41. Bạch Đông Ôn (1811-1881)
Bạch Đông Ôn tự là Hòe Phủ, quê ở xã Lạc Tràng, Kim Bảng cũ, nay thuộc xã Lam Hạ, huyện Duy Tiên.
Bạch Đông Ôn đỗ Hoàng giáp năm 25 niên hiệu Minh Mạng thứ 16 (1835). Trước sau chỉ giữ một chức quan bậc trung, tính tình cương trực, điềm đạm và sống liêm khiết. Đời vua Thiệu Trị , khi đang làm quan Ngự sử, ông nhiều lần can gián triều đình, ra sức can ngăn việc đem quân đi lấn chiếm, đề nghị cho bãi binh để quân sĩ được nghỉ ngơi, phục hồi sức lực. Nhà vua phải nghe.
Thấy các sứ bộ ta được phái sang nhà Thanh thường được giao nhiệm vụ mua hàng hóa xa xỉ cho triều đình nên các quan chức thường lợi dụng để buôn bán, ông đề nghị nhà vua chỉ nên mua những thứ có nhu cầu thiết thực, còn những thứ xa xỉ khác xin bỏ bớt để tiết kiệm ngân khố. Việc này thì Thiệu Trị phật ý không nghe. Vì thế ông bị nhiều người ghen ghét, nhất là các quan chức ngoại giao.
Bạch Đông Ôn sống rất giản dị, thanh đạm. Thường ngày chỉ ăn cơm rau dưa, cà ghém. Uống rượu thường chỉ thích nhắm với lạc rang. Khi đi thanh tra các tỉnh miền Bắc để xem xét việc quan tham ô lại, ông tỏ thái độ công bằng, có công thì thưởng, có tội thì phạt, không ăn của hối lộ đút lót.
Năm 1847, khi dang làm Lang trung bộ Lễ, vì bị ốm, ông dâng sớ xin nghỉ về quê chữa bệnh. Vua Thiệu Trị vốn không ưa gì con người cương trực thẳng thắn ấy, nên nổi giận, cho rằng ông thoái thác việc triều đình, giáng chức ông xuống làm Chủ sự, rồi bắt phải “về hưu non” khi ông mới 36 tuổi. Ông nghỉ hưu ở phố Hàng Đào, Hà Nội làm nghề dạy học, lúc rỗi ông chỉ uống rượu ngâm thơ để làm vui. Người bấy giờ ví ông như Đào Tĩnh Tiết (tức Đào Tiềm).
Khi Pháp đánh chiếm Bắc Kỳ, ông cùng một số sĩ phu mưu tính khởi nghĩa, nhưng việc bại lộ, bị giặc bắt. Được tha về, ông chán nản, quay lại cuộc sống ẩn dật. Khi Bạch Đông Ôn mất (1881), vua Tự Đức có viếng bốn chữ “Thanh bạch vi thủ” (Thanh bạch làm đầu) và truy tặng sắc: “Diên thọ quận công”.
Bạch Đôn là con trai trưởng Bạch Đông Ôn, đi thi Hương chỉ 2 lần đỗ Tú tài, mở trường dạy học ở phố Hàng Đào. Sau tham gia Đông kinh nghĩa thục, thêu cờ “Trượng nghĩa Bình Tây”. Mưu sự chưa thành, bị giặc Pháp bắt. Khi được thả, Bạch Đôn đi các chùa ẩn dật, sống đến năm 72 tuổi.
Bạch Đông Ôn có 50 bài thơ in chung với Cao Bá Quát, Nguyễn Văn Siêu, Nguyễn Văn Lý trong “Danh ngôn thi tập”. Trong“Hoè Phủ thi tập” có 70 bài vịnh cảnh, tả người, dạy con cháu... Ngoài thơ, Bạch Đông Ôn còn viết nhiều câu đối và văn xuôi.
42. Vũ Văn Lý (1809-1879)
Vũ Văn Lý sinh năm Kỷ Tỵ (1809), mất năm Kỷ Mão (1879). Ông quê xã Vĩnh Trụ, huyện Nam Xương, tỉnh Hà Nội nay là thị trấn Vĩnh Trụ, huyện Lý Nhân.
