Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Xây dựng văn hóa giao thông là xây dựng ý thức của người tham gia giao thông

Tin theo lĩnh vực An toàn giao thông  
Xây dựng văn hóa giao thông là xây dựng ý thức của người tham gia giao thông
Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh Hà Nam, năm 2016, toàn tỉnh xảy ra 148 vụ tai nạn giao thông, làm chết 87 người, bị thương 91 người, giảm so với năm 2015. Kết quả này là nhờ các sở, ngành, địa phương đã tập trung nhiều giải pháp tăng cường đảm bảo trật tự ATGT. Một số huyện, thành phố đã quyết liệt trong việc gắn trách nhiệm người người đứng đầu với công tác đảm bảo trật tự ATGT; tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền ban hành nhiều văn bản lãnh đạo đảm bảo trật tự ATGT phù hợp với tình hình thực tiễn. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về  trật tự ATGT có nhiều đổi mới phù hợp với từng địa bàn, đối tượng. Công tác quản lý nhà nước về kinh doanh vận tải, đăng kiểm phương tiện, sát hạch, cấp giấy phép lái xe được siết chặt. Hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm được tăng cường. Công tác cứu hộ, cứu nạn, điều trị nạn nhân tai nạn giao thông được chú trọng, nhất là vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng nhằm giảm thiểu thiệt hại về người.

Tuy nhiên, tai nạn giao thông vẫn luôn là vấn đề nhức nhối của xã hội. Có nhiều nguyên nhân xảy ra tai nạn nhưng có một nguyên nhân sâu xa, đó là sự kém ý thức của người tham gia giao thông. Phân tích nguyên nhân tai nạn cho thấy, có đến trên 85% số vụ tai nạn xuất phát từ lỗi chủ quan của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Trên những nẻo đường, khẩu hiệu vận động chấp hành Luật Giao thông đường bộ, giữ gìn trật tự và đảm bảo ATGT khá nhiều. Các ngành, đoàn thể đề ra nhiều giải pháp tuyên truyền, vận động, thuyết phục để làm hạn chế đến mức thấp nhất số người vi phạm Luật Giao thông đường bộ, số vụ tai nạn, va chạm ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của người tham gia giao thông; quyết liệt xử lý nghiêm minh theo pháp luật những trường hợp vi phạm... nhưng trật tự ATGT  vẫn chưa được đảm bảo. Nhà trường giáo dục ý thức tham gia giao thông cho học sinh, cảnh sát giao thông làm việc không biết mệt mỏi, nhiều cơ sở vật chất được cải tạo, nhưng không ít người muốn tranh thủ đi nhanh, đi trước, bất chấp những cảnh cáo, những qui định của trật tự ATGT… để rồi nhiều hậu quả đau lòng đã xảy ra.

 

Chấp hành tín hiệu đèn giao thông là thể hiện văn hóa giao thông

Văn hóa giao thông hiện nay đang lan toả sâu rộng trong nhân dân. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người tham gia giao thông có nhận thức về văn hóa giao thông nhưng ý thức tự giác còn kém. Trên những tuyến quốc lộ, tỉnh lộ khi có kiểm soát của lực lượng cảnh sát giao thông thì hoạt động giao thông rất trật tự. Thế nhưng, khi vắng bóng lực lượng kiểm tra, mọi chuyện khác hẳn. Tình trạng vượt đèn đỏ, phóng nhanh, lạng lách, đánh võng, sử dụng còi tùy tiện, điều khiển phương tiện đi hàng đôi, hàng ba trên đường, bá vai, đẩy xe khi tan trường, đi không đúng làn đường, đi ngược đường… vẫn còn xảy ra. Không ít người cho đó là chuyện nhỏ, mọi người vẫn làm như vậy có sao đâu, chỉ đến khi gặp tai nạn mới thấu hiểu "sai một ly đi một dặm", chuyện nhỏ dẫn đến tai họa lớn. Nhiều lái xe ô tô cũng ít khi ý thức được rằng tính mạng của nhiều người phụ thuộc vào họ để chú tâm lái xe cẩn thận, an toàn, nên đã xảy ra hiện tượng ngủ gật, lơ đễnh, phóng nhanh, vượt ẩu, lấn phần đường quy định, gây nên những tai nạn chết người. Trong thực tế đã xảy ra nghịch lý, ở những đoạn đường mới nâng cấp rộng rãi, thảm nhựa phẳng phiu vẫn xảy ra tai nạn do người điều khiển phương tiện chủ quan thấy đường vắng đã tăng tốc, chạy ẩu.

Nói đến văn hóa giao thông là nói đến ý thức của người tham gia giao thông. Để có văn hóa trong giao thông trước hết phải thực hiện nghiêm luật lệ đi đường; đồng thời có lòng nhân ái, tính cộng đồng biểu hiện qua việc nhường nhịn nhau khi đi trên đường; khi xảy ra tai nạn, va chạm thì giúp đỡ người bị nạn... Văn hóa giao thông cần được thấm sâu vào nhận thức của mỗi người thông qua công tác tuyên truyền, giáo dục thường xuyên. Hằng năm, 116 xã, phường, thị trấn đều giao trách nhiệm cho các đoàn thể quản lý và chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn cam kết trước chủ tịch UBND huyện, thành phố thực hiện đảm bảo ATGT trên các tuyến đường và không để ùn tắc giao thông trên; đồng loạt ra quân thực hiện các giải pháp được đề ra nhằm đảm bảo trật tự ATGT. Một trong những hoạt động được chú trọng là tăng cường truyền truyền vận động người dân hưởng ứng và thực hiện năm ATGT . Nhiều nơi thực hiện có trọng tâm, trọng điểm để công tác tuyên truyền đạt kết quả tích cực. Trong đó tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, trách nhiệm của các ban, ngành, đoàn thể trong công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức người dân khi tham gia giao thông được triển khai rộng khắp, thường xuyên. Công tác tuyên truyền còn tập trung đến các em học sinh, thanh niên để các em nâng cao ý thức và kiến thức hiểu biết, tránh vi phạm trật tự ATGT qua các hoạt động như “Thanh niên với văn hóa giao thông”, “Thanh niên, học sinh, sinh viên với vấn đề đội mũ bảo hiểm”, “Thanh niên, học sinh, sinh viên với vấn đề đi xe gắn máy khi chưa đủ tuổi”... Lồng ghép sáng tác và biểu diễn các tiểu phẩm tuyên truyền về ATGT; thi tìm hiểu kiến thức về ATGT; xem phim tài liệu, học sinh, sinh viên cam kết thực hiện ATGT; thực hiện các mô hình, công trình thanh niên tham gia bảo đảm trật tự giao thông... Những cách làm trên đã tạo được dư luận tốt, góp phần nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.

Bảo đảm trật tự ATGT đang là công việc cấp bách, không phải là công việc riêng của ngành công an mà là trách nhiệm của toàn xã hội. Cả hệ thống chính trị huy động sức mạnh để thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư về "Tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác bảo đảm trật tự ATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông". Xây dựng con người văn hóa trong giao thông sẽ góp phần hạn chế tai nạn giao thông, đồng thời cũng góp phần tạo ra môi trường giao thông văn minh, thân thiện./.