Cũng như nhiều nơi khác trên đất Việt Nam, Hà Nam có rất nhiều nơi thờ các nhân vật lịch sử, phổ biến nhất là ở ngôi đình làng.
Đình là trung tâm văn hóa tinh thần của làng, nơi giữ gìn các giá trị tinh thần mà cộng đồng làng đã đúc kết trong cuộc sống chung, trong sự chống chọi với vô vàn thử thách của thiên tai và giặc dã. Trong cuộc đối chọi nhiều khi không cân sức đó, mỗi một cộng đồng nhỏ bé đã tìm thấy cho mình một vị anh hùng, người từ chỗ có công đã giúp họ vượt qua những thử thách khốc liệt của hoàn cảnh (như mở làng lập ấp, chống thiên tai, đánh giặc, chữa dịch bệnh…) đã trở thành chỗ dựa về mặt tinh thần của cả cộng đồng, có thể chở che cho họ trong những phen nguy khốn, trở thành biểu tượng của cái thiêng có thực giữa cuộc sống phàm trần có sức nâng đỡ con người vượt qua sự hữu hạn của chính bản thân họ để hướng tới khát vọng về cái phúc cao cả. Vì vậy, vị thành hoàng mà ngôi đình làng thờ cúng có một uy lực tuyệt đối đối với dân làng. Trong hoàn cảnh Việt Nam, vị thành hoàng ấy, cùng với quá trình sống dài lâu của một làng, thường hiện diện ở bể nổi là những nhân vật lịch sử. Vì vậy, lễ hội đình thường là lễ hội tưởng niệm một nhân viên lịch sử liên quan tới làng.
Ngoài ra, có một số nhân vật lịch sử được thờ ở đền. Đó thường là những nhân vật lịch sử mà công lao, vai trò, ý nghĩa của họ vượt khỏi phạm vi của một địa phương cụ thể mà mang tầm quốc gia dân tộc (ví dụ đền Trần Thương thờ vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, đền Trúc thờ Lý Thường Kiệt).
Việc các địa phương lập thờ nhân vật lịch sử đó không phải ngẫu nhiên mà là do vùng đất ấy có những mối quan hệ cụ thể với nhân vật lịch sử được thờ, chẳng hạn có khi là quê hương, có khi là nơi sinh hoặc nơi hóa của vị anh hùng, có khi đó là địa điểm ghi dấu chiến công hoặc những sự kiện có thật mà sinh thời người anh hùng đã in dấu tại địa phương đó… Do chồng chất nhiều tầng văn hóa, trong lễ hội các nhân vật lịch sử có thể tiềm ẩn nhiều vỉa tầng văn hóa được chưng cất, được tích tụ nhiều đời thông qua những biểu tượng.