Ông là cha của Phó bảng Vũ Văn Báo và Cử nhân Vũ Văn Nghị. Thầy dạy của Tam Nguyên Nguyễn Khuyến và Tiến sĩ Vũ Hữu Lợi. Đỗ cử nhân khoa Canh Tý (1840).
Năm 33 tuổi đỗ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Tân Sửu, niên hiệu Thiệu Trị thứ nhất (1841). Làm quan đến chức Quốc Tử giám tế tửu. Sau cáo quan về quê dạy học.
43. Đinh Gia Hội (1811-?)
Đinh Gia Hội sinh năm Tân Mùi (1811), không rõ năm mất. Ông quê xã Ngô Xá, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nội nay là thôn Ngô Xá, xã Tiên Nội, huyện Duy Tiên.
Ông đỗ cử nhân khoa Quý Mão (1843), 38 tuổi đỗ Phó bảng Ân khoa Mậu Thân, niên hiệu Tự Đức thứ nhất (1848). Đinh Gia Hội làm Tri phủ Từ Sơn (Bắc Ninh) có nhiều công lao, giúp dân lập ấp, góp phần mở mang văn vật Kinh Bắc. Ông làm quan thanh liêm, chính trực, được khắp vùng ca ngợi.
44. Trần Huy Côn (1816-?)
Trần Huy Côn sinh năm Bính Tý (1816), quê xã Thiên Bản, huyện Thiên Bản, tỉnh Nam Định; nay là thôn Vũ Bản, xã Vũ Bản, huyện Bình Lục.
Trần Huy Côn đỗ cử nhân khoa Bính Ngọ (1846). Năm 34 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Kỷ Dậu, niên hiệu Tự Đức thứ 2 (1849). Làm quan, chức Thị giảng học sĩ .
45. Vũ Duyên (Vũ Văn Diên) (1830-1902)
Tên khai sinh của ông là Vũ Duyên, sinh năm Canh Dần (1830) quê làng Lạc Tràng, huyện Kim Bảng, nay là làng Lạc Tràng, xã Lam Hạ, huyện Duy Tiên.
Vũ Duyên thi đỗ Tiến sĩ năm Nhâm Tý (1852) đời vua Tự Đức khi mới 20 tuổi và đã được ban mũ áo, chờ vinh quy. Nhưng trong triều lúc đó có kẻ nịnh thần và trong số sĩ tử có kẻ đố kỵ với ông, tâu với triều đình, nhà vua nghe đòi lại văn sách. Trong văn sách của ông lại có ý chủ trương đánh Pháp, không chịu giảng hòa nên không hợp ý triều đình. Có một giám khảo người Nghệ An lại đọc trọ trẹ câu văn sách của ông là “Cát tài hoàng khảo” thành ra “Cặt tai hoàng khảo” có nghĩa là “Cắt tai vua cha”. Vua cho là mạn thượng nên phạt, lột mũ áo Tiến sĩ, giáng xuống sĩ nhân.
Đến khoa Nhâm Tuất (1862) ông đổi tên là Vũ Văn Diên, đi thi Hương lại, trúng ngay Cử nhân, rồi được tuyển bổ chức Huấn đạo huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định; sau được cử thay Tri huyện. Ông không dám tiếp tục thi Hội, sợ lộ tung tích. Ông sống liêm khiết và thương dân. Làm quan hơn 3 năm thì hai năm liền huyện bị thiên tai, hết bão đến lụt, dân cơ cực đói rét, ông đã bỏ tiền nhà và vận động dân trong huyện “lá lành đùm lá rách” tổ chức cứu tế giúp dân phần nào đỡ đói khổ.
Tiếp đến, thực dân Pháp đánh chiếm Bắc Kỳ, triều đình nhà Nguyễn đầu hàng, lại nhân dịp cụ cố mất, ông xin từ quan, trở về quê hương cự tang rồi dạy học và nghiên cứu thuốc chữa bệnh.
Học trò của ông thành đạt khá nhiều, làm Huấn đạo, Tri huyện, rồi Án sát, Ngự sử, như ông Phó bảng Vũ Duy Tuân ở Lạc Tràng, cháu gọi ông bằng chú ruột v.v. Ông là bạn học với anh em Tiến sĩ Dương Khuê, Dương Lâm ở Vân Đình, Hà Đông.
