân, trấn Sơn Nam (nay là huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam). Đỗ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Quý Dậu, năm Thái Hòa thứ 11 (1453), đời Lê Nhân Tông (1442-1459).

Ông tính cương trực, quyết đoán. Bùi Đạt xuất thân hàn vi, nên khi hiển đạt, thường cứu giúp người nghèo, nâng đỡ kẻ sĩ cùng khổ. Làm quan đến Tham chính thời Lê Thánh Tông. Ngoài 50 tuổi về dạy học ở quê, mất năm Kỷ Tỵ (1509), thọ 76 tuổi.

7. Phạm Phổ (1438-1491)

Phạm Phổ (có sách chép là Phạm Lực), sinh năm Mậu Ngọ (1438), tại thôn Mai Động, xã Yên Đổ, huyện Bình Lục, phủ Lị Nhân, nay là thôn Mai Động xã Trung Lương, huyện Bình Lục. Bố ông trước là người ở xã Lê Xá (Hải Dương ) sang lánh nạn ở thôn Mai Động sau đó lấy vợ và sinh con cái ở đây.

Gia đình ông có 3 anh em là Phạm Hải, Phạm Phổ, và Phạm Hán. Khi còn bé ông học rất thông minh, đến năm Quang Thuận thứ 4 khoa Quý Mùi (1463) đời Lê Thánh Tông, ông thi đỗ Tiến sĩ, sau đó lại thi đỗ khoa Hoành từ (1467), được vua ban chức Thị giảng, chuyên giảng sách cho Thái tử. Sau chuyển sang quan võ làm chỉ huy sứ. Nhưng rồi bị bãi chức vì muốn đưa con gái vào cung để lo củng cố quyền vị.

Ông lấy vợ ở thôn Khả Lôi, xã An Bài, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Vì anh em xung khắc nên ông về sống ở quê vợ. Đến khi bị lụt lội lại chuyển về Mai Động và mất tại đó vào năm Tân Hợi (1491), thọ 53 tuổi.

8. Bùi Viết Lượng (1422-1531)

Bùi Viết Lượng sinh năm Nhâm Dần (1422), mất năm Tân Mão (1531), nguyên quán xã Nham Lạng, huyện Ngự Thiên nay là xã Nham Lạng, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Trú quán xã Dung Kim, huyện Nam Xương nay thuộc thị trấn Vĩnh Trụ, huyện Lị Nhân, tỉnh Hà Nam

Ông đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Bính Tuất niên hiệu Quang Thuận 7 (1466), đời Lê Thánh Tông. Làm quan đến chức Thượng thư. Năm 1471 được cử đi sứ nhà Minh. Sau về trí sĩ.

9. Nguyễn Tông Lan (1440-1512)

Nguyễn Tông Lan quê xã Quang Thừa, huyện Kim Bảng (nay là thôn Quang Thừa, xã Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng), sinh năm Canh Thân (1440), mất năm Nhâm Thân (1512) thọ 72 tuổi.

Ông là cha của Nguyễn Tông Mạo (Tiến sĩ khoa Ất Sửu, 1505). Đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Kỷ Sửu niên hiệu Quang Thuận 10 (1469), đời Lê Thánh Tông. Làm quan chức Thừa chính sứ.

10. Trần Bảo (1449-1529)

Trần Bảo quê xã Trần Xá, huyện Nam Xương nay thuộc huyện Lý Nhân. Tiên tổ vốn gốc ở Trần Xá, Đại An thuộc Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Sau khi sinh ông, do bị mất  mùa nên cha mẹ đem ông về xã Mao Bích, Nam Xang, rồi định cư ở đây.

Trần Bảo đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Kỷ Sửu, niên hiệu Quang Thuân 10 (1469), đời Lê Thánh Tông.

Làm quan đến chức Công bộ thượng thư, hàm Thiếu bảo, tước Quận công. Ông là viễn tổ của Tiến sĩ Trần Lương Bật ở Cổ Am, huyện Vĩnh Lại (nay là thôn Cổ Am, xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng).

Khi làm quan ông đem tài lực khai khẩn đất phía đông xã, lập thành xã Trần Xá (lấy theo tên quê cũ ở Hải Phòng).

11. Dương Ban Bản (1451-?)

Dương Ban Bản còn có tên gọi là Lê Tung, quê làng An Cừ (nay thuộc xã Liêm Thuận, huyện Thanh Liêm). Ông sinh năm 1451, đỗ Hoàng giáp năm 1484 triều vua Lê Thánh Tông, được ban quốc tính nên mới đổi là Lê Tung.

