Chùa Đọi Sơn hay còn gọi là Long Đọi Sơn tự toạ lạc tại xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.
Từ thị trấn Đồng Văn, theo quốc lộ 60A, đi 8 km là đến ngã ba thị trấn Hòa Mạc, đi thẳng 6 km nữa là tới di tích.
Chùa nằm trên một quả núi giữa đồng bằng với độ cao gần 300 mét, địa thế và phong cảnh nơi đây rất đẹp. Phía Đông có dòng sông Châu uốn lượn như một dải lụa ôm ấp những cánh đồng lúa xanh. Hai bên bờ sông là các xã Tiên Phong, Yên Nam… bát ngát bãi mía, nương dâu. Đứng trên đỉnh núi Đọi nhìn xuống, trông xa phong cảnh tựa như bức tranh thuỷ mạc. Sát chân núi là làng xóm, dân cư đông đúc và trù phú.
Căn cứ vào các tư liệu còn lại thì chùa Đọi được xây dựng vào thời Lý. Ngôi chùa do vua Lý Nhân Tông trực tiếp tìm địa điểm và ra lệnh cho xây dựng. Công trình làm trong bốn năm, bắt đầu từ năm 1118 và hoàn tất mọi công việc vào năm 1122. Đến nay, chùa đã qua nhiều lần tu sửa, lần tu sửa lớn là vào năm 1958 đã hoàn tất công trình chính tại đây. Chùa Đọi được xây dựng theo kiểu chữ đinh, bao gồm 7 gian bái đường và ba gian thượng điện. Hệ thống vì kèo làm theo kiểu chồng đấu giá chiêng, cột cái đường kính 30 cm, chân tảng kê đá cổ bồng, xà và hoành vuông, mái lợp ngói ta. Xung quanh xây tường gạch, năm gian giữa nhà bái đường được lắp cánh cửa bức bàn bằng gỗ lim. Bên trái chùa song song với nhà thượng điện là năm gian nhà tổ, cột bằng đá vuông, tường gạch, lợp ngói ta. Nối liền nhà tổ là bốn gian tăng phòng, nơi ở của các nhà sư trụ trì. Nhà khách đối diện với nhà tổ qua một sân lát gạch. Nhà tổ, nhà khách, tăng phòng tạo thành hình chữ U có chung một sân gạch ở giữa. Bên phải chùa chính là phủ thờ Liễu Hạnh công chúa. Tuy các công trình kiến trúc tại chùa phần chạm khắc không nhiều, hoa văn không phong phú nhưng mang đậm tính lịch sử và vẻ đẹp cổ kính.
Chùa hiện nay có nhiều di vật có giá trị như: Bia Sùng thiện diên linh được khắc năm 1121. Bia cao 2m50, rộng 1m65, dầy 0m30. Đây là một tấm bia được trang trí đẹp, trán, diềm và cạnh bia đều lấy hình rồng để trang trí. Những con rồng ở đây tuy kích thước và bố cục có khác nhau, nhưng đều được nghiên cứu kỹ từ chi tiết cho đến toàn thể để tạo ra sự thống nhất cũng như đăng đối một cách linh hoạt. Bệ bia là một khối đá hình chữ nhật dài 2m40, rộng 1m90, cao 0m50. Bia Sùng thiện diên linh không chỉ có giá trị cao về mặt nội dung mà còn là một tấm bia có giá trị về mặt nghệ thuật. Đây là một tấm bia quý hiếm của thời Lý còn lại đến ngày nay. Hiện nay, chùa Đọi Sơn còn sáu pho tượng kim cương, trong đó có những pho mất đầu hoặc bị sứt gẫy các bộ phận đã được tu sửa lại. Các pho tượng kim cương ở chùa Đọi Sơn có kích thước xấp xỉ nhau, cao bằng người thực, khoảng 1m60, đứng chống gươm trước bụng, tượng tạo bằng đá khối, có mối liên quan mật thiết với các công trình tôn giáo và đã có những đóng góp quan trọng về mặt thẩm mỹ cho công trình. Trong số