Ông mất khoảng 1902, thọ 72 tuổi. Các môn sinh xa gần đã góp tiền tậu một mẫu đất để làm vườn và xây nhà thờ. Mặt trước nhà thờ có đắp nổi 3 chữ “Song Nhâm Đường ” tức là thờ cụ Song Nhâm (ông thi hai khoa Nhâm, khoa đầu Tiến sĩ, khoa sau Cử nhân).
46. Bùi Văn Dị (1833-1895)
Bùi Văn Dị hiệu Tốn Am, Hải Nông và Châu Giang; tự là Ân Niên. Quê ông ở xã Châu Cầu, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, nay thuộc thị xã Phủ Lý. Ông sinh ngày 17/5/1833 (tức 28 tháng Ba năm Quý Tỵ) trong một gia đình nho học; cụ thân sinh là Bùi Văn Hy đỗ Tú tài thời Minh Mạng. Năm 13 tuổi đã vượt qua kỳ thi khảo hàng sứ để đi dự kỳ thi Hương. Tiếp đến hai khoa thi 1850 và 1852 đều đỗ Tú tài. Năm 1855 đỗ Cử nhân và sau một năm, năm 1865 ông mới vào Huế dự thi Hội, thi Đình và đạt học vị Phó bảng cùng người em họ con ông chú ruột là Bùi Văn Quế. Người đương thời có câu đối mừng:
Bùi thị đồng khoa song phó bảng;
Châu Cầu nhất nhật lưỡng vinh quy.
(Họ Bùi hai người cũng đỗ Phó bảng một khoa; Làng Châu cầu trong một ngày có hai cuộc vinh quy). Sau khi đỗ Phó bảng, ông lần lượt được bổ làm Tri huyện Lang Tài, Việt Yên, Yên Dũng thuộc tỉnh Bắc Ninh; làm Án sát Ninh Bình, rồi sung vào nội các, năm 1876 ông được cử làm Chánh sứ, đi sứ nhà Thanh. Ông đã cố gắng dẫn đầu sứ bộ hoàn thành nhiệm vụ.
Cuối năm 1878, ông lại được sung vào Nội các, lại được cử làm duyệt quyển thi Hội, thi Đình lần thứ 2. Năm 1881 làm đại thần quản lý Nha thương bạc. Tiếp ngay năm sau, quân Pháp lại mở rộng xâm lược đánh chiếm Bắc Kỳ, ông đã dâng sớ đề nghị kiên quyết chống đánh và được cử giữ chức Khâm sai phó kinh lược sứ Bắc Kỳ, đã trực tiếp chỉ huy trận đánh ngày 27 và 28-3-1883 chặn quân Pháp lấn ra ngoại vi Hà Nội, quân địch chết và bị thương gần 30 tên một số còn lại phải kéo nhau xuống tàu rút chạy về cố thủ ở Đồn Thủy. Ông được cử làm Tham tán quân thứ Bắc Ninh tức là làm tham mưu cho đạo quân Bắc Ninh. Việc nhà Nguyễn ký hàng ước 25-8-1883 làm cho ông suy sụp tinh thần đến phát bệnh và là cái cớ để không nhận chức Tổng đốc Ninh Thái, cùng lúc với Nguyễn Khuyến cũng từ chối chức Tổng đốc Sơn Tây, ông về ở ẩn ở Thanh Hoá. Song đến đầu năm Kiến Phúc (1884) ông được triệu về làm “nhật giảng quan”, để giảng sách cho vua Kiến Phúc, rồi Hàm Nghi, sau đó ông bị ốm phải về dưỡng bệnh tại Hải Quật, Yên Định, Thanh Hoá năm 1885.
