Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Nặng lòng câu hát Lải Lèn

Lịch sử - Văn hóa Di tích lịch sử - văn hóa  
Nặng lòng câu hát Lải Lèn
Chúng tôi tìm về làng Nội (xã Bắc Lý, huyện Lý Nhân) - làng của những câu hát Lải Lèn (Lả Lê, Lải Lê) đặc sắc đúng độ lúa chín đỏ đồng, sen hồng đầy ngát ao chuôm. Trong câu chuyện ngay nơi cửa đình với các cụ bà Lưu Thị Ngần, Khương Thị Hải - những “nàng Lải” hiếm hoi còn lại của những kỳ hội làng múa hát Lải Lèn năm xưa, chúng tôi phần nào được hiểu, được chia sẻ sự trân trọng, niềm tự hào, cũng như sự nuối tiếc đến nặng lòng của người dân xứ này với vốn quý văn hoá dân gian mà ông cha để lại.

Chúng tôi tìm về làng Nội (xã Bắc Lý, huyện Lý Nhân) - làng của những câu hát Lải Lèn (Lả Lê, Lải Lê) đặc sắc đúng độ lúa chín đỏ đồng, sen hồng đầy ngát ao chuôm. Trong câu chuyện ngay nơi cửa đình với các cụ bà Lưu Thị Ngần, Khương Thị Hải - những “nàng Lải” hiếm hoi còn lại của những kỳ hội làng múa hát Lải Lèn năm xưa, chúng tôi phần nào được hiểu, được chia sẻ sự trân trọng, niềm tự hào, cũng như sự nuối tiếc đến nặng lòng của người dân xứ này với vốn quý văn hoá dân gian mà ông cha để lại.

Cũng như múa hát Dặm Quyển Sơn (Kim Bảng), múa hát Lải Lèn là một loại hình ca múa dân gian lâu đời với những trình thức, khúc thức rất độc đáo. Nhà nghiên cứu Bùi Cường, người đã có gần 40 năm nghiên cứu sưu tầm, biên soạn văn hoá, văn nghệ dân gian đã tập hợp được khoảng 30 khúc điệu của múa hát Lải Lèn. Về nguồn gốc của tục múa hát Lải Lèn, chuyện xưa truyền lại rằng: Cách đây hơn 1.000 năm, tổng Yên Trạch, phủ Nam Xang (nay là 3 làng: Yên, Đọ, Nội ở Bắc Lý, Lý Nhân) là vùng đất ven sông Hồng nước ngập mênh mông, lau sậy um tùm. Vào thế kỷ thứ VI, Triệu Quang Phục lúc đó đang giúp Lý Nam Đế đánh đuổi giặc Lương đã lấy đầm Dạ Trạch (nay thuộc Châu Giang, Hưng Yên) làm căn cứ chống giặc. Nằm ở vị trí cách đầm Dạ Trạch không xa, lại tiện sông nước, việc đi lại thuận lợi, tổng Yên Trạch được Triệu Quang Phục chọn làm vành đai bảo vệ, tiếp tế cho vùng căn cứ. Sau khi chiến thắng giặc Lương, lên ngôi vua, Triệu Việt Vương đã về thăm lại vùng đất Yên Trạch. Nhân dân mừng rỡ đón rước rất long trọng và múa hát Lải Lèn là một trong những nghi thức long trọng đó. Sau khi vua mất, người dân trong 3 làng cùng lập đền thờ, quanh năm hương khói. Múa hát Lải Lèn và nghi lễ dâng rượu đón mừng chính thức trở thành tục múa hát thờ thần. Cùng đó, tục chạy ngựa, bơi chải cũng trở thành tích trò diễn xướng nhằm mô tả tái hiện những cuộc chiến, những thắng lợi của vua tôi họ Triệu. Sau khi có đình làng riêng rẽ cùng thờ chung Triệu Việt Vương, dân ba làng đã đặt ra lệ phân định những nghi lễ mà mỗi làng phải đảm nhiệm cho chu đáo. Lâu dần, lệ phân định đó đã trở thành câu ca truyền tụng của dân cư khắp cả vùng: “Làng Đọ bơi thuyền, làng Yên chạy ngựa, làng Nội múa hát Lải Lèn”.

