Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Tóm tắt quy chế bảo vệ môi trường tỉnh Hà Nam

Các ngành kinh tế Tài nguyên - Môi trường  
Tóm tắt quy chế bảo vệ môi trường tỉnh Hà Nam

  (Ban hành theo Quyết định số: 814/QĐ- UB ngày 24 tháng 7 năm 2002 của UBND tỉnh Hà Nam)

1. Quy định chung

Quy chế được áp dụng trên địa bàn tỉnh Hà Nam với mọi cá nhân và tập thể đang sống, làm việc trên địa bàn của tỉnh có liên quan đến môi trường. Quy chế không nêu chi tiết các quy định của các ngành và tiêu chuẩn chất lượng mỗi ngày trên địa bàn tỉnh được quy định riêng.

2. Tổ chức quản lý công tác bảo vệ môi trường

2.1.UBND tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường (BVMT) trên địa bàn tỉnh Hà Nam:

Ban hành theo thẩm quyền các văn bản cũng như chỉ đạo và kiểm tra công tác về bảo vệ môi trường trên địa phương. Phân phối với các cơ quan Trung ương về thanh, kiểm tra, xử lý các vi phạm pháp luật về BVMT. Chuyển đến cơ quan có thẩm quyền về giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và kiến nghị về BVMT cũng như quản lý các nguồn thu và sử dụng phí, lệ phí BVMT.

2.2. Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường giúp UBND tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh theo nội dung sau:

  • Xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật BVMT trình UBND tỉnh phê duyệt.
  • Tổ chức thanh, kiểm tra, giải quyết các đơn thư kiến nghị, khiếu nại về môi trường. Xử lý các vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường tại địa phương.
  • Hàng năm lập báo cáo đánh giá hiện trạng môi trường trình UBND tỉnh và Bộ KHCN&MT.
  • Là cơ quan thường trực hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường cho các dự án, cơ sở đang SXKD, các hợp đồng chuyển giao công nghệ trên địa bàn.
  • Cấp và thu hồi các loại giấy phép liên quan đến lĩnh vực môi trường theo thẩm quyền.- Phân phối các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị, các tổ chức xã hội, các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền, phổ biến kiến thức về bảo vệ môi trường cho nhân dân.

2.3. Các sở, ban, ngành, các tổ chức đoàn thể trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hành của mình có trách nhiệm chỉ đạo và phối hợp với Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường kiểm tra việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường trong phạm vi ngành mình theo các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

3. Phòng chống ô nhiễm và sự cố môi trường

  • Dự án khi thiết lập và trình duyệt về các phương án nâng cấp mở rộng sản xuất, thay đổi địa điểm, thay đổi công nghệ có ảnh hưởng tới môi trường chỉ được thực hiện khi có quy định phê chuẩn báo cáo ĐTM hoặc giấy xác nhận bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường.
  • Các cơ sở đang hoạt động thuộc diện có báo cáo ĐTM phải thực hiện các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, quan trắc môi trường đã nêu trong báo cáo và những yêu cầu đối với chủ cơ sở theo quy định phê chuẩn báo cáo ĐTM.
  • Các đơn vị sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, y tế không thuộc diện lập báo cáo ĐTM phải kê khai các hoạt động ảnh hưởng đến môi trường và có biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
  • Các đơn vị sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc diện quản lý của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các bộ, ngành Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh chịu sự kiểm tra, kiểm soát và bảo vệ môi trường của cơ quan quản lý môi trường.

3.1. Tất cả các chủ phương tiện tham gia giao thông khi lưu hành không được xả, thải các chất gây ô nhiễm môi trường như đất, dầu mỡ, hoá chất, tiếng ồn... vượt quá tiêu chuẩn cho phép.

3.2. Việc sản xuất kinh doanh tàng trữ vận chuyển thuốc bảo vệ thực vật các tổ chức và cá nhân phải tuân thủ quy định của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và thực hiện đúng các quy định kỹ thuật, không làm mất cân bằng sinh thái môi trường. Nghiêm cấm việc kinh doanh và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục Nhà nước cấm sử dụng, thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu, quá hạn sử dụng hoặc mất tem nhãn hàng hoá. Các tổ chức cá nhân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi sản xuất, buôn bán trái quy định và chịu trách nhiệm về kinh tế để tiêu huỷ một số thuốc đã bị thu giữ. Việc quản lý, vận chuyển và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp phải được thực hiện theo nghị định 27/CP ngày 20 tháng 4 năm 1995 của Chính phủ.

3.3. Tổ chức cá nhân sử dụng, lưu giữ, vận chuyển các chất phóng xạ, các chất bức xạ phải thực hiện đúng Pháp lệnh An toàn và kiểm tra bức xạ ngày 25 tháng 6 năm 1996 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội và Nghị định số 50/1998/NĐ-CP ngày 16 tháng 7 năm 1998 của Chính phủ quy định chi tiết việc thi hành pháp lệnh An toàn và kiểm tra bức xạ.

3.4. Mọi hoạt động thăm dò và khai thác tài nguyên khoáng sản của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Hà Nam phải tuân thủ các quy định của Luật Khoáng sản và Nghị định số 76/2000/NĐCP ngày 15/12/2000 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Khoáng sản.

3.5. Nghiêm cấm việc xâm nhập đến các di tích lịch sử, khu du lịch (bao gồm cả hành lang khu đệm) được nhà nước và cơ quan chức năng quản lý.

3.6. Mọi tổ chức cá nhân phải chấp hành nghiêm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, phòng chống cháy rừng. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân bảo vệ, tái sinh rừng. Nghiêm cấm việc săn bắt, buôn bán động vật hoang dã theo quy định của pháp luật. Nghiêm cấm việc sử dụng điện, hoá chất, vật liệu nổ và các hình thức khai thác có tính huỷ diệt nguồn lợi thuỷ sản.