Cuối năm 1887 ông lại được gọi về triều làm Phụ chính đại thần. Trong dịp này ông đã đặc cách nhận học vị Tiến sĩ khoa Ất Sửu (1865). Năm 1890, ông từ chức Thượng thư bộ Lại và Phụ chính đại thần, chỉ giữ chức Phụ đạo đại thần kiêm Phó tổng tài Quốc sử quán. Ông là thầy dạy cho vua Kiến Phúc và Thành Thái từ lúc nhỏ đến khi trưởng thành. Số phận cuộc đời 29 năm làm quan, làm tướng của ông (1866-1895), gắn liền với 7 đời vua: Tự Đức, Dục Đức, Hiệp Hoà, Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh, Thành Thái. Thơ văn của ông được tập hợp trong các tác phẩm: Vạn lý hành ngâm, Du hiên thi thảo, Tốn Am thi sao, Trĩ chu thù xướng tập...
Cuối đời ông tổng duyệt hoàn chỉnh bộ thơ vịnh sử 300 bài là di thư Tự Đức. Vì tuổi già, ốm bệnh, lại dùng tâm lực quá sức, nên biên tập xong bộ thơ thì ông tạ thế (1895) ngay tại Quốc sứ quán, thọ 63 tuổi.
47. Bùi Văn Quế (1837-1913)
Bùi Văn Quế sinh năm Đinh Dậu (1837), đỗ Cử nhân khoa Giáp Tý, niên hiệu Tự Đức thứ 17 (1864). Tiếp đó năm Ất Sửu (1865) đỗ Phó bảng, đồng khoa với anh con bác là Bùi Văn Dị. Ông là cha đẻ tiến sĩ Bùi Thức.
Cuối năm 1865 ông được bổ vào tập sự trong một bộ của triều Nguyễn, sau 1868 nhậm chức Tri huyện Cẩm Giàng, Hải Dương.
Năm Nhâm Thân (1872) được thăng chức Đồng tri phủ, nhưng vẫn trị nhậm huyện cũ . Năm Ất Hợi (1875) đổi về làm quan trong bộ Hộ. Năm Kỷ Mão (1879) ông được thăng chức Thị lang bộ Hộ. Năm 1880 ông là quan duyệt quyển chấm thi Tiến sỹ. Đầu năm Tân Tỵ, niên hiệu Tự Đức 34 (1881) được thăng chức Tham tri bộ Hộ, đến tháng Ba năm ấy nhận chức Tuần phủ Nam-Ngãi-Thuẫn-Khánh (nghĩa là kiêm 4 tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Khánh Hòa).
Về sau ông dâng sớ nghỉ dưỡng bệnh. Bùi Văn Quế mất tháng Chạp năm Nhâm Tý (1912).
48. Vũ Duy Tuân (1840-1915)
Vũ Duy Tuân sinh năm Canh Tý (1840). Ông quê ở làng Lạc Tràng, huyện Kim Bảng nay là xã Lạc Tràng, xã Lam Hạ, huyện Duy Tiên. Đỗ cử nhân năm Đinh Mão (1867), đỗ Phó bảng năm Mậu Thìn, niên hiệu Tự Đức thứ 21 (1868). Năm 29 tuổi được bổ làm quan Ngự sử, nên về sau người ta thường gọi ông là Ngự Lạc Tràng.
Tính ông quả cảm, cương trực, các quan triều thần đều kính phục, nể vì. Nhân một lần dâng sớ can vua Tự Đức đại ý không nên vì quá chăm sóc mẹ già mà quên việc nước đang cấp bách, nhà vua giận quá, châu phê vào bên câu này bốn chữ “Tiến sĩ bất đệ ”. Bốn chữ có ý nghĩa mỉa họ Vũ: Tiến sĩ cũng không đỗ được còn làm nên trò trống gì mà cứ hay chỉ trích! Ngự sử liền dâng sớ xin nghỉ. Sau khi từ giã triều đình, về quê dạy học, họ Vũ cho khắc 4 chữ “Tiến sĩ bất đệ” (trong văn sách, Vũ chủ chiến không hợp ý chủ hòa, nên chỉ được xếp Phó bảng) vào biển sơn son thiếp vàng, treo trên chỗ ngồi để tỏ ý: Ở lăng miếu hay giang hồ, lúc nào cũng nhớ lời vua quở, dù là quở phi lý!
Ông mất năm Ất Mão (1915), thọ 75 tuổi.
