Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hà Nam thời cận đại (1873-1945)

Lịch sử - Văn hóa Lịch sử Hà Nam  
Hà Nam thời cận đại (1873-1945)
Đây là thời kỳ đấu tranh bất khuất của dân tộc và xuất hiện một sự kiện quyết định vận mệnh đất nước. Đó là Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập ngày 3/2/1930. Hà Nam là một tỉnh nhỏ nhưng là một trong 5 tỉnh đông dân nhất Bắc Kỳ và là một trong những tỉnh nằm ở trung tâm đồng bằng Bắc Kỳ. Đời sống của nhân dân chủ yếu dựa vào trồng lúa, cuối thế kỷ XIX đã xuất hiện một số đồn điền ở Kim Bảng và Thanh Liêm chủ yếu là trồng cây công nghiệp và chăn nuôi gia súc. Nghề khai thác đá cũng đã phát triển. Các nghề làm thuốc xì gà, làm đồ sừng, quạt giấy, ấp vịt… cũng bắt đầu phát triển. Ở Phủ Lý nhiều cửa hàng cửa hiệu mọc lên. Hệ thống giao thông cũng hình thành các tuyến đường bộ, đường thuỷ. Thời kỳ này đã có 1,3% dân số của tỉnh đi học.
Ngày 20/10/1890, toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập tỉnh Hà Nam, trên cơ sở phủ Lý Nhân được mở rộng thêm. Lúc này tỉnh Hà Nam mới gồm toàn bộ phủ Lý Nhân cũ, hai tổng Mộc Hoàn và Chuyên Nghiệp thuộc huyện Phú Xuyên, phủ Thường Tín tỉnh Hà Nội sáp nhập vào huyện Duy Tiên và 17 xã thuộc huyện Vụ Bản, phủ Nghĩa Hưng, huyện Thượng Nguyên, phủ Xuân Trường tỉnh Nam Định sáp nhập vào phủ Lý Nhân. Như vậy Hà Nam khi mới thành lập là địa bàn của phủ Lý Nhân mở rộng về phía Hà Nội và Nam Định. Lúc này Hà Nam có 5 huyện là Kim Bảng, Thanh Liêm, Lý Nhân, Bình Lục và Duy Tiên.
Ngày 24/10/1908, Hà Nam có thêm châu Lạc Thuỷ chuyển từ Hoà Bình sáp nhập vào. Tháng 5/1953, Trung ương quyết định cắt các huyện phía Bắc tỉnh Nam Định gồm Ý Yên, Vụ Bản, Mỹ Lộc và 7 xã phía Bắc Nghĩa Hưng nhập vào tỉnh Hà Nam, chuyển châu Lạc Thủy về tỉnh Hoà Bình. Tháng 4/1956, sau giảm tô và cải cách ruộng đất, 3 huyện Ý Yên, Vụ Bản, Mỹ Lộc và 7 xã của Nghĩa Hưng sáp nhập trở lại Nam Định. Năm 1965, Hà Nam và Nam Định sáp nhập thành tỉnh Nam Hà. Đầu 1976, Nam Hà sáp nhập với Ninh Bình thành tỉnh Hà Nam Ninh. Năm 1992, tỉnh Hà Nam Ninh chia tách thành Nam Hà và Ninh Bình. Năm 1997 Nam Hà chia tách thành Hà Nam và Nam Định. Lúc này Hà Nam gồm 5 huyện là Kim Bảng, Duy Tiên, Thanh Liêm, Lý Nhân, Bình Lục và thị xã Phủ Lý. Toàn tỉnh gồm 114 xã, phường, thị trấn.
Phong trào đấu tranh chống Pháp ở Hà Nam nổi lên Đinh Công Tráng, linh hồn của khởi nghĩa Ba Đình ở Thanh Hóa, khởi nghĩa Đề Yên nhưng đều thất bại.
Thời kỳ này Hà Nam đã xuất hiện giai cấp công nhân. Năm 1930, số lượng công nhân của Hà Nam là 1.400 người, chủ yếu ở đồn điền, công trường đá và ga Phủ Lý.
Đồng chí Nguyễn Hữu Tiến
Năm 1927, Trần Tử Yến là sinh viên cao đẳng thương mại Đông Dương là Hội viên của Việt Nam Cách mạng thanh niên về Lũng Xuyên (Duy Tiên) dạy học, tại đây ông cùng Nguyễn Hữu Tiến, Vũ Hưng Uyển thành lập chi hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tại đình Lũng Xuyên.
