Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hà Nam đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp

Các ngành kinh tế Khoa học - Công nghệ  
Hà Nam đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp
Những năm qua, hoạt động ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong phát triển nông nghiệp tỉnh Hà Nam được đẩy mạnh và có bước phát triển đáng ghi nhận. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được tỉnh quan tâm và thường xuyên chỉ đạo thực hiện là triển khai ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp. Trong vòng 5 năm trở lại đây, nhiều đề án được ngành nông nghiệp triển khai có hiệu quả: Đề án Giảm thiểu ô nhiễm môi trường bằng công nghệ sinh học trong chăn nuôi lợn giai đoạn 2011 - 2015; Đề án Phát triển sản xuất nấm ăn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2012 - 2015; Đề án Phát triển lúa gieo thẳng tỉnh Hà Nam giai đoạn 2012 - 2015... từ đó tạo ra phong trào ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu sản xuất và lao động nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Trong lĩnh vực trồng trọt, Hà Nam đã tiến hành thử nghiệm nhiều giống lúa mới theo vùng sinh thái, tuyển chọn đưa vào gieo cấy đại trà trên địa bàn tỉnh. Ngành Nông nghiệp đã triển khai nhiều dự án khảo nghiệm các giống cây trồng mới: Dự án Xây dựng mô hình Lúa N97 vụ mùa; Dự án Xây dựng mô hình thâm canh giống Ngô lai Bioseed 06; Dự án Xây dựng mô hình trồng đậu tương sử dụng phân bón lá… Từ những dự án trên, hàng chục giống cây trồng được đưa vào sản xuất cho năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện của địa phương và góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn Hà Nam. Đặc biệt, Hà Nam đã tiếp thu áp dụng thành công công nghệ sản xuất hạt giống lúa lai F1, giúp nông dân chủ động giống lúa lai chất lượng tốt, giả rẻ hơn so với giống nhập ngoại. Diện tích lúa lai được duy trì đạt 50 - 60% trong vụ Xuân, 20 - 25% diện tích vụ Mùa; diện tích gieo cấy các giống lúa chất lượng cao được mở rộng tăng từ 25% lên đến 30% diện tích. Năm 2012, ngành Nông nghiệp đã triển khai Đề án Phát triển sản xuất nấm ăn giai đoạn 2012 - 2015 với mục tiêu phát triển nghề sản xuất mới, giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân bằng sản phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, hiệu quả kinh tế và có khả năng xuất khẩu, đồng thời giảm ô nhiễm môi trường, tạo nguồn phân bón hữu cơ cho đồng ruộng. Năm 2012, toàn tỉnh có 86 hộ đã triển khai sản xuất nấm ăn, giá trị thu được ước đạt 3.264.000.000 đồng. Năm 2013, toàn tỉnh có 230 hộ với 276 mô hình sản xuất các loại nấm ăn, sản lượng đạt trên 250 tấn. Cùng với đó, Đề án Phát triển lúa gieo thẳng cũng tích cực được triển khai, dần thay thế phương thức sản xuất truyền thống. Năm 2012 diện tích lúa gieo thẳng đạt 7.279 ha, chiếm 10,5% diện tích lúa gieo cấy cả năm, đến năm 2013 là 10.446 ha, chiếm 15,3 % diện tích lúa gieo cấy cả năm. Ngành Nông nghiệp đã nghiên cứu áp dụng rộng rãi các biện pháp và mô hình canh tác tiên tiến, xây dựng các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ hiệu quả cao, mở rộng diện tích cây ăn quả, hoa, rau an toàn.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, Hà Nam tập trung nghiên cứu lựa chọn các giống gia súc, gia cầm với mô hình nuôi phù hợp đạt hiệu quả cao bằng việc ứng dụng công nghệ sinh học, đồng thời tiếp cận công nghệ lai tạo giống mới dần thay thế các giống cũ kém chất lượng. Trong nhng năm từ 2006 – 2012, tốc độ tăng trưởng trong chăn nuôi của tỉnh đạt trên 8%/năm; tỷ trọng chăn nuôi năm 2006 đạt 31,4%, năm 2012 đạt 43%. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng năm 2006 đạt 39,2 nghìn tấn, năm 2009 đạt 61,5 nghìn tấn, năm 2012 đạt trên 64 nghìn tấn, năm 2013 đạt xấp xỉ 68 nghìn tấn. Chương trình nạc hóa đàn lợn đã được triển khai mạnh mẽ ở Hà Nam. Đến nay, tỷ lệ giống lợn siêu nạc chiếm 70 - 75% tổng đàn, đàn lợn ngoại, lợn lai có năng suất, chất lượng tốt, trọng lượng xuất chuồng trong trang trại, gia trại đạt 100 kg/con, tỷ lệ nạc cao trên 50%. Trọng lượng bình quân lợn thịt xuất chuồng năm 2006 đạt 56,1 kg/con, đến năm 2010 đạt 63,8 kg/con, đến năm 2013 đạt 70,1kg/con. Như vậy, trong 07 năm, trọng lượng bình quân lợn thịt xuất chuồng đã tăng khoảng 25% nhờ việc ứng dụng tiến bộ về giống.