49. Lê Văn Mai (1843-1886)
Lê Văn Mai người làng Vĩ Khánh, xã Liêm Túc, huyện Thanh Liêm. Ông đổ Tiến sĩ khoa Mậu Thìn, niên hiệu Tự Đức thứ 21 (1868), được bổ làm quan Ngự sử, nên gọi là Ngự Mai. Ngày 15 tháng 3 năm 1874, triều đình nhà Nguyễn ký “Hiệp ước hoà bình và liên minh”, thực chất là hiệp ước đầu hàng giặc Pháp. Ông tức giận bỏ về quê, chiêu mộ nghĩa binh, rèn đúc vũ khí rồi theo Đinh Công Tráng đánh Pháp. Ông trở thành cánh tay đắc lực của Đinh Công Tráng.
Một số câu ca dao nói về ông:
- Trăm vùng thiên hạ đầu tây,
Làng tôi quan Ngự vung tay phất cờ.
- Nay thời quan Ngự về Làng,
Chẳng có lọng vàng, chỉ có đao cung.
Nay thời quan Ngự nổi công,
Một trăm cái bễ đùng đùng cả đêm.
Ai lên Sấu, Vĩ thì lên,
Xem ông quan Ngự, tài hiền Đinh Công...
Chiến khu rừng Tràng (Thanh Liên) bị vỡ, ông cùng Đinh Công Tráng vào Ba Đình (Thanh Hóa). Trong một trận chiến đấu ác liệt, ông đã hy sinh anh dũng, cuối năm 1886. Sau đó nghĩa quân đưa thi hài ông về quê an táng.
Bia mộ ghi tên ông hiện nay vẫn còn ở Đình Hát, xã Liêm Túc. Sinh thời, khi dân làng Tập Mỹ, Bình Lục xây đình, ông được mời đến đặt nóc. Khi ông mất, dân tôn ông là Thành hoàng. Vùng Liêm Sơn trước đây vẫn kỵ tên húy của ông – Cái mai đào đất gọi trật đi thành cái “mơi”, sớm mai gọi là “sớm mơí”.
50. Vũ Văn Báo (1841-?)
Vũ Văn Báo quê ở Vĩnh Trục, huyện Nam Xương tỉnh Hà Nội, nay là thị trấn Vĩnh Trụ, huyện Lý Nhân. Ông là con của Tiến sĩ Vũ Văn Lý.
Vũ Văn Báo đỗ Cử nhân khoa Đinh Mão (1867), đỗ Phó bảng khoa Mậu Thìn, niên hiệu Tự Đức thứ 21 (1868). Ông làm quan trải các chức Tổng đốc Định An, Tam Tuyên, làm Phó sứ sang Pháp.
Về quê, bị nghĩa quân chống Pháp ở Nam Định giết.
51. Vũ Duy Vĩ (1835-?)
Vũ Duy Vĩ sinh năm Ất Mùi (1835), không rõ năm mất. Ông quê xã Bài Nhiễm, huyện Duy Tiên, nay thuộc xã Bạch Thượng, huyện Duy Tiên.
Vũ Duy Vĩ đỗ Cử nhân khoa Giáp Tý (1864), năm 35 tuổi đỗ Phó bảng khoa Kỷ Tỵ, niên hiệu Tự Đức thứ 22 (1869).
Ông làm quan Án sát Quảng Bình, sung Trường vụ Thừa Thiên. Khi về lỵ sở, không phục mệnh vua nên bị cách, sau phục chức Điển Tịch.
52. Nguyễn Khuyến (1835-1909)
Nguyễn Khuyến có tên là Nguyễn Văn Thắng, hiệu Quế Sơn, tự Miễn Chi. Ông sinh ngày 15-2-1835 (tức 18 tháng Giêng năm Ất Mùi).
Nguyễn Khuyến xuất thân từ một gia đình nhà nho nghèo, hai bên nội ngoại đều có truyền thống khoa bảng. Bên nội quê gốc ở vung Treo Vọt, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh, di cư ra Yên Đổ, cho đến thời nhà thơ đã được năm trăm năm. Cụ bốn đời Nguyễn Khuyến là Nguyễn Tông Mại, đỗ Tiến sĩ , làm quan đến Hiến sát sứ Thanh Hóa. Ông thân sinh nhà thơ là Nguyễn Liễn, vẫn theo đòi nho học, đỗ 3 khoa Tú tài, chuyên nghề dạy học để kiếm sống ở xứ vườn Bùi.
