Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hội thảo về các giải pháp quản lý, ứng dụng và phát triển cát nhân tạo trong lĩnh vực xây dựng trên địa bàn tỉnh

Tin theo lĩnh vực Xây dựng  
Hội thảo về các giải pháp quản lý, ứng dụng và phát triển cát nhân tạo trong lĩnh vực xây dựng trên địa bàn tỉnh
Sáng ngày 14/11/2017, UBND tỉnh tổ chức hội thảo về các giải pháp quản lý, ứng dụng và phát triển cát nhân tạo trong lĩnh vực xây dựng trên địa bàn tỉnh.

Về dự có ông Vũ Đại Thắng - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Tiến sỹ Lê Văn Cư - Viện trưởng Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng); ông Phạm Văn Bắc - Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng); lãnh đạo, chuyên viên các vụ thuộc Bộ Xây dựng; lãnh đạo các sở, ban, ngành, huyện, thành phố...

Các đại biểu dự hội thảo

Tại hội thảo, lãnh đạo Sở Xây dựng đã báo cáo tình hình khai thác cát tự nhiên và tình hình đầu tư sản xuất cát nhân tạo trên địa bàn tỉnh. Theo quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh Hà Nam có 06 mỏ khai thác cát xây dựng, cát san lấp diện tích khoảng 269,9 ha với trữ lượng 14.480.580 m3. Nhưng do phát triển đàn bò sữa, phát triển cảng trên sông Hồng và một số quy hoạch chuyên ngành khác đến nay chỉ còn 04 mỏ với diện tích khoảng 178,2 ha, trữ lượng 10.932.580 m3. Như vậy, với trữ lượng cát tự nhiên nếu khai thác đáp ứng đủ nhu cầu xây dựng thì chỉ trong vòng 05 đến 06 năm nữa nguồn cát trên địa bàn tỉnh sẽ bị cạn kiệt. Do vậy việc nghiên cứu, có giải pháp để quản lý, sử dụng cát nhân tạo (cát nghiền) thay thế cát tự nhiên trong thời gian tới là cần thiết.

Tiến sỹ Lê Văn Cư - Viện trưởng Viện Kinh tế xây dựng phát biểu tại hội thảo

Về tình hình đầu tư và sản xuất cát nhân tạo, hiện tại trên địa bàn tỉnh có 03 doanh nghiệp đã đầu tư và hoàn thành đi vào sản xuất cát nhân tạo với tổng công suất 750.000 m3/năm; 01 cơ sở có công suất 150.000 m3/năm đã có quyết định chủ trương đầu tư và tiến độ hoàn thành trong tháng 8/2018; 02 công ty đang trình xin chủ trương đầu tư và 03 cơ sở đang có nghiên cứu, đề xuất chủ trương đầu tư với tổng công suất 450.000 m3/năm. Dự kiến, các dự án hoàn thành đi vào hoạt động, trên địa bàn tỉnh sẽ có 09 dây chuyền sản xuất với tổng công suất thiết kế khoảng 1.500.000 m3/năm.

Ông Phạm Văn Bắc - Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng phát biểu tại hội thảo

Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu cho rằng cát nhân tạo hoàn toàn có thể thay thế cát tự nhiên. Cát nhân tạo có ưu điểm nổi trội là ít tạp chất, độ bám dính cao hơn cát tự nhiên, giá thành sản xuất cát nhân tạo có thể cạnh tranh với cát tự nhiên, đã được kiểm chứng về chất lượng tại một số công trình xây dựng lớn. Đặc biệt, cát nhân tạo góp phần giảm thiểu ảnh hưởng môi trường, rút ngắn thời gian thi công và tăng tuổi thọ công trình. Nhiều đại biểu cũng thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, bất cập trong đầu tư sản xuất, sử dụng cát nhân tạo như: Mức độ tiêu thụ và sử dụng vào công trình xây dựng còn hạn chế; tình trạng khai thác trộm cát tự nhiên và bán với mức giá thấp vẫn còn diễn ra, do vậy ảnh hưởng nhiều đến việc tiêu thụ của cát nhân tạo; người tiêu dùng vẫn còn nghi ngại về chất lượng do chưa được tuyên truyền rộng rãi về kết quả thực nghiệm, chất lượng cát nhân tạo. Để cát nhân tạo thay thế cát tự nhiên, có chỗ đứng trên thị trường, một số đại biểu cho rằng Nhà nước nên có chính sách khuyến khích đầu tư hoặc ưu đãi thuế cho các đơn vị sản xuất cát nhân tạo...

  Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Đại Thắng phát biểu kết luận hội thảo

Phát biểu kết luận buổi hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Đại Thắng bày tỏ mong muốn Bộ Xây dựng sớm ban hành định mức sử dụng cát nhân tạo để hình thành đơn giá, hỗ trợ về mặt pháp lý, chuẩn hóa các văn bản liên quan; lồng ghép truyền thông trên mọi phương diện để người dân hiểu biết đầy đủ, quan tâm chất lượng công trình, từ bỏ thói quen dùng cát trôi nổi, kém chất lượng, tiếp tay cho cát tặc, tàn phá môi trường. Về công tác quy hoạch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết Hà Nam sẽ có quy hoạch sớm nhất vùng cát nhân tạo tránh tình trạng cung vượt quá cầu, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp. Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu để xây dựng thương hiệu cát nhân tạo Hà Nam./.

 

Nguyễn Yến