 Trong chăn nuôi gia súc gia cầm, việc ứng dụng các tiến bộ về giống đã làm cho ngành chăn nuôi của tỉnh có bước phát triển khá toàn diện. Các giống siêu thịt, siêu trứng đã được áp dụng và đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Do ứng dụng tốt các giống mới mang lại hiệu quả kinh tế nên đàn gia cầm tăng trưởng mạnh, hiện nay tổng đàn gia cầm của tỉnh hàng năm đạt gần 06 triệu con.

Diện tích mặt nước nuôi trồng thuỷ sản của Hà Nam không lớn, song các tiến bộ khoa học và công nghệ mới trong lĩnh vực này cũng được ứng dụng như: mô hình nuôi bán thâm canh cá rô phi đơn tính dòng GIFP, dòng Thái cho năng suất cao từ 08 - 09 tấn/ha; mô hình nuôi bán thâm canh cá rô phi lai xa cho năng suất 10 - 12 tấn/ha; mô hình nuôi bán thâm canh cá trắm đen thương phẩm với năng suất 06 - 07 tấn/ha; mô hình nuôi cá rô đồng năng suất đạt 09-10 tấn/ha; mô hình sử dụng chế phẩm sinh học, chất xử đáy cải tạo môi trường trong nuôi thâm canh cá làm năng suất tăng bình quân khoảng 1,5 - 02 tấn/ha.

Việc ứng dụng tiến bộ khoa học về thuốc bảo vệ thực vật cũng được quan tâm hàng năm, 100% diện tích cây trồng đều được sử dụng đúng chủng loại các loại thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ sâu bệnh. Trên các cây trồng đều được ứng dụng biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp nhằm hạ giá thành sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường do sử dụng thuốc.

Lĩnh vực cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp được quan tâm đặc biệt trong những năm gần đây, việc đưa máy móc vào sản xuất nông nghiệp đã góp phần giải phóng sức lao động của nông dân. Cùng với đó, năng suất, chất lượng cây trồng được nâng cao, thu nhập của các hộ sản xuất nông nghiệp cũng được cải thiện. Hiện nay đối với các cây trồng có 90 - 95% diện tích làm đất được cơ giới hóa; từ 20 - 25% diện tích áp dụng gieo thẳng bằng công cụ sạ hàng.

Công tác sau thu hoạch và bảo quản chế biến cũng được tỉnh và ngành Nông nghiệp tích cực quan tâm đầu tư như hỗ trợ mua máy gặt đập liên hợp... Trong 02 năm 2012, 2013 tỉnh hỗ trợ trên 05 tỷ đồng cho nông dân mua trên 100 máy làm đất và máy gặt đập liên hợp giúp cho việc triển khai mùa vụ trong khung thời vụ tốt nhất, thu hoạch nhanh gọn, nâng cao chất lượng nông sản sau thu hoạch.

Ngoài việc ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ về giống, phân bón, kỹ thuật thâm canh... trong những năm gần đây tỉnh rất quan tâm đến việc phát triển nông nghiệp một cách bền vững, đảm bảo môi trường và phát triển theo hướng an toàn sinh học. Hàng loạt các mô hình trong trồng trọt, chăn nuôi theo hướng VietGAP đã được thực hiện tại Hà Nam, mang lại hiệu quả kinh tế cũng như bước đầu tạo ra các sản phẩm an toàn. Điển hình là các mô hình trồng rau an toàn tại Hạ Vỹ (Lý Nhân), Hưng Công (huyện Bình Lục), trồng rau hữu cơ Phù Vân (Phủ Lý) và các mô hình chăn nuôi lợn, chăn nuôi gia cầm theo quy trình VietGAHP, nuôi thâm canh cá theo hướng VietGAP... Đặc biệt  mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm trên nền đệm lót sinh học đã góp phần khôi phục lại chăn nuôi nông hộ, tăng thu nhập cho người dân, hạn chế ô nhiễm môi trường. Đến hết năm 2013, toàn tỉnh đã xây dựng trên 3.000 mô hình với diện tích 55.370 m2 chuồng nuôi. Dự kiến năm 2014, toàn tỉnh sẽ xây dựng mới khoảng 2.000 mô hình đệm lót sinh học.

Có thể thấy, việc nghiên cứu và đưa vào ứng dụng thành công các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế ngành nông nghiệp nói riêng và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Đồng thời, việc đưa những ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp cũng tạo ra bước đột phá về năng suất, chất lượng của các sản phẩm nông nghiệp, tạo ra các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, nâng cao hiệu quả sản xuất của ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người nông dân./.