Mẹ Nguyễn Khuyến là bà Trần Thị Thoan, quê làng Văn Khê, tục gọi là làng Ngòi, nay thuộc xã Yên Trung, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.
Thủa nhỏ Nguyễn Khuyến học cha. Năm 1825, đi thi Hương lần thứ nhất cùng với cha, song không đỗ. Ngay năm sau, địa phương có dịch thương hàn, ông mắc bệnh suýt chết. Cha và em ruột, bố mẹ vợ chồng cùng nhiều họ hàng thân thuộc đều qua đời. Gia đình ông lâm vào cảnh “Tiêu điều, xơ xác, đời sống ngày càng đói rét ”. Bà mẹ phải may thuê vá mướn lần hồi, còn ông thường phải “sách đèn nhờ bạn, một ngày học mười ngày nghỉ ”. Từ năm 1854, đi dạy học lấy lương ăn, để tiếp tục học và đi thi. Song, các khoa thi Hương tiếp theo 1855, 1858 đều bị trượt.
Nghĩ tôi lại gớm cái mình tôi,
Tuổi đã ba mươi kém một thôi...
...Bốn khoá Hương thi không đậu cả,
Một mảnh vườn hoang bán sạch rồi.
Có lúc, ông đã nản đường khoa cử, định chuyển nghề dạy học để kiếm sống và nuôi gia đình, thì được người bạn là Vũ Văn Báo nhận chu cấp lương ăn và khuyên đến cùng học với cha mình là Tiến sĩ Vũ Văn Lý ở xã Vĩnh Trụ, huyện Nam Xang (Lý Nhân ngày nay). Bà mẹ ông cũng ân cần, nghiêm khắc khuyên con chớ thoái chí. Do vậy, khoa thi 1864 ông mới đỗ Cử nhân đầu trường Hà Nội. Tiếp theo ông thi Hội các khoa 1865, 1868 đều bị trượt. Ông ở lại Huế, vào học Quốc Tử Giám, ân khoa năm 1869 lại trượt. Cho đến khoa năm 1871, mới liên tiếp đỗ đầu thi Hội, thi Đình, khi ông đã 37 tuổi.
Dưới triều Nguyễn, cho đến đó mới chỉ có hai người đỗ Tam nguyên (đỗ đầu cả 3 kỳ thi), thì Nguyễn Khuyến là một. Nhưng khác với Trần Bích San (quê ở Vị Xuyên, Nam Định), ông phải lận đận gần 30 năm trời đèn sách, với 9 khóa lều chõng, đó là một cố gắng phi thường.
Đầu tiên, ông được bổ làm Sứ quán trong triều; năm 1873, ra làm Đốc học Thanh Hóa, rồi thăng nhanh lên Án sát tỉnh. Năm 1874, ông phải mang quân chặn quân khởi nghĩa (mà sử cũ gọi là lệ phỉ) phạm vào tỉnh Thanh ở vùng Tĩnh Gia, Nông Cống, đúng lúc ấy bà mẹ ông mất. Ông phải nghỉ ba năm về quê chịu tang mẹ. Hết tang, ông vào triều giữ chân Biện lý bộ Hộ. Năm 1877 lại ra làm quan ngoài, giữ chức Bố chính Quảng Ngãi. Rồi làm Toản tu ở Sứ quán, từ 1879 đến 1883, vẫn sống trong cảnh thanh bần, lại thêm đau yếu, ông đã có tâm trạng chán ngán cảnh quan trường.
Năm 1883, quân Pháp đánh chiếm Bắc Kỳ lần thứ hai. Rồi Tự Đức chết (19-7-1883), triều Nguyễn phải ký hiệp ước Harmand ngày 25 tháng 8 năm 1883. Nguyễn Khuyến đã được cử làm Phó sứ sang Mãn Thanh. Ông đã ra Bắc, nhưng chuyến đi sứ ấy bị bãi. Ông lấy cớ đau yếu, xin tạm về quê dưỡng bệnh, thì trung tuần tháng 12 năm 1883, triều Nguyễn cử ông làm tổng đốc Sơn Hưng Tuyên, song ông không chịu đến nhận chức, mà chính thức cáo quan về nghỉ hưu khi mới 50 tuổi.