Tháng 10/1929 đồng chí Lê Công Thanh được cử về Hà Nam xây dựng các chi bộ Đảng. Tháng 10/1930 tỉnh uỷ lâm thời được thành lập. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ phong trào cách mạng của Hà Nam bước những bước tiến mới. Giai đoạn 1930 - 1939 phải kể đến tiếng trống của nông dân Bồ Đề (Bình Lục), rồi phong trào tiếp thu sách báo cách mạng rầm rộ. Nguyễn Thượng Cát lược dịch Tư bản luận in thành 3 tập. Nông dân chống phụ thu lạm bổ, chống địa chủ cường hào…
Thời kỳ 1939-1945 là thời kỳ đỉnh cao dẫn đến khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn quốc và ở Hà Nam. Ở Hà Nội trong 5 ngày từ 20-24/8/1945 khởi nghĩa nổ ra ở tất cả các huyện thị và giành thắng lợi giòn giã.
Cuộc đấu tranh bảo vệ và củng cố chính quyền cách mạng của nhân dân Hà Nam cùng cả nước diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm thành công không boa lâu thì giặc Pháp trở lại xâm lược nước ta. Nhân dân Hà Nam cùng quân dân cả nước xây dựng làng chiến đấu, củng cố hậu phương, đấu tranh không khoan nhượng với kẻ thù. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp quân và dân Hà Nam đã đánh hơn 10.000 trận lớn nhỏ, diệt hơn 40.000 tên địch.
Nhân dân Hà Nam còn tích cực tăng gia sản xuất xây dựng nền kinh tế tự túc, tự cấp để nuôi quân kháng chiến và góp phần cùng cả nước làm nên Điện Biên lịch sử. 9 năm kháng chiến chống Pháp quân và dân Hà Nam đã làm nên những thắng lợi hết sức vẻ vang, góp phần vào thắng lợi chung của cả nước, đưa lịch sử nước ta sang một thời kỳ mới: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà.
Ngày 3/7/1954, Hà Nam hoàn toàn được giải phóng. Ngày 13/7/1954 Thường vụ Tỉnh uỷ họp quyết định một số nhiệm vụ và giải pháp trước mắt nhằm ổn định tình hình, nhân dân Hà Nam bắt tay vào xây dựng chủ nghĩa xã hội, kinh tế được khôi phục, cuộc sống của nhân dân từng bước ổn định sau những năm chiến tranh gian khổ, quốc phòng an ninh được củng cố và tăng cường, trật tự trị an xã hội được giữ vững.
Máy bay Mỹ ném bom miền Bắc
10 năm xây dựng và phát triển kinh tế (1954- 1964) đã tạo dựng một xã hội đổi mới toàn diện thì 5-8-1964 Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc. Thị xã Phủ Lý là địa bàn huỷ diệt bởi bom Mỹ. Nhân dân Hà Nam với tinh thần "vừa sản xuất vừa chiến đấu" quyết bám trụ kiên cường và chiến thắng vẻ vang. Thắng cuộc chiến tranh phá hoại, thắng lợi trên mặt trận sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tích cực chi viện nhân lực vật liệu cho chiến trường miền Nam.
Hình ảnh quen thuộc thời chống Mỹ
Rồi Mỹ lại tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ 2 với cường độ ác liệt hơn lần thứ nhất. Thị xã Phủ Lý lại gồng mình hứng chịu những trận bom Mỹ từ tháng 4 đến tháng 10/1972 Mỹ đã đánh vào Hà Nam tới 633 trận với hơn 1.300 máy bay các loại. Trong 2 cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ quân và dân Hà Nam đã chiến đấu hơn 500 trận bắn rơi tại chỗ 13 máy bay Mỹ. Cùng với việc đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ Hà Nam còn tích cực chi viện cho tiền tuyến lớn: hơn 60.000 thanh niên nhập ngũ, hơn 3.000 thanh niên xung xong cùng hàng ngàn tấn lương thực thực phẩm chi viện cho chiến trường.
Ngày 30/4/1975 đất nước giải phóng, nhân dân Hà Nam lại đoàn kết, phấn đấu vươn lên khắc phục khó khăn cùng cả nước xây dựng chủ nghĩa xã hội.