Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Chi tiết Thủ tục hành chính

Chi tiết Thủ tục hành chính  
Tên thủ tục Sở Công thương: Tổ chức Hội thảo “Đưa nghề về làng”
Lĩnh vực TTHC
Cơ quan giải quyết
Nội dung

Hôm nay, ngày 08/8/2008, Sở Công thương tỉnh Hà Nam tổ chức Hội thảo “Đưa nghề về làng”. Tham dự có đồng chí Lê Văn Tân, Uỷ viên Ban chấp hành tỉnh Đảng bộ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Lãnh đạo các sở:  Công thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội; đại diện Văn phòng Tỉnh uỷ; Lãnh đạo UBND các huyện, thành phố; đại diện phòng công thương các huyện, thành phố; đại diện UBND các xã; Trưởng thôn.

Tại cuộc Hội thảo, đồng chí Ngô Văn Vĩnh, Uỷ viên Ban chấp hành tỉnh Đảng bộ, Giám đốc Sở Công thương đã báo cáo kết quả thực hiện Đề án “Đưa nghề về làng”. Tính đến tháng 6 năm 2008, toàn tỉnh có 28 làng nghề tiểu thủ công nghiệp, 13 làng có nghề, 15 nghệ nhân, 46 thợ giỏi, 2 người có công đưa nghề mới về tỉnh đã được UBND tỉnh ra quyết định công nhận. Các làng nghề sau khi được công nhận đã có những bước phát triển mạnh và vững chắc về nhiều mặt, điển hình là làng nghề truyền thống thêu ren Hoà Ngãi, An Hoà (Thanh Liêm); làng nghề truyền thống mây giang Ngọc Động; làng nghề truyền thống gốm Quyết Thành; làng nghề truyền thống sản xuất rượu Vọc. Những nghề mới được đưa về tỉnh như nứa ghép sơn mài đang phát triển khá mạnh ở Bình Lục; nghề đan bẹ chuối, bèo lục phát triển mạnh ở Lý Nhân; nghề khảm vỏ trứng sơn mài xuất khẩu phát triển mạnh ở Kim Bảng.

Tham dự Hội thảo, đại diện cho các xã, thôn đã phát biểu đề cập đến một số khó khăn khi đưa nghề về làng là: đầu ra cho sản phẩm; thị trường không ổn định; bị doanh nghiệp thu mua ép giá; một số nghề như cơ khí, mộc vốn ít và không có điều kiện đầu tư; trình độ của các lao động phần nhiều chỉ ở mức trung bình, nhất là đối với nghề mây, giang, đan. Tuy nhiên, việc phát triển các nghề cần phải phù hợp hoàn cảnh, cân bằng, tránh tập trung một nghề cho tất cả các xã, thôn…

Về dự và chỉ đạo Hội thảo, đồng chí Lê Văn Tân yêu cầu: Cần phải tiếp tục đưa nghề về làng và duy trì nghề đó để trở thành làng nghề. Toàn tỉnh hiện nay còn 79 xã chưa được công nhận có làng nghề, trong khi mục tiêu của đề án là đến năm 2010 mỗi xã có ít nhất 1 làng nghề. Thời gian tới, UBND tỉnh thông qua Trung tâm Khuyến công của Sở Công Thương sẽ tiếp tục đầu tư nâng cao trình độ nghề cho người lao động; mở rộng dạy các nghề cơ khí, mộc, may đo… cho tầng lớp lao động trẻ; cho một số hộ vay vốn để mở mang nghề.