Cụ bà Lưu Thị Ngần (87 tuổi) giọng không giấu nổi niềm tự hào: Đình làng Nội to đẹp có tiếng, những cột lim kê đá tảng thắt cổ bồng lừng lững uy nghiêm. Cứ vào cữ “hai nhăm tết” là 12 cô gái và 8 chàng trai thanh tân độ tròn đôi tám lại tụ họp ở đình và được các thầy Lải dạy múa hát. Tối mồng 2 tết, mọi nghi thức, giai điệu, lời ca được ôn luyện thật kỹ, thật nhuyễn, chuẩn bị cho ngày mồng 3 chính hội. Cùng với hát múa làng Nội, chạy ngựa làng Yên, đua thuyền làng Đọ làm cho hội làng càng thêm phần náo nức. Thuyền đua làng Đọ theo sông vòng qua trước cửa đình làng Nội trong tiếng reo hò của quan viên, khách họ và dân làng… Thế rồi chiến tranh loạn lạc đã làm đứt đoạn những kỳ hội làng đáng nhớ ấy. Sau khi tỉnh nhà tái lập, năm 1999, cùng với nhiều miền dân ca đặc sắc của quê hương Núi Đọi, Sông Châu, múa hát Lải Lèn thêm một lần được tôn vinh, được ca tụng. Những cảnh múa hát được dựng lại, được ghi hình và lưu truyền rộng rãi với khách gần, khách xa. Khỏi phải nói niềm vui của người dân nơi đây. Thế nhưng cũng chỉ chừng có thế, nhiều năm nay tục múa hát Lải Lèn đã không còn hiện hữu trong những dịp hội làng.

15 thế kỷ đã trôi qua, vùng đất trũng um tùm lau sậy giờ đã thành những làng mạc trù phú đông đúc. Con đê Đại Hà đã giới hạn dòng sông Hồng, giới hạn vùng sông nước giữa Yên Trạch với đầm Dạ Trạch linh thiêng. Những lão ông, lão bà cao tuổi nhất của tổng Yên Trạch bây giờ cũng không thể nhớ hết một cách đầy đủ về số lượng làn điệu, về trình thức, khúc thức của múa hát Lải Lèn. Những nghệ nhân nhiều lứa tuổi của làng Nội, làng Đọ, làng Yên hôm nay không phải ai cũng có thể hình dung một cách tường tận ngữ nghĩa của từng câu hát, từng điệu múa. Thời gian đã làm những lề tục đẹp đẽ một thời cứ phai nhạt dần. Tiếc, lo cho câu hát quê mình, cụ Lưu Thị Ngần đã nhờ đứa chắt nội lớp tiểu học chép lại gần 20 làn điệu Lải Lèn trên trang giấy vở học sinh. Ca từ, ngữ nghĩa dẫu có chỗ chưa đúng, chưa đủ nhưng cũng thấy tấm lòng của một “nàng Lải” đã qua thời xuân sắc. Chưa hết, cụ Lưu Thị Ngần và các cụ Nguyễn Thị Ngoãn, Khương Thị Hải cũng đã từng cùng nhau đứng vai đầu ban truyền dạy cho một vài lứa các con, các cháu thạo hát múa hầu vua mấy kỳ hội làng. Nhưng do tuổi cao, sức mỏi, giờ các cụ chỉ còn biết đành lòng nuối tiếc. Các thầy Lải giờ hầu như đã khuất núi. Con sông trước cửa đình nay đã trở thành làng mạc, nhà chen san sát…

Lải Lèn câu hát dân gian một thời giờ có lẽ chỉ còn là miền ký ức đằm nặng trong tiềm thức của người dân làng Nội, làng Yên, làng Đọ./.