Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Tiềm năng du lịch của Hà Nam

Các ngành kinh tế Dịch vụ - Du lịch  
Tiềm năng du lịch của Hà Nam

Hà Nam với dân số 813.978 người, có hơn 80% diện tích là đồng bằng, còn lại là đồi núi. Thiên nhiên và lịch sử đã ưu ái ban tặng cho Hà Nam nhiều tài nguyên du lịch. Cách thủ đô Hà Nội gần 60km về phía nam, Hà Nam nằm trên trục giao thông Bắc - Nam, có hệ thống đường sắt, đường bộ, đường thuỷ rất thuận tiện. Tỉnh tiếp giáp với các khu du lịch lân cận như Tam Cốc Bích Động thuộc Ninh Bình, chùa Hương của Hà Tây, Phủ Giầy, đền Bảo Lộc và khu nghỉ mát Thịnh Long của Nam Định với bán kính không lớn. Đó là những điều kiện thuận lợi cho việc phát triển ngành du lịch của tỉnh. Nguồn tài nguyên du lịch cũng khá đa dạng, phong phú bao gồm:

  • Khu du lịch Bát Cảnh Sơn
    Tài nguyên du lịch tự nhiên phần lớn đều thuộc 2 huyện Thanh Liêm và Kim Bảng. Đó là các hang động castơ ở vùng núi đá vôi với những hình thù lạ mắt, lấp lánh nhiều màu sắc của nhũ đá tự nhiên, như đưa du khách đến nơi tiên cảnh. Hầu như các dãy núi này nằm bên sông tạo ra khung cảnh nên thơ, sơn thuỷ hữu tình. Tiêu biểu như Ngũ Động Thi Sơn, hang Luồn, hang Dơi, động Vồng, khu Bát cảnh tiên, Hồ Tam Chúc…
  • Đền Trần Thương
    Tài nguyên du lịch nhân văn: Đó là các di tích lịch sử văn hoá, các làng nghề truyền thống tiêu biểu như Đền Trần Thương, đình Văn Xá, đình Thọ Chương  (Lý Nhân); Chùa Long Đọi Sơn, đền Lảnh Giang, đình Lũng Xuyên (Duy Tiên); Chùa bà Đanh, đền Trúc, đền Bà Lê Chân (Kim Bảng); Chùa Châu, Chùa Tiên, khu di tích Đinh Lê, khu văn hoá Liễu Đôi  (Thanh Liêm); Nhà từ đường Nguyễn Khuyến, đình Cổ Viễn, đình Bồ Đề (Bình Lục)…
  • Theu ren ở Thanh Hà
    Làng nghề của Hà Nam đang được chính quyền quan tâm, đầu tư để phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, bên cạnh đó sẽ thu hút được khách du lịch. Ngành đang chú trọng khôi phục, phát triển các làng nghề nổi tiếng như: Làng thêu An Hoà (Thanh Liêm), Làng dệt lụa Nha Xá (Duy Tiên), Làng sừng Đô Hai (Bình Lục), Làng đan mây tre (Hoàng Đông - Duy Tiên)... Các làng nghề được đưa vào các tour du lịch còn tạo điều kiện cho người lao động có công ăn việc làm, duy trì truyền thống, lôi cuốn lớp trẻ chọn và kế tục nghề nghiệp của cha ông. Tại đây, du khách cũng sẽ được hướng dẫn để có dịp trực tiếp tham gia làm sản phẩm, ghi dấu một kỉ niệm đẹp cho chuyến đi của mình.