Một phần tư thế kỷ về ở Yên Đổ này có ý nghĩa quyết định để nhà thơ trở thành bất tử, khi ông tiếp tục sáng tác nhiều và hay hơn nhiều so với thời gian trước đó.
Ông trút hơi thở cuối cùng vào ngày 5-2-1909 (tức 15 tháng Giêng năm Kỷ Dậu), thọ 75 tuổi. Tác phẩm để lại: Quế Sơn thi tập; Yên Đổ Tam nguyên quốc âm thi tập.
53. Trần Huy Liễn (1834-?)
Trần Huy Liễn sinh năm Giáp Ngọ (1834), chưa rõ năm mất. Quê ông ở xã Xuân Khê, huyện Nam Xương, tỉnh Hà Nội, nay là thôn Xuân Khê, xã Xuân Khê, huyện Lý Nhân.
Ông đỗ Cử nhân khoa Mậu Dần (1878), 46 tuổi đỗ Phó bảng khoa Kỷ Mão niên hiệu Tự Đức thứ 32 (1879). Làm quan thị giảng, sau cáo quan về quê nghỉ.
54. Nguyễn Hoan (1858-1908)
Nguyễn Hoan sinh năm Mậu Ngọ (1858), quê xã Yên Đổ, huyện Bình Lục, nay là thôn Vị Hạ, xã Trung Lương, huyện Bình Lục.
Ông là con của Tam nguyên Nguyễn Khuyến. Mẹ là Trần Thị Xuân, quê làng Phù Tải, xã Yên Đổ, cùng huyện.
Nguyễn Hoan đỗ Cử nhân khoa Giáp Thân (1884). 32 tuổi đỗ Phó bảng khoa Kỷ Sửu, niên hiệu Thành Thái thứ nhất (1889). Khoa thi Hội năm Ất Dậu (1885) ông đi thi đã đạt loại thứ trúng cách, vì kinh thành có biến chưa yết bảng; đến khoa thi Kỷ Sửu ông vào thi Đình và đỗ Phó bảng.
Ông làm quan Tri phủ Lị Nhân, sau đó làm đô đốc học Hải Dương. Năm Mậu Thân (1908) trên đường về quê, trời mưa to, ông ghé vào đình Tế Xuyên (thuộc huyện Lý Nhân) để trú mưa, bị cảm lạnh và mất đột ngột ngay tại đó, thọ 50 tuổi. Dân ở đấy thương tiếc và thờ ông làm Thành hoàng làng.
55. Bùi Thức (1859-1915)
Bùi Thức hiệu là Chuyên Tôn, tự là Khanh Dật, thụy là Khê Thần, sinh năm Kỷ Mùi (1859), là con trưởng phó bảng Bùi Văn Quế. Ông đỗ Cử nhân khoa Bính Tuất (1886), đỗ Tiến sĩ đệ tam giáp khoa Mậu Tuất (1898), niên hiệu Thành Thái thứ 10, lúc đó ông tròn 40 tuổi. Theo gương cụ thân sinh, ông không chịu ra làm quan, mặc dầu nhiều lần được đề cử, lấy cớ là phải ở nhà để phụng dưỡng cha mẹ già. Ông mở trường dạy học và viết sách.
Học trò của ông cũng nhiều người thành đạt, có tên tuổi, như Cử nhân Văn Lâm, người Hà Nam, Cử nhân Phan Duy Tiếp người Sơn Tây. Đặc biệt có người trưởng tràng là Kép Trà Hoàng Thụy Phương, nhà thơ trào phúng nổi tiếng đương thời.
Ông có nhiều con trai, con gái, đều được dạy dỗ theo nho học và đều đỗ đạt. Ba con trai: Bùi Kỷ đỗ Phó bảng, Bùi Khải, Bùi Lương đỗ Cử nhân. Một bà con gái lấy ông Trần Trọng Kim (1882-1953) là học giả và nhà hoạt động xã hội có tiếng.
Bùi Thức mất ngày 28 tháng mười một, năm Giáp Dần (13-1-1915), thọ 56 tuổi.