Đương thời, ông đã đảm đương nhiều chức vụ ngoại giao quan trọng: 1493 làm Phó sứ sang nhà Minh, 1499 được cử đi đón sứ bộ Trung Quốc, 1506 lại làm Chánh sứ. Năm 1509 ông phò Lê Tương Dực chống lại Lê Uy Mục thành công, được cử làm Thượng thư bộ Lễ, hàm Thiếu bảo, tước Đôn thư bá, Đông các đại học sĩ, kiêm Quốc tử giám tế tửu, tri kinh diên sự. Là tác giả Việt giám thông khảo tổng luận (1514) nổi tiếng.

12. Nguyễn Kiện Huy (1470-?)

Nguyễn Kiện Huy quê huyện Duy Tân nay là huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Năm 27 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Bính Thìn niên hiệu Hồng Đức 27 (1496), đời Lê Thánh Tông. Làm quan Hàn lâm viện thị độc, Phủ doãn Phụng Thiên. Chưa rõ năm mất. 

13. Dương Đức Kỳ (1475-1564)

Còn có tên gọi là Dương Đức Thụy. Ông sinh năm Ất Mùi (1475), mất năm Giáp Tý (1564). Quê ở xóm Dĩ Hoà, xã Dĩ An, huyện Duy Tiên.

Đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Kỷ Mùi niên hiệu Cảnh Thống thứ 2 (1499), đời Lê Thánh Tông. Làm quan Phủ doãn phủ Phụng Thiên.

14. Lê Đình Tướng (1474-?)

Sinh năm 1474, chưa rõ năm mất. Ông quê ở Cao Mật, huyện Kim Bảng, nay là thôn Cao Mật, xã Lê Hồ, huyện Kim Bảng. Đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Nhâm Tuất niên hiệu Cảnh Thống thứ 5 (1502), đời Lê Hiến Tông. Làm quan đến Phó đô ngự sử

15. Trần Thì Vũ (1476-?)

Sinh năm 1476, chưa rõ năm mất. Quê xã Phú Thú, huyện Duy Tân nay là thôn Phú Thứ, xã Tiên Hiệp huyện Duy Tiên.

Năm 26 tuổi đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Ất Sửu niên hiệu Đoan Khánh thứ 1 (1505), đời Lê Uy Mục. Làm quan chính đoán sự.

16. Trần Tông Lỗ (1480-1570)

Trần Tông Lỗ quê xã Mỹ Đê, huyện Kim Bảng, nay là xã Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng. Sinh năm Canh Tý (1480), mất năm Canh Ngọ (1570), thọ 90 tuổi.

Đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Ất Sửu niên hiệu Đoan Khánh thứ 1(1505), đời Lê Uy Mục. Làm quan đến Lễ bộ tả thị Lang.

17. Nguyễn Nghĩa Thọ (1480-1564)

Ông quê ở xóm Trại, xã Trinh Nữ, huyện Duy Tân nay là huyện Duy Tiên; sinh năm Canh Tý (1480), mất năm Giáp Tý (1564). Đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Mậu Thìn niên hiệu Đoan Khánh thứ 4 (1508), đời Lê Uy Mục. Làm quan chức tự khanh.

18. Trần Bích Hoành (1469-1550)

Có tài liệu ghi là Trần Hoành Bích, Trần Bích Hoằng; do chữ  Hoằng có nghĩa là "rộng lớn" vào đời Thanh "Trung Quốc" có lẽ vì kiêng húy nên đổi viết là Hoành.

Trần Bích Hoành quê ở xóm Tân Châu, xã Điền Xá, huyện Duy Tân, nay là huyện Duy Tiên. Đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Tân Mùi niên hiệu Hồng Thuận 3 (1511), đời Lê Tương Dực năm 42 tuổi (có tài liệu chép nhầm là đỗ năm 24 tuổi ). Làm quan chức giáp sát ngự sử.

19. Tạ Đình Huy (1474-1542)

Tạ Đình Huy sinh năm Giáp Ngọ (1474) mất năm Nhâm Dần (1542) (có sách chép là Tạ Đinh Duy).

Ông quê xã Hồng Khê, huyện Duy Tân nay là xã Yên Nam, huyện Duy Tiên. Đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Tân Mùi niên hiệu Hưng Thuận thứ 3 (1511), đời Lê Tương Dực, năm 38 tuổi. Làm quan chức Cấp sự trung.

20. Nguyễn Tông Mạo (1480-1551)

Nguyễn Tông Mạo (có sách chép là Nguyễn Mạo) quê xã Bất Đoạt, huyện Kim Bảng nay là thôn Bất Đoạt, xã Châu Sơn, huyện Kim Bảng. Ông sinh năm Canh Tý (1480), mất năm Tân Mùi (1551), thọ 71 tuổi.

Đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Tân Mùi niên hiệu Hồng Thuận thứ 3 (1551), đời Lê Tương Dực. Con trai của Nguyễn Tông Lan (Tiến sĩ khoa Kỷ Sửu, 1469).

Nguyễn Tông Mạo là người ưu thời mẫn thế, chán cảnh quan trường không thiết tha với việc triều chính.