Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Tin tức, sự kiện nổi bật trong lĩnh vực GTVT

Các sở ban ngành Sở Giao thông Vận tải  
Tin tức, sự kiện nổi bật trong lĩnh vực GTVT
1. Lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông

- Dự án xây dựng nút giao thông Đồng Văn:

+ Mục tiêu: Giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông và chỉnh trang đô thị.

+ Quy mô dự án: Dự án gồm 3 hạng mục:

Hạng mục mở rộng QL1A đoạn Đồng Văn-Phủ Lý: Mở rộng QL1A đoạn Đồng Văn-Phủ Lý từ 2 lên 4 làn xe, có giải phân cách giữa.

Hạng mục nút giao thông giữa QL38 với QL1A và đường sắt Bắc Nam: gồm cầu chính vượt trực thông theo hướng QL38, 2 nhánh tách làm 2 hướng QL1-Yên Lệnh và hướng Yên Lệnh-Hà Nội.

Hạng mục cầu Nhật Tựu và đường dẫn 2 đầu cầu: Xây dựng cầu vĩnh cửu bằng BTCT và BTDƯL vượt sông Nhuệ và tuyến 2 đầu cầu nối vào nút giao Đồng Văn (cải nắn tuyến cũ).

+ Tổng mức đầu tư 597 tỷ đồng.

+ Thời điểm hoàn thành dự án: Dự kiến năm 2009.

- Dự án xây dựng tuyến đường ĐT 499 nối Hà Nam-Thái Bình:

+ Mục tiêu: Nối Hà Nam, Thái Bình và các tỉnh Nam đồng bằng sông Hồng với đường cao tốc Bắc Nam.

+ Quy mô dự án: Xây dựng mới tuyến đường bộ 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ, có dải phân cách giữa. Điểm đầu: Nút giao Liêm Tuyền thuộc đường cao tốc cầu Giẽ-Ninh Bình. Điểm cuối: Km141+200 đê Hữu sông Hồng. Chiều dài toàn tuyến 19,25km.  

+ Tổng mức đầu tư dự án 1.171 tỷ đồng.

+ Thời điểm thực hiện dự án: Dự kiến khởi công năm 2009 theo hình thức BT.

- Dự án đầu tư xây dựng các tuyến đường vành đai kinh tế tỉnh Hà Nam

+ Mục tiêu: Đáp ứng cho nhu cầu vận tải, phát triển các khu đô thị, khu công nghiệp.

+ Quy mô dự án: Tuyến đường nối QL 1A với đường cao tốc gồm 3 đoạn tuyến:

- Tuyến nối QL1A với đường cao tốc tại nút giao Chằm Thị, quy mô đường đô thị. Mặt cắt ngang B=65,5m. Chiều dài tuyến 4,05km.

- Tuyến nối QL1A với đường cao tốc tại nút giao Liêm Sơn, quy mô đường đô thị, mặt cắt ngang B=48,0m. Chiều dài tuyến 6,21km.

- ĐT 498: Điểm đầu nối cầu Khả Phong, điểm cuối nối QL38 đi cầu Nhật Tựu, mặt cắt ngang từ 33-48m. Chiều dài tuyến 9,01km.

+ Tổng mức đầu tư 3 tuyến là 1.275 tỷ đồng

+ Thời điểm khởi công: Dự kiến khởi công năm 2009 theo hình thức BT.

2. Lĩnh vực vận tải

Ngày 11 tháng 6 năm 2008, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam đã ban hành Quyết định số 663/QĐ-UBND phê duyệt Đề án phát triển vận chuyển khách bằng xe buýt nội tỉnh. Theo đề án được phê duyệt trong giai đoạn từ 2008-2010 toàn tỉnh có 07 tuyến xe buýt sau:

+ Tuyến số 01: Bến xe Phủ Lý-Như Trác(Lý Nhân)

+ Tuyến số 02: Bến xe Phủ Lý- Bến xe Đục Khê(Hà Tây)

+ Tuyến số 03: Bến xe Hòa Mạc- Bến xe Đục Khê(Hà Tây)

+ Tuyến số 04: Bến xe Vĩnh Trụ-Thị trấn Lâm(Ý Yên - Nam Định)

+ Tuyến số 05: Bến xe Phủ Lý-Thành phố Nam Định

+ Tuyến số 06: Bến xe Phủ Lý-Bến xe Ninh Bình

+ Tuyến số 07: Bến xe Vĩnh Trụ-Thành phố Nam Định.

Hiện đã công bố hoạt động 02 tuyến: Tuyến số 01 Bến xe Phủ Lý-Như Trác của Công ty cổ phần vận tải ô tô Hà Nam; Tuyến số 05 Bến xe Phủ Lý- Thành phố Nam Định của Công ty TNHH Taxi Nam Định. Các tuyến còn lại tất cả các doanh nghiệp, tổ chức có đủ năng lực đều được tham gia đầu tư và khai thác.

