Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Thăm làng Vũ Đại

Lịch sử - Văn hóa Di tích lịch sử - văn hóa  
Thăm làng Vũ Đại
Làng Đại Hoàng được nhiều người biết đến như nguyên mẫu “làng Vũ Đại” vốn nổi tiếng qua tác phẩm văn học của nhà văn Nam Cao: “Chí Phèo”, “Lão Hạc” và “Sống mòn”. Không chỉ có vậy, nơi đây còn được biết đến như là vùng đất có nhiều đặc sản như hồng Nhân Hậu, chuối ngự Đại Hoàng, cá kho. Trải qua thời gian với nhiều đổi thay, làng Vũ Đại nay vẫn là nơi có nhiều nét đẹp, sự bí ẩn khiến nhiều du khách xa gần muốn về tìm hiểu và khám phá.

Làng Đại Hoàng được nhiều người biết đến như nguyên mẫu “làng Vũ Đại” vốn nổi tiếng qua tác phẩm văn học của nhà văn Nam Cao: “Chí Phèo”, “Lão Hạc” và “Sống mòn”. Không chỉ có vậy, nơi đây còn được biết đến như là vùng đất có nhiều đặc sản như hồng Nhân Hậu, chuối ngự Đại Hoàng, cá kho. Trải qua thời gian với nhiều đổi thay, làng Vũ Đại nay vẫn là nơi có nhiều nét đẹp, sự bí ẩn khiến nhiều du khách xa gần muốn về tìm hiểu và khám phá.

Nhớ nhà văn Nam Cao

Nếu ai nói về nguyên mẫu của một ngôi làng mang đậm nét dân dã của một làng quê thuần nông Việt Nam qua các tác phẩm văn học, nhiều người sẽ nhắc ngay đến làng Đại Hoàng, bởi chỉ một ngôi làng nhỏ thuần nông nghèo khó nằm sát dòng Châu Giang quanh năm nước chảy êm đềm nhưng đã được nhà văn Nam Cao ba lần lấy làm hình mẫu cho các tác phẩm văn học nổi tiếng như Chí Phèo, Sống mòn, Lão Hạc.

Điều ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi theo chân một đoàn du khách nước ngoài về thăm làng Vũ Đại chính là vẻ yên bình mang đậm hồn quê ở nơi đây. Vẫn những con đường ngoằn nghèo uốn lượn như những dải lụa. Vẫn còn đây cây đa, giếng nước, sân đình. Hai bên đường những hàng chuối ngự xanh tốt với những chùm quả chín vàng như mời gọi. Những cô gái tuổi trăng tròn e ấp bên những khung cửi, những dải lụa trắng ngần mềm mại khẽ bay trong ánh nắng ban mai cùng cơn gió nhẹ thổi.

Dẫn chúng tôi đến thăm nhà cụ Bá Kiến, ông Trần Đức Huy, Bí thư Đảng uỷ xã Hoà Hậu chỉ tay tới một ngôi nhà cổ thâm trầm lặng lẽ, ẩn mình trong vườn chuối ngự cho biết: “Ngôi nhà nguyên mẫu nhà cụ Bá Kiến này vừa được UBND tỉnh Hà Nam mua với giá 700 triệu đồng để bảo tồn. Chủ nhân ngôi nhà này trước đây là cụ Trần Duy Bính, người từng làm lý tưởng rồi chánh hội đồng kỳ hào rồi chánh tổng”.

Lý lịch của cụ Chánh Bính làng Đại Hoàng không khác gì so với cụ Bá Kiến trong tác phẩm Chí Phèo.

Dẫn chúng tôi đi quanh vườn nhà cụ Bá, ông Huy mời chúng tôi thưởng thức nải chuối ngự chín vàng. Vỏ chuối mỏng và vị thơm rất lạ, ăn rồi vẫn thấy vị ngọt ở đầu lưỡi. Chuối ngự Đại Hoàng rất ngon, quả nhỏ xinh như quả cau, chín vàng như nghệ. Đây là giống chuối ngon nổi tiếng từng được dâng để vua thưởng lãm, do vậy còn gọi là chuối “tiến Vua”.

Khu tưởng niệm nhà văn Nam Cao lúc nào cũng thu hút đông đảo du khách. Đến thăm khu tưởng niệm, chứng kiến nhiều hiện vật của nhà văn, giúp ta hiểu hơn về cuộc sống của ông. Nhà văn như hiện hình qua từng tác phẩm văn học được xếp ngay ngắn. Trên chiếc bàn lưu niệm, du khách nào cũng muốn để lại cảm nghĩ của mình khi đến nơi đây.

