Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hà Nam từ 1975 - 1996

Lịch sử - Văn hóa Lịch sử Hà Nam  
Hà Nam từ 1975 - 1996
Giai đoạn 1975-1985 là thời kỳ Hà Nam cùng cả nước thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ 2 (1975-1980), bảo vệ biên giới Tổ quốc và từng bước tháo gỡ khó khăn, phát triển kinh tế - văn hóa xã hội (1981-1985). Mười năm (1975-1985) là chặng đường đầy khó khăn đối với cả nước nói chung và Hà Nam nói riêng trong bối cảnh trong nước và quốc tế có những diễn biến phức tạp, kinh tế xã hội gặp những khó khăn gay gắt, sản xuất tăng chậm, hiệu quả sản xuất chưa cao, phân phối lưu thông còn lúng túng, đời sống nhân dân còn nghèo, các hiện tượng tiêu cực xảy ra nhiều, nhưng Hà Nam vẫn đạt được một số thành tựu quan trọng.
Hà Nam nhiều năm liền được mùa lúa
Trên  lĩnh vực sản xuất nông nghiệp với trọng tâm là giải quyết tốt vấn đề lương thực, Hà Nam đã tập trung lực lượng hoàn chỉnh hệ thống thuỷ nông, tổ chức lại các HTX, mở rộng diện tích trồng hoa màu, phát triển chăn nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để thâm canh tăng vụ. Kết quả đến năm 1978 hàng trăm HTX  trong tỉnh đạt 5 tấn/ha, các huyện cung cấp hàng vạn tấn lương thực cho Nhà nước. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp giữ vững nhịp độ tăng trưởng cả số lượng và chất lượng. Giáo dục phổ thông phát triển nhanh và đồng đều. Hoạt động văn hóa thông tin, y tế, thể dục thể thao được mở rộng tăng cường về cơ sở.
Tháng 2 năm 1979 chiến tranh biên giới phía Bắc bùng nổ đã ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình kinh tế xã hội cả nước nói chung và Hà Nam nói riêng. Một lần nữa nhân dân Hà Nam lại dấy lên phong trào tòng quân đánh giặc. Các đợt tuyển quân đều vượt mức kế hoạch, thực hiện nếp sống quân sự hoá. Lực lượng vũ trang địa phương đượ bổ sung kế hoạch phương án an ninh quốc phòng phù hợp với tình hình sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu.
Những năm đầu thập kỷ 80 Hà Nam cùng cả nước thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ 3 trong tình hình quốc tế có nhiều biến động. Đó là khó khăn về vật tư nguyên liệu, thực phẩm, sự bất ổn định giá cả, lạm phát với tốc độ phi mã thêm vào đó là khó khăn do thiên tai gây ra. Chỉ thị 100/CT/TW ngày 13 tháng 1 năm 1981 là phương thức hữu hiệu thúc đẩy tính chủ động sáng tạo trong sản xuất và phân phối đưa nông nghiệp thoát khỏi trì trệ.
Từ năm 1981 đến 1985 hệ số sử dụng đất tăng từ 1,5 lần lên 1,76 lần. Sản lượng lương thực năm sau cao hơn năm trước. Công nghiệp tiểu thủ công nghiệp thời kỳ này cơ bản bảo đảm việc làm cho người lao động. Tuy nhiên các địa phương lại chú trọng công tác xuất nhập khẩu với mặt hàng chủ lực là đay, lạc, tỏi, vừng. Sự nghiệp giáo dục được duy trì và chuyển hướng tích cực theo mục tiêu cải cách giáo dục. Cuộc vận động 5 dứt điểm về y tế được duy trì và đẩy mạnh. Thực hiện có hiệu quả đông tây y kết hợp trong khám và điều trị. Các hoạt động văn hóa thông tin, văn học nghệ thuật, phát thanh truyền thanh, báo chí xuất bản có cải tiến tích cực trong việc cải tiến hướng về cơ sở, nhạy bén với cái mới, đáp ứng nhiệm vụ chính trị ở địa phương.
Xí nghiệp thêu ren
(Thanh Hà - Thanh Liêm)
Năm 1986, bắt đầu sự nghiệp đổi mới, cơ chế tập trung quan liêu bao cấp bị xoá bỏ tạo điều kiện thuận lợi để nền kinh tế nhiều thành phần phát triển. Cơ cấu kinh tế và cơ cấu đầu tư có sự chuyển biến theo hướng tập trung vào 4 chương trình kinh tế - xã hội. Các hoạt động văn hóa - xã hội, khoa học kỹ thuật, y tế được đẩy mạnh. Nông nghiệp tăng đáng kể, công nghiệp tiểu thủ công nghiệp trong quá trình chuyển đổi có nhiều bỡ ngỡ nhưng đã có những chuyển biến tích cực. Kinh tế ngoài quốc doanh đã có bước phát triển ban đầu thu hút nhiều lao động. Hoạt động tài chính ngân hàng bước đầu đã chuyển theo cơ chế mới.
Một góc công viên ở thị xã Phủ Lý
Cuối 1996, sản xuất nông nghiệp Hà Nam đạt giá trị tổng sản lượng 960,84 tỷ đồng, trong đó sản xuất lương thực đạt 319.435 tấn. Bình quân lương thực đạt 402 kg/người. Ngoài lúa các cây trồng khác cũng tăng trưởng mạnh như: ngô, đậu, lạc… Đàn gia súc gia cầm tăng từ 3 đến 5% mỗi năm. Các diện tích mặt nước đều tận dụng để nuôi trồng thuỷ sản. Công tác phòng chống bão lụt được quan tâm: hàng nghìn cây tre được trồng để bảo vệ các tuyến đê, hàng triệu mét khối đất được đào đắp, nạo vét, hàng vạn mét khối đá được được kè kênh mương bờ đê, mái đê.
Đường phố bình yên
Trên lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp từ 1991 đến 1996 mặc dù vẫn còn gặp nhiều khó khăn về nguyên liệu, vật tư… những một số sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp vẫn được giữ vững và ngày càng có uy tín như: thêu Thanh Hà, đá Kiện Khê, dũa An Đổ, hàng tre đan Ngọc Động, sợi dệt Đại Thành…
Giá trị sản xuất công nghiệp năm 1996 đạt 286,75 tỷ, trong công nghiệp Trung ương đạt 19,11 tỷ, công nghiệp địa phương đạt 267,64 tỷ đồng. Thời gian này xuất hiện doanh nghiệp tư nhân bao gồm 9 cơ sở thu hút gần 400 lao động.