3. Lĩnh vực quản lý phương tiện, người lại

+ Quy định về gia hạn thời gian đổi bằng, chứng chỉ chuyên môn phương tiện thủy nội địa:

Bộ GTVT có văn bản số 1140/BGTVT ngày 28 tháng 02 năm 2008; Cục Đường sông Việt Nam có văn bản số 283/CĐS-TCCB ngày 12 tháng 3 năm 2008 gia hạn thời gian đổi bằng, chứng chỉ chuyên môn phương tiện thủy nội địa đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2008. Sau thời hạn trên, mọi đối tượng phải qua thi, kiểm tra nếu đạt mới cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn theo Quyết định số 36/2004/QĐ-BGTVT ngày 23 tháng 12 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ GTVT.

+ Quy định về đình chỉ lưu hành xe công nông, xe tự chế 3, 4 bánh, xe cơ giới  3 bánh dùng làm phương tiện đi lại của thương binh, người tàn tật:

 Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông; Nghị quyết số 05/2008/NQ-CP ngày 04 tháng 02 năm 2008 của Chính phủ, trong đó quy định từ ngày 01 tháng 01 năm 2008, đình chỉ lưu hành xe công nông, xe tự chế 3, 4 bánh; Đối với xe cơ giới 3 bánh dùng làm phương tiện đi lại của thương binh, người tàn tật (không chở thêm người và hàng hóa) không có đăng ký và biển số chỉ được phép lưu hành đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2008.

4. Lĩnh vực quản lý kết cấu hạ tầng giao thông

Quyết định 1856/QĐ-TTg ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, trong đó quy định:

a) Đối với đường bộ:

+ Giai đoạn 1: Từ đầu năm đến hết quý II năm 2008 thực hiện rà soát, thống kê, giải toả các vi phạm hành lang ATGT đường bộ trên QL1 trong phạm vi đã đền bù giải tỏa 5m-7m và các công trình lều lán, quán bán hàng, biển hiệu, biển quảng cáo ảnh hưởng đến ATGT. Thực hiện thí điểm 4 đoạn tuyến dọc QL1A: Hà Nội - Ninh Bình, Vinh - Huế, Đà Nẵng - Nha Trang, Ninh Thuận - TP Hồ Chí Minh.

+ Giai đoạn 2: Từ quý III năm 2008 đến năm 2010: Tổng kết rút kinh nghiệm việc giải tỏa thí điểm 04 đoạn tuyến trên QL1 của giai đoạn I và triển khai toàn tuyến QL1 cho giai đoạn tiếp theo; hoàn thành việc lập quy hoạch tổng thể các vị trí đấu nối vào quốc lộ, hệ thống đường gom đến năm 2010, thỏa thuận với Bộ GTVT; thực hiện giải tỏa các vi phạm hành lang an toàn đường bộ trong phạm vi 5m-7m đã được đền bù xử lý trên tất cả các tuyến quốc lộ và hoàn thành cơ bản việc xóa bỏ các đường đấu nối trái phép vào quốc lộ.

+ Giai đoạn III: Từ năm 2010 đến năm 2020: Đền bù, giải tỏa xong hành lang an toàn đường bộ, các công trình ảnh hưởng đến an toàn đường bộ trên toàn quốc theo Luật Giao thông đường bộ và Nghị định số 186/2004/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2004 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; hoàn thành cắm đầy đủ mốc lộ giới trên tất cả các tuyến quốc lộ bàn giao cho địa phương quản lý.

 b) Đối với đường sắt:

+ Giai đoạn I: Từ đầu năm đến hết năm 2008: Tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng tình hình vi phạm hành lang an toàn đường sắt và đề xuất các phương án giải quyết; vận động các tổ chức, cá nhân tự giác tháo dỡ các công trình xây dựng trái phép trong hành lang an toàn đường sắt; cải tạo nâng cấp các đường ngang hiện có và bổ sung mới các đường ngang.

+ Giai đoạn II: Từ năm 2009 đến hết năm 2010: Lập quy hoạch tổng thể các vị trí giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, hệ thống đường gom thỏa thuận với Bộ GTVT trước tháng 12 năm 2009; tổ chức cưỡng chế giải tỏa các công trình vi phạm hành lang an toàn đường sắt đã được đền bù, công trình tái lấn chiếm; cắm đầy đủ mốc giới hạn hành lang an toàn đường sắt trên tất cả các tuyến bàn giao cho các địa phương quản lý; xây dựng các tường rào hộ lan, hàng rào bảo vệ hành lang, lập đường gom rào cách ly ATGT đường sắt; xây dựng các đường ngang, cầu vượt, hầm chui mới;

+ Giai đoạn III: Từ năm 2011 đến năm 2020: Xây dựng cầu vượt giao cắt lập thể tại những điểm giao cắt giữa đường sắt và quốc lộ.

Tin liên quan