Xuất ngoại cá kho

Nhiều du khách đến thăm làng Vũ Đại không chỉ để tưởng nhớ nhà văn Nam Cao và chứng kiến nhiều nguyên mẫu trong các tác phẩm của ông mà còn để thưởng thức món cá kho truyền thống - vốn là đặc sản của mảnh đất này.

Cá kho vốn là món ăn dân dã của người Việt Nam, ở nơi đâu trên đất nước cũng đều có món cá kho nhưng cá kho làng Vũ Đại có vị thơm ngon khác lạ hơn cả, dù để mười ngày không cần tủ lạnh cá kho Vũ Đại vẫn dậy mùi thơm ngon.

Theo lời ông Trần Xuân Thực - một chủ cơ sở sản xuất cá kho có tiếng ở làng Vũ Đại cho biết, trước đây người dân sống chủ yếu bằng nghề nông và dệt vải. Có lẽ vì vậy mà cá kho trở thành món ăn chính quanh năm và không thể thiếu trong mâm cơm tất niên. Trải qua thời gian, cá kho không khác xưa là mấy. Tuy giờ không còn là món chính trong bữa cơm như trước nhưng lại thành đặc sản của vùng được nhiều người biết đến.

Ở nơi đây luôn có 5 đến 6 cơ sở kho cá chuyên nghiệp. Mới sáng sớm nhưng gia đình anh Thực đã nổi lửa kho cá. Theo anh Thực bây giờ mỗi ngày gia đình anh xuất hơn trăm nồi cá kho. Đó là vào mùa hạ chứ mùa đông có ngày sáu bảy trăm nồi là bình thường.

Muốn có nồi cá ngon phải qua rất nhiều công đoạn mà công đoạn nào cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo léo. Niêu kho cá phải là niêu đất. Ngon nhất là dùng cá trắm đen, loại nặng tối thiểu 3 kg. Cá khi kho vẫn giữ nguyên vảy, bỏ đầu, đuôi, để thật ráo nước rồi mới cho vào niêu ướp gia vị. Ngoài các loại gia vị như riềng, gừng, nước cốt chanh, kẹo đắng, người ta còn cho thêm thịt ba chỉ, nước mắm cua và tuyệt đối kiêng nước lã. Đặc biệt, cá chỉ được kho một lửa, liên tục 10 – 12 giờ, duy trì đều đến khi trong nồi còn khoảng một thìa nước thì bắc khỏi bếp. Vì gắn bó với niêu cá nhiều năm nên người dân ở đây chỉ cần ngửi hương vị cũng có thể biết cá mặn hay nhạt, nghe tiếng sôi trong niêu cũng biết lượng nước trong niêu còn hay ít.

Không hề sử dụng chất bảo quản nhưng cá kho có thể giữ 5 -10 ngày. Đó có thể là nhờ kỹ thuật kho và các gia vị đều là chất liệu tươi, tự nhiên. Nhờ những ưu điểm đó, đặc sản này không chỉ được bán ở Hà Nam mà còn vươn tới Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh… thậm chí còn được xuất sang tận trời Âu. Cũng nhờ vậy mà món ăn thấm đẫm hồn Việt này đã gợi cho những người con dù xa Tổ quốc tới nửa vòng trái đất vẫn dằng dặc nỗi nhớ quê hương, nhớ về cội nguồn của dân tộc.

“Làng Vũ Đại ngày nay đã có nhiều đổi thay, đời sống nhân dân đã khá hơn trước rất nhiều. Chính quyền và nhân dân xã Hoà Hậu tự lâu đã ấp ủ dự định biến làng Vũ Đại trở thành điểm du lịch sinh thái, là một điểm đến của du lịch Hà Nam - Ông Trần Khắc Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Hoà Hậu cho biết.

Chia tay làng Vũ Đại, chúng tôi vẫn còn lưu luyến nhiều điều. Hy vọng trong tương lai không xa, dự án xây dựng Làng Vũ Đại thành làng văn hoá du lịch sẽ trở thành hiện thực, để mảnh đất có nhiều giá trị văn hoá và lịch sử này sẽ phát huy được thế mạnh để phát triển, là điểm đến của đông đảo du khách trong và ngoài nước./.