Bùi Thức còn để lại cuốn Bắc Kỳ giang sơn cổ tích danh thắng bị khảo (Khảo về những danh thắng, cổ tích núi sông ở Bắc Kỳ), hiện còn lưu giữ ở Thư viện ngiên cứu Hán Nôm Hà Nội, ký hiệu VHv. 23-72.
56. Bùi Kỷ (1888-1960)
Bùi Kỷ là nho sĩ, nhà giáo, nhà hoạt động xã hội. Bùi Kỷ là con trưởng Tiến sĩ Bùi Thức, là anh ruột hai Cử nhân Bùi Khải, Bùi Lương. Ông có tên chữ là Ưu Thiên, hiệu là Tử Chương, sinh năm Mậu Tý (1888). Ông được cha săn sóc dạy bảo về Nho học, mới bắt đầu đi thi đã đỗ ngay Cử nhân khoa Kỷ Dậu (1909). Năm 1910 vào Huế thi Hội và thi Đình, ông đỗ Phó bảng khi mới 24 tuổi. Sau đó ông được bổ làm Huấn Đạo, nhưng cương quyết từ chối, lấy cớ phải phụng dưỡng ông và cha đều đã già yếu. Ông còn tìm học ở các thầy “Tân học” về Quốc ngữ và Pháp văn. Năm 1912, Nhà nước bảo hộ Pháp chọn cử ông sang Pa-ri học trường thuộc địa. Hai năm học ở đó, ông có điều kiện tiếp xúc với các nhà cách mạng, kết giao với nhà yêu nước Phan Chu Trinh. Về nước, ông không chịu ra làm quan, chỉ chuyên dạy học, viết sách, biên khảo, dịch thuật văn học. Từ năm 1917 cho đến Cách mạng tháng Tám 1945, gần 30 năm chuyên dạy hai môn Hán văn và Việt văn bậc trung học, ông không hề ở trong biên chế nhà nước bảo hộ mà chỉ ký hợp đồng hàng năm và dạy các trường tư.
Ông là vị giáo sư đầu tiên đã dạy ở các trường Cao đẳng sư phạm, Cao đẳng Pháp chính, Trường Tư thục Thăng Long, Văn Lang, trường Thăng Long do một số tri thức tiến bộ và cách mạng như Pham Thanh, Hoàng Minh Giám, Đặng Thai Mai, Võ Nguyên Giáp... lập ra đã mời ông cùng trực tiếp giảng dạy.
Ngoài công việc của nhà giáo, ông còn tham gia những hoạt động văn hóa, xã hội như phong trào truyền bá quốc ngữ, các hoạt động văn hóa cứu quốc trước năm 1945. Tổng khởi nghĩa đến, ông đã hòa mình vào cuộc Cách mạng tháng Tám của toàn dân tộc, lúc ấy ông đã gần 60 tuổi. Sau quá nửa đời người băn khoăn, trăn trở vẫn giữ được cốt cách cứng cỏi, thanh bạch, vẫn tìm được cách sống có ích cho văn hóa dân tộc.
Trong kháng chiến chống Pháp, ông là thành viên của chính quyền Hà Nam và Liên khu Ba, là Ủy viên hành chính kháng chiến Liên khu, Chủ Tịch Hội Liên Việt, v.v. Năm 1946 ông được Hồ Chủ Tịch cử làm Phó ban Thanh toán nạn mù chữ, sau làm Trưởng ban Bình dân học vụ toàn quốc, là thành viên của Chính phủ.
Năm 1954, hòa bình lập lại ông là Ủy viên Chủ tịch đoàn Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Bảo vệ Hòa bình thế giới, Hội trưỏng Hội Việt-Trung hữu nghị.
Về văn học, ông đã tham gia hiệu đính, giới thiệu biên khảo một loạt các tác phẩm cổ điển Việt Nam như Truyện Kiều, truyện Phan Trần, Trinh Thử, Trê Cóc, Lục súc tranh công, Hoa điểu tranh năng...tham gia dịch thơ chữ Hán của Nguyễn Du, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi... tham gia dịch Tam Quốc chí diễn nghĩa, Hồng Lâu Mộng v.v... Ông đã để lại bài Thân thế luận nổi tiếng.