3.7. Các tổ chức, cá nhân kinh doanh, vận chuyển tàng trữ xăng dầu phải lập kế hoạch phòng chống cháy nổ, sự cố tràn dầu. Nếu có lỗi xẩy ra sự cố tràn dầu phải chịu trách nhiệm pháp lý, đền bù các thiệt hại và giải quyết các hậu quả về môi trường.

3.8. Bảo vệ môi trường nông thôn: Việc quản lý, khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên nước và đất phải được phép của cơ quan quản lý tài nguyên. Việc quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương phải gắn liền với việc bảo vệ môi trường theo hướng phát triển bền vững. Nghiêm cấm việc sản xuất gạch ngói, vôi thủ công ảnh hưởng môi trường khu dân cư và sản xuất nông nghiệp.

3.9. Bảo vệ môi trường khu đô thị, khu công nghiệp

Quy hoạch phát triển khu công nghiệp, đô thị phải gắn liền với bảo vệ môi trường và thiết lập báo cáo ĐTM theo quy định. Quy hoạch chỉ được thực hiện sau khi báo cáo ĐTM và các phương án bảo vệ môi trường, xử lý chất thải được thẩm định.
UBND thị xã, thị trấn có kế hoạch di chuyển dần các khu vực dân cư và có kế hoạch tu bổ, trồng mới cây xanh theo quy hoạch tạo cảnh quan môi trường sinh thái đô thị.

Nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, dịch vụ xả nước thải, chất thải công nghiệp chưa qua xử lý hoặc đã xử lý nhưng chưa đạt tiêu chuẩn Việt Nam về môi trường ra xung quanh. Các chất rác sinh hoạt, rác bệnh viện, rác công nghiệp dầu mỡ và các chất thải độc hại phải được phân loại ngay từ đầu nguồn, được vận chuyển và đổ đúng quy định.
Các hoạt động sản xuất, dịch vụ phải được thực hiện và đảm bảo vệ sinh an toàn lao động và phòng chống cháy nổ.

3.10. Ban quản lý các chợ chịu trách nhiệm xây dựng hệ thống vệ sinh công cộng, thu gom chất thải vào đúng nơi quy định.

3.11. Ban quản lý khu công nghiệp của tỉnh phải có trách nhiệm

Tổ chức thực hiện, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân về luật bảo vệ môi trường và các văn bản dưới luật quản lý môi trường khu công nghiệp. Báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước diễn biến về môi trường. Phối hợp với cơ quan quản lý môi trường Trung ương và địa phương thanh, kiểm tra các đơn vị trong khu công nghiệp khi có yêu cầu.

Việc chuyển giao công nghệ thiết bị máy móc, vật tư nhập khẩu phải đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng phù hợp với yêu cầu bảo vệ môi trường.

3.12. Việc quản lý chất thải nguy hại, thu gom vận chuyển tiêu huỷ chất thải y tế, các loại thuốc bảo vệ thực vật có độc tính cao, chuyên chở chôn cất xác động vật, người chết do bệnh dịch nguy hiểm được thực hiện theo quy chế quản lý hoặc cơ quan chuyên ngành có thẩm quyền.

4. Khắc phục sự cố môi trường

4.1. Tổ chức, cá nhân gây ra sự cố môi trường phải nhanh chóng thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường đồng thời phải báo ngay với chính quyền địa phương và Sở Khoa học Công nghệ & Môi trường để phối hợp giải quyết. Mọi chi phí khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại do tổ chức, cá nhân gây ra sự cố môi trường chi trả.

4.2. Khi có sự cố môi trường xảy ra như bão, lũ lụt, hạn hán, cháy nổ… Các tổ chức cá nhân đang sinh sống và làm việc tại địa bàn phải chấp nhận lệnh huy động khẩn cấp của chủ tịch UBND các cấp về nhân lực, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố: cứu người, cứu tài sản…

5. Quản lý và sử dụng nguồn tài chính cho các hoạt động bảo vệ môi trường

5.1. Nguồn tài chính cho các hoạt động BVMT của cơ quan quản lý môi trường được huy động từ

  • Nguồn ngân sách nhà nước cấp hàng năm.
  • Nguồn tài trợ từ các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước .
  • Phí bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh.
  • Tiền thu phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường.
  • Quỹ bảo vệ môi trường ( Khi được UBND tỉnh quyết định)
  • Các nguồn thu khác.

5.2. Quản lý và sử dụng

Nguồn tài chính được thu, chi cho các hoạt động bảo vệ môi trường theo quy định của UBND tỉnh phê duyệt và thực hiện theo đúng nguyên tắc, chế độ quản lý tài chính hiện hành của Nhà nước.

6. Thanh, kiểm tra các hoạt động môi trường

6.1. Tổ chức, cá nhân có các hoạt động ảnh hưởng tới môi trường đều phải chịu sự kiểm tra, thanh tra định kỳ và đột xuất về bảo vệ môi trường.

Thanh tra chuyên ngành về môi trường khi tiến hành thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường có quyền xử lý các quy phạm theo quy định tại Pháp lệnh thanh tra ban ngày 1/4/1999; Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính ban ngày 6/7/1995 và Nghị định 26/CP ngày 26/4/1996 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường.

6.2. Các đơn thư kiến nghị, khiếu nại tố cáo về bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân phải được cơ quan có thẩm quyền xem xét và giải quyết theo quy định của Luật khiếu nại tố cáo.    

6.3. Tổ chức hoặc cá nhân lập báo cáo ĐTM cho đơn vị bị thanh tra không được tham gia đoàn thanh tra và đo đạc, phân tích các thông số môi trường khi tiến hành thanh tra