Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Lễ hội thả diều

Lịch sử - Văn hóa Lễ hội  
Lễ hội thả diều

Hội thi thả diều được tổ chức tại làng Đại Hoàng, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, Hà Nam.

Làng Đại Hoàng từ xưa đã có hội thả diều để mừng được mùa và cầu mong an khang thịnh vượng.

Địa điểm tổ chức thi thả diều ở đình nội, đình ngoại và đình trong. Phía trước đình là hồ cá và đầm sen, trước nữa là cánh đồng làng đất cát pha, tháng năm sau vụ gặp rất khô ráo và bằng phẳng. Khu đình, hồ cá, đầm sen, đông làng đều hướng về phía đông nam. Do vậy, khi đàn diều no gió bay lên cao thì diều theo gió đông nam mà hướng về phía đình thờ thành hoàng, trông giống như đàn chim bay về tổ.

Trước đình làng có một cổng lớn, trên nóc cổng có phù điêu bọc trứng rồng tượng trưng cho cộng đồng tổ tiên nòi giống Việt. Cột cờ là một cây gỗ lim đồ sộ, một người ôm không xuể, được đặt trên một bẹ đá lớn. Trên đỉnh cột cờ có hình một con chim lớn, kéo dải cờ đào dài 20m bay trên cao.

Mười bốn giáp trong làng đều tham gia thi thả diều, mỗi làng có một mẫu riêng để dễ phân biệt. Việc làm diều được chuẩn bị chu đáo từ tháng 11 âm lịch năm trước. Các cụ già thường chọn các cây tre già dài, thẳng, mịn đã rụng hết lá để pha, chẻ, chuốt thanh các nẹp để làm khung diều, gác lên bếp hong cho khô tới tháng 5 năm sau. Vào tháng 4, các cụ còn lấy nhựa từ từ trái hồng non làm keo dính dán bồi giấy, dán giấy lên khung diều. Dây diều to được xe bằng tơ tằm, dây diều nhỏ được kết bằng chỉ khâu. Ngoài ra còn phải làm một ống suốt cực lớn, hai đầu có bánh xe để cuộn dây, nhả dây nhanh.

Hình dáng của diều làng Đại Hoàng đều có hình thoi, phẳng. Khi diều bay trên cao, cánh phẳng, thanh thoát, khi diều hạ cánh, cánh diều lao vút như một mũi kiếm đâm xuyên lòng đất.

Sáng ngày 15/5 âm lịch, làng bắt đầu thi diều lớn. Một hồi trống chiêng nổi lên giòn giã. Ban chủ khảo và các đấu thủ đền ăn mặc đẹp, đầu chít khăn, áo dài, quần bó, thẳng lưng ngũ sắc. Mỗi đội dự thi có 3 người tham gia, một người cầm dây diều, một người điều khiển diều, một người đâm diều lên cao. Khi các đấu thủ đã đứng vào vị trí trên cánh đồng làng, ban chủ khảo thắp hương để tính giờ. Một hồi trống nổi lên, loa bắt đầu gọi, diều được đồng loạt lao lên, ăn dây. Người điều khiển phải giật dây, chỉnh cho diều lên thật từ từ. Khi no gió, diều lao vút lên cao, đậu trên tầng không, nhỏ dần, nhỏ dần đến khi trông như một chiếc lá. Tiếp đó lại một hồi trống nữa, có tiếng loa truyền: Loa! Loa! Các diều đấu dây vào nhau để bắt đầu chấm giải. Trên cánh đồng, các đấu thủ đi về một điểm. Trong sân đình, ban chủ khảo bàn bạc để chấm giải diều. Tiếp đó, diều được lệnh cho hạ cánh. Cách mặt đất chừng 30m, diều được điều khiển sao cho lao xuống như một mũi tên bắn thẳng, cắm đứng trên cánh đồng. Xong xuôi các đấu thủ cùng về sân đình nghe chủ khảo tuyên bố giải.

Cuộc chơi kết thúc nhưng niềm vui và sự hưng phấn còn đọng mãi trong những đấu thủ và người xem. Họ đã được thả hồn trong sự bay lượn phóng khoáng của những cánh diều trên bầu trời thanh cao, họ còn được sống trong những phút hồi hộp cùng với các đấu thủ để chờ xem giải. Đó là những giây phút hiếm hoi giúp con người thoát ra khỏi cuộc sống đều đặn thường nhật để vươn tới những thăng hoa tinh thần đầy hứng khởi, giúp mỗi một người hòa nhập một cách trọn vẹn vào với cộng đồng. Đối với người Việt Nam nhu cầu về sự thức tỉnh tính cộng đồng trong mỗi con người tùy từng lúc có những biểu hiện khác nhau nhưng có lẽ chưa bao giờ nguội lạnh. Chính vì vậy mà hội hè vẫn luôn có một sức hấp dẫn mạnh mẽ.