Trong chiến lược phát triển du lịch Hà Nam thời kỳ 1998 - 2010, ngành đã xác định Hà Nam là vùng phụ cận của du lịch Hà Nội, điểm du lịch trên tuyến du lịch xuyên Việt. Với tiềm năng như vậy, nếu được đầu tư thích đáng chắc chắn du lịch Hà Nam sẽ phát triển và tạo ra nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn như du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tham quan lễ hội tín ngưỡng, văn hoá thể thao,…

Trước những năm 1997, các hoạt động du lịch ở khu vực Hà Nam hầu  như chưa được phát triển, nguồn tài nguyên chưa được đầu tư khai thác, tất cả còn nằm ở dạng tiềm năng. Chỉ có 2 cơ sở lưu trú, trong đó Khách sạn Hoà Bình quy mô khoảng 30 phòng ngủ, chủ yếu là dịch vụ lưu trú để phục vụ các chuyên gia nước ngoài công tác tại tỉnh.

Từ khi tỉnh được tái lập, công tác quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn tỉnh đã được tiến hành xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Hà Nam thời kỳ 1998 - 2010 và các quy hoạch chi tiết ở các điểm du lịch như: khu du lịch Ngũ Động Sơn, Hồ Tam Chúc, đền Trần Thương,… Đó là cơ sở định hướng cho việc quản lý khai thác nguồn tài nguyên du lịch của tỉnh. Các hoạt động kinh doanh du lịch từng bước đã đi vào nề nếp và phát triển theo đúng các quy định của nhà nước. Hiện nay Sở Thương mại - Du lịch Hà Nam đang tiến hành triển khai thực hiện một số dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển du lịch, đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá du lịch nhằm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào khai thác tài nguyên du lịch của Hà Nam.

Các hoạt động kinh doanh du lịch của Hà Nam từ năm 1997 đến nay không ngừng được phát triển, đến nay đã có 20 đơn vị, tổ chức cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn toàn tỉnh với các dịch vụ như kinh doanh lưu trú, dịch vụ ăn uống giải khát, dịch vụ lữ hành nội địa, vật lý trị liệu,... Về cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành cũng được tăng nhanh, nhưng chủ yếu tập trung vào dịch vụ lưu trú, ăn uống. Năm 1997 có 2 cơ sở lưu trú với 42 phòng ngủ, đến năm 2002 có 16 cơ sở lưu trú, với tổng số 280 phòng ngủ trong đó có 20 phòng đủ tiêu chuẩn đón khách quốc tế. Lực lượng lao động phục vụ cho du lịch đã được bổ sung. Năm 1997 số lao động trong ngành du lịch có khoảng 150 người, năm 2003 đã có khoảng trên 450 người. Trong thời gian tới, con số này sẽ tăng kể cả về số lượng lẫn chất lượng, đáp ứng nhu cầu về chất lượng phục vụ trong các đơn vị kinh doanh du lịch hiện nay.

Các loại hình kinh doanh du lịch Hà Nam trong những năm gần đây đã được mở rộng với nhiều các loại hình dịch vụ phục vụ khách du lịch bao gồm: du lịch tham quan nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch lễ hội, kinh doanh lữ hành, du lịch làng nghề,… Nhìn chung các hình thức kinh doanh du lịch ở Hà Nam đang từng bước được đầu tư để nâng cao chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của du khách.

Khách du lịch đến Hà Nam tăng khoảng 12,8%/năm, bao gồm khách nội địa và khách quốc tế. Nguồn khách nội địa chủ yếu từ Hà Nội và các tỉnh lân cận đến Hà Nam tham quan, dự lễ hội và kết hợp công tác. Khách quốc tế đến với Hà Nam từ nhiều quốc gia khác nhau, chủ yếu là khách trên tuyến du lịch xuyên Việt bằng đường bộ. Theo số liệu thống kê thì số lượng khách năm 1997 là 12.000 lượt, đến năm 2003 đã tăng gấp hơn 2 lần. Trong đó, khách nội địa năm 1997 có 10.800 lượt và đến năm 2003 số lượt khách cũng tăng gấp hơn 2 lần.

Trong những năm tới, tỉnh tập trung chỉ đạo đầu tư xây dựng và kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào nhiều dự án du lịch của tỉnh.