Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Sẽ chính thức tắt sóng truyền hình tương tự tại 4 thành phố trung ương từ 24 giờ ngày 15/8/2016

Tin theo lĩnh vực Số hóa truyền dẫn  
Sẽ chính thức tắt sóng truyền hình tương tự tại 4 thành phố trung ương  từ 24 giờ ngày 15/8/2016
Chiều ngày 12/8/2016, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Đề án Số hóa truyền hình Việt Nam đã họp phiên họp lần thứ 11 để rà soát các công tác trước thời điểm ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất (truyền hình analog) tại 4 thành phố trực trung ương là: Hà Nội, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ. Theo đó, thời điểm chính thức tắt sóng truyền hình tương tự tại 4 thành phố này là 24 giờ ngày 15/8/2016.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Trương Minh Tuấn - Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án Số hóa truyền hình Việt Nam chủ trì phiên họp. Tham dự phiên họp có Phó trưởng Ban Chỉ đạo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm và các thành viên Ban Chỉ đạo.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo, hiện nay, vùng phủ sóng truyền hình số DVB-T2 tại 4 thành phố nêu trên đã đảm bảo lớn hơn hoặc bằng vùng phủ sóng truyền hình tương tự mặt đất. Tại phần lớn các địa bàn đã được phủ sóng truyền hình số mặt đất, số lượng kênh truyền hình có thể thu được từ 26 kênh đến 70 kênh chương trình, trong đó có 5 đến 7 kênh chương trình HD.

 Về hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất, Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích, Bộ TT&TT đã thực hiện việc hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất tới các hộ nghèo, cận nghèo theo quy định tại 4 thành phố trực thuộc Trung ương và địa bàn 19 tỉnh lân cận. Cụ thể: Hà Nội là 34.409 hộ; Cần Thơ là 25.102 hộ; Hải Phòng là 27.706 hộ; một phần địa bàn của 19 tỉnh lân cận: 327.324 hộ. Số lượng hộ nghèo, cận nghèo phát sinh theo chuẩn mới tại 4 thành phố nêu trên khoảng 38.000 hộ đang được Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích khẩn trương hỗ trợ và dự kiến đến thời điểm ngừng phát sóng truyền hình tương tự thì hầu hết các hộ gia đình sẽ được lắp đặt đầu thu truyền hình số mặt đất (STB). Số lượng hộ nghèo, cận nghèo phát sinh theo chuẩn mới tại địa bàn của 19 tỉnh lân cận 136.357 hộ sẽ được Bộ TT&TT sớm thực hiện hỗ trợ trong thời gian tới.

 Về tỷ lệ thu xem truyền hình tương tự mặt đất, theo Ban Chỉ đạo, khi triển khai ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất tại 4 thành phố trực thuộc trung ương còn ảnh hưởng tới địa bàn của 19 tỉnh lân cận. 23 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương này có dân số chiếm tới 50% dân số của cả nước. Do đó, có thể thấy rằng việc ngừng phủ sóng truyền hình tương tự mặt đất theo giai đoạn 1 có ý nghĩa rất quan trọng.

 Theo kết quả điều tra, tỷ lệ hộ gia đình thu xem truyền hình tương tự mặt đất tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương vào tháng 4/2016, tại Hà Nội là 10,7%, Hải Phòng là 10%; Cần Thơ là 27,9%; thành phố Hồ Chí Minh là 3,9%.

Theo số liệu báo cáo chưa đầy đủ từ các doanh nghiệp kinh doanh thiết bị thu DVB-T2, từ 5/2016 đến nay, tại Hà Nội đã bán ra 149.437 TV DVB-T2 và STB DVB-T2 (trong đó có 90.310 TV, 59.127 STB), Hải Phòng: 36.855 (trong đó có 36.676 TV, 179 STB), Cần Thơ: 81.760 (trong đó có 36.676 TV, 52.638 STB); thành phố Hồ Chí Minh: 139.436 ( trong đó có 98.127 TV, 41.309 STB). Tổng số lượng thiết bị thu bán ra tại các tỉnh là 271.817 STB và 116.480 TV DVB-T2.

  Như vậy, sau khi trừ số lượng đầu thu mà Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích hoàn thành việc hỗ trợ STB cho các hộ nghèo, cận nghèo tại các tỉnh, thành phố, và số lượng STB đã bán ra tại thị trường các thành phố này, tỷ lệ số hộ chỉ thu xem truyền hình tương tự mặt đất tại Hà Nội còn khoảng 4,08%, Hải Phòng: 2%, Cần Thơ: 3,62%, thành phố Hồ Chí Minh: 2%.

 Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn - Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình tại Việt Nam, nhấn mạnh việc ngừng phát sóng truyền hình tương tự phải đảm bảo đúng thời gian đã đề ra. Việc ngừng phát sóng phải phục vụ tối đa cho người dân, đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu, ảnh hưởng thấp nhất đến người dân. Bộ trưởng yêu cầu, các cơ quan của Bộ TT&TT gồm Cục Tần số vô tuyến điện, Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử phối hợp với các Đài phát thanh truyền hình đẩy mạnh tuyên truyền về số hóa, đặc biệt tuyên truyền trên các kênh truyền hình của 4 thành phố, các đài phát thanh của huyện, xã phường trung ương để người dân nhận thức và chủ động chuyển đổi.

 Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng chỉ đạo Cục Viễn thông thực hiện nhắn tin tuyên truyền về việc ngừng phát sóng analog qua điện thoại. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, Đài Phát thanh và Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh, Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng, Đài Phát thanh và Truyền hình  Cần Thơ thực hiện quyết định ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất của Ban Chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam. Các công ty truyền dẫn phát sóng Đồng bằng Sông Hồng RTB, SCTV phối hợp với 4 thành phố rà soát đảm bảo chất lượng phủ sóng tại 4 thành phố này. 

 Khi ngừng phát sóng analog cũng sẽ có những ảnh hưởng nhất định, Bộ trưởng yêu cầu Ban Chỉ đạo phải có chính sách hỗ trợ các vùng phụ cận bị ảnh hưởng, các đơn vị thuộc bộ, các Sở TT&TT của 4 thành phố tích cực điều chỉnh để hỗ trợ kịp thời cho các hộ nghèo, cận nghèo tích cực nhất để người dân tiếp tục được xem các chương trình truyền hình.

 Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng yêu cầu thành lập Đoàn công tác để kịp thời giải quyết các ảnh hưởng sau khi tắt sóng. Đối với các thành viên thuộc Ban Chỉ đạo như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ trưởng đề nghị phối hợp, nhất là về việc áp thuế đối với các sản phẩm đầu thu số STB DVB-T2 để đẩy nhanh số hóa truyền hình mặt đất, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến người dân.                                                                                                

Chiều cùng ngày, Ban Chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam đã tổ chức họp báo công bố ngừng phát sóng chính thức truyền hình tương tự mặt đất tại Hà Nội, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ. 

Theo Quyết định số 2451/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020, 5 thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Hồ Chí Minh, Cần Thơ và Đà Nẵng phải hoàn thành số hóa truyền hình mặt đất và ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất trước ngày 31/12/2015.

Khi triển khai thực tế Đề án số hóa, Ban Chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam đã nhận thấy một số khó khăn phát sinh ở cả phần phát truyền hình số mặt đất và phần hỗ trợ đầu thu truyền hình số cho các hộ gia đình nghèo, cận nghèo theo quy định. Vì vậy, Ban Chỉ đạo đã quyết định lựa chọn Đà Nẵng là thành phố triển khai thí điểm ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất trước ngày 31/12/2015, và lùi thời điểm ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất tại 4 thành phố gồm Hà Nội, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ tới ngày 15/8/2016 để đảm bảo các công tác chuẩn bị cho việc phủ sóng truyền hình số mặt đất được tốt hơn.

 Trên thực tế, Đà Nẵng đã hoàn thành số hóa truyền hình mặt đất và ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất từ ngày 01/11/2015. Ban Chỉ đạo Đề án Số hóa truyền hình Việt Nam chỉ đạo 4 thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương triển khai. Đến nay, trên địa bàn 4 thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Hồ Chí Minh và Cần Thơ đã được phủ sóng truyền hình số mặt đất, các kênh chương trình truyền hình của VTV, Hà Nội, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ đã được phát sóng trên hệ thống truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất của Đài truyền hình Việt Nam, Công ty Cổ phần Truyền dẫn phát sóng đồng bằng Sông Hồng (RTB), Công ty TNHH truyền hình kĩ thuật số Miền Nam (SDTV). Số lượng kênh chương trình truyền hình miễn phí mà người dân có thể thu xem lên tới 70 kênh, trong đó có 06 kênh chương trình HD (gồm VTV1, VTV3, VTV5, VTV6, VTV7, VTV9). Tại Hà Nội, Hải Phòng có thể thu xem 45 kênh SD, tại thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ: 65 kênh SD.

 Hiện tại, đại bộ phận người thu xem truyền hình tương tự mặt đất tại các thành phố này đã chuyển đổi sang thu xem truyền hình số mặt đất. Hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn trung ương tại 4 thành phố và địa bàn bị ảnh hưởng của 19 tỉnh lân cận đã được hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất. Tổng số hộ nghèo, cận nghèo đã được hỗ trợ là 413.542 hộ.

Phát biểu tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm thông báo: “Ban Chỉ đạo Đề án Số hóa truyền hình Việt Nam đánh giá việc số hóa truyền hình mặt đất tại địa bàn Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, thành phố Hồ Chí Minh và việc hỗ trợ đầu thu truyền hình số cho các hộ nghèo, cận nghèo cơ bản đã hoàn thành, đã đáp ứng đủ điều kiện để ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất theo Quyết định 2451/QĐ-TTg. Vì vậy, Ban chỉ đạo quyết định từ 24h00 ngày 15/8/2016 sẽ ngừng phát sóng toàn bộ các kênh truyền hình tương tự mặt đất tại địa bàn 4 thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Hồ Chí Minh, Cần Thơ (các kênh chương trình truyền hình này đã được phát trên hệ thống truyền hình số mặt đất)”. 

Tại buổi họp báo, Ban Chỉ đạo Đề án Số hóa truyền hình Việt Nam đã trả lời và giải đáp các câu hỏi của nhiều báo, đài về công tác chuẩn bị, triển khai và những tác động của việc tắt sóng truyền hình tương tự mặt đất tại Hà Nội, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ./.