những di vật điêu khắc đá được phát hiện ở chùa Đọi Sơn phải kể thêm tượng đầu người mình chim, mang hình tượng thần thoại trong nghệ thuật Ấn Độ. Tượng được tạc từ đá ráp, cao 40 cm, phần trên tượng là hình người còn nửa dưới là hình chim, chân có móng, đuôi nhiều lông cao vút hẳn lên. Toàn bộ pho tượng thần thoại này được thể hiện khá công phu. Tượng có cấu trúc độc đáo, kỳ dị, nhưng phong cách thoải mái. Nói đến các di vật của chùa Đọi không thể không kể đến những mảnh gốm trang trí kiến trúc. Những viên gạch đất nung có hình vũ nữ, mỗi viên đều có hai hình người đang múa. Chúng có kích thước trung bình cao 0m15, dài 0m22, dầy 0m08. Gốm đất nung có trang trí hình rồng, loại gạch này có chiều dài 0m24, cao 0m10 được nung già, có màu đỏ. Viên gạch được khắc trọn một con rồng. Những loại gạch đất nung có hình trang trí khắc nổi hẳn lên, được gắn vào phía ngoài của các công trình kiến trúc. Chính những thành phần trang trí này đã góp phần làm tăng thêm vẻ thẩm mỹ cho cây tháp và giá trị nghệ thuật cho toàn bộ các công trình ở đây. Chùa Đọi Sơn trước đây có rất nhiều tượng phật, nhưng do chiến tranh và thiên nhiên huỷ hoại đến nay không còn được bao nhiêu. Tuy nhiên, chùa còn khá nhiều pho tượng đẹp có giá trị về mặt nghệ thuật, trong đó có pho Di Lặc. Đây là pho tượng bằng đồng, được đúc vào năm 1864. Tượng Di Lặc biểu hiện cho một tương lai tốt đẹp, tươi sáng. Thành công của pho tượng này chính là đã thể hiện được ý đồ tư tưởng đó thông qua một hình tượng nghệ thuật.
Đến thăm di tích chùa Đọi Sơn, du khách sẽ có dịp dự lễ hội của chùa. Lễ hội hàng năm được mở cửa vào các ngày từ 19 đến 21 tháng 3 âm lịch, trong đó ngày 21 là ngày hội chính. Từ sáng sớm, đoàn rước kiệu đã hành lễ từ chân núi lên chùa làm lễ, dâng hương tưởng niệm Lý Nhân Tông, người có công mở mang xây dựng chùa. Sau phần lễ dâng hương là các đội tế nam quan, tế nữ quan tạ ơn Trời Phật. Về phần hội, vào ngày lễ hội, chùa Đọi Sơn có nhiều trò vui được tổ chức như thi nấu cơm, thi dệt vải, bơi thuyền, hát chèo, hát đối, hát giao duyên, hội chọi gà, tổ tôm điếm, múa tứ linh, đấu vật, đánh cờ người.
Lễ hội chùa Đọi Sơn là dịp để nhân dân tưởng nhớ đến những người có công với nhân dân, đồng thời động viên mọi người phấn đấu xây dựng quê hương, đất nước.
Từ lâu, chùa Đọi Sơn vẫn được coi là nơi linh thiêng. Khách đến chùa không chỉ vào những ngày hội, mà những năm gần đây diễn ra hầu như quanh năm. Khách ở nhiều tỉnh thành phố như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định …về đây để được đáp ứng nhiều nhu cầu: tín ngưỡng, tâm linh, tìm hiểu lịch sử, thưởng ngoạn cảnh đẹp…
Nằm giữa đồng bằng, núi Đọi Sơn với độ cao gần 300m đã tạo nên một cảnh quan đặc sắc. Người Hà Nam ngày nay vẫn tự nào vì quê mình có núi Đọi sông Châu. Chùa Đọi đã và đang tạo sức hút đối với du khách xa gần, là một địa chỉ du lịch đầy triển vọng của tỉnh Hà Nam./.